Chuly sưu tầm
Những bài thơ yêu nước đời Hậu Trần, tiếng khóc lẫm liệt thời mất nước.
Triều đại nhà Hậu Trần với hai vua Trần Giản Định và Trần Qúy Khoáng (Trùng Quang) kế tiếp nhau nổi lên chống lại quân Minh xâm lược sau khi nhà Hồ bị bắt, trước sau chỉ tồn tại được 7 năm (1407-1413). Và trong 7 năm ấy, nội bộ không khỏi có nhiều lục đục, mâu thuẫn.
Đó là điều không tránh được, bởi họ không đại diện cho những lực lượng đang lên trong xã hội Việt Nam thuở ấy. Họ chỉ là sự phản ứng tuyệt vọng của đám quý tộc con cháu nhà Trần muốn cứu vãn một triều đại đã mất vai trò lịch sử, mà những cơn giông bão đầu thế kỷ XV chung quy là “đòn chí mạng” đối với họ. Tuy nhiên, những bài thơ yêu nước đời Hậu Trần, tiếng khóc lẫm liệt thời mất nước đứng về mặt không chịu khuất phục kẻ thù ngoại xâm, họ vẫn là một triều đại tiêu biểu cho truyền thống yêu nước bất khuất của dân tộc. Cuộc kháng chiến của họ nhiều lúc đã tập hợp được đông đảo quần chúng và không ít anh hùng nghĩa sĩ, trong đó có những tướng tài lập nên chiến công lừng lẫy như Đặng Tất với trận thắng Bô Cô năm 1409 đánh tan mười vạn quân Minh, chém được Thượng thư giặc là Lưu Tuấn, lại suýt bắt sống được tướng giặc Mộc Thạnh, khiến thanh thế quân Trần trở nên vang dội, ngỡ như chỉ ngày một ngày hai là giành lại cơ đồ.
Sau này dưới triều Lê sơ, nhà thơ Vũ Mộng Nguyên nhân đi thuyền qua bên Bô Cô, nhớ đến chiến công xưa còn bồi hồi cảm xúc viết nên bài thơ Chu trụng vọng Bô Cô hãn hữu cảm (Trong thuyền ngó ra kè Bô Cô cảm tác), coi đây là một trận thuỷ chiến sánh ngang hàng với trận Xích Bích lừng danh trong lịch sử Trung Quốc. Hoặc như Đặng Dung, con trai Đặng Tất, không vì cha bị Giản Định giết oan năm 1410 mà phản bội công cuộc kháng chiến, trái lại, đã kế tục xứng đáng sự nghiệp của cha, cầm quân dưới triều Trần Trùng Quang, tuy bị Trương Phụ dồn đuổi đến tận Hoá Châu vẫn không hề núng thế. Mùa thu năm 1413, ông đem quân đánh úp đại binh Trương Phụ ở Sái Già, bất ngờ làm quân Minh tan vỡ đến một nửa, riêng ông nhảy lên thuyền Trương Phụ định bắt sống khiến Phụ phải lẻn xuống chiếc thuyền nhỏ trốn chạy.Những bài thơ yêu nước đời Hậu Trần, tiếng khóc lẫm liệt thời mất nước – Ảnh 1
Nhưng đây cũng là cơ hội cuối cùng của quân Trần mà ông đã để vuột khỏi tay, để sau đấy chỉ còn là những ngày lẩn trốn trước quân hùng thế mạnh củaTrương Phụ, cho đến hai tháng sau thì cả vua tôi Trần Trùng Quang đều bị bắt. Bạn ông là Nguyễn Cảnh Dị cũng là một tướng giỏi, mắng vào mặt Phụ để khảng khái nhận lấy cái chết tại chỗ. Còn ông, vừa là võ tướng nhưng cũng là một thi nhân, ông đã nén bi phẫn lại trong lòng. Chờ cho con thuyền chở tù binh về Bắc ra giữa biển khơi, ông mới ngâm lên bài thơ cảm hoài gửi tâm nguyện lại cho nước non rồi nhảy xuống biển tự vẫn. Bài thơ, tuy là lời thở than của một con người chiến bại ôm hận vì bất lực trước cuộc thế, nhưng âm hưởng toát lên không chỉ có nỗi buồn. Một tình cảm cao cả vượt lên trên cả cái bi, đó là lời hẹn đinh ninh cùng non sông xã tắc, được đúc lại trong hình ảnh tuyệt đẹp về một người tráng sĩ ôm mối “quốc thù” đến bạc đầu, và đêm đêm cứ đem gươm ra mài dưới bóng trăng:
Thế sự du du nại lão hà,
Vô cùng thiên địa nhập hàm ca.
