Chuly sưu tầm
‘Buồn vào hồn không tên’
Tác Giả: Tưởng Năng Tiến
Có lần, tôi nghe Giáo Sư Nguyễn Văn Lục phàn nàn:
“Người Cộng Sản có một sự sắp xếp rất máy móc, đơn giản về con người và sự việc. Hoặc họ coi là bạn, hoặc là kẻ thù của họ. Miền Nam sau 1975 có chiến dịch đi ‘tìm thù’ và biến miền Nam thành mảnh đất hung bạo với những ngữ từ quen thuộc như: Quét sạch, đánh phá, truy lùng, tố cáo.”
Hơn 40 năm sau, sau cái chiến dịch “tìm thù” bắt đầu từ năm 1975, có bữa tôi đang ngồi lơ tơ mơ hút thuốc thì chuông điện thoại reo:
-Tiến hả?
-Dạ…
-Vũ Ðức Nghiêm đây…
-Dạ…
-Anh buồn quá Tiến ơi, mình đi uống cà phê chút chơi được không?
-Dạ… cũng được!
Tôi nhận lời sau một lúc tần ngần nên tuy miệng nói “được” mà cái giọng (nghe) không được gì cho lắm. Tôi cũng thuộc loại người không biết làm gì cho hết đời mình nên thường rảnh nhưng không rảnh (tới) cỡ như nhiều người trông đợi. Sống ở Mỹ, chớ đâu phải Mỹ Tho mà muốn đi đâu thì đi, và muốn đi giờ nào cũng được – mấy cha?
Khi Mai Thảo và Hoàng Anh Tuấn còn trên dương thế, thỉnh thoảng, tôi cũng vẫn nghe hai ông thở ra (“anh buồn quá Tiến ơi”) y chang như thế. Chỉ có điều khác là ông nhà văn khi buồn thì thích đi uống rượu, ông thi sĩ lúc buồn lại đòi đi… ăn phở, còn bây giờ thì ông nhạc sĩ (lúc buồn) chỉ ưa nhâm nhi một tách cà phê nóng. Ai sao tui cũng chịu, miễn đến chỗ nào (cứ) có bia bọt chút đỉnh là được!
Vũ Ðức Nghiêm sinh sau Mai Thảo và trước Hoàng Anh Tuấn. Ông chào đời vào năm 1930. Hơn 80 mùa Xuân đã (vụt) trôi qua. Cả đống nước sông, nước suối – cùng với nước mưa và nước mắt – đã ào ạt (và xối xả) chảy qua qua cầu, hay trôi qua cống. Những dịp đi chơi với ông (e) sẽ cũng không còn nhiều lắm nữa. Tôi chợt nghĩ như thế khi cho xe nổ máy.
Quán cà phê vắng tanh. Nhạc mở nhỏ xíu nhưng tôi vẫn nghe ra giai điệu của một bài hát rất quen:
Gọi người yêu dấu bao lần.
Nhẹ nhàng như gió thì thầm.
Làn mây trôi gợi nhớ chơi vơi thương người xa xôi.
Gọi người yêu dấu trong hồn.
Ngập ngừng tha thiết bồn chồn.
Kỷ niệm xưa mơ thoáng trong sương cho lòng nhớ thương…
-Hình như là nhạc của Vũ Ðức Nghiêm… Anh nghe xem có đúng không? Tôi đùa.
-Em nói nghe cái gì?
-Anh thử nghe nhạc coi…
-Nhạc của ai?
Tôi chợt nhớ ra là ông anh đã hơi nặng tai nên gọi cô bé chạy bàn:
-Cháu ơi, người ngồi trước mặt chúng ta là tác giả của bản nhạc Gọi Người Yêu Dấu mà mình đang nghe đó. Cháu mở máy lớn hơn chút xíu cho ổng… sướng nha!
Thấy người đối diện có vẻ bối rối vì cách nói vừa dài dòng, vừa hơi quá trịnh trọng của mình nên tôi cố thêm vào một câu tiếng Anh (vớt vát) nhưng ngó bộ cũng không có kết quả gì. Ðúng lúc, chủ quán bước đến:
-Cháu nó mới từ Việt Nam sang, ông nói tiếng Mỹ nó không hiểu đâu. Ông cần gì ạ?
-Dạ không, không có gì đâu. Never mind!
Tôi trả lời cho qua chuyện vì chợt nhận ra sự lố bịch của mình. Cùng lúc, bản nhạc của Vũ Ðức Nghiêm cũng vừa chấm dứt. Tôi nhìn anh nhún vai. Vũ Ðức Nghiêm đáp lại bằng một nụ cười hiền lành và… ngơ ngác!
