Chuly sưu tầm
“Kẻ Sống Sót” từ “Đường Đi Không Đến”
Nguyễn Mạnh Trinh
Xuân Vũ (1930-2004) là một nhà văn mà các tác phẩm cả về lượng lẫn phẩm đều nổi trội. Ông viết nhiều thể loại, từ những hồi ký đến truyện dài, từ những truyện phong tục đồng quê của Nam Bộ thời xa xưa đến những truyện theo sát thời sự từ thuở kháng chiến chống Pháp đến lúc vượt Trường Sơn vào Nam. Ông là nhà văn đoạt giải văn học năm 1973 với truyện ký “Đường Đi Không Đến” mô tả những bước gập ghềnh của người cán binh Việt Cộng trên con đường thiên lý trải dài những máu xương chồng chất.
Cuộc đời của Nhà văn Xuân Vũ kể ra cũng khá đặc biệt. Ông tên thật là Bùi Quang Triết và sinh vào năm 1930, năm mà phong trào những người yêu nước của Việt Nam Quốc Dân Đảng nổi lên võ trang chống lại chính quyền thực dân Pháp. Nguyễn Thái Học và 13 liệt sĩ tử tiết đã làm gương sáng để thanh niên Việt Nam noi theo. Đến năm 1945 khi tiếng súng chống Pháp ở Nam Bộ bắt đầu nổ thì Xuân Vũ mới 15 tuổi đã tham gia phong trào kháng chiến và có lúc làm phóng viên của tờ báo “Tiếng Súng Kháng Địch” của sở Văn hóa Thông Tin Nam Bộ. Năm 1955, Xuân Vũ tập kết ra Bắc rồi lại trở về Nam năm 1963 để tham gia cuộc xâm lược miền Nam theo sách lược của Cộng sản quốc tế. Nhìn thấy chân tướng của cuộc chiến, ông ra chiêu hồi năm 1971 và viết truyện ký “Đường Đi Không Đến” cũng như hoạt động mạnh mẽ trong chức vụ phó giám đốc Nha Chiêu hồi của chế độ Việt Nam Cộng Hòa.
Xuân Vũ sinh trưởng tại quận Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre, nơi mà Việt Cộng gọi là “quê hương đồng khởi” và là nơi nà đội quân tóc dài của Nguyễn Thị Định tạo ra những chiến công “tưởng tượng“ và chính Xuân Vũ đã được chỉ định về nơi này để viết về một phụ nữ ít học tầm thường trở thành một nhân vật đầy tính tuyên truyền như một huyền thoại không có trong thực tế. Một điều chắc chắn Xuân Vũ rất yêu quê hương của mình. Có lần ông đã làm một bài thơ, để nhớ về quê hương cũ đã xa ngàn trùng và chẳng thể nào trở về ghé thăm được :
“Có nghĩa gì hai tiếng : Mỏ Cày
như đời thở nhẹ, lá me bay
đâu biết tuổi thơ.. lai bất vãng
mà dạ bâng khuâng nhớ tiếc hoài.