Thời lai đồ điếu thành công dị,
Vận khứ anh hùng ẩm hận đa.
Trí chủ hữu hoài phù địa trục,
Tẩy binh vô lộ vãn thiên hà.
Quốc thù vị báo đầu tiên bạch,
Kỷ độ long tuyền đới nguyệt ma.
( Việc đời dài dặc vội già sao!
Trời đất mênh mông say hát nhào.
Đồ điếu nên công duyên gặp gỡ,
Anh hùng nuốt hận số lao đao.
Muốn xoay cốt đất phò minh chúa,
Khôn kéo sông Ngân dội chiến bào.
Thù nước chưa xong đầu đã bạc,
Mài gươm mấy độ bóng trăng cao!)
Ngoài Đặng Tất và Đặng Dung, Nguyễn Cảnh Chân và Nguyễn Cảnh Dị, những cặp cha con giàu lòng trung nghĩa, biết gạt hiềm thù riêng để dồn sức cho mối thù chung, giai đoạn lịch sử này còn chứng kiến những tấm gương oanh liệt, vì nước hy sinh, trong tư thế những con người biết tỉnh táo, thung dung, đặt nghĩa vụ lên trên cái chết. Nguyễn Biểu là một tấm gương như vậy. Ông người làng Bình Hồ, huyện Chi La, trấn Nghệ An (nay là xã Yên Hồ, Đức Thọ, Hà Tĩnh), sinh năm nào không rõ, chỉ biết ông đỗ Thái học sinh (Tiến sĩ) dưới triều Trần, làm quan đến chức Điện tiền thị ngự sử. Với tư cách một vị quan đàn hặc của nhà Trần, hành trạng của ông không còn thấy sử sách nào ghi lại, tuy vậy qua một vài chi tiết trong bài văn tế của vua Trần Trùng Quang làm sau khi ông mất, cũng hé lộ tinh thần hết lòng vì phận sự và phẩm cách trung trực có sức ngăn dòng nước lũ nơi viên quan Ngự sử trong ông: “Nhớ thuở tiên sinh giơ cao mũ trãi/Chăm chắm ở nơi đài gián, dành làm cột đá để ngăn dòng” (Văn tế Nguyễn Biểu).
Những bài thơ yêu nước đời Hậu Trần, tiếng khóc lẫm liệt thời mất nước – Ảnh 2
Năm 1413, Trương Phụ đánh vào Nghệ An, vua Trùng Quang phải chạy vào Hoá Châu. Để làm kế hoãn binh với giặc, Trùng Quang cử Nguyễn Biểu làm Chánh sứ, từ Hoá Châu ra Nghệ An điều đình với Trương Phụ. Phụ muốn “năn gân” ông, cho làm cỗ đầu người để thết. Nguyễn Biểu không hề hốt hoảng mà đĩnh đạc thốt lên: “Mấy khi người Nam được ăn đầu người Bắc!”, rồi cầm đũa ăn ngay, vừa ăn vừa cảm khái thành bài thơ Ăn cỗ đầu người. Giọng thơ trào lộng ở đây cho thấy tâm thế của một người biết chiến thắng chính mình – chiến thắng nỗi sợ, trước tiếng gọi thiêng liêng của đại nghĩa: Ngọc thiện trân tu đã đủ mùi,
Gia hào thêm có cỗ đầu người.
Nem công chả phương còn thua béo,
Thịt gấu gân lân hẳn kém tươi.
