Chuly sưu tầm
CHIẾC XÍCH LÔ… TRONG ĐÊM GIAO THỪA.
Posted on October 25, 2015 by chrisvietstar
… “Viết … như một kỷ niệm của những năm đầu tiên sau 1975, tại Tuy Hòa-Phú Yên”
Mấy ngày gần đây, mỗi khi lái xe trên đường Bolsa, trục lộ chính dẫn đến trung tâm Little Saigon đều bị kẹt xe, kẹt xe một cách “trầm trọng”, nhưng hình ảnh kẹt xe trong êm ả, an toàn và yên lặng…. Chẳng mấy khi nghe tiếng còi xe, chẳng mấy khi thấy người cùng người “ăn thua đủ” vì tông xe, vì hun đít xe nhau, chẳng mấy khi thấy người lái xe thò đầu ra thành cửa kiếng văng tục, chửi thề… Uhm, như vậy là văn minh lắm! Ý thức đến thế là cùng! Những chiếc xe nối đuôi nhau bon bon trên con đường quen thuộc, hai bên đường tiệm quán tấp nập người qua lại, trên lề đường đồng hương dắt díu nhau nói cười uyên thuyên và trên tay không quên “đèo bồng” thêm một chậu hoa, một chùm mai, một nhánh đào cùng với những khuôn mặt rạng rở, vui vẻ làm cho không gian nơi này đệm nét Xuân về rộn rã, tươi vui đầy sức sống. Uhm, quên chứ! chỉ có nhìn thôi sao? Dĩ nhiên không thiếu những tiếng pháo, những tràn pháo và cả mùi pháo phản phất quanh đây….
Thế là Xuân! Xuân của đồng hường Việt Hải Ngoại là thế, chỉ thế thôi! nhưng thật thú vị và tuyệt vời…
Khác với những cái Tết lúc tôi còn ở quê nhà, nơi một thành phố bé nhỏ Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên thuộc miền Trung Việt Nam. Tết với đời sống túng quẩn, thiếu thốn, lo âu, hoảng sợ, và những cái Tết tôi đã sống cùng với gia đình không có Cha, thiếu vắng anh chị em trong nhà. Tôi không biết tại sao lại có sự trống vắng, xa vắng, thiếu vắng nhiều thành viên trong gia đình trong những ngày Tết như vậy… Uhm, thì ra là mỗi người tự đi kiếm cái Tết riêng cho mình. Chị Hai chạy đầu trên xuống xóm dưới nhận thêm cái áo, cái quần của người ta đem về may vá kiếm thêm chút tiền mua miếng thịt heo nạt, heo mỡ nấu cho thằng cháu 1 tuổi ăn tẩm bổ thêm dinh dưỡng mà cả năm trời sau khi sanh không còn một hột sữa trong người cho con bú. Anh Ba theo một nhóm người quen đu theo tàu lửa ra Hà Bằng, La Hai đốn củi về bán cho mấy nhà buôn làm than. Mấy đứa em gái thèm một cái áo mới, thèm một đôi guốc mới khi thấy mấy đứa bạn cạnh nhà cùng lứa đang se sua khoe đồ mới làm tụi nó phải đứng nhìn cho bớt thèm. Còn mẹ thì ra vào Sai Gòn mua một ít bột mì, một ngọt về bán kiếm chút lợi tức xoay sở để nuôi mấy miệng ăn trong gia đình. Người quan trọng nhất của gia đình là Ba (daddy) thì bị lãnh đạo Việt cộng bắt bỏ Tù, mà người cộng sản tráo trở gọi là Trại Cải Tạo…
Thế là căn nhà chỉ còn một mình tôi, cái Tết năm đó của tôi thất ảm đạm, thật buồn tẻ, chẳng biết làm gì, cũng chẳng biết nghĩ ra điều gì với cái Tết không có Ba, không có Mẹ, không có chị Hai, anh Ba và mấy em gái… không có ai cả!!!
