Tái Ông Thất Mã

Chuly sưu tầm

Tái Ông Thất Mã
Written by Quỳnh Giao
Người viết này có cái thú đọc truyện trinh thám.

Truyện trinh thám của chúng ta không có nhiều. Sau thời kỳ Thế Lữ với Lê Phong tới thời kỳ Phạm Cao Củng với Kỳ Phát thì thể loại văn chương đó bị đẩy lui dần. Trinh thám phóng tác của Lương Quân rồi Hoàng Hải Thủy và nhiều dịch giả khác cứ dần dần lấn đất giành dân.

Có muốn tìm ra nguyên bản thì cũng… khó, vì không có nhiều ở Sài Gòn, mà chính mình thì cũng… chẳng nhiều chữ.

Sau cuộc đổi đời 1-9-7-5, chúng ta có thêm một lần đánh vật. Không chỉ với chữ và nghĩa và tay chân để kiếm việc làm nuôi gia đình, mà còn đánh vật với cuốn sách. Vào thời kỳ đổ bộ ấy, sách báo tiếng Việt chưa có nhiều, nhà Xuân Thu hay Lê Bá Kông mới chỉ tái bản một số, trong đó gần như không có truyện trinh thám, loại sách chưa đáng mặt văn chương.

Như chuyện Tái Ông Thất Mã, trong cái rủi lại có cái may!

Người viết để ý đến trinh thám ngoại quốc từ đấy. Sống trên xứ người ta mà không đọc sách của người ta thì làm sao hiểu xã hội của người ta? Mà trinh thám thật ra là truyện xã hội đặt trong hoàn cảnh kỳ bí, và kích thích sự tò mò của chúng ta. Mở cuốn truyện là có chuyện đấu trí, xem tác giả đánh lừa sự suy luận của mình như thế nào.
Một lý do khác là tâm tư buồn bã của người tỵ nạn khiến mình ít đọc các tác phẩm văn chương nữa. Ðọc lại “Chiến Tranh và Hòa Bình” của Tolstoy thì mình lại nhớ đến… Sài Gòn và phim ảnh xuất phát từ tác phẩm này.

Trong các cuốn trinh thám, Quỳnh Giao thích nhất loại hình sự liên quan đến luật pháp. Sách của Grisham hay Patterson vẫn có… trí tuệ hơn truyện của Ludlum hay Forsyth. Cũng may là trong nhà, có ba người đều cùng thích đọc, mỗi người một loại… Nhờ đấy thì mới để ý tới truyện trinh thám của học giả Hòa Lan là Robert Van Gulik. Ông này tinh thông cỡ trăm truyện và chục ngôn ngữ, rồi buồn buồn viết truyện trinh thám… đời Ðường, hơn ngàn năm trước ở bên Tầu.

Cũng nhờ có liếc qua nhiều loại truyện như vậy mình mới khám phá ngược. Tìm ra một tác giả Tầu ở bên Mỹ, viết truyện trinh thám hiện đại ở… Thượng Hải. Tên ông ta là Qiu Xiaolong mà nhờ có mấy người thông thái trong nhà, Quỳnh Giao mới biết là tên chữ Hán là Cừu Tiểu Long. Xin quý độc giả để ý đến tác giả này.

Tác giả sinh năm 1953 ở Thượng Hải, thân phụ là giáo viên tức là người có học trong xã hội đó và vì vậy bị vướng trong vụ Cách Mạng Văn Hóa, năm cậu bé Tiểu Long còn là học sinh. Khi ông bố bị lôi ra đấu tố mà mắt đã gần mù vì bị đánh thì cậu phải nắn nót viết bản tự thú do người cha đọc cho mình. Con đường dẫn Tiểu Long vào văn chương là như vậy đấy!
Sau mười năm được cải tạo, Tiểu Long mới được đi học lại và cái mầm văn chương dẫn cậu về văn học cổ của Trung Hoa, rồi mở ra thi ca thế giới khi học ngoại ngữ. Cậu miệt mài đọc Shakespeare, Jack London hay Mark Twain và mê nhất là thơ T.S. Eliot cùng truyện trinh thám của Conan Doyle…

Trong đời người, ai ai cũng có thể trải qua những hoạn nạn và đi tìm giải thoát trong văn chương, nhưng cũng cần phải có năng khiếu, và nhất là may mắn. Tái Ông Thất Mã mà!

Là người dịch thơ T.S. Eliot ra tiếng Tầu, cậu được cấp học bổng một năm qua sống tại sinh quán của nhà thơ, tại St. Louis. Chuyện Tái Ông Thất Mã lại tái diễn.