Hỡi ơi tóc liễu muôn năm cũ
Sao còn quấn chặt mảnh hồn tôi
trường xưa gạch ngói rêu phong vũ
Giữa bụi trần gian vẫn chói ngời
Mỏ Cày yêu dấu của riêng tôi
Tuy gần mà lại hóa xa xôi
Xa xôi vẫn hẹn ngày tao ngộ
Anh, Mỏ cày, Em, …ở một nơi
Có ai trở lại thời xa vắng
Xin hốt giùm tôi nhúm cát nâu
Bên gốc điệp già mình trốn nắng
Má em anh đặt chiếc hôn đầu”
Thơ bình thường nhưng được cái chân thật, chứa chất một tấm lòng đối với quê hương. Bao giờ, cái tâm của người Nam Bộ cũng rõ rệt trong từng câu chuyện kể, trong từng câu thơ viết. Từ hồi ký đến tiểu thuyết, từ truyện dài đến truyện ngắn, cái phong cách bộc trực cũng như những ý nghĩ có khi chua chát có lúc châm biếm đã làm cho ông thành người viết truyện có duyên và lôi cuốn độc giả. Những nhân vật của ông, có nét đặc thù của người Nam Bộ và trong hoàn cảnh của một cuộc chiến tranh tương tàn đã sống thực trong tác phẩm và chuyên chở được những nỗi niềm của người cầm bút luôn ưu tư vì vận mệnh của đất nước. Ông đã xuất bản chừng hơn 50 cuốn sách mà trong đó phân loại ngọn ngành ra ở nhiều thể loại. Như bộ Đường Đi Không Đến gồm 3 quyển “Xương Trắng Trường Sơn”, ”Mạng Người Lá Rụng”, ”Đến Mà Không Đến”. Như bộ “2000 ngày đêm trấn thủ Củ Chi” gồm 5 cuốn. Như bộ “Văn nghệ sĩ miền Bắc như tôi biết “ gồm 3cuốn. Rồi “Kẻ Sống sót”, truyện dài. “Nửa thế kỷ Phạm Duy “, khảo luận. Những bộ truyện dài, truyện ngắn về đồng quê miền Nam lại có phong vị riêng, vẽ lại một thời kỳ đã qua như “Những Độ Gà Nòi”, “Vàng Mơ Bông Lúa”, “Thầy Tư Cóc”, “Gánh Bầu Rập”, “Tấm Lụa Đào”, “Dây bầu Năm Ngọn”…
Tác phẩm mà Xuân Vũ viết đầu tiên khi về hồi chánh là một hồi ký ”Đường Đi Không Đến“. Là người đã tập kết sau khi tham gia kháng chiến ở miền Nam, ông đã hiểu rõ hết những nét phi nhân của chế độ xã hội chủ nghĩa, đã thấy được những dối trá của một chủ nghĩa đấu tranh giai cấp, hô hào bỏ đi một xã hôi bóc lột nhưng lại thiết lập một chế độ khác bóc lột và đàn áp gấp bội. Đường Đi Không Đến và những cuốn tiếp theo như Mạng Người Lá Rụng, Xương Trắng Trường Sơn, Đến Mà Không Đến,.. đều có không gian của con đường Trường Sơn, con đường được xây đắp bằng thân xác hàng triệu sinh linh và cuồng vọng xâm lăng của những người lãnh đạo chế độ miền bắc. Ở đó, có những mẫu nhân vật bị đẩy vào một cuộc viễn hành không mong muốn, với cái khải hoàn môn lơ lửng đằng trước nhưng không bao giờ đến được. Ở đó, họ sống và vì khả năng sinh tồn nên nhiều khi những chuyện đạo đức, những lẽ phải trái thường tình được coi là chuyện xa vời không thực tế. Ở đó, họ chỉ cần miếng ăn và nghỉ ngơi trên con đường trường chinh gian khổ. Để đạt mục đích ấy, họ hành xử theo bản năng và thấp thoáng đâu đó, cái hình dạng thú vật tỏ hiện. Những chiêu bài nói để mà nói là những lớp sơn che phủ thực tại đầy bóng tối mà chế độ đã xử dụng để thúc đẩy cả một thế hệ xông tới như hình ảnh bó cỏ non che trước bờm ngựa bị che mắt hai bên để chỉ nhìn về trước mặt và gắng lao về trước theo một lối đi dành sẵn.
Trong Thay Lời Tựa của cuốn hồi ký này, Xuân Vũ đã kể lại chuyện thuở bé mình đi học, thấy con ngựa gầy kéo xe dù mang nặng trên vai hành khách trên xe nhưng vẫn rướn tới để đớp lấy bó cỏ non phất phơ trước mặt và không bao giờ ngoạm đến. Một hình ảnh liên tưởng đến những người vượt Trường Sơn. Đoạn kết của hồi ký này cũng mang hình ảnh con ngựa gầy bị gục chết khi cố gằng kéo chiếc xe năng và lên dốc. Nó nằm chết, miệng sùi bọt và bó cỏ non vẫn còn chỏng chơ bên cạnh. Hình ảnh ấy đã ám ảnh Xuân Vũ trên Đường Đi Không Đến :
“… Lạ thật những chuyện mới xảy ra hôm qua thì tôi cứ thấy nó mờ mịt xa xưa như hàng chục năm qua của những việc cách đây mấy mươi năm thì tôi lại cứ tưởng như mới xảy ra ngày hôm qua.