images (2)Tết năm đó, một cái Tết khó quên và mãi mãi không bao giờ phôi phai trong tiềm thức. Nhà cậu tôi bên cạnh, sau bốn năm bị tù cộng sản vì “tội” làm Lính VNCH. Được thả về đúng ngày 23 âm lịch, ngày ông Táo về trời. Gia đình cậu mợ ôm nhau mừng mừng tủi tủi được vài ngày, rồi bắt đầu tính kế sinh nhai. Đứa con gái được 4 tuổi, đang tập kêu tên papa cho quen miệng, vì suốt bốn năm ở tù, Cậu chưa một ngày được về thăm từ khi đứa con gái lọt lòng mẹ. Năm đó, ông cậu chưa kịp gặp mặt con thì có lệnh ra chiến trường, rồi chiến trận kết thúc, rồi…. Trở thành người lính chiến bại bắt đắc dĩ và thành người tù cộng sản một cách oan ức. Đứa con gái thật xinh, thật thông minh. Mỗi ngày nó ra chơi cát, vọc bụi, đếm củi tre trong bếp với mẹ.
Gia đình Cậu cùng chung số phận “nghèo rách mồng tơi” như bao gia đình khác khi bộ đội cộng sản Bắc Việt xâm chiếm và ngự trị miền Nam. Nhìn con bé Bi gầy guộc, nhỏ thón, còi ra xương. Suốt bốn năm, bà mợ không làm gì ra tiền, đứa con gái bị bệnh hoạn triền miên, chạy loanh quanh tìm thầy chữa bệnh. Nhà có cái gì cũng đem ra bán, bán hết, bán sạch kể cả cái gối kỷ niệm đêm tân hôn cũng đã bán nốt để lấy tiền chạy thuốc cho con.
Gia tài của Cậu bây giờ là “vô sản”, nhìn vợ, nhìn con gái như vậy, Cậu không đành lòng. Sau một vài ngày nghỉ ngơi, hoàn hồn, bắt đầu ông Cậu đi quanh phố, đi khắp huyện kiếm việc làm. Một thằng lính tù mới ra, và bị tù vì tội “made in Mỹ Ngụy” không ai dám chấp chứa, dám nhận…. Ông cậu đi lững thững suốt ngày, sáng sớm đi, đến chiều xẩm tối mới về, ngày nào về cũng lắc đầu với bà mợ: “Em đừng buồn, em đừng lo, anh sẽ quyết không để cho mẹ con em gầy yếu, bệnh tật như vậy mãi. Em tin anh nhé! Thôi mình ráng chịu đựng ít ngày, thế nào anh cũng phải kiếm ra tiền để mua lại lư hương cúng cha má, thắp nén hương cúng tổ tiên ngày Tết, và anh phải mua cho con gái mình chiếc áo mới, món đồ chơi mới khác hơn nắm đất, bụi cát mà con gái mình vọc mỗi ngày. Và anh sẽ mua cho em chiếc lược, chứ cái lược của em gẫy gần hết mấy cái chân, làm sao mà chãi đầu? Anh sẽ chãi tóc em cho thẳng mướt để chúng ta và con đón một cái Tết khác hơn, hy vọng hơn, em nhé!”.
Ngày ba mươi Tết, tôi qua nhà Cậu, thấy mợ vui vẻ hơn bao giờ. Tôi hỏi Cậu đâu, mợ chưa trả lời thì bé Bi nhanh miệng lên tiếng:
“Anh Sáu ơi! Cha hôm nay đạp xích lô, cha có xích lô rồi, cha nói sẽ mua áo mới cho em nè, cha nói sẽ mua trái banh nhựa cho em chơi nẻ đếm cây nè. Tối cha về mua nhiều đồ lắm!”.
