Mỹ cam kết giúp Philippines tự vệ nếu bị tấn công trên Biển Đông
Trọng NghĩaĐăng ngày 01-03-2019 Sửa đổi ngày 03-03-2019
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo phát biểu tại bộ Ngoại Giao Philippines, ngày 01/03/2019.REUTERS/Eloisa Lopez
Trong một lời cảnh cáo mạnh mẽ nhất từ trước đến nay nhắm vào đích danh Trung Quốc, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm nay 01/03/2019 khẳng định Washington sẽ giúp Manila tự vệ trước bất kỳ một « cuộc tấn công vũ trang » nào ở Biển Đông. Ngay lập tức, Bắc Kinh đã đả kích Pompeo, xem đấy là một hành vi cố tình khiêu khích Trung Quốc.
Nhân chuyến ghé thăm Philippines ngay sau khi tháp tùng tổng thống Mỹ Donald Trump dự Hội Nghị Thượng Đỉnh Mỹ-Triều tại Hà Nội, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã có buổi hội kiến với tổng thống Philippines Rodrigo Duterte vào hôm nay.
Sau cuộc gặp, ngoại trưởng Mỹ đã có một cuộc họp báo chung với đồng nhiệm Philippines Teodoro Locsin tại Manila, trong đó ông xác định rằng các đảo nhân tạo của Trung Quốc tại vùng Biển Đông mà Bắc Kinh đang tranh chấp với các láng giềng là một mối đe dọa.
Trước báo giới, ông Pompeo không ngần ngại khẳng định: (1) « Biển Đông thuộc vùng Thái Bình Dương » và (2) « việc bồi đắp đảo nhân tạo và các hoạt động quân sự của Trung Quốc tại Biển Đông đe dọa chủ quyền, an ninh, và qua đó là đời sống kinh tế của Philippines cũng như của Hoa Kỳ. »
Trên cơ sở đó, ngoại trưởng Mỹ nhấn mạnh : « Bất kỳ một cuộc tấn công vũ trang nào nhắm vào lực lượng Philippines, vào máy bay hoặc tàu bè của Nhà Nước Philippines ở Biển Đông sẽ kích hoạt các nghĩa vụ bảo vệ lẫn nhau được quy định trong Điều 4 của Hiệp Ước Phòng Thủ Hỗ Tương (Mỹ-Philippines) ».
Hiệp Ước này là một văn kiện được Mỹ và Philippines ký kết vào năm 1951, quy định là hai nước phải giúp đỡ lẫn nhau trong trường hợp xẩy ra « một cuộc tấn công vũ trang ở Thái Bình Dương ».
Theo ghi nhận của hãng tin Pháp AFP, đây là lần đầu tiên một lãnh đạo cao cấp của Mỹ công khai xác nhận việc Washington sẽ bảo vệ đồng minh của mình ở vùng Biển Đông, nơi đang có những tranh chấp chủ quyền được cho là dễ bùng nổ nhất trên thế giới hiện nay.
Trong thời gian qua, nhiều lãnh đạo cấp cao của chính phủ Philippines thường xuyên yêu cầu Hoa Kỳ nói rõ phạm vi áp dụng của Hiệp Ước Phòng Thủ Mỹ-Philippines, xác định xem Biển Đông có nằm trong khu vực « Thái Bình Dương » được đề cập đến trong hiệp ước hay không.
Cho đến nay, Trung Quốc luôn viện cớ « chủ quyền lịch sử » để đòi làm chủ hầu như toàn bộ Biển Đông, bất chấp tuyên bố chủ quyền của các nước Đông Nam Á như Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei, và bất chấp phán quyết của Tòa Thường Trực Quốc Tế La Haye theo đó yêu sách lịch sử của Bắc Kinh không có cơ sở pháp lý. Trên biển, Bắc Kinh không ngần ngại dùng biện pháp mạnh để áp đặt các đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc.
Phản ứng trước tuyên bố của ngoại trưởng Mỹ, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Lục Khảng vào hôm nay đã nêu đích danh Hoa Kỳ để chỉ trích, cho rằng « một quốc gia bên ngoài khu vực, chẳng hạn như Hoa Kỳ, nếu thực sự quan tâm đến hòa bình, ổn định và hạnh phúc của các dân tộc trong khu vực, thì nên tránh mọi hành động cố tình khiêu khích và gây rối ».
Theo giới phân tích, trên đây là lập trường cố hữu của Bắc Kinh vốn không muốn quốc tế can thiệp vào vấn đề Biển Đông để Trung Quốc dễ chèn ép các nước nhỏ trong khu vực.
Ngược lại, Hoa Kỳ nhân danh nguyên tắc tự do hàng hải để cho tàu chiến qua lại trong vùng, và không ngần ngại áp sát những hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc kiểm soát để thách thức các yêu sách chủ quyền quá đáng của Bắc Kinh.