Chuly sưu tầm
Sự ích kỷ có giúp chúng ta hạnh phúc hơn không?
Các nhà khoa học phát hiện thấy rằng tính ích kỷ thực sự giúp chúng ta hạnh phúc hơn, miễn là chúng ta không cảm thấy có lỗi.
Mặc dù chúng ta được dạy về những lợi ích của sự tử tế và lòng vị tha, nhưng các nhà khoa học thuộc trường đại học Pennsylvania (Mỹ) nhận thấy rằng dường như con người hạnh phúc nhất khi được theo đuổi những sở thích của riêng mình.
Hai nhà tâm lý học Jonathan Berman và Deborah Small đã tiến hành một nghiên cứu với 216 sinh viên đại học để xem khi nào con người hạnh phúc nhất.
Trong cuộc thử nghiệm này, các sinh viên được nhận mỗi người 3 USD. Một số người trong số họ được yêu cầu ủng hộ cho quỹ từ thiện UNICEF, một số khác được yêu cầu giữ tiền không được tiêu và số còn lại được cho phép làm bất kỳ điều gì với khoản tiền của họ.
Kết quả, các nhà khoa học nhận thấy rằng những sinh viên được giữ tiền cho riêng họ cảm thấy hạnh phúc hơn nhiều so với những người được yêu cầu ủng hộ số tiền cho quỹ từ thiện và những người được tự do lựa chọn.
Nhóm nghiên cứu cho biết những người dùng khoản tiền để thỏa mãn sở thích cá nhân thường phải đấu tranh với cảm giác tội lỗi. Bởi vì con người từ khi còn nhỏ được dạy rằng chia sẻ là quan tâm.
Nên nếu đưa ra quyết định vì lợi ích bản thân, chúng ta thường cảm thấy có lỗi khi ưu tiên mình với những người khác. Điều này đồng nghĩa nếu chúng ta có thể quên những việc vì lợi ích cá nhân, chúng ta sẽ cảm thấy hạnh phúc.
“Mọi người thường muốn hành động theo tính cá nhân của mình. Nhưng họ không làm điều đó, bởi vì họ cảm thấy ích kỷ nếu họ làm điều đó”, tiến sĩ Jonathan Berman cho biết trên Daily Mail.
Theo Vietnamnet, Daily Mail.
——————————————————————————
Ích kỷ là nguồn gốc của đố kỵ
Sự ích kỷ dường như đã nằm sẵn trong bản ngã của con người ngay từ lúc mới sinh ra. Và khi biết nhận thức thì cái mầm ích kỷ đó cũng bắt đầu trỗi dậy. Tốc độ phát triển của cái mầm ấy nhanh hay chậm tùy thuộc vào bản lĩnh, khả năng kiểm soát bản thân của mỗi người.
Sự ích kỷ dường như đã nằm sẵn trong bản ngã của con người ngay từ lúc mới sinh ra. Và khi biết nhận thức thì cái mầm ích kỷ đó cũng bắt đầu trỗi dậy. Tốc độ phát triển của cái mầm ấy nhanh hay chậm tùy thuộc vào bản lĩnh, khả năng kiểm soát bản thân của mỗi người.
– Khi người khác có được điều gì đó tốt hơn mình, nhiều hơn mình, người ta đố kỵ.
– Khi người khác có được điều mà chính mình mong muốn, người ta đố kỵ.