download (3) nhìn tôi cười nhẹ, hiền hòa với đôi mắt đầy hạnh phúc và niềm tin cho một ngày mai tốt hơn. Mợ chia sẻ với giọng nói phúc hậu: “Sáng nay chú Hai ở trong khu tòa án cũ, cuối đường Phan Đình Phùng, cháu nhớ không? Ah, chú Hai Phùng cũng lớn tuổi rồi, hôm nay chú Hai muốn ở nhà làm một số việc để chuẩn bị cúng kiếng và đón Giao Thừa nên chú không đi kiếm khách như mọi ngày, bởi thế chú cho Cậu mượn chiếc xích lô, kiếm khách cuốc được bao nhiêu thì cuốc, khi nào xong thì đưa lại cho chú Hai, rồi chia ba/bảy (3/7), có nghĩa là kiếm được 10 hào thì mình được bảy hào rồi chia cho chú ba hào. Cậu mừng lắm, lật đật đi liền, mới sáng sớm, gà chưa kịp gáy điểm buổi sớm mai là cậu của cháu đã rời khỏi nhà chẳng kịp ăn cháo luôn… Đó, cháu thấy chén cháo còn kia kìa, tội nghiệp cho cậu của cháu lắm, từ ngày ảnh ra khỏi tù, cậu nhìn mợ, nhìn con Bi ốm yếu gầy gòm, ảnh cứ khóc lén hoài. Mợ thương cậu của cháu lắm”!
Tôi lại xoa đầu đứa em gái con cậu, sẵn tay bồng nó lên trên vai xoay vòng vòng chơi trò dí dọ, dí thá thả bò, thả trâu ngoài ruộng… Không gian trong căn nhà nhỏ của Mợ lúc này thật ấm cúng, nhộn nhịp với tiếng cười khúc khích, với lời nói vô tư hồn nhiên của con bé làm cho Mợ luôn có nụ cười ngự trị trên môi mà đã lâu và từ lâu lắm rồi tôi mới thấy khuôn mặt mợ vui, hạnh phúc và đẹp như vậy….
Tám giờ tối…
Chín giờ tối…
Mười giờ tối…
Rồi mười một giờ tối….
Chiếc xích lô và Cậu vẫn bặt hơi âm tính. Mợ lo lắng mới chạy qua nhà gọi tôi:
“Luân ơi! Sao đến giờ này Cậu của cháu chưa về, không biết có làm sao không nữa. Phố Tuy Hòa nhỏ xíu xiu, đâu có lớn, đâu có đông người sao không thấy cậu đâu hết vậy. Mợ lo quá đi thôi”…
Tôi đang lau bàn thờ Phật và bàn thờ của ông Cố,ông Nội, bà Nội nghe mợ nói nên bỏ ngang, an ủi mợ:
“Chắc không sao đâu, mợ yên tâm nghe. Cháu nghĩ Cậu muốn chạy thêm vài cuốc để kiếm tiền mua quà cho con bé đó mà. Chắc tí xíu nữa ông Cậu sẽ về, rồi sẽ mang nhiều đồ ăn, đồ chơi cho mợ và con bé. Cậu còn thiếu cháu một ván cờ tướng cuối năm nữa mà, vì hôm qua chơi với nhau bất phân thắng bại, tối nay đón Giao Thừa xong là cậu-cháu phải giải quyết chiến trường trên bàn cờ tướng, nếu không xong chắc ấm ức lắm!!. hihhi, Mợ đừng lo nhiều nữa nhé! Để thắp hương xong, rồi cháu đạp xe đi vòng vòng kiếm Cậu cho mợ, chịu chưa?”…
Mợ gần như an tâm hơn, gật đầu, cười nhẹ: “Nhà cháu ai cũng đi hết, còn có một mình cháu là con trai vậy mà cũng biết dọn dẹp nhà cửa, lo bàn Phật, thắp hương ông bà tổ tiên, Cháu thật là tốt. Trong thời gian cậu của cháu ở tù, nếu không có má và tụi cháu giúp đỡ, an ủi, mợ không biết sẽ thế nào, không biết làm sao nuôi nổi con bé, không biết làm sao mà chịu đựng được hoàn cảnh chật vật, túng thiếu đủ điều như vậy. Gia đình cậu mợ nhớ ơn nhà cháu suốt đời”…
