Làng LIDICE và vườn ra Lộc Hưng

Làng LIDICE và vườn ra Lộc Hưng

Tác Giả: Đinh Minh Đạo -29/01/2019

\"\"

Làng Lidice

Lidice là một làng nhỏ trong Thung Lũng Lidic, thuộc miền trung của Cộng Hòa Czech. Lidice nằm cách thủ đô Praha 22 km về phía tây bắc. Thung lũng với những đồi cỏ thoai thoải, chân đồi là cánh đồng cỏ xanh mướt tạo thành bức tranh phong cảnh thanh bình, hút mắt. Theo lịch sử, làng được hình thành từ năm 1318, trong làng ngoài ngôi nhà thờ xây dựng theo kiểu phục hưng, không có công trình kiến trúc nào đáng kể. Tính đến tháng 05-1942 làng có 102 ngôi nhà với 503 nhân khẩu, người dân ở đây hiền lành, chăm chỉ, sống bằng nghề trồng trọt và chăn nuôi.

Ngày 24-09-1941 Reinhard Heydrich, một sỹ quan SS khét tiếng được Adolf Hitler phong chức toàn quyền Czech và Moraw. Đây là một vùng tự trị, lãnh thổ của Czech và Slovasia, bị quân Đức Quốc Xã chiếm đóng từ tháng 03-1939. Sau khi trở thành toàn quyền, Heydrich cai trị người dân tại đây bằng bàn tay sắt. Khai thác triệt để lợi ích kinh tế, công nghiệp quốc phòng, khủng bố khốc liệt phong trào phản kháng của người dân bản xứ, bắn bỏ tất cả những người dân gốc Do thái.

Ngày 27-05-1942, chính phủ lưu vong bí mật của Czech đã tổ chức ám sát Heydrich, nhưng Heydrich chỉ bị thương và chết sau đó 7 ngày do vết thương mổ bị nhiễm trùng. Sau đám tang của Heydrich, 3 ngàn người đã bị bắt, 1.327 người bị hành hình, hàng ngàn người bị đẩy đến các trại tập trung có các lò thiêu người.

Từ nguồn tin sai lệch, bọn SS cho rằng những chiến binh thực hiện vụ ám sát đã ẩn giấu trong làng Lidice, quân Quốc xã đã tiến hành kế hoạch triệt hạ làng Lidice. Chiều 09-06-1942 các đơn vị SS và công an Đức vây quanh làng, không một ai được ra khỏi làng. Chúng buộc trưởng thôn phải tịch thu của cải có giá trị trong làng để nộp cho chúng. Đúng giữa đêm, tất cả dân làng bị lùa ra khỏi nhà, nam giới từ 15 tuổi trở lên bị nhốt trong các tầng hầm và nhà kho. Ngựa, gia súc, những đồ vật có giá trị và máy móc nông nghiệp bị tịch thu mang đi.

Sáng 10-06-1942 quân Đức bắt 173 nam giới tập trung trong một khu vườn rồi xả súng. Toàn bộ 173 người bị bắn chết, người già nhất 84 tuổi, trẻ nhất 14 tuổi. Phụ nữ và trẻ em sau đó được đưa đến các trại tập trung, bị giết bằng hơi ngạt và thiêu trong các lò gaz. Tất cả các ngôi nhà của dân làng, nhà thờ, nhà nguyện, trường học đều bị đổ xăng và thiêu dụi, sau đó, chúng dùng mìn, bộc phá đề đánh sập các phần chưa cháy hết của các ngôi nhà, dùng máy ủi san bằng địa, làng Lidice bé nhỏ đã biến mất trên bản đồ.

Tổng số 340 người làng Lidice đã bị giiết, trong đó 192 nam giới, 60 phụ nữ và 88 trẻ em.