Phải bình tĩnh lắm mới xoay chuyển được tình thế từ bị động thành chủ động đến như kia trong khi sinh mạng đang treo trên đầu sợi tóc, lại đang đối diện với một thử thách vào loại khó khăn bậc nhất, đòi hỏi vượt qua nỗi rùng rợn mang tính chất sinh lý: ăn thịt người, ở phần cuối bài thơ, Nguyễn Biểu đã chuyển từ phong thái ung dung sang tràn đầy khí phách khi ông đặt mình vào địa vị của Phàn Khoái, một tuỳ tướng của Lưu Bang cuối đời Tần sau này là Hán Cao Tổ. Trong tiệc rượu ở Hồng Môn, Hạng Vũ muốn giết Lưu Bang, Khoái xông ngay vào, lấy cớ là nhân có tiệc xin rượu uống, rói trợn mắt uy hiếp Hạng Vũ. Vũ thấy chờn phải đưa rượu thịt cho ông, ông điềm nhiên nâng rượu uống và ăn hết một vai lợn. Vũ khen Khoái là tráng sĩ và đành phải từ bỏ ý định giết Lưu Bang, ở đây, Nguyễn Biểu tự ví mình cũng đang đóng vai trò “cứu chúa” bằng cách ăn đầu người giống như Phàn Khoái ăn vai lợn xưa kia; ông ý thúc được rằng việc làm có một không hai này là vì đại nghĩa, sẽ là hành vi bất tử:
Kìa kìa ngon ngọt tày vai lợn,
Tráng sĩ như Phàn tiếng để đời.
Trương Phụ thấy không dọa nổi Nguyễn Biểu bèn giữ ông lại. ông liền vạch trần bản chất cướp nước của Phụ. Phụ tức giận, cho trói ông xuống chân cầu sông Lam để nước thuỷ triều lên dìm chết ông.
Trong tình thế nhà Hậu Trần đang ở vào bước đường cùng lúc bấy giờ, chuyến đi sứ này của Nguyễn Biểu hẳn không khác gì Kinh Kha thay mặt nước Yên đi sang Tần cuối thời Chiến quốc. Nhưng tình cảm của Nguyễn Biểu có khác với Kinh Kha. Trước khi ra đi, Trần Trùng Quang làm thơ tiễn ông nhấn mạnh cái ý công thành danh toại:
Những bài thơ yêu nước đời Hậu Trần, tiếng khóc lẫm liệt thời mất nước – Ảnh 3
Việc nước một mai công ngõ vẹn,
Gác Lân danh tiếng dõi lâu xa.
(Tiễn Nguyễn Biểu đi sứ)
Nguyễn Biểu biết không bao giờ có chuyện đó, tuy vậy vẫn đáp lại vua bằng những lời tin tưởng, tự nhận mình thiếu tài năng nhưng đảm lược có thừa:
Há một cung tên lồng chí trẻ,
Bội mười vàng sắt đúc gan già.
Hổ mình vả thiếu tài chuyên đối,
Dịch lộ ba ngàn dám ngại xa.
(Hoạ thơ Trùng Quang Đế)
Sau khi ông hy sinh, Trùng Quang làm văn tế đã nhắc lại đúng cái ý ông nói trước lúc ra đi: “Nghĩ đến câu “thường đảm bất vong” (can đảm không bao giờ mất) lòng thêm dọi dọi”. Và sư cụ chùa Yên Quốc làm văn cầu siêu cho Nguyễn Biểu cũng đã tóm thâu đúng cái nét tính cách cứng cỏi đó, nâng cao lên như một biểu tượng cho cái đẹp của thời đại mình: “Vàng đúc lòng son một tấm/ sắt rèn tiết cứng mười phân”.
Đặng Dụng và Nguyễn Biểu là hai hình ảnh đối xứng của cùng một con người trí lự Việt Nam, con người vừa võ vừa văn, kết tinh được tinh hoa và khí phách của dân tộc, đã sống và chết xứng đáng trong thời của họ: một thời buổi gian nan, một bước ngoặt đầy bi tráng của lịch sử đất nước. Đây là những bài thơ yêu nước thời họ Trần
Nguồn tổng hợp.