Tôi cười: “Hôm nay sao mợ khách xáo vậy? Mình là gia đình, mình là bà con, cậu là cậu ruột của cháu, là em ruột của má cháu, mình không nâng đỡ và an ủi lẫn nhau làm sao được. Mợ đừng có nói vậy, má nghe được là bà giận đó. Mợ không biết tánh má của cháu hả, mỗi lần giận là như Trương Phi, đứa nào đứng gần đó là lãnh đủ. Hihihi!!! Ok, cháu xong rồi, để cháu đạp xe chạy lên ga xe lửa coi thử có cậu ở đó không nghe. Mợ về chờ tin tốt của cháu, bảo đảm tốt trăm phần trăm mà”…
images (1)Mợ gật đầu vài ba cái, vén mái tóc lên cười nhẹ, nói lời cảm ơn rồi bước ra về. Mợ tên Đào, lúc đó chỉ khoảng 25, 26 tuổi thôi. Tuổi mợ không lớn, nhưng trông đã già. Nét đẹp của mợ bị chìm sâu dưới lớp cằn cỏi bào mòn bởi thời gian vì cuộc sống lầm than, khốn khó và bị đe dọa từng ngày dưới chế độ cộng sản….
Bốn năm sau khi Việt cộng Bắc Việt xâm chiếm toàn miền Nam, hầu hết tất cả các gia đình và nhất là những người vợ của lính VNCH lâm vào cảnh bơ vơ, khủng hoảng, túng quẩn, thiếu thốn và nhiều lúc còn bị lãnh đạo Việt cộng địa phương hà hiếp, bắt nạt trù dập một cách dã man.. Có nhiều người vợ lính chịu không nỗi vì sợ hãi, vì khổ cực, vì cùng cực nên phải bỏ chồng đi theo mấy tên công an phường, mấy tên quan quyền cộng sản xu thời. Và cảnh vợ bỏ đi, con nheo nhóc tự sống, tự lập dù mấy đứa con tuổi đời chưa lên mười. Gia đình nào có nội, có ngoại thì mấy con thơ còn được ít nhiều sự che chở, nhưng thời đó mỗi người đều mang một gánh nặng từ tinh thần lẫn vật chật trong sự hớt hãi, run sợ và khủng hoảng, nên người giúp người, bà con giúp bà con là một điều rất ít xảy ra…. Mợ Đào cũng không thoát ra khỏi cảnh này, quốc nạn thì chịu tang chung của cả dân tộc. May mắn, mợ và em gái ở gần nhà, nên có gì chạy qua chạy lại đêm hôm giúp đỡ và dùm bọc nhau…
Tôi đạp xe lên dốc đường Trần Hưng Đạo, chạy một vòng qua đường Lê Trung Kiên (công viên Diên Hồng nơi ty cảnh sát cũ), đão quanh con đường Tản Đà, đạp xe tiếp qua đường Nguyễn Huệ, rồi chạy ngang qua đường Lê Lợi ghé vào bến xe đò… Lúc này. chẳng còn chiếc xe nào nơi này, giờ này có lẽ ai cũng về nhà để chuẩn bị cùng đón Tết với gia đình. Bến xe đèn tắt tối om, chẳng có bóng dáng nào, tôi tiếp tục đạp xe trên đường số Sáu (Nguyễn Huệ), lúc này mồ hôi vả ra từng hột ướt đẫm cả áo, con dốc đường này sao mà cao quá thế này, bình thường mình chở một thằng bạn ngồi sau cũng đạp lên dốc một cách dễ dàng. Mệt quá, tôi nhón mông cố đạp cho qua con dốc lên đến ga tàu lửa Tuy Hòa. Xa xa tôi thấy dáng Cậu đang đứng bên cạnh chiếc xích lô ngã giá với hai người đàn ông. Tôi lại gần, Cậu nhìn thấy tôi cười vui: “Cháu đi đâu đêm khuya thế này?”..