Vườn Rau Lộc Hưng

Sau Hiệp định Geneve 1954, cuộc đại di cư của những người dân miền Bắc vào Nam đã kéo dài hàng năm trời. Trong dòng người di cư, đa số là các giáo dân theo đạo Thiên Chúa, họ thường đi theo từng họ đạo với các linh mục chủ chăn, sống quây quần giúp đỡ nhau. Họ bỏ lại nhà cửa, ruộng vườn, tài sản, quê hương, bắt đầu một cuộc sống trên quê hương mới, nương nhờ chúa để làm ăn sinh sống và tự do hành đạo.
Năm 1954, một nhóm giáo dân Bắc di cư gốc Sơn Tây đã đến định cư tại Giáo Xứ Lộc Hưng. Họ được Giáo Xứ cấp cho khu đất khoảng 48.000 m2 tại Lộc Hưng để canh tác, làm nguồn sống chính. Khu đất này có nguồn gốc thuộc về Giáo Hội do Hội Thừa Sai Paris quản lý. Một vùng đất hoang hóa đầy cỏ lác, bùn lầy nước đọng, nhưng dưới bàn tay của những nông đân cần cù đã biến thành những vườn rau màu mỡ, xanh mướt, cung cấp một phần rau xanh cho thành phố. Khu Vườn Rau Lộc Hưng nằm trong địa phận quận Tân Bình, tiếp giáp với Quận 3 và Quận 10, là mảnh đất luôn bị “nhòm ngó”.

Những biến động của đời sống chính trị, chiến tranh, thiên tai địch họa, lòng tham của con người luôn rình rập Lộc Hưng. Ngay dưới chế độ Việt Nam Cộng Hòa, những giáo dân đã phải chiến đấu để giữ đất. Năm 1969 xuất hiện những đám người tự xưng là thương phế binh đến chiếm đất, giáo dân đã phải đương đầu để bảo vệ, đuổi được những kẻ cướp ra khỏi các vườn rau của mình.

\"\"

Sau năm 1975, những ngừơi dân vườn rau Lộc Hưng hiểu rõ những rủi ro sống trong chế độ cộng sản, họ đã luôn tuân thủ luật pháp. Từ năm 1975 đến 1999 họ đã tự nguyện đóng góp thuế đất cho chính quyền dưới nhiều hình thức khác nhau. Năm 1999, họ xin kê khai và xác nhận quá trình sử dụng đất theo chỉ thị của thủ tướng chính phủ về tổng kiểm kê đất đai, nhưng chính quyền địa phương từ chối và đã ngưng thu thuế của người dân Vườn Rau. Đến 2001 có thông tin UBND phường 6 cùng công ty Sài Thành tiến hành thu hồi đất cho các dự án xây dựng. Người dân đã phản đối vì chưa có quyết định thu hồi đất. Theo luật đất đai 1993, những người đã canh tác ồn định từ 1954 đương nhiên được cấp quyền sử dụng đất, nhưng chính quyền đã từ chối cấp quyền sử dụng đất cho họ. Từ đó đến nay người dân đã đi khiếu kiện khắp nơi nhưng chính quyền đã vi phạm pháp luật, từ chối cấp quyền sử dụng đất hợp pháp cho người dân.

Ngày 04-01 và ngày 08-01-2019, chính quyền đã mang khoảng 500 công an , dân phòng được trang bị vũ khí cùng máy móc đến phá huỷ, san bằng toàn bộ 112 ngôi nhà của người dân trong khu Vườn Rau Lộc Hưng.
Hành động trên đây của chính quyền đã đẩy hàng trăm gia đình vào cảnh màn trời chiếu đất. Hầu hết các gia đình không kịp thu dọn đồ đạc của cải, vì bị chính quyền lừa dối. Họ thông báo với người dân sau 90 ngày tiến hành cưỡng chế, nhưng chỉ hai ngày sau họ đã tiến hành. Nhiều gia đình có bố mẹ ở tuổi 80, 90 không thể tìm được chỗ tá túc vì không ai, ngay cả những người cho thuê nhà muốn chứa chấp những người gần đất xa trời, khi những ngày năm hết tết đến. Trong hơn 100 ngôi nhà bị tàn phá có ngôi nhà là nơi trú ngụ cho hơn 20 thương phế binh của quân đội Việt Nam Cộng Hòa, họ là những người vô gia cư, có người mất chân , mất tay được Dòng Chúa Cứu Thế cưu mang. Trong ngày chính quyền quận Tân Bình phá dỡ nơi ở của họ, họ đang đi bán vé sổ hay làm mọi việc để kiếm sống, họ cũng không kịp thu dọn quần áo, đồ đạc và tìm chỗ ở mới.

