LHQ đòi truy tố tướng lãnh Miến Điện tội diệt chủng người Rohingya

LHQ đòi truy tố tướng lãnh Miến Điện tội diệt chủng người Rohingya

Lãnh đạo quân đội Miến Điện phải bị truy tố về tội diệt chủng người Hồi Giáo thiểu số Rohingyas. Đó là phát biểu của bà Yanghee Lee, báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc về nhân quyền ở Miến Điện, ngày hôm qua 25/01/2019, sau chuyến thăm tới Bangladesh, nhất là để gặp gỡ người tị nạn Rohingya. Hơn 700.000 người Rohingya Miến Điện đã phải chạy trốn trong năm 2017 vì chiến dịch trấn áp của quân đội nước này.January 26, 2019

\"\"

Từ Rangun, thông tín viên RFI Eliza Hunt cho biết thêm chi tiết :

« Theo bà Yanghee Lee, nhà chức trách Miến Điện không hề có ý định hồi hương những người Rohingya tị nạn tại Bangladesh và người Rohingya ở Miến Điện vẫn đang bị đe dọa.

Báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc, người đã đến khu vực biên giới hai nước, giải thích : « Lực lượng an ninh Miến Điện đang tiến hành một chiến dịch hăm dọa khiến những người Rohingya đang ẩn náu ở vùng biên giới hai nước phải trốn sang Bangladesh. Quân đội Miến Điện bắn chỉ thiên để dọa người thiểu số Rohingya và phát đi các thông cáo bằng loa phóng thanh, theo đó người Rohingya không phải là công dân Miến Điện và họ phải rời lãnh thổ nước này ».

Các trận đánh gần đây ở bang Arakan, nơi diễn ra các hành động trấn áp người Rohingya cũng khiến bà Yanghee Lee lo ngại. Các trận chiến đấu giữa quân nổi dậy Arakan và các binh lính Miến Điện đã khiến 5.000 người phải rời đi. Nhưng từ 15 ngày nay, quyết định của chính quyền Miến Điện đã khiến các tổ chức phi chính phủ không tới được các làng ở năm khu vực trong vùng này. Đối với báo cáo viên đặc biệt của Liên Hiệp Quốc, biện pháp hạn chế này là không thể chấp nhận được. Bản thân bà cũng bị cấm đến Miến Điện. Theo một tài liệu của Liên Hiệp Quốc được hãng tin Reuters trích dẫn, 50.000 người ở bang Arakan sẽ không nhận được đồ cứu trợ nữa. »

Còn tại Bangladesh, khi tới thăm trại tị nạn Bazar de Cox, báo cáo viên Liên Hiệp Quốc Yanghee Lee tuyên bố là chưa thể hồi hương người Rohingya trong một tương lai gần. Hiện giờ, Dakar đang thực hiện dự án di chuyển người Rohingya đến một hòn đảo trước mùa mưa gió khắc nghiệt, đại diện Liên Hiệp Quốc kêu gọi chính quyền Bangladesh thận trọng, không nên vội vàng. Bà nhấn mạnh cần kiên trì trong hoạt động ổn định chỗ ăn ở lâu dài và an toàn cho người tị nạn Rohingya Miến Điện.

Theo RFI

Bài Liên Quan

Leave a Comment