Tôi cũng không muốn phân biệt cái đã qua và cái hiện tại. Mà tôi cũng không dám nghĩ tới ngày mai. Ngày mai của tôi ư? Trên đường Trường Sơn này hay ở đâu mà con đường này dẫn đến, dù trái đất có xoay dù trời mưa hay trời nắng thì cái ngày mai đó cũng chỉ là sự lập lại của ngày nay và ngày hôm qua.
Tôi nghếch đầu lên mép võng, giương mắt cố nhìn ra ngoài. Trời mưa đen đặc thấy gì đâu!
Ôi chao, con đường với những chặng đường… Ở phía sau lưng tôi, cái mộ bia của anh binh sĩ bên cạnh hai bàn chân thòi ra mô đất và cái bộ xương trong hốc đá, lẫn lộn với chiếc xe chỏng gọng với hai bánh quay tít và bốn vó con ngựa chòi đạp trong không khí. Còn phía trước mặt tôi thì chỉ là… Và…”
Viết hồi ký kể lại những kinh nghiệm sống của mình, Xuân Vũ còn mang cái tâm sự ê chề của những người tập kết, bị chế độ nghi ngờ dùng đủ mọi cách để xử dụng như múi chanh bị vắt sạch nước và vứt bỏ đi một cách không thương tiếc …
Năm 1989 qua sự giới thiệu của anh Đỗ Đình Tuân nhà xuất bản Văn Khoa, anh Xuân Vũ muốn tôi viết vài dòng về tiểu thuyết “Kẻ Sống Sót“ của anh sắp xuất bản. Qua vài lần điện thoại, với giọng nói rặc Nam Bộ, tôi thấy được cái tâm của anh khi nói về chuyện anh đã gặp và sống với những nhà văn miền Bắc khi đi tập kết và anh hiểu rõ nỗi khổ tâm của họ. Cái lối nói chuyện lúc bông đùa nửa thật nửa giỡn nhưng sâu sắc và lôi cuốn khiến tôi viết vài hàng tâm cảm của mình trong bài giới thiệu:
“…Viết bằng ký ức. Đốt lửa nội tâm bằng chính chất liệu sống chắc phải khác lạ hơn cách viết bằng chất liệu vụn vặt thu lượm được, chắc chắn như thế trong trường hợp của cây bút Xuân Vũ. Tháng ngày trôi qua, để ký ức men ủ, để ngọn lửa của trái tim bỏng cháy trui luyện, để giấc mơ làm người chân thật cứ hoài hoài mộng mị hàng đêm. Những cây cỏ, đá sỏi Trường Sơn chắc cũng có hồn phách và tiếng nói ấy sẽ sống sót rất lâu trong lịch sử loài người. Khung cảnh hoang vu của rừng núi Tây nguyên trầm mặc có chiều sâu của một trận chiến khốc liệt. Trận đấu mất còn sống mái giữa người với người, với trời đất, với tật bệnh. Câu chuyện đầy những cái chết tức tười, của thân xác bị vùi dập dưới nấm mộ sơ sài, của kiếp người bị đẩy xô vào những cảnh ngộ bi thương không lối thoát. Hiện thực tự nó đã có những nét khốc liệt mà trí tường tượng không với đến, lại càng có sức sống và sự lôi kéo thuyết phục hơn. Ở trường hợp kẻ sống sót, điểm đặc sắc và là nét son rực rỡ nổi bật là sự thực được nhà văn nhớ lại và diễn tả bằng trí nhớ dài lâu. Hư cấu, đóng vai trò phụ, đôi khi là bước đi quẩn quanh trong tưởng tượng của loài người. Thực tế đã làm văn chương có sức sống và những dòng chữ đã vượt qua biên giới của mình để thành thông điệp gửi theo nhiều ý tưởng. Của kinh nghiệm riêng đời viết thành chât liệu của nhiều người…”
Tiểu thuyết “Kẻ Sống Sót” là câu chuyện của một người phi công Mỹ bị bắt và giam cầm trong một cái cũi và bị hành hạ đầy ải như một con vật. Truyện có nét hiện thực của một cuộc chiến khốc liệt và tàn bạo. Phần nổi bật và cũng là dụng ý của tác giả là làm rõ nét hơn những chân dung chiến tranh, rất người nhưng cũng nhiếu lúc rất “thú vật”. Khi ngôn ngữ tuyên truyền để lừa đảo làm thành những chiêu bài tốt đẹp, khi con người đã xử dụng những “kỹ thuật “ rất tinh vi để hành hạ nhau đã tạo những nét bi để có những nét hài, những lời nói chua chát, những nụ cười châm biếm, của những con người vượt Trường Sơn, sống gần với bản năng để sinh tồn.
