Kỷ nguyên mới trong không gian
By Vũ Hiến – March 18, 2019
Ông Elon Musk nay có thể thở phào nhẹ nhõm sau chuyến phóng phi thuyền vào không gian mới đây thành công mỹ mãn.
Kể từ hôm Thứ Bảy 2/3, ông Musk đã đứng ngồi không yên khi công ty không gian SpaceX của ông phóng chiếc phi thuyền lên Trạm Không gian Quốc tế (ISS). Vụ phóng diễn ra suôn sẻ, chiếc hoả tiễn Falcon 9 rực sáng như một đóm hoả châu cực lớn xẹt lên trong khoảng không gian tối đen ở trên cao. Phi thuyền của SpaceX đã từng viếng trạm không gian hơn một chục lần trước đây, chuyên chở các kiện hàng và những máy móc khoa học cho các phi hành gia làm việc trên đó. Tuy nhiên, chuyến bay không gian lần này không giống bất kỳ những chuyến bay khác đã từng được phóng lên trước đây.
Chiếc phi thuyền được thiết kế để chở người lên không gian trong những chuyến bay tương lai.
Lần phóng này không có người thật đi theo, nhưng công ty SpaceX cần chứng minh cho thấy là những chuyến bay đưa người lên không gian trong tương lai có thể thực hiện được. Cơ quan NASA đã trao cho SpaceX một hợp đồng trị giá $1 tỷ để thiết kế, xây dựng, và thử nghiệm một hệ thống chuyên chở mới có khả năng đưa phi hành gia của họ lên trên tiền đồn duy nhất của loài người ngoài không gian và sau đó đưa trở về trái đất an toàn. Kể từ khi chương trình phi thuyền con thoi (space-shuttle) chấm dứt vào năm 2011, Hoa Kỳ không còn thực hiện những cuộc phóng từ ngay trên đất Mỹ để đưa phi hành gia lên không gian nữa. Thay vào đó, NASA nhờ đến phi thuyền của Nga để đưa người lên, tuy nhiên NASA vẫn mong muốn những công ty của Mỹ có thể đảm nhận dịch vụ đưa người này bất cứ khi nào NASA cần đến.
Chiếc phi thuyền mang tên Dragon được phóng đi từ Trung tâm Không gian Kennedy, nơi SpaceX thuê mướn giàn phóng của NASA trước đây đã từng phóng đi những chuyến bay không gian của Apollo và phi thuyền con thoi. Chiếc phi thuyền Dragon tới được trạm không gian một ngày sau đó và đáp vào bến, sử dụng một chương trình nhu liệu hoàn toàn tự động để điều chỉnh đưa phi thuyền đáp vào đúng chỗ. Các kỹ sư ở bên dưới đã phải nín thở trong khi chiếc Dragon từ từ tiến gần tới trạm không gian: chỉ cần một lỗi lầm nho nhỏ gây ra va chạm dù chỉ chút xíu thôi cũng có thể đặt phi thuyền và trạm không gian vào trong tình thế vô cùng nguy hiểm.
Chiếc Dragon được gắn liền vào bến đáp. Sau một vài kiểm tra an toàn, nhóm phi hành gia đang có mặt trên trạm không gian mở nắp và từ từ bay nhẹ nhàng vào bên trong. Quang cảnh trong khoang phi thuyền khá lạ: không có người mà chỉ có một hình nộm tên Ripley, được mặc trên người bộ đồ phi hành của SpaceX và chiếc mũ an toàn giống như của những tay lái xe máy hai bánh mang trên đường, và rồi kia là nhóm phi hành gia tiến vào, ăn mặc giản dị với độc chiếc áo thun và quần kaki.
Phi thuyền Dragon đến mang theo khoảng 400 cân Anh hàng, được nhóm phi hành gia đưa vào trong trạm không gian và sau đó đưa trả lại một số hàng cũ để chở về lại trái đất. Vào sáng sớm hôm Thứ Sáu 8/3, phi thuyền được tách ra và chuẩn bị rời khỏi quỹ đạo của trạm không gian, cách mặt đất hơn 250 dặm.
Ðoạn bay trở lại trái đất là phần mà ông Elon Musk và các kỹ sư bên dưới lo ngại nhất. Không giống như những phi thuyền được thiết kế chỉ để chở hàng, chiếc phi thuyền chở người này có hình dạng hơi không đối xứng, và do đó có thể bị lắc nhiều trong khi bay xuyên qua vỏ khí quyển để trở lại địa cầu. Và điều quan ngại nhất, đó là những chiếc dù hình trái nấm dùng để cho phi thuyền đáp nhẹ xuống mặt biển chưa hề được sử dụng trước đây, và có khả năng sẽ không bung ra đúng như dự tính.
Nhưng tất cả đã diễn ra hoàn hảo và hình ảnh khi chiếc Dragon chạm vào mặt biển làm nước bắn tung toé lên làm người ta nhớ lại một thời huy hoàng của những chuyến bay không gian chở phi hành gia của Mỹ trong những thập niên 1960 và 1970, khi những chiếc Apollo cũng được cho đáp xuống bằng dù như thế. Loại phi thuyền con thoi bắt đầu được cho bay trong thập niên 1980, khi trở lại trái đất có thể đáp xuống đường băng giống như một phi cơ vậy. Thế nên có thể nói đây là một sự kiện hy hữu vì đã từ nhiều thập niên qua người ta không còn thấy cảnh phi thuyền chở người lên không gian rồi rơi trở lại trên bầu trời nước Mỹ.
