Chuly sưu tầm
“ĂN XONG THÌ NÓI,.. ĐỪNG VỪA NÓI VỪA ĂN”
Nói cũng phải Học… vậy chúng ta Học Nói nhé!!!
Mỗi người trong chúng ta ai cũng bắt đầu khóc trước khi nói… Vậy thế nào là Nói, và nói thế nào để mọi người và chính bản thân mình khi nghe được vui, được thích và cảm nhận được chia sẻ (?).. Sau đây, các bạn cùng với PNL thử “nghe” nói theo kiểu cách “ỡm ờ” này cho vui nhé! Thích thì học, thích thì đọc, thích thì nói!! Vậy hãy cùng nghe, và nói nhé!
(note: đây không phải bài viết nhầm khuyên răn hay dạy bảo)
Nói…
Khi nói về gia đình mình với khách, không nên dùng những từ thân mật thường nói trong gia đình mình. Thí dụ: không nên nói “bà xã nhà tôi”, mà nên nói “nhà tôi”; không nên nói “con hĩm nhà tôi”, mà nên nói “con gái nhỏ của chúng tôi”; không nên nói “thằng nhóc nhà tôi”, mà nên nói “con trai nhỏ của chúng tôi”; không nên nói nhiều về cá nhân mình, trừ trường hợp khách yêu cầu thì chỉ nên nói vài ba câu ngắn thôi.
– Không nên nói về tài sản phong phú của mình, khiến người nghe dễ hiểu nhầm là mình muốn khoe khoang.
– Tại bàn ăn, nên nói chuyện vui vẻ với mọi vị khách ngồi chung quanh mình, không nên chỉ nói riêng với một người mà mình quen.
– Nếu mình là chủ nhân bữa tiệc, lại càng cần phải nói chuyện vui vẻ với mọi người khách mà mình mời đến dự tiệc; trao đổi những chuyện mà khách nêu ra, lôi cuốn mọi người vào câu chuyện.
– Trong khi nói chuyện với khách, chủ nhà cần chú ý tránh phân biệt đối xử, không nên nói chuyện quá nhiều với một người nào đó, càng không nên nói chuyện quá nhiều với khách nữ, mà quên khách nam.
– Trong tiệc ngồi đông người, thường có người muốn nói chuyện riêng với nhau (chỗ này hai người nói chuyện riêng với nhau, chỗ kia ba người nói chuyện riêng với nhau, v.v…). Đấy là chuyện bình thường, chỉ cần tránh nói to và không làm ồn.
– Trong bữa tiệc ngồi, nếu có vị khách nào có ý muốn trao đổi một chuyện gì đó, các vị khách khác và nhất là chủ nhà nên đồng tình với việc này.
– Chủ nhà nên tìm cách lảng tránh, không nêu một chuyện mà chủ nhà nhận thấy không có lợi nếu đem chuyện đó ra trao đổi.
– Không nên đặt những câu hỏi khó khăn khiến khách không thể trả lời được.
– Không nên nói những từ quá thô thiển hoặc thậm chí thô tục trong bữa tiệc.
– Tại bữa tiệc có bạn thân, có vị mới làm quen lần đầu, do đó, khi xưng hô với bạn thân, không nên nói “mày tao” trước các vị khách khác trong bữa tiệc, mà nên dùng một đại từ lịch sự và thích hợp với mọi vị khách trong bữa tiệc. Thí dụ nói về mình, thì tự xưng hô là “tôi”; còn các vị khách khác thì gọi chung một vài từ như “các quý vị, các vị khách quý” hoặc “các ông, các bà” v.v…
– Có thể nói chuyện với một người, có thể nói với một số người. Khác với diễn thuyết, mỗi người có chuyện riêng khi nói chuyện do đó đôi khi có trao đổi, có tranh luận; còn diễn thuyết thì một người nói, còn nhiều người khác thì nghe.
– Nói chuyện nên có thái độ vui vẻ. Có thể có chuyện buồn, nhưng mang tính chất thông tin hơn là kéo dài không khí rầu rĩ trong buổi nói chuyện.
– Mỗi người đều có một hoặc vài môn sở trường khi nói chuyện (lịch sử, văn học, địa lý, thiên văn, du lịch, săn bắn, câu cá, gà chọi, v.v…), nhưng không nên quá say mê về đề tài của mình, mà quên không để cho người khác được nói điều gì, đặc biệt là không nên coi câu chuyện của mình đều làm cho mọi người ưa thích.
– Về thời sự hàng ngày, nhất là những sự kiện lớn trong nước và ngoài nước, nên biết bằng cách theo dõi báo, đài, để khi tiếp xúc với người đối thoại, mình không có gì quá bỡ ngỡ. Điều tối kỵ là không nên để người khác có ấn tượng cho là mình chẳng hiểu biết gì về vấn đề thời sự.
– Mặc dù không thích rạp hát, không thích phim ảnh, nhưng những bộ phim, những vở kịch nổi tiếng trong nước và trên thế giới, thì mình cũng nên biết sơ qua để khi bắt chuyện với người khác về vấn đề này, mình cũng tỏ ra là có sự hiểu biết cần thiết.
– Tục ngữ có câu “uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”, cho nên cần suy nghĩ trước khi nói chuyện.
– Nói chuyện cần rõ ràng, rành mạch, có thứ tự logic, dùng chữ cho chính xác, tránh những từ ngữ quá thô thiển hoặc khách sáo, ngữ pháp phải đúng; không nên quá to tiếng, không vung tay nhiều.
– Không cắt ngang lời người khác.
– Khi hai người cùng nói, trẻ nên nhường già nói trước, nam nên nhường nữ nói trước.
– Tránh dùng từ mang tính khẳng định khi nói chuyện; không nên nói “phải thế này, phải thế khác”; “anh hoàn toàn sai, tôi hoàn toàn đúng”…
– Tránh lặp đi lặp lại những ý đã nói.
– Một vấn đề đặt ra trong buổi nói chuyện mà mình không biết, thì không nên trả lời vòng quanh, chẳng gây được sự hiểu biết gì cho người khác, tốt nhất là nên nói: “Xin lỗi, tôi không rõ vấn đề này”.
– Khi nói về mình, về gia đình mình, thì cần khiêm tốn, tránh khoe khoang, ba hoa; tục ngữ có câu “khiêm tốn trang điểm thêm cho con người”.
– Không nên có mặt người này lại nói không hay về người khác.
… “Nghe thì dễ, Nói thì khó! Và nói để cho người đối diện đến gần với mình hơn, cảm nhận thân thiện hơn… sẽ khó hơn rất nhiều…”