Tự nhiên, tôi thấy gần và thương quá cái vẻ ngơ ngác (trông đến tội ) của ông. Tôi cũng bị nhiều lúc ngơ ngác tương tự trong phần đời lưu lạc của mình. Bây giờ hẳn không còn ai, ở lứa tuổi 20 – dù trong hay ngoài nước – còn biết đến tiếng “Gọi Người Yêu Dấu” (“ngập ngừng tha thiết bồn chồn”) của Vũ Ðức Nghiêm nữa. Thời gian, như một dòng sông hững hờ, đã vô tình bỏ lại những bờ bến cũ.
Vũ Ðức Nghiêm, tựa như một cây cổ thụ hiếm hoi, vẫn còn đứng lại bơ vơ bên bờ trong khi bao nhiêu nhạc sĩ cùng thời đều đã ra người thiên cổ. Trúc Phương là một trong những người này. Qua chương trình Bẩy Mươi Năm Tình Ca Trong Tân Nhạc Việt Nam, nhà phê bình âm nhạc Hoài Nam đã cho biết nhiều chi tiết vô cùng thê thiết về cuộc đời của người viết nhạc (chả may) này.
Trang sổ tay hôm nay, chúng tôi xin được nắn nót ghi lại đây những nhận xét của Hoài Nam, và mong được xem như một nén hương lòng (muộn màng) gửi đến một người đã khuất:
“Trúc Phương là một trong những nhạc sĩ gốc miền Nam được yêu mến nhất, từng được mệnh danh là ông vua của thể điệu Bolero tha thiết trữ tình. Ông tên thật là Nguyễn Thiện Lộc, chào đời năm 1939 tại xã Mỹ Hòa, quận Cầu Ngang, tỉnh Trà Vinh, tức Vĩnh Bình – một xứ Chùa Tháp thu nhỏ ở vùng hạ lưu sông Cửu Long…”
“Nhạc của Trúc Phương thường buồn, rất buồn. Trong số những ca khúc của ông, hình như, chỉ có hai bản vui. Ðó là Tình Thắm Duyên Quê và Chiều Làng Em. Riêng bản Chiều Làng Em nói rằng vui là so sánh với những sáng tác khác của ông. Chứ thực ra, bản nhạc này tuy có nội dung êm đềm trong sáng nhưng giai điệu của nó cũng man mác buồn. Không hiểu vì cuộc đời của Trúc Phương vốn nhiều chuyện buồn và đã được ông gửi gấm vào dòng nhạc hay vì ông thích sáng tác nhạc buồn nên riết rồi nó ám vào người, chỉ biết những sáng tác phổ biến nhất, nổi tiếng nhất của ông đều là những ca khúc buồn, như Chiều Cuối Tuần, Nửa Ðêm Ngoài Phố, Tầu Ðêm Năm Cũ, Bóng Nhỏ Ðường Chiều…”
Mời độc giả xem Điểm tin buổi sáng Thứ Sáu, ngày 17 tháng 3 năm 2017
Tháng Tư, 1975, Trúc Phương bị kẹt lại. Năm 1979, ông vượt biên nhưng bị bắt và bị tù. Sau khi được thả, cuộc sống của ông trở nên vô cùng thê thảm về thể xác vật chất cũng như tinh thần. Trong một đoạn video phỏng vấn ông, được trung tâm Asia phổ biến tại hải ngoại, Trúc Phương cho biết:
“Sau cái biến cố cuộc đời, tôi sống cái kiểu rày đây mai đó, ‘bèo dạt hoa trôi.’ Nếu mà nói đói thì cũng không đói ngày nào, nhưng mà no thì chẳng có ngày nào gọi là no. Tôi không có cái mái nhà, vợ con thì cũng tan nát rồi, tôi sống nhà bạn bè, nhưng mà khổ nỗi hoàn cảnh họ cũng bi đát, cũng khổ, chứ không ai đùm bọc ai được đến nữa lúc đó thì vấn đề an ninh có khe khắt, lúc đó thì bạn bè tôi không ai dám ‘chứa’ tôi trong nhà cả, vì tôi không có giấy tờ tùy thân, cũng chẳng có thứ gì trong người cả. Tôi nghĩ ra được một cách là tìm nơi nào mà có khách vãng lai rồi mình chui vào đó ngủ với họ để tránh bị kiểm tra giấy tờ. Ban ngày thì lê la thành phố, đêm thì phải ra xa cảng thuê một chiếc chiếu, một chiếc chiếu lúc bấy giờ là 1 đồng, thế rồi ngủ cho tới sáng rồi xếp chiếc chiếu trả người ta, thế là mình lấy 1 đồng về, như là tiền thế chân. Một năm như vậy, tôi ngủ ở xa cảng hết chín tháng. Mà nói anh thương, khổ lắm. Hôm nào có tiền để đi xe lam mà ra sớm khoảng chừng 5 giờ có mặt ngoài đó thế rồi thuê được chiếc chiếu trải được cái chỗ lịch sự chút tương đối vệ sinh một tí mà hôm nào ra trễ thì họ chiếm hết rồi, những chỗ sạch vệ sinh họ chiếm hết rồi, tôi đành phải trải chiếu gần chỗ ‘thằng cha đi tiểu vỉa hè,’ thế rồi cũng phải nằm thôi. Tôi sống có thể nói là những ngày bi đát mà lẽ ra tôi nên buồn cho cái hoàn cảnh như thế nhưng tôi không bao giờ buồn. Tôi nghĩ mà thôi, còn sống cho tới bây giờ và đó cũng là một cái chất liệu để tôi viết bài sau này.”