imagesTôi vừa thở vừa trả lời:
“Cậu Bảy ơi! Xong cuốc xe này rồi về nghe, mợ và em nó chờ và lo lắm đó. Mợ nhờ cháu đi kiếm cậu nè! Nãy giờ cháu chạy hụt hơi mới kiếm ra cậu, may là thấy được cậu ở đây, mừng muốn đứt hơi!”…
Cậu nhìn tôi rồi xoa đầu:
“Tết nhứt mà nói sống nói chết không nên nhé! Cháu về đi, cậu xong cuốc này là về. Thấy không, hồi chiều cuốc được chuyến chở mấy bao thang, nặng muốn chết, lần đầu tiên đạp xích lô mà. Lúc đầu mấy bao thang làm chổng gọng không biết làm sao, may mà nhờ mấy anh ba gác kia giúp một tay chứ không cậu không biết làm sao.. Bà chủ cho cậu thêm 25 hào, Cậu đã mua cặp áo quần và trái banh cho con Bi rồi nè, Hey! Cháu thấy cái lược này đẹp không? Lần đầu tiên cậu mua đồ tặng cho mợ mầy, sao mắc cỡ quá đi. Thôi kệ, vui là được! Tối nay cúng xong, cậu với cháu phải phân thắng thua cho xong ván cờ tướng đó nghe. Cháu thua là cái chắc!!!”.
Cậu cười, tôi cười, hai ông khách nhìn tôi chăm chăm rồi nhếch môi cười theo miễn cưỡng.. Thấy hai ông khách này người to con vạm vỡ, trên tay có mấy hình xâm vừa bị xóa (cộng sản thấy ai xăm hình xăm chữ lên người là mệt chuyện thời đó). Cậu xoa đầu tôi rồi hất hàm ra dấu cho tôi về trước nói cho mợ khỏi lo và chờ cậu về.
Tôi đạp xe đi tà tà, lòng hân hoan. Cậu nhón mông lên đạp, hôm nay buối tối cuối năm mà trời nóng thí mồ, không biết tại sao hai ông khách bắt cậu phải bỏ mui xe xích lô xuống che, giống như che mưa che nắng, và họ đòi chở xuống bến sông, gần chùa Ông trong khu triền núi. Chiếc xích lô của cậu chạy trước, xe đổ xuống dốc đường Trần Hưng Đạo, thì bỗng nhiên có bốn chiếc Mô-Tô-Ba (loại xe mô tô có ba chỗ ngồi, giống như của Đức Quốc Xã), chạy phía sau la hét tùm lum:
“Đ. M. ngừng xe! Đ.M. tao bảo mầy ngừng xe không?”.
Đó là tiếng của mấy ông công an hét vào mặt cậu. Lúc đó có lẽ cậu ngỡ ngàng chưa biết phải làm thế nào, vì chiếc xe xích lô đang thả dốc với tốc độ khá nhanh, chắc cậu nghĩ để xuống hết dốc rồi ngừng. Tôi cố gắng đạp xe theo sau chiếc xích lô và mô-tô-ba, hai xe của công an ép vào xe xích lô hét to:
“Đ.M. ngừng xe ngay! phải ngừng xe ngay! không tao bắn chết mẹ mày. Ngừng, ngừng!!!”.