Ngay từ bé, những đứa trẻ đã bắt đầu tỏ ra đố kỵ khi bạn bè, anh chị em được chia cho phần quà nhiều hơn, phần ăn ngon hơn hay được mua quần áo đẹp hơn, đồ chơi nhiều hơn… Lớn hơn chút nữa, chúng thậm chí còn đố kỵ khi nhà bạn này bạn kia giàu hơn, bạn ý được bố mẹ đưa đến trường bằng ôtô, hay bạn ý có căn phòng đẹp hơn mình…
Khi đi học, bạn bè lại tiếp tục đố kỵ nhau về điểm số, về việc ai được thầy cô giáo yêu quý hơn…
Và khi trưởng thành, người ta bắt đầu đố kỵ bởi những cái lớn hơn như công việc của tốt hơn, lương cao hơn, vị trí cao hơn, được sếp nhân nhượng hơn… Một số người thì vẫn đố kỵ bởi không ít cái nhỏ nhặt như: Cô ấy xinh hơn, dáng đẹp hơn, có nhiều quần áo đẹp hơn, được nhiều người yêu mến hơn…
Cấp độ của sự đố kỵ tỷ lệ thuận với sự ích kỷ trong con người. Sự ích kỷ càng lớn, người ta càng đố kỵ với những điều nhỏ nhặt hơn, với tất cả mọi thứ mà người ta “hơn” mình…
Vâng, cũng chỉ bởi một chữ “hơn”! Người ích kỷ thường không mong muốn ai hơn mình, luôn muốn mình có được những điều tốt đẹp nhất.
Một trong những điều gây ra cái “khổ” cho con người chính là do họ thích quan tâm đến chuyện người khác rồi đem so sánh với mình… Mà tất cả mọi sự so sánh vốn khập khiễng, người ta mấy ai hài lòng về bản thân và lòng tham thì lại là không đáy.
Sự đố kỵ chính là một “cái khổ” của con người! “Nhìn lên thì chẳng bằng ai…”, những người ích kỷ, hay đố kỵ lại chỉ nhớ vế này mà quên mất vế sau: “nhìn xuống chẳng ai bằng mình”. Nếu họ cứ suốt đời đi so sánh để rồi thấy mình thua đường này, kém đường kia thì không bao giờ họ có thể hài lòng và sống thanh thản, hoàn toàn vui vẻ được.
Xóa bỏ được sự đố kỵ, lòng ích kỷ cũng chính là xóa bỏ cái “khổ” cho bản thân. Để chữa lành “căn bệnh” đố kỵ, cần triệt tiêu cái gốc rễ “ích kỷ”. Mỗi con người cần biết tiết chế bản thân, tiết giảm dần lòng ích kỷ và thay thế vào đó sự vị tha, cao thượng, phóng khoáng… Nên mừng cho người khác khi họ có được may mắn, đạt được những điều tốt đẹp… Cần nhìn những thứ người khác hơn mình để làm mục tiêu phấn đấu, vươn lên cho chính bản thân chứ không phải nhìn vào đó mà ghen ghét, đố kỵ và mong cho họ mất đi những điều đó, thậm chí mong lấy được những thứ đó từ tay họ. Nếu khả năng không thể cố gắng, hãy cố học cách hài lòng với những gì mình có.
“Ông trời vốn không cho ai tất cả”, bạn tin vào điều đó đi. Cái bạn nhìn được chỉ là những thứ mà họ hơn mình chứ chưa thấy được những điều họ không bằng bạn hay những vất vả, gian khổ, nỗ lực… mà họ phải trải qua để có được những thành quả hiện tại.
Chẳng gì bằng “dạy con từ thuở còn thơ”, những bậc cha mẹ, ngay từ khi con còn nhỏ, nên chú ý dạy trẻ cách chia sẻ với bạn bè, anh chị em để bé không ích kỷ. Nhờ đó cái mầm ích kỷ không có cơ hội nảy nở, phát triển, để bé lớn lên không mang theo tính cách này vào cuộc sống.
Vậy, bạn sẽ lựa chọn dứt bỏ cái khổ của sự “đố kỵ” hay cứ giữ lấy nó như một căn bệnh, dù cho mình biết thuốc chữa?
Nguyễn Hương.
Lòng vị tha phải chăng tiềm ẩn sự ích kỷ?
Giáo sư Oren Harman, đại học Bar Ilan ở Israel
Bách Lam/Viễn Đông (thực hiện)
Sự tiến hóa của vạn vật, và con người nói riêng, dựa trên những căn bản nào, lòng tốt hay sự ích kỷ? Đó là câu hỏi con người mãi đi tìm câu trả lời qua nhiều thế hệ, qua nhiều cuộc chiến. Lần đầu tiên, một cuốn sách kể chuyện cuộc đời một khoa học gia rất ít người biết đến, một người đã tìm được phương trình toán học dẫn giải nguồn căn của lòng vị tha, thực hành hạnh bố thí, để rồi chết trong nghèo khó, vẫn day dứt bởi câu hỏi ngàn đời của nhân loại.
