KÍNH HÒA / RFA –
VN được lợi gì trong đạo luật an ninh ARIA của Mỹ?
.
Ngày 31/12/2019 Tổng thống Hoa Kỳ ký ban hành đạo luật mang tên Trấn an châu Á (ARIA) khẳng định những lợi ích của Hoa Kỳ trong vùng Ấn Độ Thái Bình Dương.
Đồng thời ARIA cũng đưa ra những cam kết của Hoa Kỳ với các quốc gia trong vùng này, trong đó có Việt Nam.
ARIA cũng đưa ra một con số cụ thể là Washington sẽ chi đến 1,5 tỉ đô la cho vùng này trong 4 năm 2019-2023.
Một số nhà quan sát trong và ngoài nước nhận định sau đây về đạo luật này.
Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng, nguyên đại sứ Việt Nam tại Hà Lan, trong thư trả lời RFA đánh giá rất cao tầm quan trọng của đạo luật này. Theo ông đạo luật này “luật hóa” sự đối kháng của Mỹ với Trung Quốc trong khu vực, và nằm trong chiến lược toàn cầu của Mỹ. Theo ông đạo luật này sẽ có tác động để nâng quan hệ Mỹ Việt từ quan hệ toàn diện sang quan hệ chiến lược.
Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, chuyên gia về quan hệ quốc tế làm việc tại Singapore cho rằng:
“Việt Nam và các nước khác đều được hưởng lợi từ đạo luật này, không chỉ về mặt tài chính khi Hoa Kỳ dành 1.5 tỉ đô cho các chương trình ở khu vực Đông Á và Đông Nam Á, mà còn về mặt ý nghĩa tượng trưng sự cam kết của Hoa Kỳ. Điều đó nó tốt cho trật tự khu vực của châu Á và Đông Nam Á nói riêng.”
Trong đạo luật ARIA, Việt Nam được gọi là một đối tác an ninh, thứ tự ưu tiên sau các đồng minh và các đối tác chiến lược của Mỹ.
Nhận xét về cách gọi này, Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp nói với RFA:
“Đạo luật ARIA này nhất quán gọi Việt Nam là đối tác an ninh thôi, tức là Mỹ không coi trọng Việt Nam như các nước khác ở giai đoạn hiện tại.”
Liên quan đến Việt Nam, ARIA còn nói đến cam kết của Mỹ vào khu vực Tiểu vùng Mekong, bao gồm các nước Miến Điện, Thái Lan, Lào, Campuchia, và Việt Nam. Sự cam kết này đã được chính quyền Mỹ thời Tổng thống Obama đưa ra.
Theo Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp, đây là điều thể hiện sự nhất quán của Hoa Kỳ trong khu vực này.
Một nhà nghiên cứu Biển Đông của Việt Nam là Thạc sĩ Hoàng Việt, nhận định rằng Việt Nam sẽ có hai điều lợi liên quan đến đạo luật ARIA:
“Thứ nhất là an ninh trên Biển Đông, thứ hai là trên sông Mekong. Đặc biệt là trên sông Mekong, vì Biển Đông thì có nhiều cường quốc, nhưng vùng sông Mekong thì không có cường quốc nào cả.”
Thạc sĩ Hoàng Việt nằm trong số những nhà quan sát nhấn mạnh tầm quan trọng của lưu vực sông Mekong trong ảnh hưởng của Trung Quốc. Trung Quốc không những có nhiều đập nước trên thượng nguồn Mekong, gây khó khăn cho Việt Nam ở hạ lưu, mà Trung Quốc còn đầu tư nhiều vào hai quốc gia láng giềng Lào và Campuchia, tạo sức ép rất lớn lên Việt Nam.
Sau khi ARIA được ban hành, Viện nghiên cứu Đông Nam Á tại Singapore đưa ra kết quả khảo sát những nhận định của các học giả, doanh nghiệp, xã hội dân sự của Đông Nam Á về sự hiện diện của Mỹ và Trung Quốc trong khu vực. Kết quả cho thấy người Đông Nam Á cho rằng Trung Quốc đang dần thay thế Mỹ trong khu vực, chỉ có hơn 31% tin rằng Hoa Kỳ là một đối tác an ninh cho khu vực.
Tiến sĩ Đinh Hoàng Thắng cho rằng tỉ lệ tin tưởng này sa sút từ khi Tổng thống Trump cầm quyền đến nay, và ông nói rằng Mỹ cần chứng minh sự cần thiết của mình cho an ninh khu vực bằng hành động.
Cũng cho rằng vai trò của Mỹ suy giảm từ khi Tổng thống Trump vào Nhà Trắng, Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp còn nhận định thêm:
“Thực ra cuộc khảo sáng được thực hiện hồi tháng 11, 12 năm ngoái trước khi đạo luật ARIA ra đời, nhưng nếu (có kết quả đó) thực hiện bây giờ thì nó cũng là điều dễ hiểu vì từ hai năm nay những hành động của ông Trump tạo nên ấn tượng Hoa Kỳ đang lơ là khu vực châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng. Mặc dù trên thực tế có thể nó không đến mức như vậy, nhưng ít nhất các hành động của ông Trump tạo cảm giác Hoa Kỳ không quan tâm đủ đến khu vực này. Vì vậy đạo luật này ra đời cũng rất là kịp thời.”
Bên cạnh các vấn đề an ninh và cam kết tài chính ARIA còn đưa ra các quan ngại về nhân quyền, trong đó đề cập đến các quốc gia Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan.
Thạc sĩ Hoàng Việt nhận xét:
“ARIA cho Việt Nam những điều lợi, nhưng bên cạnh đó sẽ có khả năng gây xung đột với Việt Nam vì những vấn đề nhân quyền, pháp quyền, minh bạch.”
Nhưng Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp lại có nhận xét rằng ARIA được lưỡng viện Quốc hội Mỹ đưa ra, và đó là nơi các vấn đề nhân quyền được nêu lên mạnh mẽ. Theo ông vấn đề nhân quyền trong ARIA có được Mỹ áp dụng hay không còn là chuyện khác, vì nó có thể là chỉ được đưa ra như một cách đãi bôi, sau hai năm Tổng thống Trump và Hoa Kỳ bị chỉ trích là lơ là vấn đề nhân quyền trên toàn thế giới.
Nguồn: RFA