Chuly sưu tầm
Hai anh em cùng bố thí cho người ăn mày, nhưng ai mới là bố thí có trí tuệ?
Người ta vẫn thường nói: “Cho người khác con cá chẳng bằng cho họ một cần câu”. Đôi khi phương pháp sống là quan trọng, nhưng thái độ sống còn quan trọng hơn. Câu chuyện về cách bố thí cho người ăn mày dưới đây sẽ mang đến một cái nhìn sâu sắc.
Ở thành Tây Nam có một địa danh gọi là La Trang, là nơi ở của một vị quan thanh liêm họ La. Cả đời làm quan, ông cũng không tích được bao nhiêu tài sản. Khi tuổi cao, ông cáo lão về quê và mua hơn 10 mẫu đất để sinh sống. Làm quan tổng nhưng gia sản cũng không nhiều hơn một người nông dân giàu có. Gia đình ông hiện giờ thuộc diện giàu có bậc trung ở trong vùng.
Vị quan viên họ La này có hai cậu con trai. Con lớn gọi là Kim Ca, gương mặt sáng sủa, thông minh hơn người. Con trai thứ 2 gọi là Ngân Ca, bị liệt một chân từ nhỏ nên bước đi cà nhắc, nhưng đầu óc lại linh thông vô cùng.
Ông La nói với hai con: “Cha tận mắt chứng kiến thời loạn thế, hơn nữa con đường làm quan hiểm ác. Sau khi trưởng thành, Kim Ca không được tham gia thi khoa cử, ở nhà làm người nông phu bình thường.
Còn Ngân Ca, thân thể bị liệt như vậy, có thi đậu cũng sẽ không được trọng dụng, nên lại càng không nên hao tâm tốn sức chen chân chốn quan trường.
Như vậy đi, cha đem toàn bộ gia sản chia đều thành hai phần, để anh em con không phải tranh giành, khiến người đời cười chê”.
Nói xong ông La đem gia sản chia làm đôi, rồi dặn dò: “Sống ở trên đời, tiền tài không phải phúc. Hai con nên làm nhiều việc tốt, bớt làm việc xấu, lấy thiện làm gốc, sau ắt sẽ có phúc”.
Lễ mừng năm mới qua đi, hai vợ chồng viên quan họ La lần lượt qua đời. Sau khi hai anh em xử lý xong tang sự, Ngân Ca nói: “Anh trai, khi cha còn sống đã nói với hai anh em, sau này chúng ta nên sống riêng, em tuy là một phế nhân, cũng chỉ có chút ít sản nghiệp cha để lại, nhưng cũng sẽ không đói chết đâu”.
Ngân Ca đã tự tay xây hai gian nhà tranh ở hướng Đông Bắc của La Trang và dời đến đó sinh sống. Dù đi lại khó khăn nhưng Ngân Ca vẫn cố gắng hết sức để tự làm mọi việc. Chỉ cần có thể tự mình làm, anh tuyệt đối không thuê người khác. Dù không đi ra ngoài được nhưng đôi bàn tay anh vẫn chai sạn, bỏ ra nhiều công phu.
Kim Ca tinh thông nhiều loại học vấn, nhưng nghe lời giáo huấn của cha, anh cũng không đi thi cử gì. Anh nghĩ, trong nhà còn chút tiền, cho người cần dùng vay vừa có thêm tiền lãi. Tiền lại đẻ thêm tiền, không sợ lửa đốt sạch, cũng không sợ bị cướp giật. Ngoài ra, có rất nhiều người ăn xin đầu đường cũng cần phải giúp đỡ. Thực cũng là hai bên cùng có lợi. Kim Ca dùng tiền lãi cho vay xây cất một chòi rất rộng, chính giữa là phòng có cột trụ chống nóc, trên nền trải đầy rơm khô, hai bên là 2 gian phòng nhỏ để chứa chăn màn.