Chất liệu, rõ ràng, đã có (và có quá dư) nhưng cơ hội để Trúc Phương viết bài sau này (tiếc thay) không bao giờ đến – vẫn theo như lời của nhà phê bình âm nhạc Hoài Nam:
“Vào một buổi sáng năm 1996, Trúc Phương không bao giờ thức dậy nữa. Ông đã vĩnh viễn ra đi. Tất cả gia tài để lại chỉ là một đôi dép nhựa dưới chân. Thế nhưng xét về mặt tinh thần Trúc Phương đã để lại cho chúng ta một di sản vô giá.”
“Chúng ta ở đây là những người yêu nhạc, trong nước cũng như hải ngoại, bên này cũng như bên kia chiến tuyến. Bởi vì hơn 30 ca khúc nổi tiếng của ông cho dù có một hai bài có nhắc đến chữ ‘cộng hòa’ vẫn phải được xem là những tình khúc viết cho những con người không phải cho một chế độ chính trị nào. Những con người sinh ra và lớn lên trong một cuộc chiến không lối thoát với niềm khắc khoải chờ mong một ngày thanh bình. Cuối cùng thanh bình đã tới nhưng không phải là thứ thanh bình mà những ‘con tim chân chính’ trong nhạc của Lê Minh Bằng hằng mơ ước mà là thứ thanh bình của giai cấp thống trị, của một thiểu số may mắn nào đó. Chính cái thanh bình ấy đã cướp đi bao nhiêu sinh mạng trong đó có người Việt Nam xấu số đáng thương tên Nguyễn Thiện Lộc, tức nhạc sĩ Trúc Phương nổi tiếng của chúng ta.”
Thôi thì cũng xong một kiếp người! Và dòng đời, tất nhiên, vẫn cứ lạnh lùng và mải miết trôi. Sáng nay, tôi lại chợt nhớ đến Trúc Phương sau khi tình cờ đọc được một mẩu tin ngăn ngắn – trên báo Pháp Luật:
“Ngày 31 Tháng Giêng, một số cán bộ hưu trí, người dân ở phường Bình Hưng Hòa B (quận Bình Tân, Sài Gòn) bức xúc phản ánh cuộc họp mặt đầu năm do phường tổ chức. Ngay phần khai mạc lúc gần 9 giờ sáng, trên nền nhạc hip hop, hai phụ nữ ăn mặc hở hang, thiếu vải lên nhún nhảy, múa những động tác khêu gợi. Hai thanh niên múa phụ họa. Quan sát đoạn video chúng tôi thấy nhiều cán bộ hào hứng xem tiết mục ‘lạ mắt’ này. Có cán bộ còn dùng điện thoại quay lại cảnh hai cô gái biểu diễn, ưỡn người và ngực về phía khán giả. Nhiều người tham gia rất hào hứng, chỉ trỏ, thì thầm vào tai nhau.
“Chúng tôi tiếp tục liên lạc với bà Nguyễn Thị Bích Tuyền, phó chủ tịch phường kiêm chủ tịch công đoàn phường, bà Tuyền lý giải: ‘Tiết mục múa chỉ diễn ra gần 3 phút và đây là vũ điệu theo phong cách Hawaii nên hơi lạ.’”
Nếu ngay sau khi chiếm được miền Nam mà quý vị cán bộ Cộng Sản cũng có được cách “lý giải” tương tự thì thì Mai Thảo, Hoàng Anh Tuấn… đã không phải bỏ thân nơi đất lạ. Vũ Ðức Nghiêm cũng đã tránh được những giây phút bơ vơ, ngơ ngác, lạc lõng ở xứ người. Và Trúc Phương thì chắc chắn vẫn sẽ còn ở lại với chúng ta, vẫn có những đêm khắc khoải buồn vào hồn không tên, thay vì nằm chết cong queo trong đói lạnh – trên một manh chiếu rách – với tài sản duy nhất còn lại chỉ là một đôi dép nhựa.
Mọi cuộc cách mạng luôn luôn có cái giá riêng của nó. Riêng cái thứ cách mạng (thổ tả) của những người Cộng Sản Việt Nam thì đòi hỏi mọi người đều phải trả cái giá (hơi) quá mắc mà thành quả – xem ra – không có gì, ngoài tội ác!