Chiếc xích lô tiếp tục đổ dốc xuống gần tới bùng binh Ngã Năm rồi cua qua đường Phan Đình Phùng, thì bỗng nghe tiếng súng nổ “bầm bầm bầm bầm….”. Chiếc xích lô nghiêng qua rồi lật một bên, Cậu té ầm xuống đất, ngay trước hẽm nhà, Mợ và con bé Bi đang đứng đầu hẽm chờ Cậu từ bao giờ, thấy vậy chạy ào ra…. Mợ chạy lại ôm cậu trong vũng máu, tôi quăng xe đạp chạy lại chỗ Cậu, mấy ông công an chạy thật nhanh lại còng hai tên khách, thì ra là hai tên tội phạm của mà công an bấy lâu nay theo dỏi…. Cậu thoi thóp, thở từng hơi mệt nhọc, tôi ngồi xuống bên cạnh nhìn khuôn mặt khắc khổ của cậu quyện trong vũng máu mà lòng rối bời, không biết phải làm gì…, con bé Bi la khóc: “Cha ơi! Cha ơi! Cha ơi!!!!”,
Mợ gào thét: “Anh ơi! Anh ơi! Đừng bỏ em! Đừng bỏ em! Anh đừng bỏ em với con một mình, em sợ lắm! Em, em… sợ lắm! Anh ơi!Sao lại thế này, sao lại thế này hở anh? Trời ơi, trời ơi là trời ơi”!!!
xichlo-548202-1412977994Tay của cậu bóp chặt lấy tay mợ, hình như đang muốn nói ra điều gì, máu và hơi thở tựa vào nhau tuông trào, cậu mở mắt nhìn mợ, chưa kịp nhìn con thì nghiêng đầu gục qua một bên. Đôi mắt cậu mở to, tay cậu trong tay mợ không buông… tôi ngồi quỵ xuống, nước mắt cứ trào ra, rồi tiếp tục trào ra, tôi nhìn cậu trong vòng tay mợ, bên cạnh con bé Bi ôm chân cha. Tôi muốn đưa tay xoa vào người cậu, nhưng lúc này tôi giành hết con người của Cậu cho Mợ. Tiếng khóc của mợ mỗi lúc một lớn, rồi lớn hơn, tiếng khóc như tiếng gào thét trong đêm thật thương tâm:
“Anh ơi! Đừng bỏ em! Đừng bỏ em!!”.
Bàn tay mợ rời tay của Cậu, rồi vuốt nhẹ đôi mắt. Mắt cậu từ từ nhắm lại, nhắm lại. Môi mợ đặt lên mắt cậu hôn vồn vã, hôn như chưa bao giờ được hôn, nước mắt của mợ hòa lẫn máu của cậu tạo thành một không gian tang tóc, thê lương đến tận cùng của kiếp người…
Mấy ông công an chặn người qua lại, hất mợ qua một bên, rồi chở xác của cậu lên xe. Mợ lúc này như người không hồn, ngồi thừ ra, không nói gì hết, không biết gì hết… Mọi người cũng tản mác thưa thớt dần. Tôi lại đỡ mợ đứng dậy, một tay dẫn bé Bi, một tay đỡ mợ theo thướng con hẽm, vào nhà… Tôi đặt mợ xuống giường, mợ nằm xuống nhưng mắt không nhấm, nước mắt cứ ứa tràn ra đọng đầy trên mi, trên má. Tôi bồng bé Bi đặt xuống chiếc phản trước nhà, ôm nó vào lòng, hôn nhẹ lên đầu nó, và vỗ cho nó ngủ. Con bé thiếp dần vào giấc ngủ, tôi rón rén đứng dậy, thì nghe tiếng chuông chiếc đồng hồ cũ kỷ rung từng tiếng, tôi quay đầu lại nhìn, hai chiếc kim đồng hồ khép vào nhau thẳng đứng chỉ số…. 12 giờ đêm!
Tôi bước ra nhà, đi ra khỏi con hẽm, lê từng bước nặng nề đi lại nơi Cậu vừa ngã gục. Vết máu loang còn đó, chiếc lược làm quà chưa kịp trao cho mợ còn đó, chiếc xích lô nghiêng ngã còn đó, nhưng Đêm Giao Thừa của tôi… đã trôi qua, mất rồi!!!
Phan Nguyên Luân