Chuly sưu tầm
ĐỌC THƠ TỨ TUYỆT THÁI QUỐC MƯU
Tác Giả: Tran Quoc Phiet.
“Tuổi đời vừa mới đôi mươi,
Sống trên đống rác đã mười năm sang.
Bởi những tác phẩm văn xuôi của họ rất được nhiều người ưa chuộng, nhưng với thơ ít được độc giả quan tâm; ngược lại, có những người nổi tiếng về thơ, nhưng văn thì số lượng người đọc rất khiêm nhường!
Hiếm thấy những người trong hàng ngũ Nhà văn, Nhà thơ tên tuổi được mọi người nhắc nhở đến cả hai phương diện Văn – Thơ, như Hà Huyền Chí, Trần Mộng Tú, Vi Khuê, Thái Quốc Mưu mà Nhà bình luận văn học ở hải ngoại Trần Trung Thuần, đã khẳng định trong bài Võ Phiến Làm Thơ.
Văn Thi Sĩ Thái Quốc Mưu, với 4 tác phẩm văn xuôi: Gió Quyện Hương Đồng, Phía Sau Cuộc Đời, Truyện ngắn Thái Quốc Mưu, Tản Mạn – “Chuyện vặt đời thường”; và 4 tập thơ: Kỷ Vật Cho Đời, Như Giọt Sương Sa, Thơ Đường Luật Thái Quốc Mưu, Thơ Tứ Tuyệt Thái Quốc Mưu, đã được nhiều Nhà Văn, Nhà thơ, Nhà giáo, Nhà bình luận/phê bình văn học, báo chí, đài phát thanh đánh giá cao: Giáo sư Tiến sĩ Lê Bá Kông, Nhà thơ Hà Thượng Nhân, Nhà văn Linh mục Lã Mộng Thường, Nhà Văn Chu Vương Miện, Nhà giáo Hoàng Hạc Vũ Như Sơn, Nhà văn/Nhà phê bình Lê Nhật Thăng, Nhà văn/Nhà phê bình Diên Nghị, Danh họa quốc tế Vũ Hối, Nhà văn Lê Trường Giang, Nhà giáo Vương Thiện, Nhà văn Phạm Phong Dinh, Nhà thơ Lê Nguyễn, Nhà thơ Như Hoa Lê Quang Sinh, Nhà văn Diệu Tần,… và báo chí, web-site ở Hoa Kỳ, Canada, Pháp, Úc, Việt Nam, đồng thời cũng được phát sóng trên các đài phát thanh VNCR, BBC, VOA,…
Phạm vi bài này người viết xin chỉ đề cập về Thơ Tứ Tuyệt của Thái Quốc Mưu
Thơ Tứ Tuyệt Thái Quốc Mưu gồm nhiều thể loại, chứa đựng nhiều đề tài, thể hiện quan niệm, tâm tư, nguyện vọng, tình yêu, dân tộc, đất nước, cha mẹ, bạn bè, v.v…
Bài đầu tiên trong thi tập, tác giả đã chua xót khi phát hiện chính hình vóc tiều tụy của mình khi soi gương sau trận phong ba cuộc đời:
“Soi gương tìm sợi tóc sâu,
Mới hay mái tóc trên đầu điểm sương.
Giật mình đánh vỡ chiếc gương
Nát tan cái mặt tang thương thằng tù”
(Soi gương 1)
Niềm chua xót ấy đã hóa thành bất lực:
“Soi gương đối bóng một mình
Tuổi vừa ba chín, tưởng chừng năm mươi
Tóc xanh hơn nửa trắng rồi,
Đôi gó má trổ da mồi nám đen”
(Soi gương 2)
Tác giả tự “Đối Bóng” rồi hóm hỉnh, cay đắng đùa cợt với chính mình:
Trước gương ta bỗng nực cười
Trong gương ai lộng một người xác xơ
Mắt thâm, vóc dáng bơ phờ
Người đâu ta lại cứ ngờ ngợ quen.”
