Chuly sưu tầm
30 Tháng Tư ‘cho ta sáng mắt, sáng lòng’
Tác Giả: Huy Phương
Từ sau ngày Hiệp Định Geneve năm 1954 lấy sông Bến Hải làm ranh giới chia cắt hai miền Nam Bắc Việt Nam, cả hai phe Quốc-Cộng đều tranh thủ nhân tâm đồng bào, lấy thông tin tuyên truyền làm vũ khí hàng đầu để tố cáo tội ác và nêu lên sự đau khổ lầm than của đồng bào bên kia giới tuyến.
Minh chứng sự tốt đẹp của việc “đất lành chim đậu,”thực tế là trong thời gian 30 năm chia cắt, chỉ thấy người miền Bắc vượt vĩ tuyến 17 vào Nam, chứ không thấy ai ở miền Nam ra miền Bắc tìm tự do.
Sau ngày 30 tháng 4-1975, nhờ thông thương đi lại, nhờ mắt thấy tai nghe, người Việt Nam của cả hai phe, đã thấy rõ sự tuyên truyền, tố cáo của chế độ bên này đối với phía kia là đúng hay sai.
Sự tuyên truyền và những thông tin của miền Nam đưa ra chưa thấm vào đâu so với sự thật tàn tệ và thảm cảnh của đồng bào miền Bắc. Sau này, chuyện đấu tố trong đợt cải cách ruộng đất năm 1949 còn kinh hoàng gấp trăm lần những gì miền Nam đã biết qua các tác phẩm của các nhân chứng miền Bắc được viết sau ngày “thống nhất” như “ Ngày Long Trời, Đêm Lở Đất” của Trần Thế Nhân, “Une Voix dans La Nuit” (Tiếng vọng trong đêm,) của Hoàng Văn Chí – Mạc Định, “Chuyện Làng Ngày Ấy” của Võ Văn Trực và rải rác hầu hết trong các tác phẩm của Dương Thu Hương, Trần Đĩnh… mà khả năng của người viết không đếm hết.
Một cuốn phim “Tố Cộng” của miền Nam như “Chúng Tôi Muốn Sống” không nói đủ 1/10 sự thật. Sau này, trong một cuộc phỏng vấn của ký giả Đinh Quang Anh Thái, nhà văn Dương Thu Hương đã kể: “Tôi còn nhớ lúc xảy ra chiến dịch Cải Cách Ruộng Đất, ngay trước cửa nhà tôi là một người bị chết treo và lúc 8 tuổi, tôi đã phải đi theo các đoàn học sinh để chứng kiến các cuộc đấu tố địa chủ. Sau lưng nhà tôi, ngay đường xe hỏa, một người khác bị vu là địa chủ nên tự tử bằng cách đặt cổ vào đường ray cho xe lửa cán chết.”
Về chuyện đói nghèo của dân miền Bắc, dù giàu tưởng tượng, tôi không bao giờ nghĩ ra được cái cảnh đói của ngay gia đình của chị ruột tôi ở vùng Đức Thọ, Nghệ Tĩnh. Chị tôi đi lấy chồng trước năm 1954, sau này làm hộ sinh nông thôn, đi đỡ đẻ về, đói quá, có lần bị té xỉu dọc đường. Anh rể có thời gian làm Trưởng Ty Thương Binh- Xã Hội tỉnh Quảng Bình, sau về làm ở Ủy Ban Nhân Dân huyện Đức Thọ. Trong bốn năm chị tôi mất ba đứa con trong thời gian chỉ có vài tháng tuổi, vì mẹ thiếu ăn, không có sữa, nhà nhiều lúc phải ăn lá bí ngô nấu với sắn mốc qua ngày.
Ở miền Bắc, chế độ Cộng Sản tuyên truyền nói xấu miền Nam thì quá cường điệu, lếu láo, không có nổi 1% sự thật. Khi vào được để “tham quan” miền Nam và thăm bà con, dân miền Bắc còn ngây thơ mang vào Nam cứu trợ mấy ký gạo đỏ và chục chén ăn cơm. Sự thật thì miền Bắc đã mang về từ vùng đất “được giải phóng” hàng chục tấn vàng, kim cương cho Bộ Chính Trị đảng và cho hàng vạn xe gắn máy, đồng hồ, radio, quạt máy và vàng bạc đủ xây lại nhà cửa khang trang từ những thân nhân mà họ đã “khai tử” trên bản lý lịch trích ngang, vì không muốn liên hệ gì với những người đã di cư vào Nam năm 1954.
