2019 này Trung Quốc có “giận cá chém thớt”?

PHƯƠNG HIỀN –

2019 này Trung Quốc có “giận cá chém thớt”?

.

\"\"
Hình minh hoạ. Những người biểu tình phản đối Trung Quốc với các biểu ngữ về cuộc chiến biên giới 17/2/1979 nhân lễ kỷ niệm 37 năm cuộc chiến ở Hà Nội hôm 17/2/2016 . AFP

Chuỗi sự kiện sắp diễn ra ở Việt Nam sau Tết: cấp cao Donald Trump—Kim Jong-un, tin đồn về cấp cao Donald Trump—Tập Cận Bình (mặc dầu hôm 7/2, Trump đã bác bỏ) và một tiếp xúc nào đấy giữa phái bộ Mỹ với lãnh đạo Hà Nội cuối tháng Hai này… tất cả có góp phần giúp Việt Nam đẩy lùi được nguy cơ một cuộc chiến kiểu như 17/2 cách đây bốn mươi năm? Cho đến nay, câu trả lời vẫn đang ở phía trước.

——————–

Cuộc huyết chiến 17/2/1979 phải được tưởng niệm mà không cần đến nghệ thuật “ôn cố tri tân” như các năm trước. Việc Trung Quốc “cắn trộm” trên toàn tuyến biên giới phía bắc Việt Nam cách đây 40 năm cần được ôn lại công khai và sòng phẳng! Tuyên giáo của cả Bắc Kinh lẫn Hà Nội dù có tốn công sức để lấp liếm các “mảnh vá chằng lót đụp” trên chiếc áo “hảo hảo” 4 tốt và 16 chữ vàng, thì việc Bắc Kinh có thể “ra đòn” đối với Hà Nội, trong một thời khắc khi họ túng quẫn về chiến lược, vẫn là một nguy cơ hiện hữu.

Xung quanh 17/2 năm nay có gì lạ?

Từ các ý đồ đen tối của Bắc Kinh trong những năm gần đây, có bao nhiêu phần trăm sẽ thành hiện thực trong năm nay thì chưa ai có thể khẳng định một cách chắc chắn vào lúc này. Tuy nhiên, những động thái “rời rạc” từ Hà Nội trên nền của những tiếp nối liên tục tạo nên chính sách “lý tưởng tương thông” (cùng chung lý tưởng), “vận mệnh tương quan” (có chung định mệnh) với Trung Quốc vẫn khiến giới phân tích kịp nhận ra một số điều lạ lẫm.

Đầu tiên, năm nay nhà nước buộc phải cho phép tưởng niệm ngày 17/2/1979 (Trung Quốc tấn công trên toàn tuyến biên giới phía Bắc) cùng với những sự kiện liên quan như 7/1/1979(lật đổ Khme đỏ), 19/1/1974 (mất Hoàng Sa), tất nhiên là cả 14/3/1988 nữa (cuộc thảm sát hèn hạ cán bộ chiến sỹ trên đảo Gạc Ma, Trường Sa). Tuy nhiên, tất cả chỉ là những cuộc tưởng niệm trong “thầm lặng”. Nếu các cuộc gặp mặt trở thành những cuộc biểu dương lực lượng chống Tàu hay tôn vinh xã hội dân sự, chắc chắn nhà nước sẽ không để yên.

Cái lạ thứ hai (tuy không mấy ngạc nhiên), là tưởng niệm tất cả những mốc đau thương và đắt giá nói trên nhưng truyền thông lại không được đề cập tới dòng chảy chính tạo nên nguồn mạch các sự kiện. Đó là phải lờ đi thực tế hiển nhiên rằng, các vụ thảm sát ấy được tiến hành bởi chính bàn tay của “bạn vàng 4 tốt và 16 chữ”. Tưởng niệm nhưng không được đề cập tới vai trò của chủ nghĩa bành trướng và bá quyền Trung Quốc đằng sau những sự kiện bi thảm ấy.

\"Hình
Hình minh hoạ. Người dân thắp hương tưởng nhiệm những người lính đã hy sinh trong cuộc chiến biên giới với Trung Quốc 17/2/1979. Buổi tưởng niệm ở Hà Nội hôm 17/2/2016. AFP

Điều lạ lẫm thứ ba, 17/2 năm nay được nhắc tới trong một môi trường quốc tế và quốc nội bất bình thường; hầu như trái ngược lại nhiều điều Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trình bày trong “bản tấu” mừng đảng mừng xuân đầu năm. Những vụ bắt bớ liên tục áp Tết vẫn không thuyên giảm, những bức hại đối với xóm đạo Lộc Hưng vẫn tiếp diễn, kể cả khi EU đã cảnh báo Hà Nội về các vụ vi phạm nhân quyền nghiêm trọng, dẫn đến việc đình hoãn Hiệp định EVFTA mà Hà Nội đang rất mong đợi.