Đọc văn Xuân Vũ, tôi có cảm giác như nghe kể chuyện từ một ông già Ba Tri của đất Nam Bộ với cái nghĩa gần nhất là “đâm những thằng gian bút chẳng tà”. Ông viết với tâm cảm dồn nén đau thương, từ dằn vặt quá khứ, của những suy nghĩ và hồi ức, thương người thương chính mình. Câu hỏi mà bất cứ người Việt Nam nào cũng có. Tại sao dân tộc chúng ta lại cứ bị trầm luân đắm chìm vào đau thương như vậy? Những cái chết thản nhiên hàng ngày, những thân xác phơi hoang đồng nội, những cái sống lây lất của những con người bị lừa gạt hoặc dồn đẩy vào con đường thiên lý mịt mù phục vụ cho mưu đồ cuồng ngạo của những lãnh tụ đỏ. Với suy nghĩ và tâm thức của “ông già Ba Tri”, ý tưởng như nồng nàn hơn và ngôn ngữ như bàng bạc cay đắng hơn. Của cả một thế hệ bị dẫn dắt lầm lạc vào con đường vào Nam cứu nước theo ý đồ của Công sản quốc tế.
Cuộc đời Xuân Vũ cũng trôi nổi theo cuộc chiến. Lúc thiếu thời, tham gia kháng chiến chống Pháp. Lớn hơn một chút, đi tập kết ra Bắc và cám cảnh cái thân phận của “con nuôi” chế độ. Trong thời gian ấy, ông gặp các nhà văn “con đẻ” của chế độ, có người theo thời có người phản kháng. Thời gian ấy đã giúp ông có đủ chất liệu để viết ”Văn Nghệ Sĩ Miền Bắc Như Tôi Biết” Một bộ sách ba cuốn phác họa rất nhiều chân dung độc đáo của một người viết với những ký ức không phai. Nguyễn Tuân, Văn Cao, Hoàng Cầm, Xuân Diệu, Hoàng Lập Ngôn, Kim Lân, Nguyễn Bính, Ngân Giang, Nguyễn Xuân Khoát, của cuốn thứ nhất. Phan Khôi, Phùng Quán, Trần Dần, Chế Lan Viên, Quang Dũng, Hữu Loan, Nguyễn Huy Tưởng, Tô Hoài, Vũ Anh Khanh, Lê Đạt,.. của cuốn thứ hai. Và Xuân Quỳnh, Lưu Quang Vũ, Tố Hữu, Vũ Ngọc Phan, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Xuân Khoát, Nguyên Hồng, Lưu Hữu Phước, Phùng Cung,.. của cuốn thứ ba.
