Sóng gió trong quan hệ Việt Nam-Campuchia vì bất đồng biên giới
.
Hơn 4 thập niên sau khi Việt Nam đánh bại và lật đổ chế độ Khmer Đỏ, rồi đưa đảng của ông Hun Sen, Đảng Nhân dân Campuchia- CPC, lên cầm quyền, quan hệ giữa hai nước cộng sản anh em từng đồng hành với nhau qua giai đoạn lịch sử này, nay không còn gắn bó như trước.
Theo một bài phóng sự của Ban tiếng Khmer-Đài VOA, mối quan hệ đã trở nên phức tạp, phần lớn do Campuchia ngày càng xích lại gần Trung Quốc, nước đang có tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ/ lãnh hải với Việt Nam và một số nước khác trong Biển Đông.
Trong bối cảnh Campuchia ngày càng lệ thuộc vào Trung Quốc về nhiều lĩnh vực như kinh tế, an ninh, quốc phòng vv…, các chuyên gia nhận định rằng mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam và Campuchia đang có nguy cơ tan vỡ, tùy thuộc vào cách Trung Quốc sử dụng ảnh hưởng của mình với Pnom Penh và cách đáp ứng của Campuchia trước áp lực này.
Căng thẳng trong quan hệ Việt Nam-Campuchia càng tăng cao sau khi 3 tàu chiến Trung Quốc cập càng ở Sihanoukville. Thủ Tướng Hun Sen còn dự kiến đi thăm Bắc Kinh trong tháng này, 1 trong nhiều chuyến thăm Trung Quốc trong mấy năm gần đây, giữa lúc hai nước đang chuẩn bị cho cuộc tập trận chung mang tên “Rồng Vàng”, cuộc tập trận được cho là lớn nhất từ trước tới nay, sẽ diễn ra ở tỉnh Kampot vào tháng Ba sắp tới.
VOA trích dẫn một công hàm ngoại giao không được công bố mà Ban tiếng Khmer có được cho thấy hồi năm ngoái bất đồng đã nổ ra giữa hai nước vì những vấn đề biên giới sau khi quân đội Việt Nam đơn phương cắm mốc dọc theo biên giới chưa được phân định trên biển ở ngoài khơi Campuchia.
Theo công hàm ghi ngày 23/7/2018 gửi tới đại sứ quán Việt Nam, Bộ Ngoại giao Campuchia đòi Việt Nam phải hủy các cột mốc đã dựng lên vài tuần trước đó.
Công hàm cáo buộc “nhiều binh lính Việt Nam” và một cái phà chở công nhân xây dựng đã đặt “4 cột mốc bằng sắt và 3 cột bê tông” ngoài biển gần Koh Ses- còn gọi là Koh Seh, một đảo nhỏ của Campuchia nằm giữa bờ biển tây-nam Campuchia và đảo Phú Quốc, một hòn đảo mà trước đây Campuchia từng tuyên bố thuộc chủ quyền của nước này.
Pnom Penh “cực lực phản đối” hành động của Việt Nam, đòi phía Việt Nam gỡ các cột mốc, và lưu ý rằng động thái đó “đi ngược với thỏa thuận hợp tác” mà hai nước đã ký kết.
Đài VOA không liên lạc được với Bộ Ngoại giao Campuchia để yêu cầu bình luận về công hàm ngoại giao đó. Một giới chức tỉnh Kep, yêu cầu được dấu tên vì không được phép bình luận, nói rằng tình hình tại địa phương giờ đã yên ắng hơn nhờ Pnom Penh đang thảo luận với Hà nội về các cột mốc này.
Theo ban tiếng Khmer của Đài VOA, vụ bất đồng về các cột mốc biên giới do phía Việt Nam dựng lên, không được đề cập đến, và hiện vẫn không rõ liệu phía Việt Nam có đồng ý tháo dỡ chúng theo yêu cầu của Campuchia hay không.
Nguồn: VOA