Chuly sưu tầm
Tháng Tư Ngậm Ngùi
Tác Giả: Huyền Thoại Thịnh Hương
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ từ 2006 với bút hiệu Huyền Thoại. Một số bài viết khác của cô được ký tên Thịnh Hương. Nay hai bút hiệu hợp nhất, thành một tác giả thân quen của sinh hoạt Việt Báo. Tác giả hiện cư trú và làm việc tại miền Bắc California. Bài mới của cô danh cho tháng Tư 2018
Năm nay lễ Phục Sinh nhằm ngày 01 tháng tư. Nhưng cũng nhằm ngày April Fool. Ngày này thiên hạ tung tin vịt vô tôi vạ rồi vội vàng cải chính!
Trong vườn những cây Daffodil đã tàn, nhường cho mấy bụi tulips đủ mầu khoe sắc.
Tháng Tư đã có nhiều ngày nắng, bớt ngày mưa. Những giọt nắng lung linh trên cây vừa trổ lá mới. Nhưng tháng tư trong tôi là những nhắc nhớ u ám, kinh hoàng. Là những hoài niệm, những xót thương và tiếc nuối. Tim tôi thắt lại, mắt tôi ẩm ướt khi những kênh truyền hình bắt đầu chiếu lại những diễn biến thê thảm trên quê hương tôi mấy chục năm về trước trong cuộc chiến Nam Bắc tương tàn. Tôi không còn đủ can đảm để nhìn lại cảnh binh lính Cộng Hòa rút lui cùng hàng ngàn thường dân trên những con lộ đẫm máu. Tôi không muốn thấy những xác chết không toàn thây bên lề đường. Tôi không muốn nhìn những gương mặt hốt hoảng lạc thần của những đứa trẻ mất cha mẹ, những người vợ vật vã thảm thiết bên xác chồng. Tôi không còn đủ sức chịu đưng để nhìn những người lính Cộng Hòa vừa khóc vừa tháo bỏ bộ quân phục đang mặc trên người vào giờ có lệnh phải đầu hàng. Tôi cũng không còn lòng dạ nào nhìn lại cảnh người dân níu kéo nhau để leo lên một chiếc tầu hay một chuyến bay trong cơn sốt di tản. Tôi không đủ kiên nhẫn xem lại những thước phim nói về cuộc bắn giết hai chục năm trên đất nước nghèo nàn, rách nát của tôi. Những người lính từ Mỹ, từ Canada, từ Tân Tây Lan và Đại Hàn đã đến, đã chiến đấu và đã chết bên cạnh những anh lính trẻ Việt Nam chưa bao giờ biết hòa bình.
Tháng tư gợi lại trong tôi những mất mát không lường. Tôi mất nhà vào tay người thắng trận. Họ cho tôi đem ra khỏi nhà chỉ vài bộ áo quần. Tất cả đồ đạc, của cải phải để lại chờ ngày ổn định làm đơn xin lại. Nhưng cái ngày ổn định đó có bao giờ đến với gia đình tôi cũng như hàng triệu gia đình khác!
Và tôi mất bạn bè, những người tôi gắn bó tại sở làm. Sau 30 tháng tư 75, chúng tôi tan đàn, kẻ di tản người ở lại chịu bắt bớ tù đầy. Lại còn phải lánh mặt vì sợ liên lụy cho nhau! Tôi không bao giờ quên ơn anh Cường và anh Tô, hai người bạn đồng nghiệp đã may mắn di tản kịp thời. Khi nghe tin tôi đã sang định cư bên Texas, họ mua vé máy bay mời tôi sang California chơi. Hai anh đã giới thiệu cho tôi kiếm được việc làm và tìm chỗ cho mẹ con tôi trú ngụ trong những ngày chân ướt chân ráo nơi đây . Tôi đã \”tái định cư\” thật bất ngờ! Ngày nay hai anh không còn nữa nhưng tình bạn của chúng tôi mãi mãi tồn tại.
Tôi đã trắng tay, mất hết những đồng tiền chắt chiu dành dụm cho tương lai con cái vì không kịp ra ngân hàng trong những ngày hoảng loạn, bối rối.
Tôi cũng đã mất thêm nhiều thứ vào những ngày những năm sau đó. Đau đớn nhất là tôi mất bố. Bố đã giải ngũ từ lâu và gia đình tôi sống tạm thoải mái với việc buôn bán và tài vén khéo của mẹ tôi. Sau ngày cộng sản vô Nam bố phải mua xe đò chở khách, phụ mẹ chống đỡ gia đình. Bệnh áp huyết cao và tim mạch của bố trở nặng vì bao nhiêu thuốc men đã bị người chiến thắng tẩu tán mang đi chỗ khác. Rồi Bố vĩnh biệt mẹ con tôi sau mấy năm chiến đấu với bệnh tật bằng những viên thuốc aspirins và những lọ xuyên tâm liên trị bá bệnh.
Sau đó, tôi mất chồng. Chồng tôi đi tù vì đã từng mang bom thả xuống nhà cửa ruộng vườn của người chiến thắng. Được thả về sau sáu năm nhưng anh lại ra đi, để mẹ con tôi ở lại với âu lo và mong đợi. Nhưng rồi chim làm tổ mới trên miền đất được gọi là thiên đàng hạ giới. Gương lược xa nhau từ đó. Tôi buồn nhưng không tiếc. Tiếc làm gì chiếc gương đã nứt.
