Chuly sưu tầm
Không một mái nhà
Tác Giả: Tạp Ghi Huy Phương
Gia đình tôi đến Mỹ tính đến hôm nay đã được 22 năm.
Bạn bè than phiền tôi thay đổi địa chỉ xoành xoạch, vì thường thư gửi đến địa chỉ này thì tôi đã đổi sang địa chỉ khác.
Tính ra trong 22 năm tôi đã ở 3 tiểu bang, dọn nhà 18 lần và ở tại hơn 10 thành phố khác nhau, địa chỉ lúc nào cũng mang thêm cái đuôi như #12A, #182 vì tất cả đều là căn nhà trong khu chung cư. Nếu ông bà mình nói “ba lần dọn nhà bằng một lần cháy nhà,” thì phần tôi đã cháy nhà ít nhất 6 lần. Tục ngữ Việt Nam có câu: “Hòn đá lăn hoài không có rêu,” vì tôi thay đổi hoài, đi hoài nên không có được một ngôi nhà, và cũng vì không có nhà nên cứ phải dọn nhà đi mãi.
Hồi mới chân ướt chân ráo đến đây, ghé thăm nhà một người bạn, tôi nghe bà chủ ngôi nhà nói: “Ở Mỹ này, nhà là nhà của nhà băng!” Tôi ngây thơ không hiểu nổi mấy chữ “nhà là của nhà băng,” trong bụng cứ trầm trồ nhà của nhà băng, hèn gì ngôi nhà này rộng lớn, lộng lẫy quá chừng. Chưa hiểu, nhưng tôi lại phấn khởi hy vọng, rồi ra trong tương lai, mình cũng có một cái nhà của nhà băng như thế này. Ðến cuối đời, gặp nhiều người, họ lại nói :“Không có nhà như anh mà khỏe, có nhà như chúng tôi khổ chứ đâu có sung sướng gì!” Chẳng qua đây là một câu nói an ủi cho những người thiếu may mắn hơn mình. Từ ngày sang Mỹ đến nay, tôi cũng muốn khổ kiểu này mà khổ không được.
Lang bang chịu mãi cảnh thuê nhà, tôi đâm ra thèm sở hữu một ngôi nhà, nhưng trên đường đi, lại cứ hay nhìn những ngôi nhà đẹp mà không chú ý đến những căn nhà xấu, như thói đời người ta hay chú ý đến mỹ nhân. Trên những khu đồi núi nhà đã đẹp, mà dọc bờ biển nhà lại đẹp hơn. Trong khu nhà của các đại gia ngành ngân hàng, dầu khí, địa ốc ở Houston hay Dallas, nhà nào cũng có vườn cây bóng mát, đồ sộ như một lâu đài. Nhà của các vị thượng nghị sĩ, tướng lãnh ở Virginia là những dinh cơ to lớn, bề thế lạ thường. Những ngôi nhà trong “17-Miles Drive, Pebble Beach,” Bắc Cali, nghe nói lên đến bạc triệu, nằm đó mà nghe sóng vỗ thì đời còn chi thú vị, nhàn tản bằng. Những khu nhà giàu có này, nghe nói bây giờ cũng đã có nhiều chủ nhân là người Việt.
Ði ngang qua những ngọn đồi nhà cửa san sát hay trong những khu nhà đang xây dựng hằng trăm căn, tôi lại tự hỏi vẩn vơ, vì sao ở đâu cũng có hằng nghìn, hàng triệu ngôi nhà như vậy, cũ có, mới có, mà không có căn nhà nào là căn nhà của mình.
Bạn bè ở tù ngày xưa hay cùng đơn vị cũ, sau bao nhiêu năm gặp lại, nhất là ở miền Ðông, ông nào cũng có nhà, mà toàn nhà lớn, vườn rộng, không hề thấy nhà nhỏ. Rồi ai cũng nói, có nhà chỉ thêm khổ, người nhắc lại chuyện nhà của nhà băng, người lại giải thích đây là nhà của con. Khổ sở, phiền phức thế nhưng sao ai cũng có nhà, không phải có một, mà nhiều người Việt Nam có tới năm bảy ngôi nhà, cái ở, cái cho thuê, cái bỏ không!
Thiên hạ cho ở nhà thuê cũng có cái sướng của kẻ ở nhà thuê. Bồn cầu nghẹt, nước trong phòng tắm rò rỉ, nhà có chuột gián… thì cứ việc gọi chủ nhà. Chẳng may nhà có ma, xuống cấp hay mặt ông chủ phố hay manager dễ ghét thì sang năm ta lại đổi nhà. Con lên trung học đổi trường thì ta lại đổi nhà theo. Chỉ phải chuyện tháng nào cũng phải chi tiền nhà, ngày tháng qua mau mà sốt ruột. Cũng bất tiện là nếu không may thuê lỡ nhầm những khu nhà xấu, xe cộ thỉnh thoảng bị đập kiếng hay xe bị rạch sơn thì phải chờ một năm cho hết hợp đồng.
