Chuly sưu tầm
‘Tết là những ngày vui vẻ mà không chịu vui thì phí phạm tuổi Xuân’. February 3, 2019
Không bánh, không trái, không kẹo, không mứt, như thể cái Tết sẽ không chạm đến không gian riêng biệt của bà Lưu Thị Huỳnh Mai, 83 tuổi. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)
Đằng-Giao/Người Việt
LITTLE SAIGON, California (NV) – Tết – thời gian cho gia đình xum họp, thời gian ôn lại kỷ niệm xưa và thời gian cùng gia đình tạo kỷ niệm mới. Tuy nhiên, ở tuổi xế chiều, không còn người thân bên cạnh nữa, một số người sống đơn độc nhưng tâm hồn không hề trống trải cô đơn, mặc cơn mưa cuối năm cùng gió từng cơn lùa ảm đạm về, nhuộm xám nền trời đìu hiu, rũ rượi.
Ông Nguyễn Quan San, 87 tuổi, ngụ tại Cypress, khẽ hớp ngụm trà lăn tăn khói rồi nhẹ giọng: “Năm nay, thời tiết ở đây rất giống với những ngày Tết xa xưa lắm của tôi ở Nam Định, thuở tôi chưa được 10 tuổi. Tết ngoài Bắc luôn luôn mưa và phải có gió rét thì lúc được quây quần bên ông bà, cha mẹ mới là hạnh phúc.”
Đôi mắt kèm nhèm như ửng màu hồi ức, ông đặt tách trà xuống bàn rồi cười gượng. Ông chép miệng: “Tuần rồi, tôi nhờ người ta mua ít món cúng tiễn Ông Táo buổi trưa rồi chiều lên nghĩa trang dọn mả cho bà nhà tôi.”
Vợ ông, ở với ông xấp xỉ 60 năm, vừa “về hầu Chúa” hai năm trước, sau sáu tháng bị lao phổi. “Năm đó, xong mùa lễ lá là nhà tôi ‘đi,’” ông hồi tưởng, “Trước đây, tôi Phật giáo, còn bà nhà tôi Công giáo. Vậy mà giỗ ông cụ, bà cụ tôi, bà nhà tôi không bao giờ chểnh mảng. Ngược lại, lúc nào bà nhà tôi cần là tôi đưa đến nhà thờ ngay. Ấy là lúc tôi còn lái xe được kìa.”
Con trai ông có hãng làm nút quần jean ở Hồng Kông nên thỉnh thoảng mới về Mỹ một lần. Ông có người cháu họ nhận tiền chính phủ đến lo cơm nước và quét dọn trong nhà, nhưng Tết, ông cho cô ấy nghỉ vài tuần.
Thức ăn, cô để sẵn trong tủ lạnh, ông chỉ cần hâm nóng là xong. Ở tuổi 87, ông vẫn có thể tự tắm rửa và giặt quần áo.
Sáng nào, cứ vừa 6 giờ là con ông gọi điện thoại từ Hồng Kông thăm ông. “Chắc để coi tôi chết hay chưa,” ông cười khó hiểu, “Còn lâu lắm tôi mới chết. Bà cụ tôi sống đến 105 tuổi đó.”
Tết về, ngồi một mình trong căn nhà không mai, không đào, bên cửa sổ nhìn ra bầu trời tầm tã trút nước, ông San lắc đầu tiếp: “Hồi còn trong trại tù cải tạo, tôi cứ ước ao được về nhà ăn Tết với bà ấy. Từ bé, tôi không biết cắn hạt dưa, cứ bốc một nắm rồi cho vào mồm nhai hết. Lập gia đình, bà nhà tôi cứ tách ra cái đĩa trà cho tôi. Đó, Tết tôi nhớ nhất là được ăn hạt dưa mà không phải tách vỏ.”
Ông San cười to: “Bánh mứt tôi chả thèm gì, chỉ nhớ hạt dưa thôi. Thế có dại không.”
Nhìn chằm chằm vào phóng viên Người Việt, ông nói: “Lớn tuổi, sống một mình như tôi, Tết đến, tôi có buồn không. Anh muốn hỏi tôi như vậy, phải không?”
Rồi ông tự trả lời: “Không. Tôi không buồn chút nào vì tôi có ở một mình đâu. Bà nhà tôi vẫn còn sờ sờ trên bàn kìa.”
Hớp thêm ngụm trà, ông tiếp: “Tết nhất là lúc mình phải ôn lại những kỷ niệm đẹp đẽ và vui vì còn nhớ được. Đã có những kỷ niệm đẹp trong đầu mà nếu còn thấy buồn thì phí phạm quá. Phí phạm ký ức quá. Cho nên tôi không buồn. Tết là những ngày vui vẻ mà không chịu vui thì phí phạm tuổi Xuân.”
