Chuly sưu tầm
Sáng Đôi Mắt Mù
Tác Giả: Tràm Cà mau .
Con người cần điều gì?- cần đôi mắt sáng, cần có ánh sáng. Đôi mắt và ánh sáng như là phương tiện cho cuộc sống mỗi con người.
Dạo đó, khi cả miền Nam đang bấn loạn lên, vì cuộc chiến tranh mấy mươi năm sắp đến hồi kết cuộc. Bắc quân hồ hởi tiến mau như chẻ tre. Nam quân rút bỏ, tan rã mau chóng. Những người không am hiểu tình hình chính trị quốc tế thì ngỡ ngàng, ngạc nhiên, không tin được về sự thực đang xẫy ra trên đất nước nầy.
Dân miền Nam đua nhau bỏ chạy ra biển, chưa biết sẽ trôi nổi về đâu, cũng chưa biết sẽ đi nơi nào, làm gì mà sống, sống có được hay không. Không cần biết. Cứ chạy trốn đã. Những người nầy, đã có một ít hiểu biết hoặc kinh nghiệm sống với cọng sản, nên liều chết ra khơi. Mấy cụ già miền Nam vuốt râu nói:
“Cọng sản cũng là người Việt Nam mình với nhau, việc chi mà sợ? Cọp nó còn chưa ăn con, huống hồ chi họ với mình cùng tổ tiên, cùng giòng giống. Miền Bắc hay miền Nam đều là anh em với nhau cả mà. Chạy đi đâu làm chi cho mệt.”
Những người trong chính quyền miền Bắc chắc cũng không hiểu nổi, tại sao nhân dân miền Nam sắp được “giải phóng”, sắp được sung sướng, sao mà lại bỏ chạy. E rằng, họ bị Mỹ Ngụy tuyên truyền đầu độc, nên dại dột dong thuyền ra khơi. Họ cho rằng, những người bỏ trốn họ, là loại trây lười, sợ lao động, sợ khổ.
Trong những ngày cuối cùng của cuộc chiến tranh sắp tàn. Bạn của Tâm hối hả đến tận nhà lo lắng nói :
“Anh sửa soạn hai bộ áo quần. Đem theo một ít thức ăn khô, một chai nước. Tôi đã ghi danh cho anh được xuống xà lan ở Tân Cảng, và sẽ được kéo ra khơi hôm nay hoặc ngày mai.”
Tâm trầm ngâm:
“Không đi đâu cả. Tôi sinh ra trên quê hương nầy, và sẽ sống và chết với quê hương.”
“Anh chấp nhận sống với cọng sản.?”
“Anh chưa hiểu ý tôi. Nếu phải chọn tự do và cọng sản, thì tôi sẽ chiến đấu để bảo vệ một chính thể tự do. Nhưng nếu phải chọn quê hương và một nơi vô định khác, thì tôi chọn quê hương. Đất nước mình đã chịu chiến tranh tàn phá ba mươi năm nay. Tan tác, đổ vở quá nhiều. Bây giờ là lúc toàn dân cần góp tay xậy dựng lại quê hương thân yêu của chúng ta. Tôi đã chuẩn bị tinh thần rồi. Chấp nhận đi tù vài, ba năm, nếu phải đi đập đá Trường Sơn, thì đá đó cũng để xây dựng đường sá và nhà cửa cho quê hương nầy. Đi ra ngoài, dù có làm được gì, thì cũng là làm cho người ta. Tôi chấp nhận mọi gian khổ để đổi lấy cuộc sống còn có quê hương.”
Người bạn nhìn Tâm với ánh mắt u buồn:
“Tôi ước mong sao ý nghĩ của anh là đúng, và sau nầy không ân hận”
Tâm quả quyết:
“ Tôi sẽ không bao giờ ân hận với chọn lựa nầy. Tôi chọn quê hương.”
Nửa tháng sau ngày miền Bắc thắng trận, một ông chú của Tâm, là cán bộ có vai vế, từ Hà Nội vào tiếp thu Sài gòn. Ông ghé lại nhà thăm. Ông nầy đã hăng hái tham gia cuộc kháng chiến từ thời khởi đầu năm 1945. Trong tình thân gia đình, ông bực bội hỏi:
“ Sao không bỏ chạy, mà giờ nầy còn ở đây? Thế thì khổ đời anh rồi.”
Tâm ngỡ ngàng, nhưng cũng quả quyết nói:
“ Cháu ở lại, để góp một tay xây dựng lại quê hương đổ vở. Chỉ mong làm một hạt cát nhỏ trong công cuộc tái thiết đất nước nầy”
Ông chú cười buồn mà nói:
“Ai cho anh xây dựng mà hòng? Anh tưởng dễ lắm sao?”
“Cháu không hiểu hết ý của chú.”
