Lại sắp có ‘chùa lớn nhất Việt Nam’ được khánh thành
.
HÀ NAM, Việt Nam – Báo VnExpress hôm 31 Tháng Giêng cho hay chùa Tam Chúc,“ngôi chùa lớn nhất Việt Nam”, sắp được khánh thành.
Công trình được báo này gọi là “Quần thể chùa” tọa lạc tại huyện Kim Bảng, Hà Nam rộng gần 5,000 héc ta, gồm các điện thờ, rừng tự nhiên… dự trù sẽ khánh thành vào Tháng Năm, 2019.
Trước đó, từ nhiều tháng qua, truyền thông nhà nước Việt Nam liên tục đưa tin về chuyện ông Nguyễn Văn Trường, giám đốc Công Ty Xây Dựng Xuân Trường, bỏ $612,500 mua đấu giá “một mảnh thiên thạch” nặng 5 kg để đem về đúc tượng Phật đặt tại chùa Tam Chúc.
Các hạng mục tại ngôi chùa này được ghi nhận đang khẩn trương hoàn thiện để đón 1,500 chức sắc và lãnh đạo các giáo hội, hệ phái Phật giáo, các nhà nghiên cứu, học giả và hơn 10,000 phật tử đến từ gần 100 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới tham dự Đại Lễ Vesak do Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam đăng cai tổ chức từ ngày 12 đến 14 Tháng Năm, 2019.
Ông Trường được biết đến với quần thể du lịch Tràng An-Bái Đính và nhiều công trình “tâm linh” khác bị cáo buộc phá hoại cảnh quan và môi trường tự nhiên. Mới đây nhất là dự án xây một khu chùa bê tông trị giá 15,000 tỉ đồng ($643 triệu) ngay tại chùa Hương khiến công luận quan tâm lo ngại.
Việc chùa Tam Chúc chưa đến ngày khánh thành mà vẫn được báo chí đồng loạt xưng tụng là “ngôi chùa lớn nhất Việt Nam” cho thấy cuộc chạy đua xây chùa cùng các tượng Phật, chuông đồng, bảo tháp thật to, thật đắt tiền của Phật giáo trong nước và những “tỉ phú tâm linh” đang có cột mốc mới.
Trước đó, chùa Bái Đính, khánh thành giai đoạn một hồi năm 2008, cũng do tỉ phú Trường dựng lên, được báo chí Việt Nam nhắc đến như là một ngôi chùa gặt hái một loạt kỷ lục: Tượng Phật bằng đồng dát vàng lớn nhất châu Á; Tượng Phật Di lặc bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á; Chuông đồng lớn nhất Việt Nam; Bảo tháp cao nhất châu Á; Khu chùa rộng nhất Việt Nam (539 héc ta)…
Mặt khác, ngôi chùa Tam Chúc “lớn nhất Việt Nam” cũng khiến công luận đặt dấu hỏi: Phải chăng ngành kinh doanh cơ sở, dịch vụ tâm linh tại Việt Nam đang hết sức phát đạt, nên những chùa được xây sau luôn hoành tráng và đắt tiền hơn chùa xây trước?
Suy đoán này có căn cứ nếu người ta nhìn vào các “thành quả” của ông Trường: Khu Tràng An-Bái Đính ở tỉnh Ninh Bình, khu Du lịch Tam Chúc-Ba Sao ở Hà Nam, Khu tâm linh đảo Cái Tráp ở Hải Phòng, khu du lịch tâm linh Hồ Núi Cốc ở Thái Nguyên… Một bài khác cũng trên VietNamNet mô tả ông Trường là “đại gia kín tiếng, ăn chay trường, làm siêu dự án.”
Cũng cần nói thêm là trong lúc một số ngôi chùa bề thế mới mọc lên ở khắp các tỉnh thành, thì đồng thời Việt Nam cũng đang mất đi các ngôi chùa lâu năm thuộc Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất như chùa Liên Trì ở Sài Gòn, chùa An Cư ở Đà Nẵng… Giới chức giáo hội này cũng đưa cáo buộc rằng các buổi hành lễ của họ thường xuyên bị chính quyền cho người ngăn cản, thậm chí hành hung người tham dự.
Nguyên do dễ thấy là nhà cầm quyền CSVN quyết không dung thứ với Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, tổ chức tôn giáo độc lập không được công nhận chính danh vì “đòi hỏi nhân quyền, tự do dân chủ cho 90 triệu người dân Việt Nam và không chấp nhận chế độ độc tài toàn trị của CS.”
Nguồn: Người Việt