Khi sống xa tổ quốc, tác giả cũng không quên được nơi nuôi mình khôn lớn, xem nó như một phần thịt da xương máu của mình nên luôn day dứt không yên:
“Đất lạ nằm mơ con đường cũ,
Quê người khát vọng khúc động dao
Non sông tổ quốc bên trời ấy
Còn ở trong ta… giọt máu đào”
(Còn gì trong ta?)
Với tác giả, quê hương rõ ràng là một phần thân thể mình:
“Ta như ngọn nước thủy triều,
Trong cơn sóng bổ sớm chiều nổi trôi,
Một thân, hai nửa cuộc đới,
Nửa nơi đất khách, nửa trời quê hương”
(Một thân, hai nửa)
Từ đó, cái đơn độc thật thấm thía với thân phận kẻ tha hương:
“Cuối chiều hạt nắng vương vương,
Se lòng chợt nhớ người thương bên trời.
Trên cành chiếc lá vàng rơi,
Tiếng chim gõ kiến, nhịp đời lẻ loi”
(Buồn rơi)
Với đấng sanh thành, tác giả có những cảm nhận làm ta xúc động:
“Chim quyên ăn trái nhãn lồng,
Cha mẹ gánh gồng nuôi cả đàn con.
Bây giờ con cái lớn khôn
Mẹ cha – Chiếc bóng hoàng hôn cuối trời”
(Cha, Mẹ)
Hoặc:
“Cha già má lõm, mắt sâu
Tuổi đời chồng chất, mái đầu trắng phau
Đôi tay vững chắc năm nào,
Cầm chung trà nóng dạt dào sóng xua”
(Cha già)
Từ đó, tác giả nhớ lại cha mình từ những chuyện vụn vặt thời thơ ấu, nhưng đã biểu lộ một tình thương con to lớn. Buồn thay, khi lớn lên, thói thường người ta đã không còn nhớ đến:
“Ngước lên thấy trái mãng cầu,
Leo lên, tuột xuống xoa đầu: “Cho con!”
Lòng cha sực nức mùi thơm,
Khi con khôn lớn công ơn nhạt dần”
(Lòng cha)
Hoặc:
“Chặt ngọn chà là bắt đuông
Chín cây bắt được năm con no tròn
Chia đều bốn đứa bốn con
Con này phần mẹ – Rượu suông – Cha cười!
(Người cha)
Còn trong tình nghĩa vợ chồng, bằng những nét chấm phá chân chất, đơn sơ nhưng tròn đầy hạnh phúc. Tác giả viết:
“Ngồi trên bộ ván giữa nhà
Nhai trầu bỏm bẻm, mẹ già chợt kêu
“Mình ơi! – Ủa đâu rồi kìa!
Bình trả để nguội (đi) mất tiêu, thiệt kỳ!”
(Trách yêu)
“Hôm qua ổng ra sau vườn
Hái trái thơm chín, nói: “Dành cho em!”
Mắt thơm nở, đỏ phát thèm
Nhưng ong chích ổng làm mềm lòng tôi.”
(Kể chuyện)
“Sáng ra xem chậu cúc vàng
Nghe tiếng chim hót trên cành véo von
Chung trà ngan ngát mùi thơm
“Mình ơi!” – Vợ gọi, nghe hồn lâng lâng.”
(Phút bình yên)
Quan niệm về tình chồng vợ, với tác giả, bạc tiền chưa hẳn là chân hạnh phúc
“Đi câu được cà trê vàng,
Đem vô em nướng – Mắm gừng chua cay
Nhà nghèo, mình chẳng bằng ai
Nghĩa tình chồng vợ, chẳng ai bằng mình”
(Cá trê nướng”
Ngoài tình chồng vợ, tác giả còn nói lên sự hy sinh, vất giả, tận tụy của người phụ nữ:
Mẹ già tóc trắng như bông
Mắt mờ, tai lãng, long còng… tháng, năm
Vai mềm gánh nặng chồng, con…
Về già cam phận gối mòn chân rung
(Bà mẹ già)
“Vôi nồng cuốn lá trầu xanh
Mẹ già bỏm bẻm quấn quanh cuộc đời
Mái đầu đen, trắng nổi trôi
Như dòng sông nước ngược xuôi tháng, ngày.”
