RFI –
Mỹ muốn khống chế Venezuela để giành lại «sân sau» Nam Mỹ
.
Ngày 28/01/2019, Hoa Kỳ thông báo các biện pháp trừng phạt nhắm vào công ty dầu lửa quốc gia Venezuela, tạo thêm áp lực đối với chế độ của Nicolas Maduro. Trả lời phỏng vấn đài RFI, bà Isabelle Rousseau, giáo sư thuộc Trung tâm nghiên cứu quốc tế, trường Colegio de Mexico cho rằng qua việc bóp nghẹt Venezuela, Mỹ muốn quay trở lại khống chế vùng Nam Mỹ.
Bà Isabelle Rousseau là tác giả của các bài viết đáng chú ý là « Dầu lửa đóng vai trò trung tâm trong cuộc khủng hoảng Venezuela » và « Sự hỗn loạn tại Venezuela liệu có thể lan rộng ra khu vực hay không ? ». RFI Tiếng Việt xin giới thiệu.
RFI : Washington thông báo các trừng phạt nhắm vào công ty dầu khí quốc gia Venezuela PDVSA. Tấn công vào nguồn thu từ dầu lửa, phải chăng đó là phương tiện gây áp lực tốt nhất của Hoa Kỳ nhằm làm suy yếu chế độ của Nicolas Maduro ?
Isabelle Rousseau : Hoa Kỳ muốn làm mạnh hơn, không chỉ làm suy yếu, mà muốn bóp nghẹt chính phủ của Maduro. Và một trong những cách tốt nhất, đó là nhắm vào nguồn thu nhập từ dầu lửa. Venezuela chuyển sang Hoa Kỳ từ 500.000 đến 600.000 thùng dầu thô mỗi ngày để lọc (đây chỉ là ước tính bởi vì rất khó có được số liệu khả tin – RFI). Và đó là nguồn thanh khoản – nguồn tiền mặt duy nhất của chế độ Nicolas Maduro. Bởi vì Venezuela tuy xuất khẩu nhiều dầu lửa sang Trung Quốc, nhưng đó là để trả nợ. Venezuela nợ Trung quốc khoảng 20 tỉ đô la và trả nợ bằng dầu thô.
Như vậy, trong tương lai, nếu không có nguồn thu nhập xuất khẩu dầu lửa sang Hoa Kỳ thì Venezuela không thể tồn tại. Làm thế nào trả lương cho các công chức và quân đội ? Trong khoảng 15 ngày, nếu chế độ của Maduro bị bóp nghẹp, không có nguồn tiền từ Hoa Kỳ thì sẽ xẩy ra khủng hoảng nghiêm trọng tại Venezuela và người dân sẽ chống lại chế độ của Maduro.
Maduro đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ nhưng không cắt quan hệ thương mại với Mỹ. Đương nhiên, đó là vì ông ta cần tiền bán dầu lửa. Do vậy, Juan Guaido đã lập một văn phòng thương mại tại Washington với sự hiện diện của đảng Voluntad Popular (đảng của Guaido) để tiếp nhận nguồn thu từ xuất khẩu dầu lửa.
Như vậy, khoản tiền này không được chuyển cho chế độ của Maduro mà cho chính phủ lâm thời của Guaido. Các văn phòng đại diện thương mại đang được lập ra tại châu Âu, Úc, Israel, Canada và những nơi khác, với đại diện là người của phe đối lập hoặc của đảng Voluntad Popular. Chúng ta chờ xem phản ứng của Maduro và các đồng minh của ông ta.
RFI : Giờ đây đã có hai phe rõ ràng và mỗi bên đều có lập trường ngày càng cứng rắn hơn. Vậy các kịch bản có thể xẩy ra là gì ?
Isabelle Rousseau : Có hai vế. Thứ nhất là tình hình tại Venezuela với hai lực lượng đối đầu với nhau : Nicolas Maduro đối đầu với Juan Guaido. Quyền tổng thống Guaido có cả một kế hoạch buộc Nicolas Maduro phải từ bỏ quyền lực, nhưng điều gây tác động mạnh nhất mà phe của Guaido đang làm hiện nay : đó là cố gắng thành lập các hội đồng đại biểu ở cấp cơ sở khắp mọi nơi, cùng với kế hoạch ân xá cho các công chức và quân nhân.
