‘Cô bé Napalm’ được trao tặng Giải hòa Bình Dresden của Đức

‘Cô bé Napalm’ được trao tặng Giải hòa Bình Dresden của Đức

February 12, 2019

\"\"

Kim-Phúc Phan, “Cô bé Napalm” trong bức ảnh biểu tượng về chiến tranh Việt Nam ngày nào, vừa được vinh danh với một trong những giải cao quý nhất thế giới, Giải thưởng Hòa bình Dresden, cho các công tác thiện nguyện của mình. Bà Phúc, hiện sống ở Canada, là người sáng lập Quỹ Kim Phúc, một tổ chức chuyên hỗ trợ các tổ chức quốc tế để trợ giúp y tế miễn phí cho các nạn nhân của chiến tranh và khủng bố trên thế giới.

\"Tư
Tư liệu: cô gái Napalm-Girl

Ảnh một cô bé Việt Nam bị trúng bom napalm, nét mặt kinh hoảng, vừa chạy vừa la khóc trên một con đường, trên người không một mảnh vải che thân vì quần áo đã bị cháy xém, đã trở thành biểu tượng cho bạo lực và những gì đáng ghê sợ nhất trong chiến tranh.

Phan thị Kim Phúc chính là cô bé trong tấm ảnh đó.

Bức ảnh biểu tượng cho chiến tranh được ghi lại qua ống kính của Nick Ut, một nhiếp ảnh gia trẻ làm việc cho hãng tin AP. Năm 1972, lúc tấm ảnh được chụp vào lúc cao điểm của chiến tranh Việt Nam, Kim Phúc chỉ mới lên 9.

46 năm sau, Kim Phúc được nước Đức trao tặng Giải Hòa bình Dresden, một trong những giải thưởng cao quý của thế giới. Bà Kim Phúc, năm nay 55 tuổi, sau này trở thành một trong những tiếng nói được cộng đồng quốc tế chú ý, cổ vũ cho hòa bình, chống lại bạo lực và hận thù. Bà được vinh danh trong một buổi lễ long trọng hôm thứ Hai 11/2 nhờ các nỗ lực không mệt mỏi để giúp trẻ em bị thương trong chiến tranh.

Lễ trao giải diễn ra tại Nhà hát Semperoper ở thành phố Dresden, bang Sachsen, miền đông nước Đức. Giải Hòa bình Dresden đi kèm với món tiền thưởng 10.000 euros.

Giải Hòa bình Dresden là một giải thưởng hàng năm được lập ra từ năm 2010, để nhắc nhở về số phận của thành phố Dresden, một thành phố đã bị lực lượng đồng minh ném bom vào cuối Thế Chiến II, ​khiến trung tâm thành phố bị phá hủy hoàn toàn, và giết chết hàng nghìn thường dân.

Sau khi tái thống nhất nước Đức vào năm 1990, Dresden lấy lại được vị thế quan trọng của mình, và trở thành một trong các trung tâm văn hóa, giáo dục, chính trị và kinh tế của nước Đức.

Trong số những nhân vật từng được trao Giải Hòa bình Dresden, có cựu lãnh đạo Liên bang Xô viết Mikhail Gorbachev.

Bà Kim Phúc hiện cư ngụ ở Canada và là một Đại sứ thiện chí của UNESCO.

Tấm ảnh “Cô bé Napalm” đã gây chấn động dư luận quốc tế và được cho là đã góp phần làm thay đổi cái nhìn về chiến tranh Việt Nam, đồng thời giúp tác giả của nó, nhiếp ảnh gia Nick Ut, đoạt giải thưởng báo chí Pulitzer vào năm 1973.

Theo VOA

Bài Liên Quan

Leave a Comment