Căn nhà dùng để làm chỗ nghỉ chân cho những kẻ ăn mày trong vòng 10 dặm. Mùa đông họ không bị lạnh cóng vì phải ngủ ngoài trời. Vào lúc bình minh, mỗi người sẽ được ăn một bát cháo nóng. Tuy nhiên, Kim Ca cũng có một quy định cho những người đến ngủ và ăn cháo ở đây. Những người ăn mày cũng không được đến tay không mà phải mang theo một thứ gì đó để trao đổi, dù là một viên gạch, một viên đá hoặc cành củi khô cũng được.
Thứ đồ vật kia không cần phải là tiền, chỉ cần thuận tay nhặt về là được. Do đó trong nhà thường xuyên có ít củi khô hoặc gạch ngói để bán, những kẻ ăn mày vừa có chỗ nghỉ chân, lại có cháo ăn, cũng không bị đói chết. Còn Kim Ca thì được người ta gọi bằng tên “Người lương thiện họ La”, được quan huyện ngồi kiệu đến thăm.
Ngân Ca thấy anh trai làm việc đại sự như vậy thì chỉ cười nhạt, nói với bản thân: “Muốn làm việc thiện không thể cầu hư danh, mình không làm như vậy”. Anh tự mình canh tác, cũng không bố thí cháo, cũng không cho vay, lại càng không xây nhà cho kẻ ăn mày.
Một hôm có một người ăn xin bị què chân đi tới nhà anh xin cơm, Ngân Ca hỏi: “Nhà ngươi bao nhiêu tuổi rồi? Chân làm sao bị như vậy?”
Tên ăn mày đáp: “Tôi 22 tuổi, chân bị què do bị ngã khi chó đuổi. Tôi tới xin bát cơm, tôi sắp chết đói”.
Ngân Ca nói: “Chưa ăn cơm vội, ngươi chuyển cho ta những bó củi này ra sân sau”.
Nhìn thấy một đống củi lớn, tên ăn mày tủi thân như sắp khóc nói: “Thí chủ đã nhận lời giúp tôi ăn một bữa, cũng không nên làm khó nhục người khác. Thí chủ nhìn cái chân này của tôi đây”.
“Ta nhìn thấy rồi”, Ngân Ca nói: “Vậy ngươi xem chân của ta này. Ta không bảo một mình ngươi làm, hai chúng ta cùng chuyển những bó củi này”.
Tên ăn mày vừa nhìn thấy Ngân ca mặc quần áo đẹp đẽ như thế vẫn có thể vác những bó củi từ sân trước tới sân sau, mình là kẻ ăn mày thì có gì phải ngại. Người ăn mày ôm từng bó củi đi theo Ngân Ca, miệng thở dốc.
Sau khi đống củi được chuyển hết, Ngân Ca để tên ăn mày nghỉ ngơi một chút rồi lại tự tay nấu cơm mời tên ăn mày ăn. Anh còn bảo tên ăn mày ăn cho thật no. Rồi Ngân Ca lại hỏi: “Chân còn lại của nhà ngươi hoạt động còn tốt không?”.
Tên ăn mày trả lời: “Cái chân này vẫn còn dùng được”.
Ngân Ca lại tiếp lời: “Ngươi có thấy, chân tay, mặt mũi mắt miệng của ngươi đầy đủ cả, không thiếu thứ gì, sao lại phải oán trách mệnh mình khổ mà khúm núm nài nỉ người bố thí. Làm vậy là tự hạ thấp mình rồi. Người anh em, ta thấy dù là tuổi tác hay sức khỏe, ngươi đều hơn ta và không khác gì những người bình thường khác”.
Nói xong, Ngân Ca lấy trong tay áo ra một thỏi bạc: “Ngươi hãy cầm thỏi bạc này, là tiền công chuyển củi ban nãy. Ngươi hãy làm gì đó để kiếm tiền, đừng đi van nài người khác chỉ để lấy miếng cơm”.
Kẻ ăn mày thọt chân cảm động đến rơi lệ, cúi người lạy Ngân Ca 3 vái, rồi đứng thẳng người mà bước đi.
