KÍNH HÒA / RFA –
Tầm quan trọng của vũ khí Nga đối với Việt Nam
.
Bản tin ngày 7/2/2019 của tạp chí kinh tế Nhật Bản Nikkei cho biết trong chuyến thăm nước Nga vào tháng 9/2018 của Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, Hà Nội đã đạt được thỏa thuận mua một gói vũ khí Nga lên đến 1 tỉ đô la Mỹ.
Nước Nga hiện nay và tiền thân của nó là Liên bang Xô Viết là nhà cung cấp vũ khí liên tục cho Việt Nam trong hơn nửa thế kỷ qua.
Chỉ trong thời gian 10 năm trở lại đây, báo chí trong và ngoài nước mới bắt đầu nói đến những nguồn cung cấp vũ khí khác cho Việt Nam, rất đa dạng, có thể kể ra là Pháp, Israel, Hà Lan, Canada, Nhật Bản, Ấn Độ, và Mỹ.
Bình luận về việc này, Thạc sĩ Hoàng Việt, một chuyên gia nghiên cứu Biển Đông cho đài RFA biết:
“Tại sao Việt Nam cần vũ khí của Nga? Vì Nga là nhà cung cấp truyền thống lâu rồi. Mặc dù vũ khí Nga có thể không hiện đại bằng Mỹ, nhưng cũng rất tốt, và lại rẻ hơn. Nhưng nếu chỉ lệ thuộc vào một nhà cung cấp thì không hay, cho nên Việt Nam cũng phải đa dạng hóa nguồn cung cấp của mình.”
Ông Hoàng Việt nói rằng việc đa dạng nhà cung cấp vũ khí như vậy có lợi là tìm được giá tốt, có nhiều loại vũ khí có tính năng khác nhau, nhưng cũng có khả năng bất lợi là tương thích các loại vũ khí đó với nhau.
Ông Hoàng Việt nói thêm là dù là bạn hàng lớn của Nga về vũ khí nhưng Việt Nam vẫn mong muốn có được những vũ khí hiện đại của Mỹ, đặc biệt là các radar đã tỏ ra hơn hẳn những hệ thống của Nga trong cuộc chiến tranh đang diễn ra tại Syria. Vấn đề Việt Nam chưa mua nhiều vũ khí Mỹ, mặc dù có thể bỏ ra từ 1 đến 2 tỉ đô la hàng năm cho vũ khí, là vì Mỹ chưa bán cho Việt Nam.
Việc Mỹ cung cấp vũ khí cho Việt Nam sau khi lệnh cấm vận vũ khí đối với Việt Nam được Tổng thống Obama dỡ bỏ, có nhiều những chi tiết kỹ thuật chứ không đơn giản.
Trong năm 2018 người ta cũng biết được có hai chuyện liên quan đến khả năng Mỹ cung cấp vũ khí cho Việt Nam.
Chuyện thứ nhất là tiết lộ từ Bộ quốc phòng Mỹ về hợp đồng trị giá 100 triệu đô la dành cho Việt Nam. Bộ Ngoại giao Việt Nam khi đó không bình luận gì về việc này.
Chuyện thứ hai là Mỹ đưa Việt Nam vào diện đặc biệt, không bị ràng buộc bởi lệnh cấm vận vũ khí Nga.
Từ Đại học Maine, Hoa Kỳ, Giáo sư Ngô Vĩnh Long, một chuyên gia về quan hệ quốc tế cho biết là chính Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã điều trần trước Quốc hội Mỹ về việc này. Ông Mattis đã nêu vấn đề Việt Nam không thể ngay lập tức chuyển sang dùng vũ khí Mỹ trong khi đã dùng vũ khí Nga hơn nửa thế kỷ nay, để chống lại với lý lẽ muốn cấm vận mà Giáo sư Ngô Vĩnh Long cho rằng xuất phát từ các công ty sản xuất vũ khí Mỹ, hoặc các tiểu bang có các công ty này hoạt động.
Như vậy có thể nói trong một khoảng thời gian vài chục năm trước mắt, nền tảng cơ bản của quân đội Việt Nam vẫn là vũ khí Nga, mà Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp, chuyên gia độc lập từ Singapore trong một lần trao đổi với RFA, cho biết có đến 80% vũ khí, khí tài của Việt Nam đang sử dụng là xuất phát từ Nga.