Làng Lidice và Vườn rau Lộc Hưng, những điểm tương đồng

Hai sự kiện làng Lidice và Vườn rau Lộc Hưng xẩy ra cách nhau 77 năm nhưng có nhiều điểm tương đồng.
Trước hết nó đều là hành động của các thể chế cai trị độc tài. Chỉ có những chế độ độc tài mới có những hành động vô nhân đạo như thiêu đốt, đập phá, san ủi bằng địa hàng trăm ngôi nhà của người dân đang sinh sống, trong đó có người già, phụ nữ, trẻ em và người tàn tật. Chỉ khác, Hitler là chế độ độc tài phát xít, còn Hà Nội là chế độc tài cộng sản.

Các chế độ độc tài thường che đậy các mục đích hành động dưới những nguyên nhân khác nhau. Cả hai trường hợp triệt phá làng Lidice và Vườn Rau Lộc Hưng đều nhằm đến mục tiêu kinh tế và chính trị.
Triệt phá làng Lidice, quân Đức Quốc Xã đổ lỗi cho dân làng đã chứa chấp những du kích, những người đã ám sát Heydrich. Nhưng đây thực chất hành động nhằm đe dọa những người bản xứ, duy trì sự cai trị để khai thác mối lợi to lớn của một vùng đất màu mỡ với một nền kinh tế phát triển.

Triệt hạ Vườn Rau Lộc Hưng chính quyền cũng đổ lỗi cho người dân “sang nhượng đất, xây dựng nhà cửa trái phép gây nên tình trạng vô cùng phức tạp …”. Sau khi san bằng địa 112 ngôi nhà, công an quận Tân Bình còn đưa thêm các thông tin mập mờ như đã phát hiện các cơ sở phản động như phòng thu, phòng quay phim, những tài liệu phản động ….

Nhưng mục tiêu đích thực hành động của chính quyền nằm ở đâu?

Như trên đã giới thiệu, Vườn Rau Lộc Hưng được hình thành do những người dân công giáo từ Bắc di cư, họ là những người trực tiếp canh tác và là chủ thực thụ của 48.000 m2 đất. Hầu hết các hoạt động như xây nhà cưu mang các thương phế binh, giúp đỡ những người nghèo cơ nhỡ, kể cả những người đấu tranh ủng hộ dân chủ là xuất phát từ nhà thờ và những giáo dân. Đối với chính quyền cộng sản, tôn giáo vẫn là thứ thuốc phiện, cần phải xóa bỏ, họ luôn cảnh giác với nhà thờ và giáo dân.

Nhưng nguyên nhân sâu xa hơn, đối với một chính quyền độc tài và tham nhũng chính là khu đất “vàng” của Vườn rau mà họ đã “nhòm ngó” từ lâu. Đứng đằng sau chính quyền là những công ty “bình phong”, những doanh nhân sân sau của chính quyền, họ kết thành nhóm lợi ích, mục đích cuối cùng của họ là cướp bằng được toàn bộ đất Vườn Rau.

