Chuly sưu tầm
Vì sao chúng tôi cảm thấy rất khó nói ba tiếng ‘I love you’
By Viet Thanh Nguyen
Trần Ngọc Cư dịch
Đối với nhiều người Mỹ gốc Á, cụm từ này thuộc về thế giới tuyệt vời của người da trắng mà chúng tôi thấy trong phim ảnh và trên truyền hình.
Có thật là người Mỹ gốc Á châu không nói được ba chữ “I love you” không? Nhan đề rất đáng chú ý của cuốn hồi ký của nhà văn Lac Su là “I Love Yous Are for White People” [ Các câu ‘I love you’ chỉ dành cho người da trắng], một tác phẩm thăm dò sự tàn phá tình cảm mà một gia đình Việt Nam phải chịu đựng qua kinh nghiệm tị nạn của mình. Tôi chia sẻ phần nào lý lịch của Lac Su, và đã cố gắng suốt đời để tập nói, sao cho khỏi thấy lúng túng, ba chữ “I love you.” Tôi có thể làm được điều này với con trai tôi, một cách chân tình; thế nhưng lối biểu cảm này đòi hỏi một cố gắng phát sinh từ sự ngượng nghịu mà tôi vẫn còn cảm thấy khi nói câu này với cha hay anh của tôi.
Vì thế, khi nữ diễn viên Sandra Oh nhận giải nữ diễn viên ưu tú Golden Globe về vở kịch truyền hình, “Killing Eve,” có lẽ phần mãnh liệt nhất trong diễn từ nhận giải của cô, đối với nhiều người Mỹ gốc Á chúng tôi, là khi cô ngỏ lời cảm ơn cha mẹ. Nhìn thẳng vào các đấng sinh thành của mình giữa khán giả, cô nói, bằng tiếng Hàn, “Con yêu ba má.” Cô xúc động, cha mẹ cô tự hào, và tôi không thể không phóng chiếu lên họ một trong những vở kịch chính về đời sống di dân và tị nạn của người Á châu: sự hi sinh thầm lặng của cha mẹ, cách tri ân nhọc nhằn của con cái, xoay quanh cách biểu lộ lúng túng và khó hiểu về tình thương yêu.
Có quá nhiều cha mẹ Á châu đã phấn đấu, khổ đau và chịu đựng trong những cách thế hoàn toàn vượt ra ngoài trí tưởng tượng của con cái họ vốn được sinh ra hoặc được nuôi dạy trong sự êm đềm thoải mái tại Bắc Mỹ. Sự phấn đấu và hy sinh này là cung cách các cha mẹ Á châu nói “I love you” mà không cần phải nói nên lời. Và có quá nhiều người con như chúng tôi cũng không được cha mẹ mong chờ nói câu ấy, mà thay vào đó được mong chờ biểu lộ tình thương yêu qua lòng biết ơn, nghĩa là biết vâng lời cha mẹ và theo đuổi các ước mơ của họ về cung cách chúng tôi phải sống cuộc đời mình.
Cha mẹ chúng tôi, tuyệt đại đa số, khuyên con cái nên học hành đàng hoàng, kiếm một công ăn việc làm tươm tất và đừng cãi lại với người trên, những điều chính họ phải tuân theo để tồn tại. Họ khuyến khích, hoặc ép buộc, nhiều người trong thế hệ chúng tôi phải trở thành bác sĩ, luật sư và kỹ sư, và họ cảm thấy hỗ thẹn khi chúng tôi không làm được điều đó. Điều mà các bậc phụ huynh này đã không làm là khuyên chúng tôi trở thành nghệ sĩ, diễn viên hoặc nhà văn, những người dấn thân vào các nghề có vẻ vớ vẩn, không an toàn và đầy bấp bênh. Đây là lý do vì sao trong lúc đi nói chuyện nhiều nơi trên khắp nước Mỹ, rất hiếm khi tôi gặp được những ông cha bà mẹ Á châu chịu ôm vào lòng những đứa con không trở thành “dân thiểu số gương mẫu” [the model minority].