Tính ra chuyến bay thử lên Trạm Không gian Quốc tế kéo dài đúng một tuần lễ – đánh một dấu mốc quan trọng đối với ngành kỹ nghệ không gian tư nhân của nước Mỹ. Nếu vụ thử nghiệm kế tiếp dành cho hệ thống bung (inflight abort system – tách phi thuyền ra khỏi hoả tiễn trong trường hợp có trục trặc kỹ thuật khi phóng, tựa như ghế phi công bung ra khi chiến đấu cơ gặp tình thế nguy cấp) thành công, phi thuyền có thể đưa phi hành gia bằng xương bằng thịt của NASA lên trạm không gian sớm nhất là vào Tháng 7 tới đây.
Bay vào không gian vẫn luôn là niềm kiêu hãnh của nước Mỹ kể từ lúc bình minh của cái gọi là “kỷ nguyên không gian”. Nhưng trong tám năm qua Hoa Kỳ chưa một lần tự đưa phi hành gia lên không gian từ trên đất Mỹ. Nay, với cuộc thử nghiệm thành công, nước Mỹ đã sẵn sàng để một lần nữa dẫn đầu trong những cuộc phi hành không gian trong kỷ nguyên mới – và phần nào lấy lại được cái bản sắc tiên phong trong việc thám hiểm không gian của mình.
Chương trình phi thuyền con thoi của NASA trong thập niên 1980 được xem như để đặt nền móng cho công cuộc thám hiểm không gian trở thành một lãnh địa quen thuộc mà ai cũng có thể tham gia. Nhưng phí tổn của chương trình này quá tốn kém và mối quan ngại về vấn đề an toàn càng ngày càng tăng cao. Nội chi phí bảo trì cho phi thuyền con thoi mỗi năm cũng lên tới cả tỷ Mỹ kim. Do đó, sau 30 năm hoạt động, chương trình này đã được đóng lại và các ngân khoản dành cho chương trình không gian được chuyển qua cho các chương trình thử nghiệm để đưa con người vượt khỏi quỹ đạo trái đất và đi xa hơn vào không gian trong tương lai.
Trong tám năm qua, mỗi khi NASA cần đưa người lên Trạm Không gian Quốc tế thì lại phải nhờ tới phi thuyền Soyuz của Nga, mà một chuyến bay như thế NASA phải trả có khi lên tới $81 triệu cho mỗi đầu người. Nhưng hơn thế nữa, sự lệ thuộc trên có nghĩa là Hoa Kỳ đã mất đi sự kiểm soát. Nếu như chính phủ Nga quyết định không cho bay hay làm eo thì Hoa Kỳ cũng phải chịu bó tay.
Trên thực tế, NASA vẫn đi đầu trong những chương trình thám hiểm không gian. Hoa Kỳ đã phóng đi cơ man nào những vệ tinh nhân tạo và phi thuyền thám hiểm tới những vùng không gian xa nhất của thái dương hệ. NASA có khả năng và làm được hầu như mọi thứ mà con người có thể làm được trong không gian. Chỉ trừ đi một thứ hiện nay là khả năng phóng phi hành gia của Mỹ lên không gian từ trên đất liền của Mỹ.
Phi thuyền Dragon của công ty SpaceX sẽ mang lại khả năng đó. Và mục tiêu của NASA là có được nhiều công ty tư nhân của Mỹ trong tương lai có thể thực hiện được những chuyến bay như của SpaceX. Cũng tựa như việc các giới chức chính phủ hiện nay mỗi khi đi công tác vẫn bay trên các chuyến phi cơ thương mại; như vậy trong tương lai, đơn giản là NASA chỉ cần đặt mua những chuyến bay của các công ty không gian tư mỗi khi họ cần. Ðiều này có thể tiết kiệm được rất nhiều tiền cho cơ quan và dành những ngân khoản tiết kiệm đó để NASA có thể thám hiểm những vùng không gian xa xôi mà chưa một cơ quan không gian nào khác trên thế giới dám mơ ước tới.
SpaceX không hẳn là công ty tư nhân duy nhất của Mỹ đang chuẩn bị sẵn sàng để thực hiện những chuyến taxi đưa phi hành gia lên không gian. Công ty Boeing cũng đang cho thực hiện những cuộc thử nghiệm về độ an toàn của phi thuyền Starliner của họ trong mùa xuân này, với cuộc thử nghiệm đưa người thật được nhắm tới trong Tháng 8 tới.
Càng có thêm nhiều phi thuyền thì càng có lợi. Có người cho rằng chỉ trong vòng năm, mười năm nữa thôi, nước Mỹ sẽ có được một loạt các loại phi thuyền chở người với đủ kích cỡ lớn nhỏ chưa từng thấy trong quá khứ. Ðến lúc đó, những phi thuyền này không chỉ để NASA dùng đưa phi hành gia lên không gian mà người ta còn thực hiện những chuyến bay du lịch không gian cho hành khách. Ðiều này cũng có nghĩa là các chuyến bay không gian sẽ nườm nượp như… đi chợ.
Ta có thể nói chuyến bay thử nghiệm của SpaceX vừa qua đã mở ra một kỷ nguyên không gian mới vậy.
V.H.