Mất điện ở Venezuela: Cướp bóc khi tuyệt vọng gia tăng
Hôm thứ Hai, chính phủ Venezuela đã ra lệnh cho các trường học và doanh nghiệp đóng cửa do việc mất điện đã kéo dài đến ngày thứ năm. Phe đối lập nói rằng có ít nhất 17 người đã chết vì mất điện. Người dân thủ đô Caracas chia sẻ với phóng viên Will Grant của BBC về nỗi tuyệt vọng ngày càng tăng của họ.
Cứ mỗi giờ trôi qua mà không có điện, Venezuela, quốc gia đang đứng trên bờ vực, phải hứng chịu thêm nhiều đau thương và căng thẳng.
Trong khi các băng đảng thân chính phủ được gọi là \”colectivos\” chạy xe máy trên những con đường tối tăm để giữ trật tự tại các điểm súng, thì các vụ cướp bóc lẻ tẻ vẫn diễn ra làm gia tăng nỗi tuyệt vọng cho người dân Venezuela.
Thật khó để hiểu hết những khó khăn vì mất điện ở đây trong bốn ngày qua.
Nhiều nơi trên cả nước bị mất điện và thật không dễ để nắm được toàn bộ tình hình. Ngay cả khi có điện trở lại thì nó cũng bị ngắt quãng và chỉ tổn tại trong vài giờ.
Có thể thấy rõ, người dân tại nhiều khu vực ở Venezuela đang phải vật lộn với cuộc sống kể từ khi bị mất điện vào thứ Năm tuần trước.
Cuộc sống không internet, không điện thoai, không ngân hàng, không máy rút tiền, không nồi cơm điện hoặc không điều hòa thật khó khăn đối với nhiều người, đặc biệt là những người có thu nhập thấp.
Trên bờ vực
\”Tôi có con trai hai tuổi. Tối qua chúng tôi chẳng có gì để ăn cả,\” Majorie nói với vẻ tức giận bên ngoài một siêu thị trong khu phố Terrazas del Club Hípico ở Caracas.
Một cửa hàng gần nhà cô đã bị cướp và một người hàng xóm đã cho cô ít cơm, Majorie nói.
\”Tôi đã đổ thêm ít nước, cho thêm ít đường vào số cơm đó rồi đút cho con trai ăn. Hôm nay nó cũng hỏi tôi có gì ăn không, nhưng tôi biết lấy gì cho nó ăn bây giờ? Tôi có thể chịu đói. Đối với người lớn, một cốc nước cũng đủ sống qua ngày. Nhưng một đứa trẻ thì phải làm sao đây?\”
Sau lưng chúng tôi, một nhóm các bà mẹ tuyệt vọng và đau khổ không kém bắt đầu đập cửa siêu thị để được vào bên trong.
Bên trong siêu thị, máy tính tiền và máy quẹt thẻ không hoạt động, và nhân viên chỉ nhận thanh toán bằng đô la Mỹ.
\”Ở Venezuela chúng tôi không dùng đô la, chúng tôi cũng không được trả bằng đô la, mà chúng tôi được trả bằng tiền Bolivars\”, Majorie nói với giọng tức giận.
\”Chúng tôi không muốn cướp phá các cửa hàng, chúng tôi không muốn gây ra những chuyện này. Cái chúng tôi muốn là đồ ăn. Chúng tôi đói.\”
Đấu tranh để sinh tồn
Đối với một số khác, vấn đề còn nghiêm trọng hơn việc thiếu thức ăn.
Patricia (không phải tên thật) hiện là nhân viên kỹ thuật phòng thí nghiệm của một bệnh viện nhi ở Caracas.
Lo sợ sẽ gặp rắc rối, Patricia gặp tôi tại một nơi cách xa bệnh viện JM de los Rios để nói về ảnh hưởng của việc mất điện lên các bệnh nhân.
\”Hôm thứ Năm, không ai có thông tin gì về việc tại sao máy phát điện khẩn cấp của bệnh viện không khởi động. Tại khoa chăm sóc đặc biệt, câu hỏi chuyện gì đang xảy ra và tại sao mọi chuyện lại như vậy vẫn chưa có hồi đáp.\”
Một đồng nghiệp nói với Patricia rằng, các các bệnh nhi đang được cứu sống bằng hô hấp thủ công.
Ở đó, nhiều trẻ sơ sinh và trẻ vài tháng tuổi vẫn cần sự chăm sóc đặc biệt.
\”Khi đi qua các phòng bệnh, chúng tôi nhìn thấy một bà mẹ đang khóc và phát hiện ta một trong những đứa bé đã chết,\” Patricia nói.
Mặc dù đội ngũ nhân viên y tế đã cố gắng hết sức, một trẻ sơ sinh khác cũng đã chết sau đó.
Một máy phát điện cuối cùng cũng đã được đưa đến bệnh viện. Tuy nhiên trong bối cảnh hỗn loạn vì mất điện, máy phát điện này không được chuyển đến bởi các quan chức y tế hay chính phủ mà bởi \”colectivos\” – các băng đảng thân chính phủ.
Không có tiền, không có đám tang
Việc mất điện không chỉ khiến an ninh lương thực và ngành y tế tan rã, mà nó thậm chí còn khiến người chết cũng không được yên nghỉ.
Con trai của María Errazo bị giết ở khu phố nghèo nơi bà sống vào hôm thứ Năm, ngày đầu tiên mất điện. Từ đó đến nay, thi thể anh ta vẫn nằm ở nhà xác Bello Monte.
Do hầu hết các văn phòng chính phủ đã đóng cửa từ chiều thứ Năm, María đã không thể làm các thủ tục cần thiết để xem thi thể con trai hay đưa nó về để chôn cất.
Nếu có văn phòng mở cửa thì cũng không thể sử dụng máy in hay kết nối với internet. Theo đó, María cũng sẽ không nhận được xác nhận chính thức về việc con trai bà bị giết như thế nào.
Thậm chí nếu María có thể đưa xác con trai về nhà thì bà cũng không có tiền để tổ chức đám tang. Siêu lạm phát tràn lan ở Venezuela đã cướp đi khoản tiết kiệm nhỏ mà bà có.
\”Chúng tôi không có tiền,\” María nói với giọng buồn bã vì không thể giúp con trai yên nghỉ. Các ngân hàng đã đóng cửa và cũng không có nhiều điểm gọi điện thoại.
\”Tôi thậm chí không thể gọi nổi một cuộc điện thoại để tìm cách giải quyết,\” María nói.
Khi màn đêm buông xuống, chúng tôi nghe nói siêu thị mà chúng tôi đến sáng nay đã bị cướp.
Chúng tôi chạy ngay đến đó, đúng lúc thấy hàng chục người dân địa phương bị bắt giữa trong khi mẹ, vợ và con gái họ nổi cơn thịnh nộ với lực lượng an ninh nhà nước.
\”Chúng tôi phải làm sao bây giờ?\” một người phụ nữ hét lên. \”Cháu của chúng tôi đang chết đói kia kìa.\”
Lời kêu cứu của cô kết thúc một ngày nữa ở Venezuela, nơi sự hỗn loạn vẫn diễn ra trong bóng tối.