Chuly sưu tầm
Chùa.
Tác Giả: Bùi Bảo Trúc
Tại sao Việt Nam không nhiều chùa như ở Miến Ðiện, Tây Tạng hay Sri Lanka thì hơi lạ. Người Việt Nam ai cũng thích chùa cả vậy mà lại … ít chùa hơn các nước Phật Giáo vừa kể thì quả là có kỳ cục thật.
Nhưng vài ba chuyện mới xảy ra gần đây lại khiến cho người ta tin là chuyện chùa miếu của người Việt Nam sẽ lại càng ít thấy hơn nữa.
tien va nhacChả là vì các nhạc sĩ viết nhạc không thích chùa nữa. Ôm cây đàn đau khổ bao nhiêu đêm ngày, có người ho hen bệnh hoạn chết yểu như Nguyễn Mỹ Ca, có người sống trong nghèo túng đến khi chết như Canh Thân, Lê Thương… có người chết đau đớn theo tình yêu, cảm hứng cho những tác phẩm của mình như Ðỗ Lễ… mới viết xong được bản nhạc. Tác phẩm của họ viết xong được các giọng hát cất lên nhưng họ thì không bao giờ nhận được một sự đãi ngộ, bù đắp nào. Nếu có thì cũng chỉ là tượng trưng, rất ít. Ngoại trừ một số rất nhỏ dám đứng lên đặt vấn đề tác quyền, đa số thì chỉ thấy tác phẩm tim óc, gan ruột của mình bị lôi ra chùa hết. Cứ nghe tác phẩm của mình là lại thấy mùi hương ngào ngạt như các văn nhân ngày xưa trước khi đọc thơ thì lại đốt trầm lên cho thơm ngát chốn thư phòng.
Trịnh Công Sơn trước khi chết có dặn dò gia đình phải đòi tác quyền những ca khúc ông viết mà các giọng hát đem ra hát đầy mùi nhang suốt mấy chục năm nay, và gia đình của ông đã làm đúng theo lời ông dặn dò. Vì thế, chuyện hát nhạc của ông không còn chùa miếu nữa. Hát nhạc của ông để kiếm tiền thì phải trả tác quyền. Ca sĩ không thể nói có quen biết thân tình với tác giả nên … chùa các ca khúc của ông.
Một buổi trình diễn nhạc ở trong nước mới đây đã làm đúng câu “đầu tiên là tiền đâu” cái đã. Thế là hết chùa.
Một số ý kiến cho rằng làm vậy, đòi tiền, là không văn học nghệ thuật chút nào. Nhưng thử hỏi những ý kiến ấy là nếu họ có tác phẩm thì họ có muốn chùa miễu cho có nét văn học không nào?
Không thì tại sao lại chỉ muốn người khác chùa còn mình thì không?
Tại sao lại “của người bồ tát, của mình lạt buộc”?
Nói đến đây tôi lại nhớ có một anh ca sĩ nọ. Anh làm mấy cái CD thu giọng của anh. Ở bìa lưng của đĩa CD, có in danh sách những ca khúc anh hát. Người ta chỉ thấy tên của bài hát và bên cạnh tên bài hát là tên của anh. Tên của các nhạc sĩ viết các ca khúc ấy không hề được ghi xuống.
Như vậy, tên nhạc sĩ sáng tác còn không được ghi xuống thì làm gì có chuyện anh ta đi tìm tác giả để trả tác quyền.
Nhưng tệ hơn nữa là anh ca sĩ này lúc ấy có một bạn gái luật sư nên anh ta nhờ cô ta viết một thông cao giọng đầy hăm dọa nói rằng bất cứ ai dùng tiếng hát của anh ta, hình ảnh của anh ta thì phải xin phép anh ta, nếu không anh sẽ nhờ pháp luật can thiệp. Như vậy, của người khác thì chùa thoải mái, còn của mình thì đừng có mà ai đụng vào!
Trở lại chuyện ca hát nói là để gặp gỡ khán thính giả cho đỡ nhớ thì người ta lại nhớ đến chuyện một ông nhạc sĩ nọ cũng than là nhớ khán giả muốn gặp khán giả để cám ơn. Trước đó, ông than nghèo kể khổ ốm đau sầu não rất Việt Nam bi thảm Ðông Dương nhưng nay khỏe lại nên muốn gặp những khán giả ái mộ ông.
Chuyện đó nghe hay lắm nếu ông đến một chỗ nào đó, hát một buổi cho khán giả vào cửa tự do cho cả hai bên đỡ nhớ nhau. Chuyện ấy quá dễ. Ở California thiếu gì mấy phòng sinh hoạt của các tòa báo lấy giá nhẹ nhàng, nhiều người đã làm như thế. Nhưng ông nhờ người tổ chức ở một hý viện sang trong, giá vé cao gấp năm lần giá vé đi nghe Tony Bennett ($75/vé hạng nhất) cũng hát trong dịp ấy. Kiếm tiền thì cứ kiếm nhưng … vừa phải thôi chứ. Nhớ khán thính thì nhẹ tay một chút.