Bộ hồi ký của Xuân Vũ ghi lại một thực trạng của nền văn học được mệnh danh là “hiện thực xã hội chủ nghĩa” với những dẫn chứng sống động, những giai thoại có một không hai mà những ai không sống trong chế độ đỏ tưởng tượng nổi. Nó phác họa lại những bi kịch của những người trí thức bị coi là con ghẻ trong một chế độ mà văn nghệ sĩ trước tiên là nhiệm vụ phục vụ cho chế độ, cho mục đích tuyên truyền tối hậu của chính trị. Từ hoàn cảnh mỗi người, những bi kịch có khác nhưng đều giống nhau ở một điểm là tất cả đều là nạn nhân của chế độ, từ những văn nô theo thời viết theo chỉ thị của tuyên huấn đến những người chân trong chân ngoài của vòng kiềm tỏa. Tất cả bị xiết chặt trong guồng máy chuyên chính và giống như Nguyễn Văn Linh tổng bí thư đảng có lần đã nói văn nghệ sĩ bị trói từ nhiều năm nay cởi trói. Nhưng, cởi rồi lại trói, cũng chính từ Nguyễn Văn Linh bởi vì nhu cầu chính trị cần tạo một ấn tượng cho phong trào đổi mới.
Có những tiếng nói, có lúc như của nhóm Nhân Văn Giai Phẩm, có lúc trong những câu chuyện, những giai thoại, để nói lên cái tâm tư khao khát của người nghệ sĩ là tự do tư tưởng trong sáng tác. Nhưng, làm sao được khi cái vòng kim cô của chủ nghĩa Cộng sản siết chặt. Để Nguyễn Tuân phải than : ”Văn học của ta vừa nhạt lại vừa nhẽo..” Và biết bao nhiêu nhà phê bình nhận địng rằng suốt bao nhiêu năm, văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa chỉ là những cái “phi văn học, không có tính văn học“ của Trần Văn Giàu…
Xuân Vũ qua những chân dung kể trên đã phác họa lại chân thực một nền văn học mà trong đó người cầm bút lúc nào cũng viết với cái án văn tự luôn đe dọa. Mà án văn tự như vụ Nhân văn Giai Phẩm không văn tự, không án lệnh, nhưng chỉ là những thủ đoạn ngấm ngầm mà độc hại gấp trăm lần những tù có án. Người chịu đựng không phải riêng một mình mà cả những người trong gia quyến, trong thân tộc thậm chí cả những người liên quan nữa. Một vụ án kéo dài suốt mấy chục năm, cho đến bây giờ vẫn còn ảnh hưởng. Như năm nay, tập thơ Trần Dần bị cấm, mặc dù ông đã được trao giải văn học khi đã qua đời. Hay những lệnh ngầm khiến những nhà văn bị ghi tên trong sổ đen bị gạt ra ngoài luồng và khó có cơ hội góp mặt vào một nền văn học chính thống.
Xuân Vũ đã viết:
”.. Viết văn đối với tôi, là một việc khó khăn, cao quý, gian khổ và đau khổ. Lắm khi còn đầy đe dọa. Nhưng nếu chết đi mà còn được tái sinh theo thuyết luân hồi của nhà Phật thì tôi xin được tiếp tục cầm bút để viết nốt những gì còn bỏ dở ở kiếp này. Ôi, cây bút gầy gò nhỏ bé! Nhưng nếu không có nó thì loài người chỉ là một lũ người câm..”
Một bộ hồi ký gồm 5 cuốn mà Xuân Vũ viết qua ký ức của Dương Đình Lôi ”2000 Ngày Đêm trấn Thủ Củ Chi” cũng là một chứng tích của một cuộc chiến mà những chiến công tưởng tượng và những anh hùng là người có tên có tuổi thực nhưng được thổi phồng với những việc làm mà óc tưởng tượng cũng phải khó khăn lắm để sáng tạo ra. Xuân Vũ viết để những huyền thoại như “Củ Chi Đất Thép Thành Đồng” hay “địa đạo Củ Chi dài cả gần 200 dặm sâu dưới lòng đất”. Ở đó, có những nhân vật “ông“ tướng Ba Đình, “ông” thiếu tá sọc dưa Năm Thuận, hay ông chính ủy quân khu Võ Văn Kiệt tức đồng chí Sáu Dân với hành động dâm ô sàm sỡ đã cưỡng hiếp cô liên lạc viên xinh đẹp nội thành tên Lệ.