Đối với Guaido, điều rất quan trọng là có được sự ủng hộ của khoảng một phần ba số quân nhân, không phải là những sĩ quan cao cấp vì họ rất giàu, mà là các binh sĩ nghèo khổ như những người dân. Ngoài José Luis Silva, tùy viên quân sự của sứ quán Venezuela tại Mỹ (vốn từng ủng hộ Maduro), cũng có khá nhiều nhân viên làm việc tại 9 lãnh sự quán Venezuela ở Hoa Kỳ thừa nhận Guaido là tổng thống.
Do vậy, có thể nói, đang có một sự thay đổi. Hoạt động kháng cự rất quan trọng nhưng nếu chỉ có một mình Guaido mà không có các thương lượng quốc tế, thì mọi việc có nguy cơ phức tạp. Do đó, vế thứ hai, tức là quốc tế có tầm quan trọng chủ chốt và các cuộc thương lượng ở cấp cao nhất hiện đang diễn ra, giữa một bên là Nga, Trung Quốc và bên kia là Hoa Kỳ.
RFI : Trung Quốc và Nga có những lợi ích gì tại Venezuela ?
Isabelle Rousseau : Từ nhiều năm nay, Nga và Trung Quốc đóng vai trò bình dưỡng khí cho chế độ Maduro, cho vay để chế độ này có thể tồn tại. Hiện nay, Venezuela còn nợ của Trung Quốc gần 20 tỉ đô la và nợ Nga 8 tỉ. Nhưng tôi nghĩ rằng Nga và Trung Quốc chắc đang chán ngấy Maduro. Họ muốn tống khứ kẻ đồng minh đang ngày càng gây khó xử, nhưng đồng thời vẫn bảo vệ được các lợi ích của họ tại Venezuela.
Nga và Trung Quốc đã mua rất nhiều các quặng mỏ hoặc khu vực khai thác dầu khí, nhất là từ năm 2015. Các mỏ dầu đã được bán tống bán tháo. Năm 2015 cũng là năm phe đối lập giành thắng lợi áp đảo tại Quốc Hội Venezuela. Quốc Hội do phe của Guaido nắm quyền đã bỏ phiếu chống lại việc bán rẻ các mỏ dầu.
Phe đối lập thường xuyên tuyên bố : Khi lên nắm quyền, chúng tôi sẽ không thừa nhận các khoản nợ, không thừa nhận các giao dịch bán giếng dầu, mỏ dầu. Do vậy, đương nhiên là Nga và Trung Quốc muốn bảo vệ các tài sản của họ hoặc ít ra là đề phòng, bảo vệ các lợi ích của họ.
Ngoài ra, Venezuela cũng có rất nhiều mỏ vàng, coltan, bô-xít, bạc… Không chỉ có Nga nắm giữ một phần các quặng coltan và vàng mà cả Thổ Nhĩ Kỳ nữa. Điều này giải thích vì sao Thổ Nhĩ Kỳ tham gia vào hồ sơ Venezuela, đứng về phía Nga và Trung Quốc.
RFI : Thế còn lợi ích của Hoa Kỳ tại Venezuela là gì ? Phải chăng là dầu lửa mà Mỹ cần cho các nhà máy lọc dầu ?
Isabelle Rousseau : Không. Bây giờ Mỹ không cần nữa. Khi Hugo Chavez lên nắm quyền, Venezuela sản xuất khoảng 3,5 triệu thùng dầu mỗi ngày. Ngày nay, sản lượng dầu giảm, dao động trong khoảng từ 1 đến 1,2 triệu thùng. Trước đây, Venezuela đứng hàng thứ hai hoặc thứ ba trong số các nước xuất khẩu dầu lửa nhiều nhất sang Mỹ. Giờ đây, nước này xuất khẩu ít và Hoa Kỳ đã trở thành nước sản xuất dầu lửa nhiều nhất và hiện nay, Canada là nước cung cấp nhiều dầu lửa cho Mỹ. Do vậy, dầu lửa của Venezuela không còn đóng vai trò sống còn đối với Hoa Kỳ.
Ngược lại, Mỹ khống chế Venezuela thông qua dầu lửa. Và điều quan trọng nhất đối với Mỹ là quay trở lại khống chế vùng Nam Mỹ. Đó là khẩu hiệu « châu Mỹ của người Mỹ » và học thuyết Monroe*. Bởi vì kể từ thời Bush và cả thời Obama, Hoa Kỳ đã không quan tâm đến châu Mỹ Latinh. Tình trạng này có lợi cho Trung Quốc.