Hoạ phúc phải đâu một buổi

Nếu làm một cuộc hành hương về nguồn, dễ thấy 17/2/1979 cũng như những biến cố liên quan, chỉ là các “chương” (chapter), “hồi” (episode) trong cuộc chiến dai dẳng và khốc liệt suốt từ thời Tần—Hán khiêm tính các nhà nước Văn Lang—Lạc Việt. Nghĩ vậy để chia sẻ với nhà nghiên cứu Vũ Đức Liêm về câu chuyện của một dân tộc “dễ bị tổn thương”. Câu chuyện không nhằm phác hoạ một Việt Nam nhược tiểu, cũng không nhằm hạ thấp nỗ lực của bao thế hệ tiền nhân đã đổ xương máu để xây nên quốc gia có cương vực như ngày nay.

Ở một góc nhìn cận cảnh khác, cần suy ngẫm và rút ra những bài học đang bị bỏ quên từ cuốn sách “Sự thật về quan hệ Việt Nam—Trung Quốc…” (Tính đến tháng 10/1979). Đây là một văn kiện quan trọng của Bộ Ngoại giao Việt Nam được công bố ngày 4/10/1979 nhằm vạch trần bản chất của chủ nghĩa bành trướng Bắc Kinh đối với Việt Nam trong cả một thời gian dài. Đọc cuốn sách này, dư luận sẽ không bất ngờ trước cuộc chiến tranh xâm lược ngày 17/2.

Riêng đối với giới nghiên cứu, cuộc chiến tàn độc ấy của Trung Quốc đối với Việt Nam là một bước phát triển lô-gích của chính sách bành trướng đại dân tộc và bá quyền nước lớn của những người lãnh đạo Trung Quốc trong nhiều thập kỷ. Trên thế giới chưa có những nhà lãnh đạo một nước nào về mặt chiến lược lại lật ngược chính sách liên minh, đổi bạn thành thù, đổi thù thành bạn nhanh chóng và toàn diện như các lãnh đạo ở Trung Nam Hải. Văn kiện Bộ Ngoại giao một thời đã đanh thép khẳng định như vậy!

Thật đáng tôn vinh, trong giờ phút lâm nguy đối với cả cá nhân lẫn cộng đồng, một sỹ quan Việt Nam Cộng Hoà vẫn cố gắng hoàn tất tấm bản đồ dẫn dắt người đọc dọc theo hành trình lập quốc của các bộ tộc Bách Việt. Lộ trình ấy gợi mở về cách thức tồn tại của các quốc gia Đông Nam Á trong tư thế độc lập và tự do. Bản chỉ dẫn minh định một tầm nhìn liên kết và cùng nhau hội nhập để chống lại sự bành trướng của các thế lực quốc tế, dù ngụy trang dưới bất cứ hình thái hoặc ý thức hệ nào. Đây chính là tầm nhìn mà các triều đại phương Bắc, bằng kế sách bành trướng nhiều hướng, ngày đêm tìm cách vô hiệu hoá, với sự “toa rập” đắc lực của những Trần Ích Tắc, Lê Chiêu Thống xưa và nay.

Và cả trước đấy khá lâu, từ những năm 1960, tác giả Tùng Phong cũng từng đau đáu về vận nước long đong khi cả hai quốc gia Bắc và Nam trải qua cuộc nội chiến tương tàn để rồi lại rơi vào thời kỳ Bắc thuộc mới. Tác giả cảnh báo khá chính xác nguy cơ các quốc gia như Việt Nam thường bị chi phối bởi những trận phong ba bão táp vô trách nhiệm do các nước lớn gây ra. Và lúc nào chúng ta cũng phải cảnh giác trước sự đe dọa liên tục của những cuộc ngoại xâm.

Để loại trừ nguy cơ chiến tranh

Tạp chí Nikkei Asian Review, trong một bài bình luận mới đây đã khẳng định, Tập Cận Bình đang chuẩn bị cho một năm 2019 đầy biến động. Ngôi vị của Tập, người truyền cảm hứng trực tiếp đối với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, đang có dấu hiệu bị lung lay. Giáo sư Hứa Tùng Tộ (Xiang Songzuo là người được coi là tiếng nói gián tiếp của các nguyên lão trong ĐCSTQ) đã cảnh báo về nguy cơ bất động sản trong nước và sự rối loạn nội bộ liên quan đến chiến dịch “đả hổ diệt ruồi”.

