Nghị viện EU ‘không kịp xem xét’ EVFTA trong khóa này

Nghị viện EU ‘không kịp xem xét’ EVFTA trong khóa này

.

\"\"
Thủ tướng Romania Viorica Dancila tại một phiên họp của Nghị viện EU trong tháng 1/2019. Được biết Romania, nước chủ tịch luân phiên của EU, đang phải lo nghị trình cho Brexit . FREDERICK FLORIN

Nhiều khả năng Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) sẽ \”chưa kịp\” để cho Nghị viện EU khóa này thông qua, mà sẽ để lại cho khóa sau, theo thông tin mới nhất của BBC.

Văn phòng của dân biểu EU, bà Jude Kirton-Darling cho BBC biết Romania đã ghi trong chương trình làm việc tạm thời là Hội đồng châu Âu chỉ có thể ký FTA và IPA sớm nhất là cuối tháng 5/2019.

Điều này có nghĩa là FTA và IPA sẽ không kịp đưa ra cho Nghị viện châu Âu nhiệm kỳ này để bỏ phiếu.

Bầu cử Nghị viện châu Âu khóa mới với nhiệm kỳ 5 năm sẽ được tổ chức vào cuối tháng 5/2019.

Không phải hoãn mà vì quá bận Brexit

Một người đại diện cho dân biểu EU Ramon Tremosa cũng xác nhận hôm 25/01 với BBC rằng Nghị viện châu Âu khóa này đang \”quá bận rộn\”.

\”Không phải là đình hoãn, mà là Nghị viện khóa này còn quá nhiều việc, trong đó có vấn đề Brexit với Anh.\”

\”Đến tháng Năm, có lẽ Hội đồng châu Âu sẽ ký FTA, rồi để Nghị viện châu Âu khóa sau có thể bỏ phiếu.\”

Tuần này, một số trang mạng tiếng Việt ở hải ngoại dẫn lại một đoạn video, có phụ đề tiếng Việt, của hai dân biểu của Nghị viện Liên minh Châu Âu, bà Jude Kirton-Darling và ông Ramon Tremosa.

Trong video, hai dân biểu dường như khiến độc giả hiểu rằng Nghị viện châu Âu đã hoãn phê chuẩn EVFTA.

Trong video được bà Jude Kirton-Darling đăng trên Twitter, Nghị sĩ Ramon Tremosa, thành viên Ủy ban Thương mại Quốc tế – Nghị viện châu Âu nói EU \”muốn thương mại công bằng, nhân quyền và các vấn đề về bền vững phải là những yếu tố ràng buộc trong hiệp định\”.

Còn bà Kirton-Darling cũng nói rằng vấn đề nhân quyền là trở ngại lớn cho việc thông qua hiệp định.

Bà nói \”tôn trọng nhân quyền là điều cốt lõi trong mọi hoạt động thương mại\” và rằng \”tình trạng ở Việt Nam là rất đáng quan ngại\”.

Thủ tục thông qua

Về thủ tục của EU, người ta biết rằng EVFTA được tách làm 2 Hiệp định, Hiệp định Thương mại (FTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA).

Tháng 10 năm ngoái, Ủy ban châu Âu đã đệ trình FTA và IPA lên Hội đồng châu Âu xem xét và xin ủy nhiệm ký.

Nếu một khi Hội đồng châu Âu đã ký xong, thì FTA sẽ được và trình Nghị viện châu Âu để bỏ phiếu phê chuẩn.

Hiện nay, Romania là chủ tịch luân phiên của Hội đồng châu Âu (từ tháng Giêng tới tháng Sáu 2019).

Ông Umberto Gambini, trưởng văn phòng dân biểu Ramon Tremosa, nói với BBC rằng ông Tremosa đã nêu ra nhiều vấn đề về nhân quyền ở Việt Nam.

\”Có lo ngại về Luật an ninh mạng, nhân quyền, tôn giáo. Một số vấn đề đã được nêu ở các cấp khác nhau.\”

\”Chúng ta sẽ phải đợi kết quả bầu cử Nghị viện châu Âu, để biết quan điểm của các nghị sĩ.\”

Chờ sau bầu cử Nghị viện châu Âu?

Trong khi đó, văn phòng bà Jude Kirton-Darling, dân biểu người Anh tại Nghị viện châu Âu, nói về lý thuyết, vẫn có khả năng Hội đồng châu Âu ký thỏa thuận sớm để kịp trình lên Nghị viện trong tháng Tư.

Tuy nhiên, họ cho rằng kịch bản này khó xảy ra do FTA và IPA \”đang đối diện phản đối rộng khắp từ cả cánh tả, cánh hữu và Hội đồng châu Âu nhận thức rủi ro bị Nghị viện bác bỏ\”.

\"EU,
Đoạn video của hai dân biểu của Nghị viện Liên minh Châu Âu, bà Jude Kirton-Darling và ông Ramon Tremosa. TWITTER

Mới hôm 23/1, ủy ban thương mại quốc tế của Nghị viện châu Âu có buổi thảo luận, mà tại đó, nhiều nhóm đã nêu ra quan ngại nhân quyền Việt Nam.

Theo văn phòng bà Jude Kirton-Darling, ngay cả một nghị sĩ, là báo cáo viên phụ trách về Việt Nam tại Nghị viện châu Âu, cũng ám chỉ việc Nghị viện thông qua có thể \”trễ mất một năm\”.

Ông Umberto Gambini giải thích thêm: \”Sau khi Hội đồng châu Âu ký, họ sẽ nói đây là thỏa thuận chúng tôi có với Việt Nam và muốn Nghị viện đồng ý.\”

\”Nghị viện châu Âu sẽ tranh luận, chứ không phải tự động nói đồng ý. Có nhóm rất ủng hộ, có nhóm lại thấy có khó khăn.\”

EU hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba và là 1 trong 2 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Kim ngạch thương mại 2 chiều đã tăng hơn 12 lần, từ mức 4,1 tỷ USD năm 2000 lên hơn 50,4 tỷ USD năm 2017; trong đó xuất khẩu của Việt Nam vào EU hiện là 38,3 tỷ USD.

EVFTA nếu được phê chuẩn sẽ kỳ vọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo thêm việc làm ở cả Việt Nam và EU.

Trước đó, tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) hôm 10/1 đã kêu gọi Hội đồng châu Âu hoãn phê duyệt EVFTA \”cho đến khi chính phủ Việt Nam thực hiện các bước cụ thể để cải thiện hồ sơ nhân quyền\”.

Nguồn: BBC

Bài Liên Quan

Leave a Comment