Đau hơn niềm đau mất bố là tôi đã mất quê hương dù quê hương vẫn còn đó. Bây giờ tôi về quê như một người ngoại quốc. Ban đầu phải trình thưa, báo cáo. Bây gìờ thôi trình thưa, nhưng hàng xóm láng giềng không còn là những người xưa thân thiết. Vẫn biết vật đổi sao dời là chuyện đời, chuyện sống. Cũ quá thì phải thay, rách thì phải vá. Nhưng khi trở về để bớt nhớ tôi vẫn nhói lòng và ngẩn ngơ khi Thương xá Tax, Passage Eden và tiệm kem sang cả Givral với bao kỷ niệm ngọt ngào giờ đây không còn nữa.
Tôi đã mất bà con họ hàng vì họ phải bỏ xứ ra đi rồi chết mất xác ngoài biển Đông. Đói nghèo, sự hành hạ tinh thần và kỳ thị giai cấp đã đẩy họ đi, dù biết ra đi thì tỉ lệ cái chết cao hơn sự sống. Biển dữ dằn trong cơn bão, hải tặc hung ác man rợ không làm họ sợ hơn những kẻ đồng loại, đồng cội nguồn nhưng không đồng tư tưởng.
Trước năm 1975 tôi mất đi một đứa em họ khi máy bay của nó phát nổ trong một phi vụ thám thính. Em mới 25 tuổi đời. Người yêu của em đến dự tang lễ trong nước mắt nhạt nhòa. Hai năm sau, nàng theo chồng đi Mỹ vì không đủ can đảm ở lại quê nhà nhìn những cái chết thê thảm quanh mình.
Tôi mất ông nội sau tết Mậu Thân một năm. Ông chết bệnh, nhưng cái chết của ông kéo theo 11 cái chết khác từ tay cộng sản. Chịều đó, sau khi dưa ông về nơi an nghỉ cuối cùng tại nghĩa địa họ đạo, mọi người tề tựu về nhà ông bà ăn cơm chiều rồi chia tay ngày hôm sau. Người về từ Bảo Lộc, Lâm Đồng, Người về từ Hàm Tân, Long Khánh. Vợ chồng chú Chính và hai người con từ Rạch Giá về, ngủ qua đêm ở nhà chú Tiến. Gia đình chú Tiến có 7 người, hai vợ chồng và 5 đứa con.
Đêm đó việt cộng pháo kích, và trái pháo oan nghiệt đã rơi và nổ ngay nóc nhà chú Tiến. Tôi mới chợp mắt ngủ thì giật mình thức giấc vì nghe một tiếng nổ đinh tai nhức óc. Nhà ông bà nội tôi chỉ cách nhà chú Tiến vài trăm mét. Sau tiếng nổ là một sự im lặng rợn người. Tôi đưa tay bật đèn nhưng điện đã bị cúp. Vài phút sau, tôi nghe nhiều tiếng thét, \” Pháo kích sập nhà Tiến rồi. Mau ra xem người trong nhà ra sao!\”
Căn nhà gạch mái tôn đã sập đổ tan tành, không còn một bức tường. Chỉ còn là một đống gạch vụn. Tôn rách thành những mảnh nhỏ, bay tứ phía, rải rác đó đây bên những nhà hàng xóm. Mọi người đào bới để đem ra những thây người nát nhừ. Máu. Máu, và thịt xương nát nhừ. Tất cả đã chết ngoại trừ một cháu bé hai tuổi. Người cháu nhuộm mầu đỏ và chỉ còn thoi thóp thở. Cháu đã chết trong tay bà nội tôi trên đường đi nhà thương. Nửa tiếng sau xe cứu thương quân đội và bệnh viện tỉnh mới tới. Nhưng mọi cứu chữa đã không còn cần thiết nữa.
Lúc đó tôi như bị đóng băng, tôi không khóc được. Tay chân tôi lạnh ngắt và tôi nhìn trừng trừng vào những xác chết bầy nhầy. Chỉ vài giờ trước tôi còn nói chuyện với những người vừa chết! Hai hôm sau, 11 chiếc quan tài nằm cạnh nhau trong buổi lễ làm phép xác. Rồi 11 cỗ xe chở họ ra nghĩa địa. Những hình ảnh tang thương, những cái chết thê thảm đó đã ám ảnh tôi nhiều năm qua, và trở lại làm tan nát lòng tôi mỗi tháng tư.
Tôi còn nhớ lúc việt cộng mới chiếm quyền thì dân chúng phải đi học tập tẩy não mỗi tối. Một hôm đến giờ kiểm điểm tự phê, tên cán bộ tuyên truyền hỏi một bà bác lớn tuổi của tôi, \” Từ ngày cách mạng vào đây bà đã học và thấm nhuần hết đường lối nhân đạo của cách mạng chưa?\”. Bác tôi nhẩn nha trả lời, \”Dạ, tôi thấm lắm ạ! Mà tôi cũng rất mừng vì lúc này mấy thằng Việt cộng ác ôn không còn pháo kích làm dân chết oan! Hồi đó chúng nó pháo trúng nhà cháu tôi, chết hết cả hai gia đình 11 ngừời.\” Tên cán bộ vội vàng đập tay lên bàn, quát lớn:
\”Bà chỉ nói linh tinh! Bọn Mỹ ngụy pháo vào dân để vu oan cho cách mạng, chứ Việt cộng nào mà pháo!\”. Bác tôi đã quá già để y cho đi tù.
Gần nửa thế kỷ đã đi qua mà những ngậm ngùi, những đớn đau trong tôi vẫn còn đó. Cho đến bao giờ tôi mới có được một tháng tư đầy hoa trong lòng như hoa ngoài vườn?
Tháng Tư 2018