Rất ít người trong số tôi gặp dám khoe rằng con họ đang theo học Văn chương Anh hay đã trở thành nhà văn hay nghệ sĩ. Có lẽ bố mẹ của nữ diễn viên Oh nằm trong thiểu số hiếm hoi này. Đôi khi tôi ước mơ cha mẹ mình trước đây có thể được như thế. Nhưng tôi đã trở thành một nhà văn bất chấp, và có lẽ vì, họ phản đối chí hướng đó của tôi, tham vọng âm thầm của tôi đã đi ngược lại sự hi sinh âm thầm của họ, tất cả những điều này đã diễn ra trong bối cảnh cuộc đời tị nạn và thực tế màu da.
Tôi lớn lên trong một thành phố tương đối đa văn hóa, thành phố San Jose, Calif., vào những năm 1980. Láng giềng tôi là những người da trắng lao động lớn tuổi, những di dân Mê hi cô và người tị nạn Việt Nam. Lúc đó tôi học tại một trường trung học gần như hoàn toàn da trắng, với một nhóm học sinh gốc Á châu đếm được trên đầu ngón tay. Chúng tôi ý thức được sự khác biệt của mình, nhưng thấy sự khác biệt của chúng tôi khó diễn đạt bằng ngôn từ. Chúng tôi tự gọi mình là “cuộc xâm lăng từ châu Á”.
Chúng tôi cười cợt với nhau về từ ngữ ấy, nhưng bây giờ nhìn lại, rõ ràng là chúng tôi đã hấp thụ và tiếp thu trong vô thức óc kỳ thị chủng tộc của xã hội Mỹ. Về phần mình, tôi may mắn là chưa bao giờ bị ném vào mặt một lời miệt thị chủng tộc nào cả, mặc dù một trong những bạn cùng lớp thời tiểu học, biết tôi từ Việt Nam qua, hỏi tôi có từng mang AK-47 đi chiến đấu không. Người bạn học này được soi rọi bằng những hình ảnh mà nó — và tôi, và tất cả các bạn học Mỹ gốc Á của tôi sau này tại trường trung học — từng thấy trên màn hình. Chúng tôi biết rằng trong một cách nào đó chúng tôi đã bị những người Mỹ khác coi là bọn xâm chiếm đất nước họ, cho dù nước Mỹ tình cờ cũng là nước chúng tôi.
Mỉa mai là, chúng tôi không xâm lược nước Mỹ. Mà nước Mỹ đã xâm lược chúng tôi, hay chí ít đã chiếm đóng hay chiến đấu trên quê hương nguồn cội hay đất cha ông của chúng tôi. Chúng tôi có mặt ở đây vì nước Mỹ từng có mặt ở đó.
Nhìn lại quá khứ, điều tôi chỉ thấy được một cách trễ tràng là tôi cần có — tất cả chúng tôi cần có — thêm những câu chuyện kể về chúng tôi. Thêm nhiều tiếng nói thuộc về chúng tôi. Thêm nhiều người chủ trương kể những câu chuyện của chúng tôi bằng cung cách của chúng tôi, với khuôn mặt của chúng tôi, với giọng trầm bổng của chúng tôi, với những quan tâm và trực giác của chúng tôi. Chúng tôi cần phải ở vị trí trung tâm của câu chuyện, nơi chứa đựng tất cả những phức tạp trong tính chủ quan của con người, không phải chỉ có cái tốt mà còn cả cái xấu, trọn vẹn cả ba chiều, điều mà người da trắng coi như chuyện đương với đặc quyền sống như những cá thể.
Còn trong cách họ mô tả chúng tôi trên truyền thông đại chúng — trong phim ảnh và truyền hình, trong các đùa bỡn của những người dẫn chương trình phát thanh buổi sáng, trong bình luận của giới chuyên gia báo chí — chúng tôi chỉ lãnh phần tồi tệ. Chúng tôi là một tập thể gồm những tên vô lại, những tôi tớ, những con vợ bé, những thằng nhỏ giúp việc nhà, những tên xâm nhập.
