Chín nghị viên Quốc Hội Liên Âu đòi CSVN thả ông Hoàng Đức Bình
.
BRUXELLS – Một nhóm gồm 9 nghị viên của Quốc Hội Châu Âu vừa gửi một bức thư tới tổng bí thư kiêm chủ tịch nước CSVN đòi phải trả tự do tức khắc cho nhà tranh đấu nhân quyền Hoàng Đức Bình.
Bức thư nhắc nhở ông Nguyễn Phú Trọng rằng “Cổ vũ và bảo vệ các quyền căn bản của người dân phải được coi là điểm chuẩn chung” để tiếp tục đàm phán cho bản Hiệp Định Tự Do Thương Mại giữa Liên Âu và Việt Nam, viết tắt là EVFTA (Europe-Vietnam Free Trade Agreement).
Theo bức thư nói trên, thỏa hiệp EVFTA dòi Châu Âu và Việt Nam phải tôn trọng và thi hành hiệu quả những nguyên tắc căn bản về nhân quyền như Công Ước Quốc Tế về Các Quyền Dân Sự và Chính Trị quy định.
Trong năm qua, nhà cầm quyền CSVN càng ngày càng bắt giam và bỏ tù nhiều người dân hơn khi người ta chỉ sử dụng các quyền tự do căn bản, vận động phần lớn là qua các trang mạng xã hội những đòi hỏi nhân quyền, kêu gọi dân chủ hóa đất nước. Họ đều bị vu cho tội “âm mưu lật đổ” chế độ hay nhẹ hơn là “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ…”
Hai dân biểu Quốc Hội Châu Âu Jude Kirton-Darling và Ramon Tremosa ngày 22 Tháng Giêng, 2019 vừa qua đã công bố một video clip đòi hỏi chế độ Hà Nội phải cải thiện nhân quyền để có thể tiến hành EVFTA.
Gần một năm trước, vào ngày 6 Tháng Hai, 2018, tòa án cộng sản tại tỉnh Nghệ An đã kết án ông Hoàng Đức Bình về hai tội “Chống người thi hành công vụ” và Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước…”
Ông đã bị kêu án tối đa 7 năm cho mỗi tội danh cộng lại là 14 năm tù, dù ông chỉ đi theo các ngư dân và các vị linh mục từ Nghệ An tới Hà Tĩnh nộp đơn kiện công ty Formosa đòi bồi thường thiệt hại vì công ty này xả hóa chất độc hại ra biển, giết chết một dọc dài mọi loài thủy sản của 4 tỉnh miền Trung, gây khốn đốn cho hàng triệu người mưu sinh nhờ biển.
Công ty gang thép Formosa đã nhìn nhận xả hóa chất ra biển hồi Tháng Tư, 2016 và đã trả cho nhà cầm quyền Hà Nội $500 triệu, một số tiền nhỏ so với sự thiệt hại lâu dài gấp hàng ngàn lần. Dù vậy, nhà cầm quyền lại chỉ chia một phần số tiền vừa kể cho một số dân bị thiệt hại trong khi số nạn nhân còn rất nhiều không được đền bù, đặc biệt là giới ngư dân Nghệ An.
Hàng chục ngàn người dân Nghệ An đã kéo đến tận nhà máy Formosa ở Vũng Áng, Hà Tĩnh, đòi đuổi công ty này về nước. Rất nhiều đoàn ngư dân đã đưa đơn kiện tới huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh, để đòi bồi thường nhưng đều bị công an CSVN chận đường ngăn cản.
Ông Hoàng Đức Bình cũng chỉ là một trong những người ủng hộ người dân lao động đi kiện chính đáng nhưng ông lại bị chế độ Hà Nội bỏ tù. Gia đình ông cho hay, những tháng gần đây, sức khỏe của ông ở trong tù mỗi lần được gia đình đến thăm đều thấy sa sút hơn trước.
Lá thư đòi trả tự do tức khắc cho ông Hoàng Đức Bình ký tên 9 nghị viên gồm Barbara Lochbihler (Greens/EFA), Wajid Khan (S&D), Petras Austrevicius (ALDE), Anne-Marie Mineur (GuE), Ana Gomes (S&D), Karoline Graswander-Hainz (S&D), Reinhard Butikofer(Greens/EFA), David Martin (S&D), and Marietje Schaake (ALDE).
Ngoài việc đòi chế độ Hà Nội phải trả tự do tức khắc cho ông, họ còn đòi hỏi phải trả tự do để ông sống với gia đình tại Việt Nam, chứ không được buộc ông phải lưu dày ra khỏi nước như một điều kiện để lấy lại tự do.
Cùng lúc khi một số nghị viên Quốc Hội Châu Âu đòi trả tự do cho ông Hoàng Đức Bình, Tổ chức Theo Dõi Nhân Quyền (HRW) ngày 1 Tháng Hai, 2019 tố cáo chế độ Hà Nội gian dối khi khoe tôn trọng và bảo vệ nhân quyền tại cuộc họp kiểm định Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc (UPR) ở Geneva vào ngày 22 Tháng Giêng, 2019.
“Các nhà lãnh đạo Việt Nam lẽ ra có thể vận dụng phiên kiểm định của Liên Hiệp Quốc để thực thi các cải cách về nhân quyền thực sự, nhưng họ lại lún sâu hơn qua việc chối bỏ hồ sơ nhân quyền tồi tệ của mình,” ông Phil Robertson, phó giám đốc Ban Á Châu của Tổ Chức Theo Dõi Nhân Quyền nói, “Việt Nam cần nhận thấy rằng, khi chỉ có Trung Quốc là quốc gia duy nhất chúc mừng mình về ‘tiến bộ nhân quyền’ thì hiển nhiên là mình đã phạm quá nhiều sai lầm.”
Tại đợt kiểm định UPR này, theo HRW “Thứ Trưởng Ngoại Giao CSVN Lê Hoài Trung phát biểu rằng Việt Nam đảm bảo cho mọi người ‘quyền bình đẳng trước pháp luật’ và được tiếp cận luật sư biện hộ. Nhưng theo Tổ Chức Theo Dõi Nhân Quyền, trên thực tế, hệ thống tư pháp là một công cụ đàn áp của chính quyền, quyền tiếp xúc với luật sư và quyền được xét xử công bằng bị hạn chế. Các luật sư bào chữa không có đủ thời gian để chuẩn bị cho các phiên xử có động cơ chính trị và trình bày ý kiến trước tòa. Hầu hết các phiên xử về tội danh an ninh quốc gia chỉ diễn ra trong chưa đầy một ngày, một số vụ thậm chí chỉ vẻn vẹn trong hai tiếng đồng hồ.”
Nguồn: Người Việt