‘Dòng mến Thánh giá Thủ Thiêm không bị di dời’

Lãnh đạo Tp.HCM: ‘Dòng mến Thánh giá Thủ Thiêm không bị di dời’

.

\"\"
Bí thư Tp.HCM Nguyễn Thiện Nhân thăm một tu viện ở Thủ Thiêm, 2/2/2019

Các công trình chính yếu của Dòng mến Thánh giá Thủ Thiêm và nhà thờ Thủ Thiêm “sẽ được giữ lại”, các lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh nói hôm 2 và 4/2. Tranh chấp đất đai, trong đó có các cơ sở tôn giáo, do việc thực hiện dự án đô thị mới Thủ Thiêm là vấn đề nhức nhối đối với thành phố trong nhiều năm nay.

Thanh Niên, Zing.vn và một số báo khác đưa tin rằng phát biểu kể trên của các lãnh đạo Tp.HCM được đưa ra khi họ “đến thăm, chúc Tết” tại Dòng mến Thánh giá Thủ Thiêm và nhà thờ Thủ Thiêm”…. hướng giải quyết của thành phố là giữ lại các công trình chính yếu của Dòng mến Thánh giá Thủ Thiêm và nhà thờ Thủ ThiêmÔng Huỳnh Cách Mạng, Phó Chủ tịch UBND Tp.HCM

Tin nói cuộc đi thăm của đoàn lãnh đạo thành phố do Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân dẫn đầu đã diễn ra hôm 2/2. Khi gặp gỡ với đại diện Dòng mến Thánh giá, trong đó có linh mục Lê Đăng Niêm, Chánh xứ nhà thờ Thủ Thiêm, ông Nhân đã “chia sẻ hướng giải quyết” đối với các công trình tôn giáo hiện hữu ở Thủ Thiêm, thuộc quận 2 của thành phố.

Mặc dù các báo không cho biết ông Nhân có nói cụ thể gì nữa hay không, song cũng vẫn các báo dẫn lời ông Huỳnh Cách Mạng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Tp.HCM, nói hôm 4/2 rằng hướng giải quyết của thành phố là “giữ lại các công trình chính yếu của Dòng mến Thánh giá Thủ Thiêm và nhà thờ Thủ Thiêm”, vốn đã tồn tại hàng trăm năm qua ở địa phương này.

Ông Mạng, cũng là thành viên đoàn lãnh đạo đi thăm Thủ Thiêm, nói thêm rằng “riêng một số khu vực lân cận sẽ được xem xét chỉnh trang cho phù hợp quy hoạch, đảm bảo mỹ quan”, theo các bản tin.

Trong cuộc gặp, chúc Tết, Bí thư Nhân đã bày tỏ “trân trọng” những hoạt động xã hội của Dòng mến Thánh giá Thủ Thiêm và đánh giá rằng việc dòng tu này “chia sẻ giúp đỡ những người khó khăn” là việc làm rất tốt cho xã hội.

\"Nhà
Nhà nguyện tu viện Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm.

Chỉ cách đây 2 năm, tu viện và nhà thờ của Dòng mến Thánh Giá Thủ Thiêm còn phải đối mặt với sức ép di dời để nhường đất cho một phần của khu đô thị mới.

Soeur Đặng Thị Mỹ Hạnh, thư ký Dòng mến Thánh Giá Thủ Thiêm, hồi tháng 1/2017 cho VOA biết chính quyền địa phương muốn gắn việc “giải phóng mặt bằng” một ngôi trường từng thuộc tu viện Dòng Mến Thánh Giá với việc di dời cả tu viện, nhưng phía tu viện không chấp nhận.

Ở thời điểm đó, Soeur Mỹ Hạnh cho biết hồi năm 1975, tu viện đã cho chính quyền của những người cộng sản “mượn” trường học của tu viện. Đến năm 2015, khi có dự án xây đô thị mới ở Thủ Thiêm, ngôi trường trong diện bị phá dỡ để làm đường. Tu viện đã đề nghị chính quyền bồi thường nhưng họ từ chối. Chính quyền nói nếu “tính chung” cả tu viện và ngôi trường, thì họ sẽ bồi thường.

Theo Soeur Mỹ Hạnh, cho đến ngày 17/1/2017, chính quyền chưa gửi văn bản chính thức đặt ra hạn chót di dời song họ có những hình thức gây sức ép khác. Bà cũng cho hay chính quyền đã nhiều lần “hiệp thương” với tu viện. Phía chính quyền nói sẽ cấp đất ở nơi mới cũng như bồi thường chi phí di dời và xây dựng. Tuy nhiên, phía tu viện kiên quyết không ra đi, dù giá trị vật chất của khoản bồi thường có là bao nhiêu.

Lịch sử ghi chép lại rằng giáo đoàn Thủ Thiêm, nơi có Tu viện Dòng mến Thánh giá, được thành lập năm 1840. Một nhà thờ gỗ được dựng lần đầu ở đó năm 1865.

Các tài liệu khác nhau cho thấy ở khu vực thuộc quy hoạch làm khu đô thị mới Thủ Thiêm, có gần 30 công trình tôn giáo, tín ngưỡng khác nhau, bao gồm các đình, chùa, đền, miếu, tịnh xá, tu viện, nhà thờ và nhà nguyện.

Tuy nhiên, tới giữa 2016, nhiều công trình trong số đó đã bị phá dỡ, di dời. Trong đó, sự kiện gây chú ý là hồi đầu tháng 9/2016, chính quyền đã cưỡng chế việc di dời chùa Liên Trì dù các vị sư đã tọa kháng.

Nguồn: VOA

Bài Liên Quan

Leave a Comment