Bà chị tôi sau ngày “giải phóng” thương nhớ quay quắt cha già, nhưng chỉ có nước mắt làm quà cho cha. Phía Nam, gia đình tôi toàn là thầy giáo theo nghề sư phạm, không giàu có gì, nhưng lúc nào gạt lệ trước khi ra Bắc, chị cũng được cô em dâu dúi vào tay bà một hai chỉ vàng làm quà “thất trận!” Anh tôi, mỗi lần đi thăm bà chị “bên thắng cuộc” cũng kho một nồi cá lớn, khi cá sòng, khi cá thu vì gia đình chị tôi vẫn thường “thiếu chất!”
Sự nhồi sọ đến mù quáng, khó tưởng tượng nỗi, khi một thằng cháu, con bà chị tôi đã dẫn ở đoạn trên, tốt nghiệp kỹ sư Hà Nội, từng du học Liên Xô, khi vào gặp tôi sau năm 1982 tại Sài Gòn, đã thắc mắc:
– “Cậu mang quân hàm Đại Úy mà nhà cửa chỉ thế này sao?” (Nó được tuyên truyền sĩ quan miền Nam, cắt cổ mổ bụng, bóc lột nhân dân nên ai cũng có đời sống vương giả, nhà lầu xe hơi!)
Một hôm, có vẻ sau một hồi ngần ngại, “ông kỹ sư Hà Nội” này đã rụt rè hỏi tôi một câu rất mâu thuẫn với câu hỏi trước.
– “Thế Mợ có bị cảnh sát… không?” (Miền Bắc được tuyên truyền ở Miền Nam bị cảnh sát Ngụy kìm kẹp, cảnh sát muốn hiếp dâm ai cũng được, kể cả vợ… Đại Úy Ngụy!)
Biết là “Một sự bất tín, vạn sự chẳng tin” – Nếu một lần ta đã làm người khác mất lòng tin thì những lần sau không ai tin mình nữa! Nhưng trong vòng cương tỏa của đảng, bị bịt mắt che tai, đồng bào miền Bắc không có dịp để biết sự thật, chỉ biết nghe chuyện hoang đường. Từ chuyện Nguyễn Văn Trỗi bị trói tay vào cột, còn dùng tay giật băng vải đen bịt mắt, sau khi nhận một tràng đạn vào ngực còn dõng dạc hô to: “Hồ Chí Minh muôn năm!” đến chuyện hồi chánh viên Nguyễn Văn Bé còn sống sờ sờ, đã miền Bắc dựng thành liệt sĩ sau khi cầm quả mìn Claymor đập vào một chiếc xe tăng, làm chết 69 binh sĩ Mỹ và VNCH, phá hủy nhiều xe tăng. Từ chuyện Kim Đồng xa xưa tẩm xăng vào mình cho nổ kho đạn ở Thị Nghè, đến chuyện ngày nay “Hercule” Bùi Minh Kiểm tay không níu càng trực thăng chúi đầu xuống đất cho đồng đội bắn, máy bay nổ tan xác. Rồi chuyện đồng bào ở bờ Nam Bến Hải nghe tiếng loa đài phát thanh Vĩnh Linh vang lên, đã chạy ào ra bờ sông mừng rỡ reo hò: “Bà con ơi, o Nhạn, anh Tích (xướng ngôn viên) chưa chết. Đài Vĩnh Linh còn. Quốc gia nói láo.”
Rõ ràng quốc gia nói chưa được 1% sự thật của miền Bắc, trong khi cộng sản nói láo từ suốt 30 năm cho tới ngày cả nước được sáng mắt, sáng lòng.
Ai cũng nghĩ rằng nhà nước cộng sản dù chính sách ngu dân, làm cho dân càng ngày càng ngu, để tuyên truyền được hữu hiệu, nhưng ngu là đối với nông dân thất học, quanh quẩn trong rặng tre làng. Ở đây một kỹ sư có học, từng đi ngoại quốc lại nghe và tin sự tuyên truyền như vậy, thì không còn chỗ nói nữa.
Quả là nghệ thuật tuyên truyền của Cộng Sản Bắc Việt quá hay, nhưng không may Việt Nam có cái ngày 30 Tháng Tư đã làm rơi cái mặt nạ giả dối, phơi bày một sự thật trần truồng khiến người có lòng tự trọng thấy xấu hổ. Miền Bắc cảm thấy nếu được sống 1/10 cuộc đời bị đàn áp bóc lột của người dân miền Nam thì cũng đã sung sướng chán. (Huy Phương)