Giáo sư Oren Harman, trong hành trình nghiên cứu của ông, đã tìm đến những tài liệu về nhà khoa học George Price (1922-1975), và tổng hợp lịch sử lý thuyết tiến hóa xoay quanh câu hỏi về lòng vị tha của nhiều học giả phương Tây từ cuối thế kỷ 19 qua thế kỷ 20, tạo bối cảnh để viết về khoa học gia này trong quyển sách mang tựa đề The Price of Altruism (“Cái giá của lòng vị tha”, cách đặt tựa dùng lối chơi chữ với họ của ông Price, W. W. Norton xuất bản, 2010).
Gs. Harman tốt nghiệp tiến sĩ đại học Oxford University, Anh quốc, chuyên ngành lịch sử và sinh vật học. Ông đang giữ chức Phân khoa trưởng chương trình nghiên cứu hậu đại học về Khoa học, Kỹ thuật, và Xã hội, tại đại học Bar Ilan ở Tel Aviv, Israel. Ông là tác giả của The Man Who Invented the Chromosome (“Người sáng tạo nhiễm thể”, đại học Harvard xuất bản, 2004) và Rebels, Mavericks and Heretics in Biology viết chung với Michael Dietrich (“Những người nổi loạn trong ngành sinh vật học”, đại học Yale xuất bản, 2008). Ông cũng thường xuyên cộng tác với các tờ The New York Times, The London Times, Nature, Science, The Economist, Forbes, New Scientist, Times Higher Education, Nature Medicine, và nhiều tờ khác. Hiện nay, ông sống ở Tel Aviv.
Vào ngày cuối cùng trong chuyến du hành qua nhiều thành phố ở Hoa Kỳ để giới thiệu cuốn sách mới nhất của ông, hôm qua 17-7-2010, Gs. Harman đã dành cho nhật báo Viễn Đông một cuộc phỏng vấn về cuốn The Price of Altruism.
Viễn Đông: Thưa giáo sư, cơ duyên nào đưa ông đến với nhà khoa học George Price, nhân vật chính trong cuốn sách mới nhất của ông?
Gs. Oren Harman: Vì tôi là một nhà sinh vật học, tôi được biết về phương trình mang tên Price. Khoảng 12 năm trước, tôi đọc được ở đâu đó có nhắc đến người đàn ông tên là George Price, người đã tìm ra một phương trình toán học, rồi sau đó tự tử ở một khu nhà bỏ hoang ở London, và có một sự liên hệ nào đó giữa phương trình toán học và việc ông tự tử. Tôi cảm thấy đó là một điều thú vị, nhưng rồi quên bẵng đi vì lúc đó đang ở đại học Oxford với một công trình nghiên cứu khác. Cho đến 4 năm về trước, tôi viết một bài cho tạp chí The New Republic về những lý thuyết về lòng vị tha. Tình cờ, tôi gặp lại tên của George Price. Tôi bèn đi tìm thêm tài liệu về nhân vật này, và chỉ thấy được một bài viết về tiểu sử của ông ấy dài 10 trang của ông Jim Schwartz. Tôi tìm gặp Jim để hỏi thêm, mong tìm được những bài viết của ông Price để kể lại câu chuyện về cuộc đời ông ấy. Jim rất tốt bụng, đã giới thiệu tôi với hai người con gái của George Price ở California. Từ đó, tôi được biết ông Price đã có hàng trăm, hàng ngàn bài viết, tài liệu được cất giữ. Tôi tìm cách gầy dựng sự tin tưởng nơi hai người con của ông Price để xin phép xem các tài liệu. Đã có nhiều người trước đây muốn viết về ông Price, nhưng vì câu chuyện mang tính cách tế nhị, nhất là với cái chết của ông, nên gia đình còn do dự, chưa để ai có dịp đụng tới những tài liệu này. Dần dà, tôi làm quen rồi được gia đình tín nhiệm, cho phép xem những tài liệu ông để lại. Tôi đã đến California, ở lại một thời gian, tới tận nhà gia đình ông, để làm công việc nghiên cứu về ông. Ngoài những tài liệu từ các nơi khác, nguồn tài liệu tham khảo của gia đình thật quý giá để tôi có thể dựng lại câu chuyện về cuộc đời ông.