(Mẹ già)
Và lòng Mẹ dành cho con, lòng bà dành cho cháu chắt:
Đi xúc mớ cá rồng rồng
Đem về kho tộ tiêu nồng, hành thơm
Lặng nhìn đàn trẻ ngon cơm
Mẹ nhường – Rau đắng, rau sam ấm lòng
(Lòng mẹ nghèo)
Bà lùi cho cháu củ khoai
Than tàn, bếp nóng bà vùi dưới tro
Ngả mình trên võng… Bà lo:
“Con nhỏ đi học, giờ sao chưa về?”
(Khoai lùi)
Bà ngồi lặng lẽ nhai trầu
Vôi nồng, trầu nhạt, hột cau chát ngầm
Mắt bà trôi nổi xa xăm
Nhớ con, thương cháu ruột tằm buồn tênh!
(Bà mẹ già)
Trong một ngăn tim của tác giả, bè bạn cũng chiếm một phần không nhỏ. Lời lẽ mộc mạc mà rất chân tình:
“Bạn bè đôi lúc cậy trông,
Ta không giúp được nghe lòng xốn xang.
Chẳng may người bạn không còn,
Ta nằm nhớ lại lòng buồn triền miên”
(Bạn bè)
Về tình yêu đôi lứa, tác giả có cái nhìn của một thi sĩ với những lời thơ đậm đà tình tứ, đầy nét lãng mạn.
“Ai ngồi hong mái tóc mây
Cho con chim nhỏ ngất ngây trên cành.
Cho ta rớt vận, sai vần,
Cho mây dạt gió trôi đùn cuối sông”
(Hong tóc)
Hay:
Em đi nắng rực hàng cây,
Em về lá úa rụng đầy bờ vai.
Mắt sâu thăm thẳm cuộc đời,
Cho mây trôi dạt cuối trời lao đao”
(Em đi, em về)
Và người con gái ra đi nhận lấy bao điều bất hạnh để rồi khi trở lại với bao nỗi niềm đau xót:
Em đi bóng ngả đường chiều
Em về – ngọn nước thủy triều trôi xôi!
Thuyền con đậu bến ngậm ngùi
Nghe con chim nhỏ hót lời nỉ non
(Đổi thay)
Để rồi tìm đến Đấng Quyền Năng với lời thống thiết:
Chấp tay em đứng nguyện cầu…
Trang nghiêm nét mặt, cúi đầu trầm ngâm
Lòa xòa mái tóc hoa râm
“Dâng lên Chúa nỗi dập bầm con tim!”
Trong tình yêu, dù nam hay nữ đều đã từng nếm vị chua xót ngậm ngùi, cay đắng:
“Ta là bến bãi ngọn ngành
Em, con sóng biển bủa hành tháng, năm
Một chiều sóng bỗng bặt tăm
Biển nhô ngọn đá núi ngầm trơ vơ!”
(Ta và em)
Và với hình ảnh chân quê, mộc mạc, giàu hình tượng:
“Ai đứng dưới hàng cau trỗ muộn
Cho đàn bươm bướm ngại ngần bay
Ráng mây soi áo bà ba trắng.
Vải lụa pha hồng má đỏ hây”
(Mây chiều)
Với tuổi thơ, ngòi bút của tác giả cũng lùi về một quá khứ êm đềm, lột tả được thơ ngây của thời tuổi dại:
“Trưa hè cởi áo, tuột quần,
Năm ba thằng bạn nhảy ùm xuống sông.
Reo hò, lặn hụp tung tăng,
Coi kìa! Nhỏ ấy, che khăn lén nhìn”
(Tuổi thơ)
“Bắt con cá lóc có râu
Ra đồng đốt rạ chụm đầu nướng trui
Năm, ba thằng bạn reo vui
Bên cô gái nhỏ, nụ cười sún răng.”
Về mặt xã hội, có lẽ nó chiếm nhiều trang nhất trong tập Thơ Tứ Tuyệt. Khía cạnh nầy, tác giả quan sát không những bằng cặp mắt nhiều cảm xúc của một thi sĩ mà còn là cặp mắt tinh tường của nhà xã hội học, hay cặp mắt xót xa của người đầy lòng nhân ái:
“Lùa trâu ra gậm cỏ đồng,
Đi trở vô giồng moi trộm mớ khoai,
Gom rơm rạ đốt một hồi,
Lửa trưa cháy sạm cảnh đời tối tăm.”