Ở Hoa Kỳ, đang chuẩn bị luận án tiến sĩ thì Cừu Tiểu Long làm bếp lấy tiền cứu giúp nạn nhân vụ thảm sát Thiên An Môn năm 1989. Nhờ báo chí Mỹ mau mắn phóng tên mình lên đài, gia đình ở nhà lập tức được công an thăm hỏi. Còn cuốn thơ mà Cừu Tiểu Long dự tính xuất bản lập tức chết yểu.

Nhưng trong cái rủi lại có cái may. Cừu Tiểu Long và người vợ ở lại luôn bên Mỹ, trở thành công dân Mỹ! Cái rủi của tác giả là cái may của Hoa Kỳ vì có thêm một giáo sư dạy đại học, một tác giả làm thơ và viết truyện bằng tiếng Anh. Nỗi đam mê truyện trinh thám từ thời còn trẻ đã trào dâng và đưa Cừu Tiểu Long về đất Thượng Hải của thời thanh xuân đầy sóng gió…

Cửu Tiểu Long viết truyện trinh thám về Thượng Hải trong những năm đổi đời và viết rất hay! Xuất bản năm 2000, tác phầm đầu tay là cuốn “Cái Chết Của Một Anh Thư Ðỏ” – Death of a Red Heroin – được giới phê bình Hoa Kỳ và Âu Châu nhiệt liệt ngợi khen. Nối tiếp là sáu cuốn khác, cũng ly kỳ không kém!

Gần như truyện Simenon mà tươi tắn hơn nhiều, truyện trinh thám của Cừu Tiểu Long dựng lại không khí muôn màu của xã hội cộng sản Thượng Hải khi tiếp xúc với kinh tế thị trường và gặp cơn sốt vỡ da. Ðộc giả nơi nơi đều tán tụng nên truyện của Cừu Tiểu Long đã được phiên dịch qua 23 thứ tiếng, bán cả triệu cuốn.

Rất bén nhạy, từ mấy năm trước nhật báo Le Monde của Pháp mời tác giả trinh thám viết về chuyện hiện thực xã hội. Từ đó mới có cuốn “Phong Trần Ðỏ” – Cité de la Poussière Rouge, mà bên Mỹ đã xuất bản thành “Years of Red Dust”…

Nhà cầm quyền Bắc Kinh bèn… bắt quàng làm họ!
Tác giả được hồi hương để diễn thuyết về thi ca. Tập thơ bị bóp chết năm xưa nay được hồi sinh, sẽ xuất bản trong năm nay tại Thượng Hải.
Tái Ông Thất Mã! Nhờ thích đọc trinh thám, người viết cột “tạp ghi” này lại biết thêm về một tác giả, một nhà thơ và giáo sư có tài, được thế giới Âu-Mỹ mến mộ và sẽ có ngày dạy về thơ T.S. Eliot cho trẻ em Trung Quốc!

Thế rồi trông người lại nghĩ đến ta.
Tại California và cả miền Tây nước Mỹ, các gia đình Trung Hoa đều gửi con tràn ngập các đại học danh tiếng nhất, và chăm chút mầm non âm nhạc từ khi còn bé. Trong một thế hệ nữa thôi, nhân tài người Mỹ gốc Hoa sẽ rất đông. Các dàn nhạc giao hưởng Hoa Kỳ sẽ có rất nhiều nhạc sĩ vĩ cầm, dương cầm hay trung hồ cầm gốc Hoa… Làn sóng đó đang trào dâng.

Chúng ta vừa mất Thảo Trường. Với người viết là cây bút vững chãi và điêu luyện nhất không chỉ của miền Nam mà của cả nước Việt trong và ngoài từ mấy chục năm qua. Nhưng ngoài một số độc giả và bằng hữu, ít ai nhắc tới ông. Văn chương thế giới thì có lẽ cũng chẳng biết tới. Nếu Thảo Trường mà viết bằng Anh ngữ, hoặc có người chuyển ngữ tác phẩm của ông thì có lẽ sự thể đã khác.

Dù sao thì cũng đừng buồn. Nếu được biết về chuyện của chúng ta, đôi khi Cừu Tiểu Long có lời an ủi. Ngày đặt chân tới St. Louis vào năm 1988, ông tò mò hỏi dân chúng đường đến ngôi nhà xưa của nhà thơ T.S. Eliot và đều được mọi người hỏi lại: “T.S. Eliot là ai vậy?”
Chúng ta là ai vậy?

Bài Liên Quan

Leave a Comment