Việt Nam tiếp tục tuột hạng về chỉ số tham nhũng trong năm 2018
.
HÀ NỘI, Việt Nam – Theo bảng xếp hạng về chỉ số tham nhũng mới nhất công bố đầu năm 2019 do tổ chức Minh Bạch Quốc Tế (Transparency International, TI) thực hiện, Việt Nam đứng ở thứ hạng 117 trong tổ số 180 nước và vùng lãnh thổ được khảo sát hằng năm.
Điều đáng nói là chỉ số này thấp hơn những năm trước. Năm 2018, TI xếp Việt Nam ở hạng 107 trên 180 nước và lãnh thổ. Năm 2016 xếp hạng 113.
Dựa trên bảng xếp hạng của TI, người ta thấy tình trạng tham nhũng tại Việt Nam thấp hơn cả Trung Quốc, Indonesia và Philippines. Trung Quốc được xếp hạng 87 trong khi Philippines đã cải thiện nhiều nhất, tăng 12 điểm lên vị trí thứ 99, cùng hạng với Indonesia.
Ngày 22 Tháng Giêng, 2019, ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư đảng CSVN, lặp lại lời chống tham nhũng “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” khi ông đến dự “Hội nghị tổng kết công tác năm 2018, triển khai nhiệm vụ năm 2019 ngành nội chính đảng.”
Cũng trong dịp này, ông Nguyễn Phú Trọng thừa nhận “Phòng, chống tham nhũng là lĩnh vực khó, phức tạp. Nó đụng chạm đến lợi ích, đụng chạm đến con người, và lợi ích ở đây là lợi ích nhóm, nó liên quan chằng chịt với nhau, ở các cấp, các ngành, rất lắt léo.”
Ngày 20 Tháng 12, 2018, báo Infonet tường thuật lời phát biểu của ông Nguyễn Văn Kim, vụ trưởng Vụ Pháp Chế của Thanh Tra Chính Phủ, tại “Buổi toạ đàm về công tác phòng chống tham nhũng tại Việt Nam” cũng cho biết: “Thực tế hiện nay, số người giàu trong xã hội được chia làm nhiều đối tượng. Một là doanh nghiệp, những người làm ăn. Hai là người dân nỗ lực phấn đấu. Đặc biệt, số còn lại là quan chức, số quan chức giàu rất nhiều.”
Tham nhũng tại Việt Nam đi từ “tham nhũng vặt” của các chức sắc cấp thấp ở địa phương ăn những số tiền nhỏ khi người dân cần có một thứ giấy tờ hành chính, đến “tham nhũng chính sách” của những ông quan cấp lớn. Những vụ án tham nhũng nổi cộm đưa ra xét xử chỉ là những phần nổi nhỏ bé của núi băng sơn còn chìm dưới mặt nước.
Bà Katrin Heger, cố vấn của World Bank, viết trên trang tổ chức Minh Bạch Quốc tế: “Tình trạng tham nhũng ở Việt Nam làm ảnh hưởng đến nguồn đầu tư năng lượng tái tạo ở Việt Nam.”
Theo bà Katrin, vấn đề tăng dân số, đô thị hóa, tăng trưởng nhanh trong các ngành công nghiệp dịch vụ đang gây sức ép trong việc phát triển các nguồn cung cấp năng lượng tái tạo ở Việt Nam. Ngành năng lượng ở Việt Nam bị năng lực quản lý yếu kém của chính phủ gây ảnh hưởng, dẫn đến tình trạng thiếu minh bạch, thiếu sự kiểm tra, thiếu sự công bằng, hệ thống quan liêu và mối quan hệ chặt chẽ giữa chính phủ và doanh nghiệp. Với kế hoạch thu hút thêm đầu tư và tiền tài trợ để đảm bảo an ninh năng lượng, chính phủ Việt Nam đã nỗ lực giải quyết nạn tham nhũng trong những năm gần đây nhưng đã không thể cải thiện đáng kể.
Thêm vào đó, các tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam ngày càng mạnh. Truyền thông mạng xã hội phát triển mạnh mẽ đang gây áp lực lên chính quyền của CSVN để tiếp tục thực hiện chính sách chống tham nhũng.
Cũng theo nhận định của bà Katrin, đối với viện trợ ngân sách quốc tế, có những lo ngại rằng các dự án cơ sở hạ tầng lớn và quan hệ đối tác công tư sẽ làm tăng vấn nạn tham nhũng. Do đó, khi nói đến đầu tư vào năng lượng tái tạo, vẫn còn phải xem các loại hình đầu tư này sẽ ảnh hưởng đến tình trạng tham nhũng như thế nào.
Một số tiêu chuẩn được TI dùng làm căn cứ để dánh giá tham nhũng như hối lộ; chuyển đổi mục đích sử dụng của các quỹ công; mức độ phổ biến của việc các cán bộ nhà nước lợi dụng vị trí để tư lợi mà không lo đối mặt với các hậu quả; khả năng xảy ra tham nhũng trong chính phủ và khả năng chính phủ thực thi; các cơ chế liêm chính hiệu quả trong khu vực công; các gánh nặng và thủ tục hành chính và quan liêu dẫn tới khả năng tăng tham nhũng; bổ nhiệm theo năng lực hay theo mức độ thân hữu (quan hệ) trong các dịch vụ dân sự; truy tố và xét xử hình sự hiệu quả đối với các cán bộ nhà nước tham nhũng; luật pháp đầy đủ về công khai tài chính và các biện pháp phòng ngừa mâu thuẫn lợi ích đối với cán bộ nhà nước, cơ chế pháp luật để bảo vệ người tố cáo tham nhũng, nhà báo; các điều tra viên khi họ tố cáo các trường hợp hối lộ và tham nhũng…
Bảng xếp hạng chỉ số tham nhũng của TI căn cứ trên sự đánh giá của các chuyên gia và doanh nhân về tham nhũng trong lãnh vực công của một quốc gia, dựa trên những tiêu chí khác nhau cộng lại.
Nguồn: Người Việt