“Rồi anh sẽ hiểu. Anh phải “kinh qua” mới thấm và hiểu. Chưa thực sự sống trong chế độ, thì dù cho có đọc ngàn cuốn sách, anh cũng còn mơ hồ và đầy ảo vọng.”
Tâm mạnh dạn nói mà không sợ ông chú buồn lòng:
“Nếu cháu không lầm, thì chú cũng đang là một rường cột của chế độ nầy. Với cái vai vế của chú, thì chú cũng có thể tạo điều kiện cho những người yêu mến quê hương nầy có cơ hội phục vụ đất nước. Quê hương nầy là của chung, gia sản của tổ tiên nhiều đời gây dựng lại, không của riêng ai, không của riêng đảng phái nào.”
Ông chú cười, ánh mắt có vẻ thương xót người cháu, ông nói:
“Không. Anh nói vậy là chưa hiểu chi về xã hội chủ nghĩa cả. Chú cũng chỉ là một bánh xe trong guồng máy đang vận hành. Bánh xe nào không hoàn toàn ăn khớp, thì bị loại ra ngay. Bị vứt bỏ không thương tiếc. Bị chà đạp, bị hành hạ, sống không được, chết không xong. Anh không có quyền yêu mến quê hương theo tâm ý của anh. Phải yêu theo lối của người khác vạch ra, hoàn toàn đi trong đường lối đó, nếu anh muốn sống còn. Tôi xin anh, đừng có nói cái giọng điệu quê hương là gia sản chung cho ai khác nghe, mà không có lợi cho bản thân anh.”
Tâm thở dài. Một lúc sau ông chú nói tiếp:
“Điều cần thiết nhất chú dặn anh, là đừng có dại mà thành thật khai báo lý lịch và tội lỗi của mình. Anh đã ở miền Nam, thì dù anh có làm gì, hay không làm gì, cũng có tội với cách mạng cả. Phải tự nhận là có tội, và chỉ nhận những tội khơi khơi thôi. Chuẩn bị một bản lý lịch cá nhân. Cái gì không lợi thì đừng khai. Cái gì giấu được thì giấu. Viết càng ngắn, gọn, rõ ràng càng tốt. Khai cho y hệt nhau, đừng sai chạy. Đó, chú chỉ giúp anh được chừng ấy thôi, anh nhớ cứ làm theo , thì bớt được vận hạn khó khăn.”
hoctapcaitao
Tâm chấp nhận đi tù \”cải tạo\” với sự bình tĩnh, không chút lo lắng buồn phiền. Anh đã chuẩn bị trước, và đây là chuyện phải đến. Tâm cũng không có ảo vọng đi “học tập” một tháng hay hai tuần như thông cáo do chính quyền phổ biến. Nhưng Tâm vẫn mong rằng, anh nghĩ sai. Anh đã chuẩn bị cho một cuộc đời tù đày lâu dài. Mang theo những vật dụng thật bền, chắc chắn. Những tuần đầu trong trại cải tạo, Tâm thấy bạn bè xài phí những vật dụng mang theo, anh nói với các bạn trong một buổi họp tổ:
“Các anh nên tiêu xài tiết kiệm lại một chút. Đâu đã chắc một tháng là được về ngay !”
Các bạn anh nhao nhao phản đối :
“Cánh mạng trước sau như một. Anh không tin tưởng chính sách của cách mạng sao? Anh còn tư tưởng lạc hậu lắm. Cách mạng nói một tháng, là một tháng, không sai chậy đâu.”
Thấy tất cả bạn bè đều phản đối dữ dội, và nếu cán bộ quản giáo biết được, hay có người báo cáo thì bất lợi cho bản thân, Tâm vội vàng cười giả lả:
“Thôi mà, tôi nói chơi cho vui, mà làm anh em sợ. Nói đùa , anh em bỏ qua đi.”
“Đùa làm đứng tim người ta. Cách mạng không bao giờ nói sai cả.”
Tâm biết anh em sợ, không dám nghe nói sự thực. Muốn nuôi ảo tưởng là một tháng sẽ được tha về, nên phản đối lời khuyên của Tâm.
Sau ba tuần mà chưa thấy “bài vở và học tập” chi cả. Đám tù lao nhao tiên đoán rằng, cách mạng sẽ khoan hồng cho về, mà không cần học tập lôi thôi. Đoán rằng, họ sẽ phát tài liệu cho anh em đọc, vì ai cũng đã có trình độ học vấn khá, không cần phải giảng dạy. Tâm chỉ cười, và mong sao cái mơ ước hão huyền của anh em đúng sự thực, chứ trong lòng Tâm, không hề có ảo tưởng nào. Nhiều đêm, khi chín giờ, đèn điện tắt, có tiếng tắc kè kêu vang dội rất rõ trên đồi cao: “ Tắc kè. Tắc kè.” Anh em diễn dịch ra là có điềm tốt thông báo, nên tắc kè kêu là “ Sắp về. Sắp về.” Có nhiều anh loan tin rằng, mấy đêm nay xem thiên văn, thấy nhiều sao chiếu đồng quy về hướng Sài gòn, bởi vậy, anh em cũng sắp được tha về nay mai.