(Mục đồng)
Bên cạnh đó, xã hội còn những mảnh đời rất chật vật, vất vả trong cuộc sống:
“Tuổi đời vừa mới đôi mươi,
Sống trên đống rác đã mười năm sang.
Chiếc xe cà rịt cà tàng,
Tháng ngày chia nỗi nhọc nhằn, đói no”.
(Những mảnh đời đau thương)
Xã hội đủ hạng người, không thể nhìn bề ngoài mà đánh giá được nhân cách, mà phải nhìn thấu thực chất của kẻ ấy:
“Danh mộc, xà cừ há phải chơi,
Sơn son, đánh bóng dáng thêm ngời.
Bốn chân đạp đất bừng uy thế,
Nhưng lại đem thân đội đít người”
(Cái ghế)
Bức xúc trước những kẻ tự chà đạp nhân cách của mình, tác giả đã nhắn nhủ nhẹ nhàng nhưng cay cú:
Mặc ai mơ nước Thiên Đàng,
Mặc ai mơ cõi Niết Bàn… xa xôi!
Tôi sinh ra giữa đất trời,
Chỉ mong làm được CON NGƯỜI – Viết hoa.
(Niềm mơ ước vĩ đại của tôi)
Và để tỏ thái độ với cái “tôn vinh giả hiệu” của đời thường, Thái Quốc Mưu không ngần ngại:
“Ta đi bão quật đời tan tác
Chén rượu cay xè bật máu môi
Ta vắt máu tim làm bút mực
Đập tan bia đá, dựng bia đời!”
(Dựng bia đời)
Để rồi khẳng định:
“Thà làm cây bá, cây tùng
Ngàn năm sừng sững chín tầng mây reo
Chẳng làm những thứ bọt bèo
Ao tù giam hãm, sớm chiều nhuốc nhơ!”
(Trượng phu)
Hoặc:
“Nghênh ngang đứng ở giữa rừng
Thẳng lưng cao vút chín tầng mây cao
Mặc cho gió bão mưa rào
Ngàn nằm sừng sững khác nào non xanh!”
(Đại thụ)
Và thật là ngoạn mục khi tác giả đem so sánh bản thân mình và phế phẩm:
Xài đã rồi quăng, rồi lượm lại
Đời ta – phế liệu khác chi nào?
Phế liệu tái sinh, ta chết: “Mất?”
Không! Còn tên tuổi để ngàn sau!”
(Ta và phế liệu)
Nhà thơ Thái Quốc Mưu còn dẫn dắt người đọc đi vào hơi hướng của thế giới ca dao cách ngọt ngào, dân giả, giàu hình tượng, rất tuyệt:
“Không tiểu thư, chẳng các đài
Gội đầu tóc chị chảy dài bến sông
Chị ngồi hong dưới bóng râm
Tóc mây theo gió ngợp dòng Tiền Giang”
(Chị tôi)
“Tro mắm Mẹ hốt vô gàu
Đem lóng, lấy nước gội đầu tháng, năm
Mượt, dài chảy ngậm bàn chân
Dưới cây vú sữa, Mẹ hong nắng chiều.”
(Tóc Mẹ)
“Ai ngồi hong mái tóc mây
Cho con chim nhỏ ngất ngây trên cành
Cho ta rớt vận, sai vần
Cho mây dạt gió trôi, đùn cuối sông!
(Hong tóc)
Và trong niềm tin vào cõi thực hư, tác giả viết:
“Bãi cát nằm im dưới ánh trăng
Biển dâng, sóng bủa ngập ven bờ
Xóa tan những dấu đời trên cát
Dấu cát, kiếp người – Chuyện hữu vô.”
Và:
“Gióng chuông trên gác Hàn San
Âm thanh lảnh lót vọng vang hải hồ
Lầm rầm khấn niệm Nam Mô
Hóa thân – Vụt đến bến bờ vô ưu!”
