Kỷ niệm chiến tranh biên giới, Hà Nội không dám nêu tên Bắc Kinh
.
HÀ NỘI 3-2 – Bốn mươi năm sau khi xảy ra cuộc chiến biên giới với Trung Quốc, CSVN tổ chức kỷ niệm trong sự dè dặt sợ làm Bắc Kinh tức giận nên không nêu tên Trung Quốc trong các bản tin.
Ngày 31/1/2019, tờ Quân Đội Nhân Dân (báo của Bộ Quốc Phòng CSVN) có bản tin “Nhân dịp kỷ niệm 40 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc (17-2-1979/17-2-2019), Thư viện Quân đội tổ chức trưng bày sách chuyên đề về cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc.”
Bản tin này nói “Với gần 200 tài liệu viết về đề tài này, đợt trưng bày giúp bạn đọc hiểu sâu sắc, khách quan về các sự kiện lịch sử trong quan hệ đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta; thể hiện truyền thống đoàn kết, yêu nước của dân tộc Việt Nam quyết tâm bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; tôn vinh và tri ân công lao, những đóng góp to lớn của quân và dân ta trong Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc.”
Tuy vậy, tờ QĐND lại vội vàng nhắc nhở “Đợt trưng bày cũng góp phần nâng cao nhận thức, thúc đẩy mối quan hệ láng giềng hữu nghị không ngừng phát triển và đi vào thực chất vì lợi ích thiết thực của nhân dân, vì hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới; đồng thời khẳng định đường lối, chủ trương đối ngoại nhất quán của Đảng, Nhà nước ta trong quan hệ với các quốc gia, dân tộc trên thế giới…”
Toàn thể bản tin không có một từ “Trung Quốc” nào vốn từng bị coi là kẻ thù không đội trời chung dù là cộng sản anh em.
Trước đó hai tuần lễ, ngày 17/1/2019, tờ “Cộng Sản”, cơ quan thông tin tuyên truyền của Đảng CSVN, có bản tin dài với tựa đề “Tuyên truyền thành tựu kinh tế – xã hội; mừng Đảng, mừng Xuân” thuật lời Lê Mạnh Hùng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương ra lệnh cho thuộc cấp “Trong thời gian tới, cần tuyên truyền về kết quả phát triển kinh tế – xã hội 2018, mục tiêu, nhiệm vụ 2019; phản ánh không khí phấn khởi và các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân…”
Cả bản tin, chỉ có một câu ngắn Lê Mạnh Hùng tuyên truyền dặn dò thuộc cấp “kỷ niệm 40 năm Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc (17/2/1979 – 17/2/2019).” Cũng không thấy có chữ Trung Quốc nào được cài vào.
Ngày 1 Tháng Hai, ông Phạm Viết Đào, một nhà báo từng bị đi tù 15 tháng vì bị cáo buộc “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ” đả kích chế độ, viết trên trang Facebook cá nhân rằng “Theo nguồn tin vỉa hè, năm nay Việt Nam chủ trương công khai kỷ niệm 40 năm cuộc chiến chống Trung Quốc xâm lược các tỉnh biên giới phía bắc. Các hoạt động đang được chuẩn bị, chắc sẽ được tổ chức sau dịp Tết Nguyên Đán…”
“Những ngày giáp Tết, được tin Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam chạy như cờ lông công tới một số cơ quan chức năng Việt Nam, danh nghĩa yêu cầu giải thích về chủ trương này nhưng thực chất là đe nẹt, gây sức ép buộc Việt Nam phải co lại hoạt động kỷ niệm 40 năm mới nhớ tới một lần…Hàng năm, báo chí Trung Quốc thường xuyên đề cập, vinh danh lính của họ, nhiều sách vở báo chí thỏa sức tuyên truyền, ca ngợi chiến thắng của họ. Họ ngang nhiên coi việc đưa hơn 1 triệu quân xông vào lãnh thổ Việt Nam trong 2 giai đoạn: tháng 2/1979, trên 6 tỉnh biên giới; Từ 19879-1989 tại khu vực vị Xuyên với danh nghĩa: phản ứng tự vệ và chống Việt Nam xâm lược.”