Nhiều tháng sau vẫn chưa được tha về, mà thời gian tù không xác định. Tiếng tắc kè được diễn dịch lại là “Đếch về. Đếch về.”
Một người bạn nói với Tâm:
“ Cán bộ luôn luôn nhắc nhở là “yên tâm cải tạo”, làm sao mà yên tâm, khi gia đình còn lắm việc bộn bề, vợ con không biết sinh sống ra làm sao, ngày ra trại chưa được xác định. Thì làm sao mà yên tâm cải tạo được?”
Tâm cười và trả lời:
“Yên tâm cải tạo. Đúng. Mấy ông cán bộ nói đúng. Yên tâm đi, ngày về còn xa lắm lắm. Đừng nôn nóng, vô ích. Không yên tâm, thì cũng không được gì. Bận lòng thêm khổ. Chúng ta bị mắc bẩy rồi, cứ đừng hy vọng, đừng mong ước gì cả. Yên lòng. Nếu có một ngày nào đó, được kêu tên cho ra về, thì sung sướng lắm. Nếu chưa đưọc về, cũng đừng mong. Có mong là có bồn chồn, có khổ tâm. Hãy yên tâm đi, yên tâm cải tạo”
Mấy người bạn Tâm bây giờ đã bớt ảo tưởng, nhưng vẫn chưa tắt niềm hy vọng. Họ thường tỏ vẻ bực bội khi nghe các bạn khác đọc các câu thơ: “Bao giờ cọc sắt nở hoa. Bà Đen hết đá thì ta mới về” hoặc “Khi đi vợ mới mang bầu. Ngày về con đã bạc đầu như cha!”
Nhờ lời khuyên của ông chú đã từng kinh qua dày dạn trong chế độ, là đừng dại dột thành thật khai báo, nên Tâm được tha tù, về nhà sớm hơn bạn bè cùng trang lứa, cũng mất hơn ba năm, gần với thời gian anh đã tiên đoán và chấp nhận.
Trong thời gian nầy, tình hình lương thực vô cùng khó khăn. Cả nước đều đói vàng mắt, nhà nhà ăn độn khoai sắn, bo bo, mì sợi. Bụng dạ mọi người khi nào cũng lưng lửng, nhột nhạt, có kiến bò. Miệng thì luôn thòm thèm. Đời sống thường ngày vô cùng khó khăn. Ít còn ai đủ dại để tin tưởng vào tương lai tươi sáng hạnh phúc. Không biết ai bày, mà bọn trẻ con hàng xóm thường ngêu ngao hát bài ca sửa lời: “…tổ quốc ơi, ăn khoai mì ngán quá, kể từ giải phóng vô đây, ta ăn độn dài dài, kê từ giải phóng vô đây, ta ăn độn toàn khoai…”
Một lần nghe cuộc bàn cãi giữa hai ông cậu, ông cậu nhỏ là người đi tập kết ở miền Bắc về, nói với ông cậu lớn tuổi rằng:
“ Anh chưa ‘giác ngộ cánh mạng’ thì anh đừng nói, đừng bàn luận về xã hội chủ nghĩa. Phê bình mà chưa biết rõ bản chất, thì đừng nên nói, không có lợi cho anh và gia đình.”
Ông cậu lớn tức tối nói:
“ Làm sao mà tôi giác ngộ cách mạng của các người được? Còn bản chất của xã hội chủ nghĩa, không nói ra, ai cũng biết là cái gì rồi.”
“Anh có biết giác ngộ cách mạng là gì không? Giác ngộ nghĩa là biết rõ, biết đến nơi đến chốn, không phải biết lơ mơ như các anh. Biết cái gì? Biết cách mạng vô cùng nghiêm khắc, tàn bạo, không khoan nhượng. Nghĩa là biết sợ cách mạng trù dập, sợ bị thanh toán, thủ tiêu, sợ bị giam đói, bị bao vây kinh tế, bao vây tình cảm. Tóm lại, giác ngộ cách mạng là biết sợ cách mạng, sợ vô cùng, không dám hó hé chi cả. Cách mạng nói sao, mình nghe vậy, nói theo y như vậy, đừng sai chạy mảy may, đừng để cái lý trí phán đoán sai đúng xen vào. Người giác ngộ cách mạng sẽ dễ sống, dễ thở, và an toàn hơn trong cái xã hội chủ nghĩa.”
Ông cậu lớn nói với giọng chán nản:
“ Thế thì giác ngộ cách mạng là phải biết hèn nhát, nói như vẹt, mềm như bún. Không kể gì đến sĩ khí, nhân cách nữa sao?”