Trong một cuộc sống mà mọi người phải đóng kịch với nhau, phải nói những điều mà mình không tin hoặc không muốn và làm những việc mà mình thấy không phải, con người trong xã hội ấy đã trở thành những biểu tượng đầy chất hỉ nộ ái ố để thành một vở tuồng vừa bi vừa hài, của những cảnh chó nhảy bàn độc, của những tư tưởng ngu dốt lại dẫn đạo và chỉ lối những người có hiểu biết hơn. Xuân Vũ, qua lời Dương Đình Lôi, đã xé toang tấm màn bí mật, để sự thực trần truồng hiện ra dưới ánh mặt trời. Cái mặt trái gớm ghiếc của cuộc chiến và những sâu bọ đắc thời tha hồ tung hoành trong thời buổi hỗn quân hỗn quan. Ông viết với sự hiểu biết rành rọt về một vùng mình đã ở, đã sống nên chất chân thực đã tao cảm giác cho sự lôi cuốn độc giả. Những chi tiết đã mở ra cả một thời thế mà cuộc chiến tạo ra những mảnh đời đặc biệt, những cuộc sống đặc biệt.
Trong lá thư gửi cho người tình đã xa, Dương Đình Lôi thổ lộ tâm can:
“…Chúng ta hãy cùng nhau cúi hôn mảnh đất Củ Chi đau khổ của chúng ta hiện nay đang nhục nhã vì bị bon CS đem ra làm trò bịp thế gian.
Cộng Sản nghĩa là đại bịp. Chúng bịp nhân dân, bịp thế giới và bịp chính mình. Anh tự muốn ngưng bút ở đây nhưng thấy còn nhiều sự thực bị bưng bít nên viết tiếp. Hai ngàn trang sách mà anh viết ra đây sẽ vạch trần bộ mặt láo toét kinh hoàng của bọn CS Hà Nội mà cả anh lẫn em đều là nạn nhân. Anh muốn nhắc chúng nó rằng thời kỳ Mỹ đóng chốt ở Đồng Dù, Củ Chi chỉ là một bãi tha ma không một bóng người thấp thoáng, không một gốc cây còn đứng nguyên, không một tiếng có sủa gà gáy. Tất cả các cấp ủy đều chết, bị bắt, hồi chánh hoặc ngưng hoạt động. Ông Út Một Sơn bí thư đầu tiên Củ Chi bị pháo Đồng Dù bắn lấp hầm chết ở bàu Lách Nhuận Đức năm 1966. Chắc em còn nhớ chớ ? Nếu địa đạo Củ Chi nối liền thôn xã (theo ông tác giả ngốc này mô tả thì nó chỉ kém đường xe điện ngầm ở Mạc Tư Khoa chút thôi) thì sao quận Củ Chi bị cắt ra làm hai Nam Chi Bắc Chi? Là vì cán bộ không đi qua lại giữa hai phần đất này. Người ở đâu nằm chết ở đó. Mỗi sáng lóng ngóng chờ “chụp dù“, “nhảy Đò”, “xe tăng càn” để lủi. Nhưng cũng không có đất mà lủi. Chỉ còn một cách độc nhất là làm hầm. Mỗi ông bà có một cái hầm bí mật (nên nhớ hầm bí mật chỉ là cái hang ếch chứ không phải địa đạo và không có hầm bí mật nào ăn thông ra địa đạo cả).
Sự sợ hãi chết chóc làm tê liệt mọi ý chí. Cán bộ chỉ mong bị bắt sống cho khỏe thân. Cho nên họ ngồi trên miệng hầm ngụy trang với một vài cành lá sơ sài như những người câu tôm câu cá ở bờ sông vậy. Do đó có danh từ “ngồi thum”. Nhưng ngồi thum trong căn cứ cũng không an toàn vì bị máy bay trực thăng cá rô hay quart hoặc bị ăn pháo bầy dọn bãi trước khi Mỹ đổ chụp. Nên các bà Năm Dang, Hai Xót, khu ủy, quận ủy mới ra tá túc ở ấp chiến lược để “chạy lan” như chuột mất hang. Chạy lan có ngày cũng chết như trường hợp của cô Tư Bé quận đội phó bị lính Mỹ bắn chết ở Đồng Dù hay ông Tám Châu bí thư quận ủy bị pháo bắn mất đầu ở Bố Heo..”