Viễn Đông: Câu chuyện của ông Price đã đặt ra một câu hỏi vô cùng quan trọng của nhân loại. Xin ông tóm tắt về câu hỏi này.
Gs. Harman: Câu hỏi là, lòng tốt từ đâu đến? Đây là một câu hỏi loài người đã chiêm nghiệm từ thuở ban đầu. Đã có nhiều câu trả lời khác nhau. Một số tôn giáo đưa ra câu trả lời nằm trong khái niệm đạo đức đến từ Thượng Đế, vốn đã tạo ra con người rồi cho con người một lương tâm đạo đức để biết phải, quấy. Truyền thống triết học phi tôn giáo thì bàn thảo về lý trí của con người, do suy luận mà đạt đến kết luận rằng đạo đức là một điều tốt. Những kinh tế gia đầu tiên muốn tìm hiểu xem, trong hệ thống kinh tế thị trường, làm sao hình thành lòng tốt, sự chia sẻ từ những mối tư lợi của mỗi cá nhân. Như một nhà thơ đã viết: “Mỗi Phần Tử đầy những Thói Xấu, Nhưng Cả Đám Đông lại là Thiên Đường” (“Thus every Part is full of Vice, Yet the Whole Mass a Paradise” trong Ngụ Ngôn Loài Ong của Bernard de Mandeville, năm 1714). Sao lại có thể như thế được?
Rồi đến thế kỷ thứ 19, lần đầu tiên các khoa học gia để mắt đến vấn đề này, đặc biệt là Charles Darwin (cha đẻ thuyết tiến hóa). Đối với Darwin, vấn đề này tiềm ẩn một nghịch lý: Làm sao giải thích sự hiện diện của lòng vị tha khi mà sự tiến hóa của vạn vật dựa trên tiền đề “thích hợp để sống còn” (survival of the fittest)? Làm sao giải thích sự di truyền của những tính trạng (trait) không mấy thích hợp từ đời này sang đời khác khi mà sự tiến hóa dựa trên căn bản chỉ những gì thích ứng được mới còn tồn tại? Darwin nghiên cứu trường hợp của loài ong chích, hy sinh thân mình để làm tổ ong, và điều này có vẻ như là một nghịch lý. Darwin giải thích rằng việc hy sinh này là điều tốt cho cộng đồng loài ong. Khái niệm này được gọi là “sự lựa chọn giống nòi” (group selection), và cho đến ngày nay, trong giới khoa học, khái niệm này vẫn còn gây nhiều tranh cãi. Các nhà di truyền học, tâm lý học, kinh tế học, sinh vật học… đã đưa ra nhiều cách giải thích khác nhau.
Khi tôi đến với câu chuyện của George Price, tôi nghĩ ra cách lồng câu chuyện của ông vào bối cảnh lịch sử của các nhà nghiên cứu đã cố công tìm tòi, giải thích về hiện tượng lòng tốt nơi con người, nơi các loài vật. Qua câu chuyện của ông Price, một người cả đời hầu như không dính dáng tới những nghiên cứu về lòng vị tha, bỗng dưng gần cuối đời, dọn qua Anh quốc, có một sự thay đổi mạnh mẽ, làm điều khác thường, tìm ra phương trình toán học, tôi nghĩ có thể dẫn dắt độc giả đến với những công trình nghiên cứu xưa nay về lòng vị tha.
