Hiệp Định Tự Do Mậu Dịch Việt Nam – Liên Âu vẫn ‘lơ lửng’

Hiệp Định Tự Do Mậu Dịch Việt Nam – Liên Âu vẫn ‘lơ lửng’

.

\"\"
Thành viên Nghị viện Châu Âu giơ cao các tấm bảng cổ võ nhân quyền trong một phiên họp. (Hình: JOHANNA LEGUERRE/AFP/Getty Images)

HÀ NỘI 3-2  .- Dù đàm phán đã hơn 7 năm, đến nay, bản Hiệp định Tự do Mậu dịch giữa Liên Âu và Việt Nam vẫn còn phải chờ xem Quốc Hội Liên Âu có chịu bỏ phiếu thông qua sớm hay không.

Hiệp định Tự do Mậu dịch EU-Việt Nam gọi tắt là EVFTA (Europe-Vietnam Free Trade Agreement) nếu được thông qua, người ta ước tính, nền kinh tế của Việt Nam có thể tăng trưởng đến 8% vào năm 2025 nhờ gia tăng xuất cảng đồ điện tử, quần áo giày dép vào một trong những thị trường hấp dẫn trên thế giới, theo tác giả David Hutt viết trên Asia Times.

Còn giới đầu tư của Châu Âu cũng đang chờ cơ hội xông vào Việt Nam kinh doanh khi Hà Nội chấp nhận phá bỏ nhiều rào cản, nhất là các lãnh vực ngân hàng và bảo hiểm.

Hy vọng của Hà Nội gia tăng từ Tháng Mười 2018 khi Ủy Ban Châu Âu (Europe Commission) thông qua bản hiệp định, trong đó, thỏa thuận xóa bỏ 99% hàng rào quan thuế hiện đang còn áp dụng. Tuy nhiên, Hội Đồng Châu Âu lại không chịu thông qua ngay vì có rất nhiều đại biểu trong Quốc Hội bầy tỏ quan ngại đến tình trạng tồi tệ về nhân quyền của Việt Nam mỗi ngày một xấu hơn.

Tháng trước, khi ông thủ tướng CSVN Nguyễn Xuân Phúc đến Davos, Thụy Sĩ, dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới, tưởng đã hy vọng Quốc Hội Âu châu thông qua dịp này nhưng họ lại dời lại một ngày chưa ấn định với lý do được nêu ra là “vấn đề kỹ thuật”.

Một số nguồn tin từ Hà Nội nói rằng cơ chế chính trị của Âu Châu muốn áp lực mạnh hơn về các vấn đề nhân quyền và dân chủ. Từ khi cuộc đàm phán bắt đầu, đã có nhiều lời cảnh cáo về tình trạng nhân quyền tồi tệ của Việt Nam. Một số phái đoàn của Quốc Hội Âu châu đã từng đến Việt Nam tiếp xúc với các nhân vật bất đồng chính kiến.

Trước các áp lực, Hà Nội chịu nhượng bộ phần nào khi chấp nhận sẽ sửa đổi về quyền của người lao động và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, những điều này rất có thể vẫn không đủ để Quốc Hội Liên Âu chịu thông qua bản hiệp định. Nhưng, vì đã thỏa thuận với Hà Nội, các nhà thương thuyết của Âu châu lại tin rằng họ có thể áp lực Hà Nội cải thiện nhân quyền và tự do dân chủ bên trên cả những điều khoản EVFTA đòi hỏi.

Điều đó gồm cả áp lực buộc trả tự do tập thể cho nhiều tù chính trị hiện ước lượng hơn 100 người, theo con số của tổ chức Ân Xá Quốc Tế. Các nhà thương thuyết Âu châu cũng tin rằng họ có thể áp lực cải thiện tự do tôn giao và tự do internet, nhất là từ đầu năm nay khi cái “Luật an ninh mạng” bắt đầu áp dụng.

Nếu Quốc Hội Liên Âu không bỏ phiếu thông qua EVFTA trước Tháng Tư rồi sau đó họ nghỉ và chuẩn bị cho Quốc Hội mới, hiệp định có thể bị dời tới cuối năm nay mới hy vọng được đưa ra biểu quyết.

Hà Nội đã khá thất vọng khi Tổng Thống Mỹ Donald Trump loan báo rút khỏi Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), họ đành cùng với 10 nước còn lại ngồi xuống ký Hiệp định Toàn diện và Tiến Bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) mà không có Mỹ, thị trường tiêu thụ lớn nhất mà tất cả đều mong ước.

Trung Quốc cũng đang dỗ dành Hà Nội tham gia một thứ hiệp định thương mại toàn diện khu vực (RCEP). Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích cho rằng EVFTA quan trọng hơn nhiều đối với Hà Nội. Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ nhì của EU sau Singapore tại khu vực ASEAN với trị giá $54 tỉ hàng hóa và $4 tỉ dịch vụ, theo thống kê năm 2017.

Một bản nghiên cứu do EU tiến hành mấy năm trước nói rằng EVFTA có thể giúp gia tăng đến 15% tổng sản lượng quốc gia (GDP) của Việt Nam nếu hiệp định được áp dụng, như với tình hình kinh tế của thế giới đang gặp nhiều trở ngại, ước tính vừa kể có thể còn thấp hơn nữa.

Liệu Hà Nội có chịu cải thiện nhân quyền để Quốc hội Liên Âu thông qua sớm EVFTA hay không, hiện chưa thấy có dấu hiệu gì. Mới tuần qua, người ta thấy một số nghị viên EU đòi hỏi chế độ Hà Nội trả tự do tức khắc cho ông Hoàng Đức Bình, một người đang bị CSVN kết án tù vì đấu tranh cho quyền của người lao động và chống Formosa làm ô nhiễm môi trường biển.

Nguồn: Người Việt

Bài Liên Quan

Leave a Comment