Một “người già” nữa cũng đón Tết một mình nhưng không cảm thấy cô độc là bà Lưu Thị Huỳnh Mai, 83 tuổi. Trước 1975, bà là trung tá trưởng đoàn nữ quân nhân.
Bà Mai sống một mình ở Westminster. Bà vượt biên đến Mỹ năm 1989, trước khi có luật H.O. Hai vợ chồng bà không có con với nhau. Năm 2010, chồng bà qua đời, để lại mình bà.
Trước khi qua đời, chồng bà mua tặng bà chiếc xe Toyota Corolla. “Bữa đó là sinh nhật tui, ngày 2 Tháng Hai, về nhà tui thấy cái xe mới toanh nằm trong driveway. Khi hiểu chuyện gì, trời ơi, cảm động quá trời,” bà tâm sự.
Chiếc xe sinh nhật mà bà Mai sẽ không bao giờ được lái nữa. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)
Chiếc xe ấy, giờ vẫn nằm trên driveway, nhưng bà Mai không còn lái được nữa vì tuổi tác. “Vậy chớ ít bữa tui lại ra mở máy cho nó. Mỗi lần như vậy, tui ngồi trong xe mà nhớ chuyện hồi còn chồng tui. Chiếc xe ông mua tặng sinh nhật tui còn đây mà ổng lên bàn thờ rồi,” bà nói một cách điềm tĩnh.
Cũng như ông San, nhà bà không mai, không đào chi cả. Không bánh, không trái, không kẹo, không mứt, như thể cái Tết sẽ không chạm đến không gian riêng biệt của bà. Trên bàn thờ, chỉ chồng bà và cha mẹ ông như đang chứng kiến cảnh tĩnh mịch đầu Xuân của bà.
Bà cười thật tươi: “Buồn? Tui không buồn. Có ông tui đây. Tui ăn ở hết mình với ổng. Làm được gì cho ổng vui, tui làm hết rồi, mắc gì mà buồn.”
Ở viện dưỡng lão thuộc Westminster, ông Trần Trọng, 69 tuổi, cũng không có Mùa Xuân từ 1968.
Năm đó, vừa lên 18 thì Việt Cộng tấn công Sài Gòn. Ở gần Phú Lâm, ông bị thương ba lần trong ngày Mồng Một. “Buổi trưa, đang ăn cơm với gia đình thì nhà tôi bị pháo kích, tôi bị đạn ở lưng. Chiều, đang bồng bế nhau di tản, tôi bị bắn lần nữa bên hông. Rồi khuya bữa đó, đang nằm ngủ trọ trong mùng, tôi bị trúng miểng, không biết lựu đạn hay pháo kích, chỉ biết tôi bị tê liệt hai chân ngay lập tức. Tê liệt mà tôi vẫn thấy đau nhói ở vết thương,” ông hồi tưởng.
Hôm sau, ông được bác sĩ Mỹ giải phẫu. Vừa kịp để cứu mạng ông. Sống lây lất trong chán chường cùng cực, phải trốn tránh bạn gái vì mặc cảm, năm 1975, ông được nhà thờ đưa đi Mỹ.
Từ đó đến giờ, ông Trọng lủi thủi hết nhà thương này đến nhà thương khác. Năm mươi mốt Xuân qua, ông chưa một lần nếm lại hương vị Tết lần nào. Cha mẹ ông không còn, thân nhân bây giờ chỉ còn bà chị tên Thoa và hai đứa cháu mà ông vẫn chuyện trò thăm hỏi họ bằng Skype.
Ông Trần Trọng, năm nay 69 tuổi, chưa hề ăn Tết với gia đình suốt 51 năm liên tiếp. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)
Rảnh, ông ca hát nhạc do ông sáng tác, thu CD đem bán. Phần ông giúp các hội thiện nguyện ở Việt Nam, phần ông gởi cho chị và hai cháu.
Năm nay, ăn Tết thứ 51 một mình, dù thiếu không khí gia đình cần thiết, nhưng ông Trọng vẫn giữ được nụ cười yêu đời. “Lòng mình ra sao thì vẫn phải yêu cuộc đời. Đời mà không còn yêu được thì uổng lắm,” ông khuyên.
“Anh không buồn. Tết này, anh sẽ gọi Skype về thăm chị Thoa và hai đứa cháu. Anh chỉ mong sớm gặp họ, những thân nhân duy nhất của anh,” mắt ông chớp vội.
Thế nên, đừng nhìn những vị cao niên sống đơn độc những ngày đầu năm mà buông lời “tội nghiệp họ.” Bởi, họ vẫn giữ được mùa Xuân phơi phới trong lòng. Ở đó, có thể không có “thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ,” nhưng chắc chắn có được những nụ cười ấm áp của những khoảnh khắc bất diệt. (Đằng-Giao)