George Price đối với khoa học cũng như các nhân vật chính trong phim Forrest Gump hay Rain Man. Ông là một nhà khoa học sáng giá, từng ở ngay trung tâm của cuộc cách mạng khoa học của thế kỷ 20, nhưng chẳng hưởng được lợi lộc gì từ những phát minh có công sức của mình. Xuất thân là một nhà hóa học, ông làm việc cho Manhattan Project (chế tạo bom nguyên tử), rồi qua làm cho Bell’s Lab trong lãnh vực thiết bị bán dẫn liên quan đến kỹ nghệ viễn thông hiện đại, rồi đến IBM thiết kế những máy điện toán. Lần nào, ông cũng có những ý tưởng thông minh đóng góp vào công trình nghiên cứu, nhưng bất ngờ vụt tắt, biến qua một lãnh vực khác. Ở một thời điểm nọ, ông bị một căn bệnh liên quan đến tuyến giáp trạng, phải mổ. Cuộc giải phẫu không được thành công, và ông bị liệt một vai và cánh tay. Ông trở nên hết sức chán đời, rơi vào tình trạng trầm cảm nặng, không thiết sống nữa. Và ông rời bỏ gia đình, rời bỏ công việc ở IBM, rời bỏ đất nước Hoa Kỳ, và bắt đầu cuộc hành trình mới, cuộc tìm kiếm cuối cùng về một điều bí ẩn của khoa học, trước khi từ giã thế giới này. Điều bí ẩn đó là nguồn gốc của lòng tốt, hay lòng vị tha.
Cuối thập niên 1960, George Price đến London, Anh quốc. Ông tìm đọc nhiều tài liệu trong thư viện, ở đến khuya. Rất nhiều tài liệu ông không hiểu thấu, vì được viết cho giới học giả ngành sinh vật, mà ông lại không có kiến thức nhiều về lãnh vực này. Nhưng ông biết một học giả quan trọng trong lãnh vực này, đó là Bill Hamilton, người sau này được xem là học giả uyên bác nhất về học thuyết Darwin từ thời Darwin. Ông liền viết thư tự giới thiệu mình với học giả Hamilton và bày tỏ ý định muốn tìm giải đáp về vấn đề nguồn gốc của lòng vị tha. Ông Hamilton hoàn toàn không biết tới danh tánh của George Price nhưng cũng lịch sự viết thư trả lời và kèm theo một bài viết của mình, rồi quên bẵng ông Price đi, xem như một người qua đường vậy thôi. Sau đó, ông Hamilton bận rộn cho chuyến đi nghiên cứu một loài ong ở Brazil.
Sáu tháng sau, Hamilton trở lại London. Trên bàn ông có mẩu giấy ghi một phương trình toán học, mà sau này được đặt tên là phương trình Price. Ngay lập tức, ông nhận ra rằng đó là kết quả của sự hiểu biết vô cùng sâu sắc, mang tính đột phá về sự tiến hóa của lòng vị tha.
Viễn Đông: Phương trình đó như thế nào và mang ý nghĩa ra sao?
Gs. Harman: Đó là một phương trình “đồng nghĩa phản phục” (tautology), lúc nào cũng đúng, rất đơn giản, rất đẹp. Nó cho chúng ta biết một tính trạng (trait) được thay đổi như thế nào, tùy thuộc vào hiệp phương sai (covariance, độ đo sự biến thiên cùng nhau của hai biến số ngẫu nhiên) của tính trạng đó cùng với tính thích ứng (fitness) của nó đối với bất cứ ai đang mang tính trạng ấy. Phương trình luôn luôn đúng và rất hữu ích vì cho thấy quá trình chọn lọc tự nhiên (natural selection) xảy ra cùng lúc ở nhiều mức độ khác nhau. Cốt lõi của sự tiến hóa của lòng vị tha là sự xung đột giữa mức độ cá nhân và mức độ của cả giống nòi.