Ở khu chung cư, thỉnh thoảng lại có tấm giấy quảng cáo gắn ở cửa ra vào, kêu gọi người đi thuê hãy làm chủ một ngôi nhà, vì trả tiền nhà mua hàng tháng cũng bằng trả tiền thuê, tuy vậy đào đâu ra 20% tiền down thì không nghe mấy ông bà chuyện quảng cáo nhắc đến. Nếu trên nước Mỹ này ai cũng mua được nhà thì mấy ông bà tư bản xây chung cư cho thuê làm sao có khách?
Không có nhà, tôi cũng không có cơ hội quen biết những ông bà sang trọng bán nhà, thường đi trên những chiếc xe đắt tiền, hay theo dõi tình trạng địa ốc ở Mỹ lên xuống như thế nào, cũng chẳng biết thế nào là “closing cost,” thế nào là “short sale” hay “refinance.”
Có một ngôi nhà đúng là một giấc mơ như người Mỹ đã nói, “American Dream,” cũng không có gì là quá đáng. Ai đến Mỹ cũng ôm giấc mơ này, nhưng không phải tất cả mọi người ai cũng biến giấc mơ thành hiện thực, có người được nhưng cũng có người không. Không có nhà thì phải tự an ủi, “nhà là nhà của nhà băng,” “có nhà chi cho khổ!”
Người ta thường nói: “Có tiền mua được một căn nhà nhưng không mua được một mái ấm.” Dưới 100 mái nhà không biết có được bao nhiêu mái ấm, có nhà khó hay có mái ấm khó hơn, hay chẳng qua đây là lời người ta an ủi những kẻ không nhà. Tuy không sở hữu được một căn nhà nhưng hằng tháng còn có tiền thuê nhà cũng đã hạnh phúc lắm rồi, nếu so với những người kém may mắn, ngủ ngoài hè phố, trong những ống cống, hay dưới gầm cầu trong những đêm lạnh như đêm nay.
Ðến bây giờ nhìn lại chặng đường đã đi qua, nếu có ai hỏi tôi liệu có còn thích có một ngôi nhà hay không, không biết, khi ở tuổi, đất thì gần mà trời thì xa, câu trả lời là có hay không! Hình như những lúc còn trai trẻ, sức khỏe, người ta còn nhiều mơ ước, tham dục, nhưng đối với những ai đang biết mình ở cuối chặng đường đời, hay đang mang căn bệnh trầm kha, thể xác rã rời, nằm trên giường bệnh, liệu có còn ham muốn gì nữa không? Ðến lúc sức đã tàn, lực đã kiệt, thấy những chuyện hăm hở, bon chen ngày trước hóa ra vô nghĩa.
Nỗi bất hạnh thông thường của đời người là “sống vô gia cư, thác vô địa táng,” sống thì còn cảm giác vui buồn, sướng khổ, còn biết lạnh nóng, hãnh diện hay tủi thân, vênh vang hay xấu hổ, cần đến một nơi trú thân, nhưng chết rồi, liệu có cần đến một mảnh đất để chôn vùi nắm xương tàn mà chắc chắn rồi sẽ rã mục theo năm tháng không? Trong một thời đại mà nạn nhân mãn tăng, đất đai quý hơn vàng, nghĩa địa đào lên lấp xuống, có những nơi moi lên chôn xuống nhiều lần, thì chết cũng không yên.
Ðất nước trải qua nhiều năm chiến tranh, loạn lạc, không phải ai chết cũng có một nấm mồ. Ở Việt Nam bây giờ nói đến mồ tập thể, mộ gió là chuyện thường tình. Hàng vạn đồng bào, anh em ruột thịt của chúng ra đã bị thủy táng bất đắc dĩ trong lòng đại dương, nhiều người lính thân xác đã tàn tạ, mục nát trong đất cát quê hương, vậy mà có người chết ở hải ngoại phải mang về chôn trên đất quê hương, cũng có người đi chơi Việt Nam chết, phải mang trở lại Mỹ. Sao mà người ta coi trọng “chiếc áo cũ” và làm khổ cho người sống đến thế?
Là người sống không có nhà chưa có gì quan trọng, vậy thì chết có lẽ cũng không cần đến một nấm mồ. Chút tro tàn gửi cho gió ngàn bay có lẽ thênh thang hơn một ngôi mộ trong nghĩa trang buồn không người viếng thăm. Lúc sống không có một ngôi nhà, lúc chết đâu còn cần đến một địa chỉ!