(Gióng chuông trên gác Hàn San Tự)
“Những gì ta thấy trước ta…
Ngỡ là hiện thực lại là như không
Những gì cứ tưởng như không
Lại là hiện thực trong vòng tử sinh.”
(Thực, không)
Nhưng rồi, chúng ta cũng bắt gặp những câu thơ trào lộng, hóm hỉnh đời thường:
“Mang trăm thứ tội với đời
Con xin chừa hết – Xin Người thứ tha!
Còn cái tội… khó nói ra
Đến khi con chết – Xin tha luôn lần.”
(Xưng tội)
“Tuổi già đau yếu triền miên
Suốt ngày như thể nửa điên, nửa khùng.
Đêm nằm quạnh quẽ trong phòng
Giữa khuya giở chứng nửa khùng, nửa điên!”
(Tuổi già)
“Sáu, bảy chục rồi, mỏi gối, chân
Cơm, rau, thịt, cá… cũng thưa dần
Hương hoa trong gió vừa thoang thoảng
Đôi mắt lờ đờ vụt đảo nhanh.”
(Bản chất)
“Bà già dấm dắn dấm da
Buồn tình dấm dứ dấm dơ một mình
Neo thuyền bến vắng buồn tênh
Thèm cơn sóng vỗ xuống lên dập dồn.”
(Bà lão yêu đời)
Để đả phá sự mê tín, Nhà thơ Thái Quốc Mưu nhẹ nhàng châm biếm:
“Gốc cây nằm ở trong rừng
Nắng mưa vùi dập, đất bùn tèm lem
Đem về khắc tượng, sơn lên
Lắm kẻ xì xụp, khấn xin – lạ kỳ!”
Đặc biệt, từ trong cõi lòng sâu thẩm của kẻ ly hương, tác giả tràn ngập nỗi niềm yêu quý quê cha, đất tổ:
“Khám tổng quát tim, gan, phèo phổi…
Điệm tâm đồ,… Huyết áp không cao!
Bệnh tôi Bác sĩ lắc đầu
Vô phương chữa được cơn đau lạc loài
(Đi khám bệnh)
Với căn bệnh của kẻ cảm thấy mình bơ vơ lạc lõng nơi đất khách quê người, lương y đành bó tay:
Bệnh nằm ba, bốn bữa rồi
Qua cơn mộng mị, đến hồi nhói đau
Xông hơi, đấm bóp thoa dầu
Thuốc Tây chẳng hết, thuốc Tàu cũng không!”
(Bệnh nhớ quê hương)
“Bãi vắng chiều hôm sóng rạt rào
Mây ngàn gió đẩy dạt phương nao?
Chợt cơn sóng bỗng ào trên cát
Ôi, nhớ làm sao biển Vũng Tàu!”
(Trên bãi biễn Orlando, FL. USA)
Cứ như thế Thơ Tứ Tuyệt Thái Quốc Mưu như dòng suối dân ca miệt mài chảy hết trang này sang trang khác. Chắc hẳn đây không phải là một tập thơ tác giả làm ra chỉ để vui chơi trong lúc trà dư tửu hậu; mà rõ ràng với một chủ đích hẳn hoi. Chủ đích đó là “tải đạo”! Nó là lời nhắc nhở cho mọi người hãy tôn trọng những tình cảm thiêng liêng, quý báu, dù rất tầm thường trong cuộc đời nầy; đó cũng là mũi đao sắc bén chọt vào tim vào óc của những hạng người phi nhân tính, ngụy quân tử, sống với đời bằng bộ mặt trét phấn tô son để che đậy tâm địa thấp hèn. Đó là một bức tranh chân phương nhưng thi vị, nhiều màu sắc và là một vườn hoa đầy sắc hương thơm ngát – dù là loài hoa đồng nội mộc mạc, bình dân.
Lời thơ giản dị, êm ái nhẹ nhàng, có khi pha chút hòm hỉnh, trào lộng nên khéo lôi cuốn người đọc từ đầu đến cuối.
Đây là một tập thơ đáng được mọi người quan tâm, thưởng lãm./.
Chu Man Ngọc