Thí dụ, một con vi khuẩn tấn công một con thỏ. Con thỏ là nguồn sống của con vi khuẩn đó. Để sống còn trong con thỏ, con vi khuẩn đó phải chứng tỏ mình mạnh hơn những con vi khuẩn khác trong cùng một dòng giống. Và rồi sẽ có một cuộc chạy đua võ trang diễn ra giữa những con vi khuẩn với nhau trong cùng một dòng giống vi khuẩn. Nhưng nếu các con vi khuẩn đều cùng trở nên quá sức mạnh mẽ, chúng sẽ làm cho con thỏ bệnh nặng và chết. Khi con thỏ chết, tất cả các con vi khuẩn đang sống nhờ nó cũng chết theo. Nhưng nếu tất cả các con vi khuẩn đều giảm bớt sức tấn công để cả nòi giống được sống còn, con thỏ vẫn còn đủ sức khoẻ để cặp với một con thỏ khác và sinh con đẻ cái, đồng thời truyền giống vi khuẩn xuống những đời thỏ sau. Vì vậy, ở mức độ cá thể của một con vi khuẩn, nó càng mạnh càng tốt. Nhưng ở mức độ tập thể của toàn bộ nòi giống vi khuẩn thì lại cần phải hãm sức tấn công lại để sống còn. Đó là một thí dụ cho thấy sự xung đột giữa hai mức độ trong lý thuyết chọn lọc tự nhiên.
Phương trình Price cho thấy lý thuyết chọn lọc tự nhiên cùng lúc hoạt động ở cả hai mức độ cá thể và tập thể, đồng thời tính được cường độ của sự chọn lọc tự nhiên xem mức độ nào thể hiện mạnh mẽ hơn. Điều này giúp chúng ta thấy được bằng cách nào lòng vị tha được truyền xuống theo sự tiến hóa sinh học.
Một điều đặc biệt nữa là phương trình Price giải quyết một vấn đề trước đây Hamilton không làm được. Hamilton cho rằng lòng vị tha để giữ nòi giống chỉ có hiệu lực đối với những thân quyến, không áp dụng với kẻ lạ. Nghĩa là, lòng vị tha đi đôi với sự liên hệ máu mủ, những nhân tố di truyền. Nhưng phương trình Price cho thấy lòng vị tha vẫn tham dự vào sự tiến hóa mà không cần liên can gì đến những nhân tố di truyền. Đó là một sự khám phá hết sức sắc bén.
Khi George Price viết xong phương trình, ông bước vào đại học University College London (UCL), đưa cho các giáo sư xem, rồi hỏi họ: “Điều này có gì mới không?”. Năm phút sau, ông nhận chìa khóa văn phòng và được mời làm giáo sư danh dự. Có lẽ đó là một trong những giây phút khám phá quan trọng nhất về di truyền học của thế giới. Quả thật là một điều kỳ lạ, một người từ ngoài đường bước vào đại học và chỉ trong một thời gian ngắn ngủi được trao tặng một vinh dự cao cả như thế.
Nhưng là một người có tư chất thông minh, sáng tạo, có lẽ lúc nào đầu của George Price cũng làm việc không ngưng nghỉ. Bao nhiêu nhà sinh vật học trước ông, kể cả Darwin, đã đi tìm công thức toán học này, và đều chào thua. Và khi sự việc xảy ra như “trên trời rơi xuống” với ông, ông bắt đầu nghiền ngẫm thật nhiều về cuộc đời của mình. Ông nhận thấy có nhiều sự trùng hợp lạ kỳ, và ông tìm cách lý giải. Chẳng hạn, ông có bốn người bạn gái đều tên là Anne; bốn số điện thoại cuối của ông là 2399, đối với ông có nghĩa là một thời khắc ngay trước thềm của một ngày mới (giờ thứ 24), thời khắc trước thềm của một khám phá về một vương quốc khác. Ông lục lại nhật ký, xem lại các lá thư, và càng khám phá ra nhiều điều trùng hợp lạ kỳ khác, mà theo cách tính xác suất của ông là rất hiếm khi có thể xảy ra như vậy.
Một ngày nọ, nhà khoa học 47 tuổi, một người hoàn toàn không có đức tin, bỗng dưng bước vào nhà thờ Các Đẳng Linh Hồn (All Souls Church) ở London và trở thành một con chiên ngoan đạo tức thời. Ông kết luận rằng những gì xảy đến cho ông thật là hy hữu, rằng ông đã được Đức Chúa Trời chọn để nói cho thế giới loài người biết về một Sự Thật cao cả, đó là nguồn gốc của lòng vị tha.