Do đó, rất nhiều người trong chúng tôi vì xem những hình ảnh méo mó này và nghe những chuyện đùa ngu xuẩn này mà đâm ra hỗ thẹn về chính mình. Chúng tôi đâm ra hỗ thẹn về cả cha mẹ mình. Và sự hỗ thẹn này gia tăng sự bất lực khi chúng tôi cố gắng nói cho được ba chữ “I love you,” một cụm từ thuộc về thế giới tuyệt diệu của người da trắng mà chúng tôi bắt gặp trên phim ảnh và truyền hình.
Trong quá khứ chúng tôi đã phải học tập tốt hơn, nhưng sự thật là ngày nay các bậc cha mẹ Á châu cũng cần phải học tập tốt hơn. Quí vị không thể tự hào về những người con nghệ sĩ và nhà văn của mình chỉ khi nào chúng nhận được những giải thưởng danh giá như Golden Globes. Chúng tôi tôn quí sự hi sinh của quí vị, nhưng quí vị cũng phải khuyến khích con em mình biết lên tiếng phản đối, biết khẳng định tiếng nói của mình, dám liều lĩnh rước lấy số phận tầm thường và thất bại, để viết lên các câu chuyện của họ và của quí vị. Ít ra, quí vị không nên cản đường họ.
Một bạn cùng lớp với tôi thời trung học từng sống trong một thành phố của giới ưu tú, chủ yếu da trắng, thành phố Saratoga, Calif., vào những năm 1980, đã kể với tôi rằng khi người Á châu bắt đầu dọn vào — đấy là những người Á châu chuyên nghiệp, “tốt lành” — thì người da trắng bắt đầu dọn ra. Sẽ không có một mức độ thành công nào của người Mỹ gốc Á có thể thay đổi được cách tương tác này của những người da trắng vốn sợ rằng chúng tôi là một đội quân xâm lược đến từ châu Á— lấy mất công ăn việc làm của họ, vượt thang điểm, giành lấy chỗ ngồi của họ tại các đại học ưu tú — trừ phi chúng tôi dám thách thức óc kỳ thị chủng tộc dưới các dạng thức vừa lộ liễu vừa ngấm ngầm.
Chúng tôi vẫn còn là quân xâm lược từ châu Á trong mắt nhiều người, và nếu ngày nay chúng tôi không có vẻ đáng sợ như trong quá khứ, ít ra một phần vì nhiều người da trắng cảm thấy lo sợ hơn về các cuộc xâm lược của người Hồi giáo, người Mê hi cô và người Trung Mỹ. Nhiều người vốn không muốn làm láng giềng với chúng tôi ít ra sẽ thích chúng tôi hơn thích người Mỹ gốc châu Phi.
Chúng tôi không thể chấp nhận sự kiện này như cái giá chúng tôi phải trả cho việc hội nhập vào xã hội Mỹ. Nếu chúng tôi phải tự khẳng định chính mình và lên tiếng phản đối óc kỳ thị chủng tộc khi nó nhắm vào chúng tôi, chúng tôi cũng có bổn phận làm như vậy thậm chí khi sự kỳ thị chủng tộc này có lợi cho chúng tôi. Và chúng tôi làm điều đó bằng cách thách thức và thay đổi câu chuyện nước Mỹ. Chúng tôi làm điều đó bằng cách lên sân khấu và bằng cách kể lấy các câu chuyện của chúng tôi, hành vi này nhiên hậu mới thật là cung cách chúng tôi nói “I love you” với cha mẹ mình, gia đình mình, cộng đồng mình, và đất nước của mình.
By Viet Thanh Nguyen
Trần Ngọc Cư dịch
Viet Thanh Nguyen, cộng tác viên trong mục Ý kiến, là tác giả cuốn sách xuất bản gần đây nhất, “The Refugees,” và là biên tập viên mục “The Displaced: Refugee Writers on Refugee Lives.” Ông hiện giảng dạy Văn chương Anh tại Đại học Nam California.