Đọc “2000 ngày đêm trấn thủ Củ Chi”, độc giả như thấy hiện ra một cuộc sống mà sự khốc liệt của chiến tranh đã tàn phá cả người, cảnh và trong môi trường ấy, con người đã ở trong những ngõ đường cùng không lối thoát. Huyền thoại Củ Chi Thành Đồng đã tan tành khi đọc những trang sách mà nét chân thực cũng như tâm tình của người cán binh Cộng Sản được phô bày rõ nét. Sự hấp dẫn đã có từng trang, từng dòng. Chiến tranh đã phác họa trong cái dụng ý tố cáo sự lừa dối tuyên truyền của chế độ đỏ…
Xuân Vũ, dưới bút hiệu Lê Mỹ Hương đã viết những truyện ngắn, truyện dài kể lại đời sống, phong tục của người miền Nam thuở xa xưa khi mà Pháp còn cai trị dân ta. Ông vẽ ra những bức tranh ở nơi thôn dã, với nét sinh động của những người dân Nam Bộ. Những tiểu thuyết như Những Độ Gà Nòi, Thầy Tư Cóc, Trăng Kia Chưa Xế, Vàng Mơ Bông lúa,… vẽ ra một thời kỳ đã qua trong lịch sử và không bao giờ trở lại nữa. Ông đích danh là một nhà văn “miệt vườn” như những người cầm bút cùng chung đề tài mà tiêu biểu là Hồ Trường An, Xuân Tước, Ngô Nguyên Dũng, Nguyễn Tấn Hưng… Có lần nhà văn Xuân vũ đã tâm sự rằng những truyện đồng quê như vậy bắt nguồn từ những câu chuyện kể của mẹ ông, về những cuộc đất ở Bến Tre như Mỏ Cày, Giồng Trôm,.. Nhiều nhân vật của ông có thực ngoài đời và những câu chuyện mà ông viết đã xảy ra và được kể lại từ nhiều người. Có những nét dục tính của những người quê kiểng cũng như cũng có những phong tục đầy vẻ mê tín dị đoan. Cũng như phản ảnh lại một thời kỳ mà điền chủ sống như ông vua trong vùng và tá điền chỉ là những thần dân bị bóc lột, bị đé nén.
Tác giả Lê Tùng Minh đã có lần hỏi nhà văn Xuân Vũ:
”Quyển tiểu thuyết “Xóm Cái Bần” của ông có phải là viết về xóm Cái Bần mà ông đang kể đó không?”
Ông đã trả lời
”Đúng, cái xóm đó! Ông có biết không, quê ngoại đối với tôi là một bài thơ dài, một thiên hồi ký vô tận, không tài nào viết ra nổi! Tôi chết tôi vẫn còn mang theo những hình tượng đẹp đẽ về một miền quê nơi tôi cất lên tiếng khóc chào đời trong một ngôi nhà xưa u tịch. Đối với tôi không một mảnh đất nào đẹp bằng Quê Ngoại.. Đó là một mảnh trời riêng của tôi, mà không thể tìm đâu ra mảnh trời riêng ấy trên cõi đời này!!“
Xuân Vũ từ trần ngày 1 tháng 1 năm 2004. Với một gia tài văn chương đồ sộ gần 50 tác phẩm, chắc chắn những người ghi chép văn học sử không thể quên ông. Bây giờ, ông đã đến nơi chốn vĩnh hằng chứ không phải cứ xoay vòng mãi từ Đường Đi Không Đến và Đến Mà Không Đến. Có thể ông đã trở về Quê Ngoại của ông, nơi mà ông gửi cả tấm lòng khi còn thuở sinh tiền cầm bút…
Nguyễn Mạnh Trinh.