Suy nghĩ của ông khiến cuộc đời ông mở ra một bước ngoặt đầy kịch tính. Càng suy gẫm sâu thêm về phương trình của mình, ông đi đến một kết luận: Lòng vị tha chỉ là cái vỏ bọc của sự vị kỷ. Cho dù lòng tốt được thể hiện ở mức cá thể, mức cộng đồng, hay một giống nòi, cũng vẫn là để truyền giống, vẫn có sự ích kỷ tiềm tàng. Khám phá này làm cho ông đau đầu, vì như vậy có nghĩa là không có lòng vị tha thật sự trên thế gian này. Và ông không thể khơi khơi chấp nhận khái niệm đó mà không chống trả.
Do đó, ông quyết định thực hiện một chương trình hành động cấp tiến vì lòng thương người ở ngay trên đường phố London với những người vô gia cư. Ông muốn chiến thắng chính cái phương trình toán học mà ông tìm ra bằng hành động của mình. Để cho thấy rằng nền tảng tâm linh mạnh mẽ hơn những gì khoa học có thể chứng minh.
Ông mời những người không nhà, nghiện ngập, hút sách về nhà mình, cho họ ở miễn phí, chia sẻ cuộc sống với họ, để họ tha hồ lợi dụng ông, bố thí cho họ tất cả mọi thứ, nhưng ông rất vui. Cuối cùng, ông chẳng còn gì, và trở thành một người vô gia cư như những người ông từng cứu giúp.
Bi kịch thay, mặc dù những khoa học gia nghiên cứu về thuyết tiến hóa cùng thời như Bill Hamilton, John Maynard Smith đã cố gắng giúp đỡ ông, George Price tự tử ở một khu nhà bỏ hoang ở London vào năm 1975.
Cuộc đời George Price giúp chúng ta hiểu được một số điều rất sâu sắc. Thứ nhất, phương trình của ông đóng góp cho sự hiểu biết về nguồn gốc của lòng vị tha. Thứ nhì, quan trọng không kém, cuộc đời của ông đã cho thấy, khoa học không thể cung cấp lời giải đáp cho tất cả những câu hỏi. Như triết gia Ludwig Wittgenstein đã nói, ngay cả khi chúng ta trả lời được tất cả những câu hỏi do chúng ta đặt ra, chúng ta vẫn chưa đụng được tới một chút nào của vấn đề mà chúng ta thật sự quan tâm.
Vì vậy, khoa học là một phương thức quan trọng để tìm hiểu về thế giới của chúng ta, nhưng rồi sức mạnh của khoa học có giới hạn, và khởi đi từ điểm giới hạn đó là thế giới của nghệ thuật, thi ca, và tâm linh. Khoa học không bao giờ có thể mô tả toàn bộ sự thật cuộc sống.
Đến cuối cuộc đời, dù rằng có một kết cục bi thương, George Price để lại một lời nhắn nhủ giúp chúng ta có thêm niềm hy vọng về cuộc sống.
Viễn Đông: Một thí nghiệm nhân tạo khiên cưỡng về sự chia sẻ, hòa đồng giữa con người là chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản, cả hai đều đã được đem ra thử nghiệm ở những xã hội nghèo khổ như Việt Nam, mà đều không thành công. Như vậy phải chăng phương trình Price không thể áp dụng vào trường hợp này?
Gs. Harman: Nên nhớ rằng phương trình Price áp dụng cho lòng vị tha trong điều kiện tiến hóa sinh học, chứ không thể tính được tâm lý và lòng tốt của con người trên phương diện xã hội.
Viễn Đông: Vì sao giáo sư lại nghiên cứu về đề tài này?
Gs. Harman: Tôi nghĩ ai cũng muốn biết về lòng tốt, sự vị tha, một đề tài muôn thuở của loài người. Darwin tạo hứng khởi cho tôi, rồi khi tôi được biết về George Price, tôi cảm nhận được cảm hứng ngay nơi trái tim mình. George Price là một nhân vật rất ít được biết đến. Ông yên nghỉ ngàn thu trong một ngôi mộ không đánh dấu ở một nghĩa trang tại London. Tôi muốn kể lại câu chuyện của ông cho thế giới biết, vì ông thật đáng để mọi người biết đến.
Viễn Đông: Xin cám ơn giáo sư Harman.