Cuba lo sợ chế độ Maduro sụp đổ

RFI (Điểm báo) –

Cuba lo sợ chế độ Maduro sụp đổ

.

\"\"
Lãnh đạo các nước Nicaragua, Cuba, Venezuela và Bolivia (từ trái qua phải) trong một hội nghị của nhóm ALBA (Liên minh Bolivar vì nhân dân châu Mỹ), Caracas, ngày 5/3/2018. REUTERS/Marco Bello

Cuộc khủng hoảng chính trị tại Venezuela làm cho Nga, Trung Quốc lo sợ hàng tỷ đô la đầu tư bỗng chốc tan theo mây khói nếu tổng thống Venezuela đương nhiệm Nicolas Maduro phải ra đi. Nhưng Cuba sẽ còn khốn khổ hơn, nếu mất nguồn viện trợ dầu hỏa từ đồng minh Caracas. Báo Le Figaro ngày 01/02/2019 có bài nhận định « Cuba lo sợ chế độ Maduro sụp đổ ».

« Cầu cho người Mỹ đừng có phiêu lưu đến Venezuela ! Chúng tôi có binh sĩ ở đó và chúng tôi sẵn sàng cho mọi hình thức xung đột ! », ông Osmany, một cựu chiến binh thuộc lực lượng đặc nhiệm Cuba tại Nicaragua thốt lên như thế với phóng viên báo Le Figaro.

Có bao nhiêu nhóm binh sĩ Cuba tại Venezuela ? Hiện không ai biết được con số chính xác. Tuy nhiên, theo một số cựu quan chức cao cấp Cuba đang sống lưu vong tại Miami thì có khoảng 300 sĩ quan Cuba nằm trong bộ chỉ huy quân đội Venezuela. Đó là chưa tính đến một số lượng đáng kể nhân viên tình báo, phụ trách giám sát không chỉ phe đối lập Venezuela mà cả các chuyên gia y tế Cuba ở Caracas sao cho những người này không thể đào thoát. Gần đây, tổng thống tự phong Juan Guaido đã yêu cầu binh sĩ Cuba rút ra khỏi đất nước.

Theo nhật báo, mối thâm giao Cuba – Venezuela đã có từ lâu. Cách nay đúng 60 năm, ông Fidel Castro, khi ấy giữ chức thủ tướng đã đến thăm Caracas trong hy vọng thuyết phục tổng thống Betancourt cấp dầu khí cho Cuba. Trong ấn bản ngày 01/02/1959, tạp chí thời sự của La Habana lúc bấy giờ là Bohemia có thuật lại lời phát biểu của ông Fidel tại Caracas như sau :

« Người dân Cuba cần sự giúp đỡ của nhân dân Venezuela (…) Tạo hóa cũng muốn rằng hai dân tộc chúng ta có cùng một vận mệnh (…) Đất nước Venezuela phải là quốc gia đầu tàu hợp nhất các dân tộc châu Mỹ. »

Thế nhưng, Fidel Castro cũng phải đợi đến hơn 30 năm sau, Cuba và Venezuela mới thật sự xích lại gần nhau. Một chương trình hợp tác « xuất khẩu lao động để lấy dầu » giữa hai bên đã được thiết lập. Theo đó, hòn đảo cộng sản gởi sang Venezuela 20.000 nhân viên y tế và hàng nghìn kỹ sư, giáo sư cùng cố vấn quân sự. Đổi lại, Fidel Castro nhận được nguồn viện trợ dầu khí với giá rẻ mạt từ Venezuela. Và « cuộc cách mạng năng lượng » này theo như cách gọi của chính quyền Cuba vào đầu những năm 2000 đã cứu chế độ La Habana phần nào tránh bị phá sản.

Do vậy, theo nhật báo thiên hữu của Pháp, một sự lật đổ chế độ theo tư tưởng Chavez chẳng khác gì đặt dấu chấm hết cho nguồn viện trợ dầu hỏa đối với Cuba. Bởi vì, mỗi ngày đảo quốc cộng sản nhận từ Venezuela từ 30 đến 40 ngàn thùng dầu. Chế độ Castro liên tục tuyên truyền trên các mạng truyền thông nhằm bảo vệ Nicolas Maduro.

Chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel trên Twitter tố cáo Hoa Kỳ trở lại với học thuyết Monroe : « Chúng tôi mạnh mẽ lên án và bác bỏ mọi mưu toan dùng đảo chính để áp đặt một chính phủ bù nhìn theo Mỹ tại nước Cộng Hòa Bolivar Venezuela. Chúng tôi khẳng định tình liên đới không gì lay chuyển với chính phủ tổng thống Nicolas Maduro ».

Thế nhưng, theo Le Figaro, trong ván cờ này với Hoa Kỳ, Cuba đang đặt cược lớn. Nếu La Habana không bảo vệ được các lợi ích của mình, nguy cơ lây lan, kèm theo với việc lật đổ các chế độ cánh tả tại Bolivia và Nicaragua là rất lớn. Trong trường hợp leo thang quân sự với Mỹ, sự tồn vong của Cuba cũng lâm nguy. Sau việc hồi hương 11.000 bác sĩ từ Brazil về nước và chấm dứt một hợp đồng thường niên trị giá nhiều tỷ đô la, Venezuela sụp đổ có nguy cơ đẩy Cuba đến bờ vực thẳm. Chương trình « đổi bác sĩ lấy dầu hỏa » mỗi năm dường như mang về cho Cuba khoảng 8 tỷ đô la. Đây là nguồn thu nhập chính của Cuba, vượt xa cả du lịch và kiều hối.

Trong những tuần sắp tới, hơn 2.000 bác sĩ Cuba trước đây hoạt động ở Brazil phải đến Caracas. Trước đó, Nicolas Maduro đã đón tiếp 500 người vào ngày 17/01 vừa qua. Tất cả dân Cuba đều có một người thân đang làm việc hay đã từng làm việc tại Venezuela. Nếu như các nhiệm vụ của giới chuyên môn Cuba, có thời hạn từ một đến ba năm, từ lâu đã mang lại cho họ nhiều khoản lợi –  các chuyên gia khi về nước mang theo nhiều món hàng tiêu thụ và một chút tiền dành dụm được – chuyện này nay không còn nữa. Thêm vào đó, tình trạng bạo lực ở Venezuela đã làm cho những người Cuba đó, vốn dĩ quen sống trong một đất nước bình yên giờ đây cũng phải hoảng sợ.

Hơn nữa, người dân Cuba có cái nhìn chỉ trích gay gắt đối với ông Maduro. Nếu như người Cuba đã khóc khi Hugo Chavez qua đời, thì với Maduro, họ lại xem « Đó là một kẻ đần độn ». Trong một bối cảnh khan hiếm thực phẩm chưa từng có từ vài tháng qua, một người Cuba không ngần ngại kết luận : « Nếu Venezuela sụp đổ, thì chúng tôi cũng tiêu luôn ! ».

Nguồn: RFI

Bài Liên Quan

Leave a Comment