Công lý cho Vườn rau Lộc Hưng

Những kẻ đã gây ra thảm kịch Lidice đã bị trừng trị. Ngày 01-10-1946, toà án quốc tế Nuremberg đã mở phiên tòa xét xử tội ác chống nhân loại và tội ác chiến tranh của Đức Quốc Xã trong chiến tranh thế giới lần thứ II, tòa đã ra phán quyết đối với 22 bị cáo. 12 bị cáo đã bị kết án tử hình bằng treo cổ và bản án đã được thực hiện ngày 16-10-1946. Các bị cáo còn lại bị kết án tù từ 10 năm đến trung thân.
Làng Lidice đã được xây dựng lại to đẹp hơn bên cạnh làng cũ. Một viện bảo tàng ghi lại tội ác diệt chủng của Đức Quốc Xã được xây dựng, người ta giữ nguyên hiện trạng tàn phá của làng cũ, chỉ đánh dấu các vị trí nền nhà thờ, trường học, nhà dân….Khu khách sạn và nhà hàng được xây dựng tại đây, hàng năm đón tiếp hàng vạn khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới. Họ đến Lidice để được nhìn tận mắt tội ác ghê tởm của quân Hitler, để nhắc nhở con cháu không bao giờ được để tái diễn một Lidice.

Việc lấy lại công lý cho những người dân Vườn Rau Lộc Hưng là trách nhiệm về công lý và lương tâm của mỗi người Việt Nam chúng ta, dù đang sinh sống ở trong hay ngoài nước, đặc biệt là giới luật sư , những người nắm vững luật pháp và mánh khóe gian trá của chính quyền cộng sản.

Công việc lấy lại công lý cho những người dân tại Vườn rau Lộc Hưng đầy khó khăn, chúng ta đang sống trong trong một đất nước có cả rừng luật, nhưng chính quyền cộng sản thường xử theo luật rừng.

Trước hết, phá huỷ nhà cửa, tài sản của mấy trăm con người lương thiện đang sống yên lành, đẩy họ vào cảnh vô gia cư là một tội ác đối với con người. Những kẻ ra quyết định và thực thi quyết định phải bị trừng phạt. Chính quyền phải đền bù đầy đủ những thiệt hại do hành động của họ gây ra cho mỗi gia đình: nhà cửa, đồ dùng bị phá huỷ, hoa màu bị triệt phá, thiệt hại về tinh thần, vật chất do mất chỗ ăn ở và nguồn thu nhập cho cuộc sống hàng ngày.

Theo những người dân Lộc Hưng, đất Vườn rau chưa bao giờ là đất công. Việc không cấp quyền sử dụng đất cho người dân là lỗi của chính quyền. Hơn 70 năm họ là chủ của những mảnh đất không hề có tranh chấp, nay nếu chính quyền thật sự cần đất để xây những công trình công cộng, phải trực tiếp thương lượng với họ theo các hợp đồng thuận mua vừa bán, phải coi họ là chủ thật sự của đất đai.

Đòi lại công lý trong một xã hội không có công lý là một công viêc đầy gian truân. Tuy vậy, trong vụ Vườn Rau Lộc Hưng, chính quyền cộng sản đã bước quá xa lằn danh đỏ của của công lý và đạo lý, họ đã vi phạm luật lệ do chính họ đề ra. Đó là cơ sở pháp lý để những người dân Lộc Hưng đấu tranh với chính quyền cộng sản. Về đạo lý, chính quyền đã gây ra tội ác “trời không dung, đất không tha”, triệt phá nhà cửa nơi sinh sống của mấy trăm con người, nhưng trước dư luận thế giới, họ cũng muốn bộ mặt của họ bớt dơ bẩn, họ vẫn tự rêu rao “sống, làm việc theo pháp luật”, đây có thể là điểm yếu của họ trước người dân.

Cuộc đấu tranh đòi lại công lý của những người dân Lộc Hưng với sự trợ giúp pháp lý của các luật sư đầy khó khăn nhưng nhất định thành công !

Chúng ta cầu mong để công lý và đạo lý sớm trở về với những người dân Lộc Hưng.

Đinh Minh Đạo

Bài Liên Quan

Leave a Comment