Ông Đào viết tiếp rằng “Vừa qua trong buổi ra mắt Ban liên lạc CCb Sư đoàn 356, Thiếu tướng Nguyễn Đức Huy, nguyên Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu 2, Trưởng Ban liên lạc CCB Vị Xuyên đã cung cấp thông tin: Vừa qua, năm 2018, Trung Quốc đã phong cho 10 lính Trung Quốc danh hiệu anh hùng vì đã lập công đánh Việt Nam tại chiến trường Lão Sơn…Chưa rõ, với hành động ngang ngược của Đại sứ thiên triều, sẽ tác động tới mức nào các hoạt động kỷ niệm 40 năm nổ ra cuộc chiến chống Trung Quốc xâm lược biên giới phái bắc?”
Ngày 17/2/1979 nổ ra chiến tranh suốt dọc 6 tỉnh biên giới phía bắc với Trung Quốc mà Đặng Tiểu Bình nói “dạy cho Việt Nam bài học” vì đã xua quân đánh chế độ diệt chủng Pol Pot ở Cam Bốt, tay chân thân tín của Bắc Kinh. Cuộc chiến chỉ kéo dài ào ạt một tháng nhưng đã tàn phá hết các thành phố, làng mạc của Việt Nam từ Lai Châu tới Quảng Ninh.
Hàng chục ngàn người thiệt mạng cho cả hai bên. CSVN gọi là “Chiến tranh bảo vệ biên giới phía bắc 1979” hay “Cuộc chiến chống bè lũ bành trướng phương bắc” khi Hà Nội chưa bình thướng hóa ngoại giao trở lại với Bắc Kinh. Còn Trung Quốc gọi là “Chiến tranh đánh trả tự vệ trước Việt Nam” (Đối Việt tự vệ hoàn kích chiến) dù CSVN không hề liều lĩnh đánh quan thầy phương bắc.
CSVN đã phải huy động toàn lực dồn lên các tỉnh biên giới để chống trả cuộc xâm lăng của hàng chục sư đoàn quân Trung Quốc với hàng trăm xe tăng và các đơn vị pháo binh yểm trợ. Trong chỉ thị số 69, ngày 6 tháng 3 năm 1979, Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam nhắc nhở quân dân “Không được một chút mơ hồ nào đối với âm mưu cơ bản của bọn phản động Trung Quốc là thôn tính nước ta, khuất phục nhân dân ta (…) luôn luôn sẵn sàng chuẩn bị chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, đập tan bọn xâm lược …”
Sau cuộc họp kín các ngày 3-4/9/1990 giữa đám lành tụ chóp bu hai đảng, CSVN và cộng sản Trung Quốc tái lập bang giao cho đến nay. Những năm vừa qua, báo chí CSVN cũng chỉ lai rai kể về cuộc chiến nói trên. Thậm chí, một số bia kỷ niệm tại một số tỉnh đánh dấu tội ác của quân xâm lược Trung Quốc cũng bị đục bỏ.
Một số người dân hàng năm vào ngày 17/2 đến tượng đài Lý Thái Tổ ở Hà Nội đặt vòng hoa tưởng niệm những quân dân chết trong cuộc chiến biên giới với Trung Quốc thường bị cản trở, có người còn bị bắt hay đánh đập.
Ngày 21/1/2019, tổng bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng tiếp Hùng Ba, tân đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam. Dịp này, TTXVN kể rằng ông Trọng “đánh giá cao những thành quả giao lưu, hợp tác giữa hai nước thời gian qua; nhấn mạnh Việt Nam và Trung Quốc là hai nước láng giềng, núi sông liền một dải, cùng do Đảng Cộng sản lãnh đạo, tình hữu nghị truyền thống giữa hai Đảng, hai nước do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Mao Trạch Đông đích thân xây dựng, được các thế hệ lãnh đạo dày công vun đắp, là tài sản vô cùng quý báu mà hai Đảng, hai nước và nhân dân hai nước phải kế thừa và phát huy.\”
Nguồn: Người Việt