Chuly sưu tầm
Chim Rời Tổ Mẹ
Tác Giả: Chú Chín Cali
Tác giả sinh trưởng ở miền Nam sông nước, nguyên là giảng viên đại học ở Việt Nam, sĩ quan QĐVNCH, công chức ở Mỹ và là chuyên gia Mỹ làm việc ở ngoại quốc. Ông đã về hưu và chọn sinh sống trong khu Little Saigon. Bài Viết Về Nước Mỹ thứ 7 được tác giả ghi là “viết cho những người bạn già cô đơn và những đứa con quên lối về.”
* * *
Đôi chim cu làm tổ ở hiên nhà, hàng năm vẫn trở lại.
Hằng năm cặp chim cu (mourning doves) lại trở về làm tổ dưới mái hiên nhà. Ông già ngồi uống cà phê theo dõi hành động của đôi chim không biết chán. Chúng coi ông là bạn, mừng rỡ bay xà xuống mỗi lần ông cho chúng ăn. Có hôm hết đồ ăn, chúng cứ quây quần bên ông, nghiêng cổ nhìn, rồi gục gặc đầu như muốn nhắc nhở “cho ăn chứ, đói quá rồi?”. Tình nghĩa vợ chồng gắn bó và sự tận tụy nuôi con của đôi chim đã làm ông cảm động.
Loại chim nầy ở Mỹ rất dạn, làm tổ ngay trên đầu cột dưới mái hiên (patio) ở sân sau, cách ghế ông ngồi chừng ba thước, chiều cao trong tầm tay với. Mở cửa patio là nhìn thấy ổ chim. Có hôm hai vợ chồng chim rủ nhau đi kiếm ăn, ông già hiếu kỳ bắc ghế lò mò leo lên xem. Có hai cái trứng màu trắng, nằm lỏng chỏng trong cái ổ sơ sài, bừa bãi, làm bằng mấy cộng rác, mấy cọng cỏ khô. Chim cu rất lười xây tổ.
Có tiếng chim cu bay về. Chim cu khi bay tạo ra tiếng kêu rất đặc biệt không sao lầm lẫn được. Con chim mẹ đậu trên cái đà ngang dưới mái hiên. Nó nhìn ông với đôi mắt hiếu kỳ, thắc mắc không biết ông đang làm gì với cái tổ của nó. Con chim cha đậu xa xa trên mái nhà, vương cổ xuống nhìn. Ông leo xuống ghế, tiu nghỉu như chó ăn vụng bị bắt quả tang. Và từ đó ông tôn trọng sự riêng tư của chúng, giữ một khoảng cách khá xa, để không làm chúng khó chịu. Ở xứ Mỹ nầy, cho đến con chim mượn chổ xây tổ cũng có quyền riêng tư của nó!
Cặp chim trông rất giống nhau cho nên khó phân biệt trống mái, nếu không quen. Chúng thay phiên nhau ấp trứng, con trống thường ấp trứng ban ngày, con mái ấp ban đêm. Thỉnh thoảng cả hai bỏ đi kiếm ăn, nhưng trở về ngay, không để trứng một mình. Lúc nào ông cũng thấy một cái đầu trong ổ, ngóc lên nhìn ông. Khoảng 2 tuần sau lại xuất hiện thêm 2 cái đầu nhỏ xíu. Chúng chui mỏ vào miệng cha mẹ mà ăn. Hai cái đầu nhỏ lớn rất nhanh, ban đầu trọc lóc, nhưng chỉ hai tuần đã phủ đầy lông. Không bao lâu sau, chim con đã đủ lông đủ cánh, từ màu xám đậm đổi dần thành màu nâu xám, cánh có các đốm đen. Đây là lúc chúng đã trưởng thành và sẵn sàng bay đi bất cứ lúc nào.
Nhìn đàn chim ông chạnh nghĩ đến mình.
Cha mẹ chim đêm ngày cặm cụi nuôi con không bao giờ nghĩ đến chuyện có một ngày chúng sẽ bỏ ra đi không bao giờ trở lại. Cha mẹ chim chỉ làm bổn phận của mình, không sao lãng, không màng công lao cực khổ.
Mình nuôi đàn con bao năm trường gian khổ để một ngày trưởng thành chúng cũng vỗ cánh bay đi. Mới ngày nào chúng còn lững chững vừa biết đi, phải nắm tay dẫn từng bước một. Ngày nào dẫn con đi học, lòng xót xa để con ở lại trường một mình, ngơ ngác vì phải xa lìa cha mẹ lần đầu. Mỗi lần đi học về chúng chạy ù đến, ôm chầm cha mẹ, mừng rỡ sau một ngày cách biệt. Bây giờ chúng đã lớn khôn đủ lông đủ cánh, bung cánh bay đi tìm cái thế giới riêng của chúng, quên bẵng đi cái tổ ngày xưa, nơi cha mẹ phải ngày đêm úm con sợ bị lạnh, móm cho con từng bữa ăn cho đến lớn.