Thế bế tắc ấy khiến ông Tập có thể phải hoá giải mọi bất ổn bằng việc phát động một cuộc chiến ở bên ngoài Trung Quốc, như cách mà ông ta đã cảnh báo trong thông điệp đầu năm. Ngoài Đài Loan, Biển Đông được các chuyên gia đánh giá là nơi dễ xảy ra xung đột nhất. Nếu ông Tập gặp sự đe dọa về vị thế chính trị qua sự sụt giảm liên tục về kinh tế—xã hội do tác động từ cuộc thương chiến với Mỹ, thì Biển Đông nhiều khả năng sẽ là nước cờ “thấu cáy” để Tập dựa vào đó duy trì quyền lực của mình.

Để tránh “một 17/2” trong tương lai thì những động tác giả của Hà Nội vừa qua không mang nhiều ý nghĩa. Những miếng võ kiểu “Tiệt quyền đạo” ấy là chưa đủ “đô”. Truyền thông trong nước từng “cố ý tiết lộ bí mật” khi mạng SOHA chủ động công khai kế hoạch chuyển quân và bố trí lực lượng của trung đoàn 921 về Yên Bái, Su-22 đoàn không quân Sao Đỏ rời Hà Nội, lên chốt giữ vùng trời Tây Bắc. Có thể đây là sự lặp lại chiến thuật “răn đe Trung Quốc” giống như khi Việt Nam mời mẫu hạm USS Carl Vinson đến “giao lưu quân sự” tại Đà Nẵng vào tháng 3/2018.

\"Hình
Hình minh hoạ. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (trái) và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (giữa), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nâng cốc nhân lễ ký các thoả thuận hợp tác sau cuộc gặp tại Hà Nội hôm 5/11/2015. AFP

Việt Nam phải hết sức cẩn trọng trước “quyết tâm chiến lược” của “Giấc mộng Trung Hoa”. Ông Tập từng phát biểu công khai, đất nước Trung Quốc “hiện đang ở trong giai đoạn ‘cơ hội chiến lược mang tính lịch sử’, trong đó có thể làm được nhiều việc. Triển vọng phát triển nhìn chung là tích cực, nhưng con đường đi lên sẽ không suôn sẻ. Thành tựu càng lớn, thì băng càng mỏng trên mỗi bước đi và chúng ta (tức là Trung Quốc) càng phải chuẩn bị đối mặt với những hiểm nguy ngay trong giai đoạn hòa bình. Chúng ta không thể để cho mình mắc sai lầm chiến lược hoặc sai lầm gây ra đổ vỡ”.

Để tránh phải lâm chiến, Việt Nam cần tích cực kết nối với những vùng miền chiến lược xuyên khu vực (Indo—Pacific), chủ động tiếp tục thực thi các khía cạnh của FOIP (Ấn Độ—Thái bình Dương tự do và rộng mở), thúc đẩy hợp tác về an ninh, phấn đấu thành đối tác bình đẳng với Nhật, Ấn, Úc và Hoa Kỳ. Cơ hội giờ đây là “Bộ tứ” ngày càng coi Việt Nam là “đối tác ngang cấp”, là một đất nước độc lập, tự chủ, chứ không phải là quốc gia “vệ tinh” hay “phụ thuộc” như chính Hoa Kỳ gần đây đã tuyên bố.

“Mô thức Việt Nam” — khéo léo nương theo ngọn triều của thời đại, vận động các nước “tiền tuyến” trong ASEAN cùng trở thành “những thành viên theo sát” của “Bộ tứ” (shadow members) — đó mới thật là kế sách lâu dài và căn bản. Phải làm cho mỗi tảng băng dưới gót dày của bành trướng và xâm lược lúc nào cũng có thể bị vỡ vụn (để nhấn chìm lũ bán nước và cướp nước). Phải thiết kế được những kịch bản mà Trung Quốc không mong muốn, mới hy vọng Tập Cận Bình sẽ nghĩ lại nhiều lần trước khi có những hành động vô luân vô pháp như Đặng Tiểu Bình đã liều lĩnh 40 năm trước đây./.

Nguồn: Phương Hiên\’s Blog / RFA

Bài Liên Quan

Leave a Comment