Ông cậu ‘cách mạng’ trả lời:
“Hừ, sĩ khí và nhân cách để làm gì nếu cái bao tử trống không, đói khát hành hạ, vợ con nheo nhóc, xóm giềng xa lánh, hất hủi mình vì sợ liên lụy?”
Ngừng một lát, ông nầy nói tiếp:
“Thời nầy, tốt nhất là bịt tai, nhắm mắt mà sống. Đừng bao giờ nói ý nghĩ trung thực của mình cho ai nghe. Có lẽ, tốt hơn hết là đừng có ý kiến chi khác với mọi người. Ai sao mình vậy. Đúng hay sai, thật hay giả, không cần biết đến làm chi. Đó là thái độ khôn ngoan nhất.”
Ông cậu lớn tuổi lắc đầu:
“ Không được. Phải can đảm nhìn thẳng vào sự thật, và đừng tự dối lòng để giả tin vào lời lừa mị láo khoét. Nếu ai cũng dám nhìn thẳng vào sự thực, nói lên sự thực, thì bọn dối trá sẽ không còn đất sống, và không còn cơ hội ức hiếp, áp bức kẻ hiền lương. Người miền Bắc và miền Trung khôn ngoan quá, cẩn trọng quá, nên gắng nhịn nhục để sống còn, bởi vậy nên bị ức chế, bị chà đạp, bị dày xéo, không còn thể thống chi cả. Chú ra ngoài chợ Sài gòn mà xem, hay chú lên xe đò mà nghe các bà chửi cho nát mặt, nát mày, có dám bỏ tù hết cả nhân dân miền Nam nầy không? Ban đầu, các anh ‘cách mạng’ cũng hung hăng, doạ dẫm, định áp đặt chính sách cai trị hà khắc như cai trị dân miền Bắc lên vùng đất nầy. Nhưng không ai sợ cả, không ai hùa theo lời nói láo khoét. Mấy anh bị hố. Dân miền Nam không hèn nhát đâu.”
Ông cậu ‘cách mạng’ hạ thấp giọng:
“Nhân dân miền Nam nầy ăn nói phản động, không có lợi lộc gì cả, mà lại hại đến bản thân, gia đình. Nói lời phản động, để được cái gì chứ? Anh tưởng chúng tôi đều ngu muội, mù quáng cả, không nhìn thấy và phân biết được sự thực và dối trá sao? Sống theo nếp sống mới thì phải biết ‘nói điều mình không tin, và tin điều mình không dám nói’ Đó là thái độ khôn ngoan, thức thời.”
Mỗi ngày từ sáng tinh mơ, loa đã oang oang kêu gọi \”dân chúng sống theo nếp sống văn minh\”. Tâm không biết \”nếp sống văn minh của xã hội chủ nghĩa\” ra làm sao, đem hỏi ông một ông chú ‘cách mạng’ khác. Ông hạ giọng thầm thì:
“Cái gì người ta thiếu, thì nói nhiều đến cái đó. Văn minh bây giờ là xe chạy bằng than củi, ăn cơm độn khoai sắn, xới vườn hoa trồng rau khoai rau dền, nuôi heo trên tầng lầu chúng cư, áo quần xám xịt một màu, ăn nói một lời giống nhau y hệt. Văn minh mà nhà nước ta đang nhắm đến là làm sao cho miền Nam tiến kịp miền Bắc trong tiêu chuẩn … nghèo đói.”
Tâm cười: “Các ông bà con đi tập kết về khuyên đừng ăn nói phản động. Thế mà lời của chú, nghe ra còn phản động hơn ai hết. Thế thì hai mươi mấy năm đi theo cách mạng, chú đã làm được công trạng gì trong sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa?”
Nét mặt ông chú có vẻ tức tối: “Công trạng cái con khỉ. Vì chú không biết a dua, không hèn nhát nói theo lời lếu láo dối trá của bọn chúng, nên chú bị bao vây, bị cô lập, bị bỏ đói trong hai mươi năm tập kết ra Nghệ An. Chú kiếm sống bằng nghề ‘hớt tóc chui’. Cả nước đã đói cho vàng mắt ra, gia đình chú còn đói hơn ai cả. Con cái không được nhận vào trường, thất học cả đám. Chẳng bị tù rục xương là may mắn lắm rồi cháu à.”
“Thế thì xin chú cho cháu một lời khuyên, để sống còn trong xã hội mới nầy.”
Ông chú lắc đầu: “Không còn cách nào để cho các thành phần như cháu sống còn cả. Ngoại trừ… ngoại trừ bỏ nước ra đi. Chỉ có con đường đó thôi.”
Một năm sau, Tâm đến được bến bờ tự do sau bao lần suýt bỏ mạng trên biển cả. /.