Song song với những điều kiện kỹ thuật, với việc sử dụng quen thuộc loại vũ khí này, còn có lòng tin trong sự cung cấp tín dụng nữa.
Cách đây vài năm, với nổ lực phát triển ảnh hưởng sang Đông Nam Á, Chính phủ Ấn Độ cho Việt Nam vay một khoảng tín dụng trị giá 500 triệu đô la Mỹ để mua các tên lửa phòng thủ bờ biển mà nước này hợp tác sản xuất với Nga. Nhưng cho đến nay khoản tín dụng này đã không được sử dụng tới.
Theo một chuyên gia trong nước gần với quân đội Việt Nam, thì Việt Nam vẫn chỉ sử dụng tín dụng của Nga để mua vũ khí mà thôi. Cũng theo chuyên gia này, tín dụng của Nhật Bản trong thời gian gần đây đã được dùng để mua vũ khí nhưng còn rất ít.
Đầu năm 2019, tờ báo mạng Đất Việt, của Liên hiệp các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam, đã đưa tin khá chi tiết về những loại vũ khí dành cho không quân như máy bay Su-35, tên lửa phòng không S-400, được Việt Nam mua từ nước Nga. Ngoài ra báo này còn cho biết Việt Nam đang thực hiện việc sản xuất một số tàu chiến được Nga thiết kế.
Trước đây báo chí trong và ngoài nước cũng đã nói đến lô hàng lớn nhất trong việc Việt Nam mua vũ khí Nga từ trước đến nay là 6 chiếc tàu ngầm loại Kilo trị giá hàng tỉ đô la Mỹ. Những chiếc tàu ngầm đã được lần lượt chuyển giao cho Việt Nam.
Tuy nhiên Thạc sĩ Hoàng Việt, cùng một số nhà quan sát khác cũng lo ngại rằng nước Nga cung cấp vũ khí cho Việt Nam nhưng đồng thời cũng cũng cung cấp vũ khí cho Trung Quốc:
“Những vũ khí đấy Nga vừa bán cho Việt nam vừa bán cho Trung Quốc, tậm chí Trung Quốc nhiều tiền hơn, mua loại hiện đại hơn. Mà Trung Quốc cũng nổi tiếng là jua rồi bắt chước. Thành ra e rằng nếu xung đột thực sự xảy ra thì Trung Quốc có thể vô hiệu hóa các loại vũ khí (Nga) của Việt Nam.”
Nhưng vị chuyên gia giấu tên am tường về vũ khí của quân đội Việt Nam lại cho rằng điều đó không đáng ngại, vì hai lẽ:
Thứ nhất là Trung Quốc có thể bỏ nhiều tiền hơn để mua vũ khí nhưng phải dàn trải ra trên khắp tuyến biên giới rất dài của mình.
Thứ hai là theo truyền thống hợp tác từ trước đến nay, Liên Xô ngày trước và nước Nga hiện nay khi bán vũ khí cho Việt Nam, cũng đồng thời cung cấp những chiến lược, chiến thuật sử dụng vũ khí đó, trong khi họ không làm như vậy với Trung Quốc.
Những thông tin gần đây cho thấy Việt Nam không chỉ mua vũ khí sản xuất từ Nga, mà bắt đầu sản xuất những loại vũ khí đó tại Việt Nam như tên lửa và tàu chiến. Hơn nữa là Việt Nam cũng cố gắng tích hợp những nguồn vũ khí khác nhau lại để sử dụng, ngay từ khâu sản xuất.
Tờ Đất Việt có nêu lên khả năng Việt Nam sử dụng những tàu chiến của Hà Lan sản xuất, nhưng gắn thêm những loại vũ khí của Mỹ và Nga trên đó.
Vị chuyên gia mà chúng tôi tiếp xúc cho biết là hiện nay và một thời gian nữa Việt Nam có một nền sản xuất quốc phòng căn bản vẫn dựa trên vũ khí Nga là chính.
Nguồn: RFA