Việt Nam chối “bắt giữ những người bảo vệ nhân quyền” trước Liên Hiệp Quốc
.
Hôm 22/1/2019, đại diện Bộ Công An Việt Nam phủ nhận trước Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc việc các cơ quan chức năng nước này có bắt giữ và kết án những người bảo vệ nhân quyền và cho rằng chỉ bắt giữ những người vi phạm pháp luật.
Việt Nam vừa trải qua phiên Kiểm định định kỳ phổ quát về nhân quyền (UPR) tại Geneva, Thụy Sĩ, cơ chế này nhằm mục đích cuối cùng là cải thiện tình hình nhân quyền trong thực tế ở các quốc gia.
\”Việt Nam không có cái gọi là gia tăng bắt giữ kết án những người bảo vệ nhân quyền\”
Trả lời bình luận và khuyến nghị về nhân quyền của các quốc gia khác, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Sơn đại diện Bộ Công an Việt Nam khẳng định chính sách không đổi của nước này là tôn trọng quyền con người được pháp luật bảo vệ và ở “Việt Nam không có cái gọi là gia tăng bắt giữ kết án những người bảo vệ nhân quyền các nhà hoạt động chính kiến 1 cách hòa bình như một số ý kiến nêu ra.”
Ông Nguyễn Thanh Sơn hiện đang giữ chức vụ Phó Cục trưởng Cục Đối ngoại Bộ Công an kiêm Phó Chánh văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Nhân quyền.
Ông Sơn tiết lộ, ở Việt Nam hiện có 3 triệu blogger đang hoạt động bình thường, tuy nhiên nói thêm là các hoạt động bày tỏ chính kiến phải luôn tuân thủ theo pháp luật.
“Việc bắt giữ, xét xử các đối tượng vi phạm pháp luật đều tuân thủ quá trình tư pháp chặt chẽ được quy định trong hệ thống luật pháp Việt Nam, bảo đảm nguyên tắc đúng người, đúng tội, công khai minh bạch.
Ở Việt Nam có hệ thống kiểm tra, giám sát chặt chẽ thông qua các hoạt động thanh tra, kiểm tra của các cơ quan như Quốc hội, Viện kiểm sát, Tòa án, Công an và các tổ chức quần chúng. Và đặc biệt là qua phương tiện thông tin đại chúng cùng lực lượng báo chí hoạt động hiệu quả hiện nay ở Việt Nam,” Phó Cục trưởng Cục Đối ngoại Bộ Công an mắt nêu rõ.
Tuy vậy, tổ chức Ân xá Quốc tế hồi tháng 4/2018 công bố danh sách tù nhân lương tâm Việt Nam đang bị giam giữ tính tới thời điểm đó là 97 ngưởi.
“Đây là những con người can đảm đã bị mất đi tự do chỉ vì muốn thúc đẩy nhân quyền,” tổ chức phi chính phủ quốc tế làm việc nhằm giải thoát tất cả tù nhân lương tâm viết.
Chỉ trong năm 2018, có ít nhất 106 người bị bắt và kết án vì các cáo buộc liên quan đến An ninh quốc gia sau khi tham gia các cuộc biểu tình chống Luật Đặc khu và An ninh mạng
Các quốc gia yêu cầu Việt Nam thả tù nhân lương tâm
Có ít nhất 2 quốc gia là Mỹ và Cộng hòa Séc trong phần khuyến nghị của mình yêu cầu chính quyền Việt Nam trả tự do cho tù nhân lương tâm là những nhà bảo vệ nhân quyền.
Trong phần phát biểu đại diện cho Cộng hòa Séc – ông Ludvic Eger khuyến nghị Việt Nam “tạo điều kiện cho đa nguyên chính trị và dân chủ” cũng như “đảm bảo cho công dân toàn quyền bầu cử, ứng cử”, cũng như yêu cầu nước này trả tự do cho tất cả tù nhân lương tâm.
Ông Jason Ross Mack, đại diện cho Mỹ nêu tên 4 tù nhân lương tâm gồm Hồ Đức Hòa, Trần Huỳnh Duy Thức, Trần Thị Nga, Nguyễn Bắc Truyển và các thành viên của Hội Anh em dân chủ với yêu cầu “trả tự do ngay lập tức”.
Mỹ gọi đây là “những người đã bị bắt độc đoán hoặc không phù hợp với pháp luật vì thực hiện các quyền con người của mình”.
Có 14 quốc gia trong phiêm Kiểm định định kỳ phổ quát cho Việt Nam đề cập đến quyền tự do biểu đạt ý kiến trên Internet và khuyến nghị sửa đổi Luật An ninh mạng để phù hợp với Công ước quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị ICCPR mà Việt Nam đã ký và thông qua.
Nguồn: RFA