TÂN BÌNH / Trí Thức VN –
Tại sao quân đội Venezuela vẫn trung thành với Tổng thống Maduro?
.
Đâu đó đã có những cuộc nổi dậy lẻ tẻ của các sĩ quan cấp thấp chống lại Tổng thống Maduro. Mới đây tùy viên quân sự Venezuela tại Mỹ đã đào thoát và gửi thông điệp qua Video ủng hộ lãnh đạo đối lập Juan Guaido và kêu gọi những anh em binh lính trong nước cũng có hành động tương tự. Tuy nhiên, tất cả 9 tướng lĩnh cao cấp nhất quân đội Venezuela từ Bộ trưởng Quốc phòng Vladimir Padrino López đều đã tuyên bố trung thành với Tổng thống Nicolas Maduro, gọi hành động tự xưng tổng thống lâm thời Venezuela của ông Juan Guaido là đảo chính với sự hậu thuẫn của Mỹ.
Ông Miguel Mandrade – chuyên gia phân tích quan hệ quốc tế tại thành phố San Cristobal, miền tây Venezuela mới đây trên Fox News đã chỉ ra ba nguyên nhân chính giúp ông Maduro có được sự trung thành của quân đội, đặc biệt là các tướng lĩnh cao cấp.
Thứ nhất, những sĩ quan hàng đầu trong quân đội Venezuela không chống lại chính quyền Maduro bởi vì họ đang là những người được trả lương cao nhất trong hệ thống viên chức nhà nước. Các sĩ quan quân đội có nhiều đặc quyền và được hưởng quyền miễn trừ nếu tiếp tục trung thành với Tổng thống Maduro.
Tiếp nối cố Tổng thống Hugo Chavez, ông Maduro từ khi nắm quyền năm 2013 đã ngày càng củng cố sự ủng hộ của lực lượng quân đội bằng cách trao cho họ kiểm soát các ngành quan trọng trong nền kinh tế, chỉ định các tướng lĩnh nắm giữ các vị trí trọng yếu trong chính phủ.
Cho dù theo Hiến pháp Venezuela, quân đội đóng vai trò là trọng tài trong các tranh chấp chính trị và họ “không phục vụ cho bất kỳ cá nhân hay đảng phái chính trị nào”, nhưng ông Chavez và bây giờ là ông Maduro đã xóa nhòa ranh giới tách biệt giữa quân đội với chính phủ và đảng cầm quyền khi gắn quân đội với điều hành chính quyền và cho họ hưởng lợi ích từ lũng đoạn kinh tế. Cả Chavez và Maduro đều khai thác tối đa quân đội phục vụ cho phong trào xã hội chủ nghĩa, trung thành với lợi ích của đảng cầm quyền mà họ có đặc quyền trong đó.
Từ khi cầm quyền tới nay, ông Maduro đã tăng cường đào tạo về ý thức hệ trong quân đội, thanh trừng các sĩ quan cao cấp, thúc đẩy những người trung thành và cho phép những tướng lĩnh trung thành tham gia vào mọi khía cạnh của các dự án chính quyền xã hội chủ nghĩa từ phân phối thực phẩm đến quản lý công ty dầu mỏ quốc doanh PDVSA.
Theo Washington Post, khoảng 1/3 nội các của ông Maduro là các sĩ quan quân đội đương chức hoặc các tướng lĩnh về hưu. Các sĩ quan quân đội cao cấp được chính quyền Maduro bật đèn xanh thực hiện các hoạt động làm giàu bất chính như tham nhũng, thậm chí cả buôn lậu ma túy.
Thứ hai, ông Miguel Mandrade cho rằng có khá nhiều thành viên của Lực lượng vũ trang cách mạng Colombia (FARC) đã thâm nhập vào quân đội Venezuela. Lực lượng này gắn liền lợi ích với chính quyền Maduro và họ sẽ sẵn sàng đàn áp các binh lính Venezuela có âm mưu nổi loạn chống lại tổng thống đương nhiệm.
FARC là một phong trào du kích liên quan đến cuộc xung đột vũ trang tại Colombia tiếp diễn từ năm 1964 đến 2017. Lực lượng này nổi tiếng với việc sử dụng nhiều chiến thuật quân sự phi truyền thống, bao gồm cả khủng bố. FARC được hình thành trong thời Chiến tranh Lạnh với tư cách là một lực lượng nông dân theo chủ nghĩa Mác-Lênin thúc đẩy đường lối chính trị của chủ nghĩa nông nghiệp và chống đế quốc.
Colombia, Mỹ, Canada, Chile, New Zealand và Liên minh Châu Âu đã xếp FARC là tổ chức khủng bố. Tuy nhiên, chính quyền Venezuela của tổng thống Hugo Chavez năm 2008 đã công nhận FARC là quân đội hợp pháp và hợp tác chặt chẽ với lực lượng này, điều này được tiếp diễn dưới thời ông Maduro. Chính quyền Venezuela hiện tại được cho là bật đèn xanh cho FARC dùng lãnh thổ Venezuela tiến hành các hoạt động buôn lậu ma túy xuyên quốc gia.
Thứ ba, quân đội Venezuela nhận được sự hậu thuẫn của cả Cuba và Nga. Nhiều nhà phân tích về Venezuela thông tin rằng binh lính Cuba đã thâm nhập đáng kể vào lực lượng vũ trang Venezuela, bao gồm cả bộ phận tình báo quốc gia.
Venezuela thiết lập quan hệ chặt chẽ với Cuba vào cuối những năm 1990, thời điểm ông Hugo Chavez lên nắm quyền. Cuba đã đầu tư và ủng hộ cả lực lượng quân sự và tình báo Venezuela.
Một số nhà quan sát quốc tế ước tính rằng có khoảng 20.000 người Cuba đang có mặt trong bộ máy an ninh và quân đội Venezuela. Trong đó, có khoảng 500 người Cuba đảm nhiệm các vị trí chiến lược của quân đội. Hầu hết các nhân viên tình báo nổi tiếng hàng đầu của Cuba được cho là đã nắm giữ các vị trí lãnh đạo chủ chốt trong cơ quan tình báo Venezuela.
Trong khi đó, Nga là nước cung cấp vũ khí chủ yếu cho quân đội Venezuela. Chính quyền Putin luôn theo sát các diễn biến chính trị tại Venezuela trong thời gian qua. Có thông tin cho rằng Nga đã điều động khoảng 400 lính đặc nhiệm tới Venezuela để bảo vệ Tổng thống Maduro từ hôm 23/1, thời điểm diễn ra các cuộc biểu tình lớn trên toàn quốc và lãnh đạo đối lập Juan Guaido tuyên bố là tổng thống lâm thời.
Tân Bình
Nguồn: Trí Thức VN