Hôm nay ông bước ra hiên nhà, không thấy con chim nào trong tổ. Cả bầy chim đã bỏ đi rồi! Điều mà ông lo sợ sẽ xảy ra, nay đã đến! Tuy ông đã quen rồi với cảnh chia ly, và đã chuẩn bị tư tưởng trước để đón nhận giây phút nầy, nhưng cuộc chia ly nào lại không bùi ngùi lưu luyến?!
Niềm vui với đàn chim không còn nửa, ông ngồi buồn thiu, uống cà phê một mình, nhìn bâng quơ, ngày ngày trông ngóng hai con chim quen thuộc trở về. Ông nhớ hình ảnh chúng, bay lẩn quẩn xin ăn, hình ảnh các con của ông lúc còn bé, chạy lanh quanh đùa nghịch. Ông nhìn cái tổ trống không buồn hiu, có khác nào cái phòng vắng vẻ của các con từ ngày chúng dọn đi!
Sang Xuân nắng ấm, hai con chim cu lại trở về. Ông mừng rỡ gọi bà xã để báo tin. Bà cũng vui lây, hối ông đi tìm thức ăn cho chim mà ông đã cất kín chỗ nào không nhớ rỏ. Bà phá lệ, bước ra sân sau để ném thức ăn cho chim. Bà nhìn chúng ăn với cặp mắt u buồn, như đang vọng tưởng xa xôi. Bà buồn buồn hỏi ông cùng một câu đã lập đi lập lại nhiều lần:
– Sao lâu quá thằng Bi nó không về hả ông?
Bi là đứa con trai lớn, có vợ hai con, đang làm việc cho một ngân hàng ở New York.
Ông cũng chẳng vui gì nên thông cảm nỗi lòng của người mẹ xa con cảm thấy cô đơn mỗi lần thấy hai con chim trở lại. Sao đám con mình vẫn biền biệt không thấy về!
Ông nhìn bà với đôi mắt thương hại rồi thong thả an ủi bà:
– Nó có điện thọai, bảo Tết nầy bận quá nên không về, chắc phải đợi đến hè sang năm, nó dẫn mấy đứa nhỏ về thăm bà luôn.
– Hè qua nó hẹn đến Tết sẽ về, bây giờ sắp đến Tết nó lại hẹn đến hè.
Vẫn với cặp mắt xa xôi như đang nhìn vào nơi vô cực, bà hỏi tiếp:
– Còn con Lisa, sao nó cũng im rơ, không thấy nó gọi về?
– Nó mới có việc làm mới, có rảnh đâu mà gọi cho bà. Bà đừng réo gọi nó hoài, để cho nó yên với chồng con của nó.
– Mấy tháng rồi, tui đâu có gọi nó nữa đâu mà ông cứ la la tui hoài!
Đôi chim cu làm tổ ở hiên nhà, hàng năm vẫn trở lại.
Lisa là đứa con gái út. Lisa hí hửng theo chồng về Houston, để lại bà mẹ khóc thầm hằng đêm vì nhớ con. Nay được hơn năm rồi, bà cũng nguôi ngoai nỗi nhớ.
Hai ông bà già ngồi yên, không ai nói gì. Không có con cháu bên cạnh làm vui, thôi thì ngồi chơi với hai con chim cu, nhìn chúng đang thong thả kiếm ăn, đi vòng vòng như đây là nhà của chúng.
Từ khi có chim về làm tổ, ông ra sân thường xuyên hơn để quan sát chúng. Nhìn lên cái tổ chim với mấy cái đầu lố nhố, ông thấy trong lòng vui vui, ấm cúng, cái cảm giác đoàn tụ gia đình. Ông cho chúng ăn. Hai con chim bay xà xuống lẩn quẩn bên ông, vô tư như hai đứa bé.
Hai tuần lễ phù du. Chim con trong tổ đã đủ lông đủ cánh. Ông lại bắt đầu lo. Không biết ngày nào chúng nó lại bỏ ông mà đi?
Ông nghĩ: “Sao mình không làm như hai con chim nhỉ? Nếu nuôi con nhưng đừng kỳ vọng gì ở chúng, thì làm gì có giận, có buồn khi chúng bỏ đi?”
Ông già gượng làm vui, tự an ủi mình:
“Hãy vui vẻ tiễn biệt chúng đi. Rồi có ngày chúng sẽ trở về.”
Xuân đi, Hạ đến, Thu về, lại Đông sang, tóc ông bạc càng bạc trắng, lưng ông còng càng còng thêm.
Rồi đến một mùa Xuân nắng ấm, đôi chim lại quay về. Cái Patio ấm cúng ngày nào, nay sao vắng lặng tiêu điều, phủ đầy lá khô cỏ dại. Chúng không còn thấy nữa ông già âm thầm ngồi uống cà phê trông đợi chúng như hàng năm. Chúng ngẩn ngơ, nuối tiếc.
Đôi chim chắc đang buồn, đang nhớ, trách ông già sao nỡ ra đi không một lời từ giã!
Nhưng đã muộn rồi!
Chim già chim trẻ cũng là chim, một khi đã đã rời tổ mẹ sẽ không bao giờ trở lại.