Hiện tại, Trung Quốc là nhà đầu tư hàng đầu tại tất cả các nước châu Mỹ Latinh (ngoại trừ Mêhicô). Mỹ đứng hàng thứ hai hoặc thứ ba và giờ đây muốn giành lại ảnh hưởng. Nhất là khi Trung Quốc và Nga – nước này có vai trò quan trọng ở Venezuela – được coi là đối thủ cạnh tranh của Mỹ và do vậy, đó là một vấn đề địa chính trị đối với Hoa Kỳ.
RFI : Vào thời điểm hiện nay, chủ đề thương lượng là gì ?
Isabelle Rousseau : Theo tôi, đó là sự ra đi của Maduro. Người ta sẽ buộc Maduro phải ra đi, hơn nữa, ông ta đã mất sự ủng hộ của người dân, bởi vì họ rất bất bình và hứng chịu cực khổ từ lâu nay. Trong lúc có khủng hoảng nhân đạo và an ninh, việc khước từ cho mở hành lang nhân đạo để cung ứng thuốc men, chăm sóc y tế và tiếp tế thực phẩm, đó là điều không thể chấp nhận được.
Thế nhưng, ai biết được, giống như Bachar Al Assad, Maduro có thể không từ bỏ chiếc ghế tổng thống và để cho tình hình sa lầy thêm. Nếu mất sự ủng hộ của Nga, Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ, ông ta sẽ phải ra đi và luật ân xá sẽ được áp dụng. Những nước có thể đón ông ta là Panama, Mêhicô và Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng thương lượng giữa các cường quốc cũng có thể thất bại. Mọi chuyện đều có thể diễn ra. Chính vì thế, điều quan trọng là phải nhìn xem quốc tế có phản ứng, ủng hộ ra sao.
RFI : Hoa Kỳ bóng gió đe dọa can thiệp quân sự. Liệu điều này có thể xẩy ra không ?
Isabelle Rousseau : Trước tiên, những ai có thể nghĩ rằng phe đối lập Venezuela mong muốn Hoa Kỳ can thiệp thì thật là sai lầm. Đối với Guaido và phe đối lập, điều cơ bản là những người lãnh đạo đất nước phải có được tính chính đáng mà người dân chấp nhận. Juan Guaido không muốn chịu ơn sự can thiệp của Mỹ để có chức tổng thống. Ông ta sẽ chỉ chấp nhận điều này nếu như thực sự không còn cách nào khác.
Tuyên bố của tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng tất cả mọi khả năng đều được xem xét là một sự đe dọa mạnh mẽ. Tuy nhiên, theo tôi, tuyên bố này nhằm làm dịu tình hình bên phía Maduro rằng nếu điều gì xẩy ra đối với Guaido hoặc những người thân của ông ta thì Hoa Kỳ luôn ở bên cạnh. Đó là một thứ vũ khí răn đe chứ không hàm ý điều gì. Và trong mọi trường hợp, Trung Quốc và Nga cũng đang xoa dịu Maduro để tránh xẩy ra bạo lực, bởi vì trên thực tế, các thương lượng đang diễn ra giữa ba cường quốc này.
Vả lại, cả Hoa Kỳ, Nga và Trung Quốc đều không muốn quân đội của họ can thiệp vào Venezuela. Trước ngày 23/01 vừa qua, Nga cũng đã đưa nhóm « Wagner ». Đó là những nhân viên bán vũ trang của một công ty tư nhân phục vụ điện Kremlin. Dường như công ty này có khoảng 400 người. Nhóm này đã từng can thiệp vào Syria, Libya, Sudan, Cộng hòa Trung Phi v.v… Như vậy, Nga đã hiện diện tại Venezuela và đây là kịch bản « chiến tranh lạnh».
******
Học thuyết Monroe
Học thuyết Monroe do chính tổng thống Mỹ James Monroe đề xướng, trong thông điệp liên bang lần thứ 7 trước Quốc Hội, ngày 02/12/1823, với hai nguyên tắc chính: châu Mỹ không chấp nhận chế độ thực dân hoặc can thiệp từ phía châu Âu, đặc biệt là đối với các nước mới giành được độc lập và các hành động đó đều sẽ được xem như là một mối đe dọa cho an ninh và hòa bình ở vùng Tây Bán Cầu này; đồng thời, Mỹ cam kết không can thiệp vào công việc nội bộ châu Âu.
Đây là nền tảng chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ trong thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX. Cùng với sự lớn mạnh về kinh tế và quân sự, cách diễn giải của Mỹ về học thuyết này cũng được mở rộng: Hoa Kỳ có trách nhiệm bảo đảm an ninh và hòa bình tại châu Mỹ – hàm ý vùng ảnh hưởng, sân sau của Hoa Kỳ.
Nguồn: RFI