Một ngày khác, Ngân Ca lại chứng kiến một chàng trai trẻ tàn tật đến xin ăn. Ngân Ca lại yêu cầu người trẻ này chuyển đống củi khô cùng mình từ sân sau ra trước cửa. Sau đó, anh mới mời dùng cơm chỉ cho người ăn mày một đạo lý và đưa tặng tiền bạc.
Vợ Ngân Ca nhìn thấy thì không nhịn được đã nói: “Anh muốn cho tiền thì cho, làm gì mà phải yêu cầu người ta chuyền đống củi đi tới đi lui, không có việc gì làm nữa sao?”.
Ngân Ca nói: “Em chỉ biết một mà không biết hai. Người chuyển củi toàn là người trẻ tuổi, mở cho họ một đạo lý để tự làm việc kiếm sống, giúp họ no bụng cả đời, chứ cho một bát cơm làm sao sánh được? Anh muốn để họ nhận ra, họ biết rõ bản thân có thể làm gì để từ giờ về sau, tay làm hàm nhai. So về công đức từ việc xây nhà bố thí cháo của anh trai thì việc này công đức chẳng lớn hơn sao?”.
Cứ như vậy, sau vài chục năm, đột nhiên thôn La Trang gặp hạn lớn rồi đến nạn châu chấu phá hỏng toàn bộ hoa màu. Người nhà La Trang không sống nổi đã di chuyển đến các vùng khác. Kim Ca mặc dù có chút tiền nhưng không đủ dùng, lại gặp nạn châu chấu nên gạo không đủ ăn. Anh sống không nổi nên đành dẫn vợ con khóa cửa nhà bỏ đi ăn xin. May mắn vì anh thường làm việc thiện, tiếp tế cho kẻ ăn mày, nên hôm nay tên ăn mày này cho anh một thứ, mai tên ăn mày khác cho anh một thứ, anh cũng không bị chết cóng, chết đói. Sau hai năm Kim Ca mới quay trở về La Trang khôi phục lại sự nghiệp.
Còn Ngân Ca thì sao? Vì đi xa không tiện, năm đầu gặp thiên tai lớn, anh đã chuẩn bị tinh thần chờ chết. Lúc này có một vị quản gia đánh xe ngựa tìm đến, đưa tất cả người trong nhà đi sơ tán tới nhà Nhị viên ngoại tránh nạn đói.
Khi đến nơi, Ngân Ca mới biết chủ nhân của căn nhà là tên ăn mày thọt chân năm đó. Nhờ Ngân Ca chỉ bảo, giờ hắn thấy mình cũng không thiếu thứ gì. Làm sao phải dùng cả đời đi ăn xin chứ? Hắn dùng thỏi bạc mà Ngân Ca đưa cho làm vốn kinh doanh buôn bán và trở thành ông chủ buôn tơ lụa. Tên ăn mày thọt chân năm nào giờ đã là Nhị viên ngoại, hắn cũng có ý định đền ơn Ngân Ca nhưng không có cơ hội. Lúc Ngân Ca gặp nạn thiên tai nghiêm trọng, Nhị viên ngoại mới sai quản gia đến thăm.
Không chỉ có Nhị viên ngoại nhớ đến ơn giúp đỡ của Ngân Ca mà nhiều người khác cũng biết ơn không kém. Đúng lúc Ngân Ca gặp nạn, họ cũng đến tìm để trả ơn sự giúp đỡ năm nào. Cuối cùng mọi người đã thương lượng là gửi đồ ăn thức uống đến nhà Nhị viên ngoại để Ngân Ca dùng.
Sau khi trở về La Trang, nhìn thấy Ngân Ca sắc mặt hồng hào, Kim Ca đã rất kinh ngạc hỏi em trai. Hỏi ra mới biết sự tình, Kim ca không khỏi đỏ mặt hổ thẹn nói với em trai: “Anh mới là kẻ tiểu thiện, giả thiện, em mới thật sự là người đại thiện”.
Theo Daikynguyenvn