Chuly sưu tầm
Ban Tuổi Xanh năm xưa
Tác Giả: Quỳnh Giao
Ðức là con trai út của cặp nghệ sĩ Thái Hằng-Phạm Duy, gửi với lời nhắn là giúp Ðức tìm ra tên từng người trong hình. Thoạt kỳ thủy, chỉ nhận ra hai bác Phạm Ðình Sĩ và Kiều Hạnh, còn trong bầy nhi đồng thì nhận ra ngay chính mình ngày bé mà thôi.
Sau vài phút xem kỹ thì nhận ra hầu hết mọi người: Chị Bích Chiêu, chị Mai Hương, chị Mai Hân và chị Bạch Tuyết trong hàng “người lớn,” vì đã trên 12 tuổi rồi. Ðến hàng “nhi đồng” thật sự gồm những đứa vắt mũi chưa sạch mới lên bẩy lên tám là Tuấn Ngọc, Quốc Thắng, Kim Chi, và người viết bài, thời ấy còn giữ tên thật là Ðoan Trang…
Một vài người khác thì mình đã quên mặt nhưng trong ký ức vẫn nhớ rõ tên như các chị Lê Phi, Lê Út… Nhưng không hiểu sao lại thiếu mặt Anh Minh, anh ruột của người viết hồi đó là một giọng chủ chốt trong ban Tuổi Xanh!
Nhìn hình rồi miên man nhớ đến rất nhiều kỷ niệm.
Thời kỳ đó là đầu thập niên 50. Thân mẫu của người viết là danh ca Minh Trang thành lập ra ban Thiếu Sinh Nhi Ðồng đầu tiên, nơi hoạt động chính yếu là đài phát thanh.
Trong ban có Lê Phi, Lê Út, Mai Hương, Bạch Tuyết, Bích Chiêu, Kim Chi, Quốc Thắng, Tuấn Ngọc, Anh Minh và Ðoan Trang. Nhạc sĩ duy nhất trong ban là tay pianist Hoàng Linh, chừng 18 tuổi. Anh là học trò của nhạc sĩ Võ Ðức Tuyết.
Thế rồi năm 1954, gia đình cặp nghệ sĩ Phạm Ðình Sĩ-Kiều Hạnh di cư vào Nam, thân mẫu người viết bèn nhường ban nhi đồng cho hai bác.
Cặp nghệ sĩ đổi tên ban là “Tuổi Xanh” cho thích hợp với các con bấy giờ đã trên 10 tuổi rồi, hết còn là nhi đồng. Rồi ban Tuổi Xanh có thêm Mai Hân, Tuấn Tùng… Ðấy là lớp “Tuổi Xanh” đầu tiên. Về sau là các mầm non xuất sắc khác, như Hoàng Oanh, Phương Tâm (tức Phương Hoài Tâm), Phương Mai, Xuân Thu, Tý Hon, Quỳnh Mai (tức Vân Quỳnh) và Quỳnh Như (tức Vân Hòa) là hai cô em gái của người viết.
Chắc quý độc giả cũng thắc mắc không biết các nhi đồng ngày xưa khi lớn lên hoạt động và sinh hoạt ra sao?
Xưa nay, “thần đồng” thường là các ngôi sao tắt biến khi trở thành người lớn. Như Shirley Temple giã từ màn bạc rất sớm và trở thành bà đại sứ Shirley Temple Black (Black là tên ông chồng). Như Hayley Mills con gái John Mills đóng phim rất cừ mà về sau không xuất hiện nữa.
Ðó cũng là trường hợp của các “thần đồng” Quốc Thắng hay Kim Chi của Việt Nam, lúc bé nổi tiếng như cồn. Quốc Thắng hình như học ngành y, trở thành bác sĩ. Kim Chi cháu của nhạc sĩ Thẩm Oánh khi nhỏ rất thân với người viết mà sau này mất hẳn liên lạc, không biết chị làm nghề gì, sống ở đâu.
Còn lại những người vẫn theo đuổi nghệ thuật thì trước hết phải kể đến Bích Chiêu, người chị lớn của gia đình nghệ sĩ Lữ Liên. Giã từ tuổi ấu thơ, Bích Chiêu mang giọng hát nũng nịu và man dại gieo rắc các phòng trà và và hộp đêm ở Sài Gòn. Chị trở thành thần tượng của nhiều khán thính giả. Dù chuyên hát nhạc ngoại quốc, Bích Chiêu vẫn thành công qua những ca khúc trữ tình Việt Nam.
Bài hát mang dấu ấn riêng của Bích Chiêu là “Nỗi Lòng” của Nguyễn Văn Khánh. Có lẽ cho đến giờ chưa thấy ai hát bài này lơi lả và khêu gợi như giọng hát Bích Chiêu. Cách kéo câu của chị là một tuyệt chiêu mà sau này, cô em gái Khánh Hà cũng tận dụng và thành công như bà chị.
Tuấn Ngọc cũng trở thành một nam danh ca sáng giá. Như bà chị Bích Chiêu, anh khởi đầu sự nghiệp bằng nhạc ngoại quốc, hát cho các club Mỹ. Nhưng chính là khi anh hát nhạc Việt ở hải ngoại mới trở thành thần tượng của thính giả khắp nơi. Cũng như những người con trong gia đình Lữ Liên, Tuấn Ngọc tạo cho mình một nét riêng trong cách hát, cách nhả chữ “lừng khừng,” hay cách lên một nốt cao đầy sung mãn khiến những người yêu nhạc mê thích. Chỉ cần thấy hiện tượng “bắt chước” Tuấn Ngọc trong các tài năng mới, chúng ta biết anh được sự ái mộ rộng rãi của mọi người.
Chị Mai Hương bắt đầu hát ban “người lớn” khi 18 tuổi, và là một trong những giọng ca chủ lực của hầu hết các ban trên các đài phát thanh, nhờ giọng hát ngọt ngào cộng với kiến thức về nhạc lý vững vàng.
Chị Bạch Tuyết học dược và trở thành dược sĩ. Chị Mai Hân ít hát hơn, và về sau trở thành một xướng ngôn viên chuyên nghiệp.
Có một người hát hay vô cùng khi còn nhi đồng. Theo thiển ý của người viết thì hát hay nhất trong tất cả là Tuyết Phương. Sau khi ngưng hát, Quỳnh Giao có thoáng gặp chị trong trường Gia Long khi hai đứa học cùng trường mà không cùng lớp. Cùng lớp thì có cô bạn Hoàng Oanh, về sau nổi tiếng ngâm thơ hay và là một trong những giọng hát được thu vào đĩa nhựa nhiều nhất trước 1975.
Nhân đây Quỳnh Giao cũng phải nhắc lại việc cộng tác với các đài phát thanh ngày xưa. Khi hát với các ban trên đài phát thanh, kỹ thuật thu thanh và bài vở đòi hỏi ca sĩ phải vững nhạc lý. Các nhạc trưởng đưa bài là phải cầm xem và hát ngay, cả bài đơn ca lẫn hợp ca hay phụ họa. Trong một buổi thu thanh, ca sĩ phải chu toàn nhiều nhiệm vụ: khi thì đơn ca, khi thì song ca hay tam ca, kể cả trình bày các bài hợp ca và hát phụ họa cho người khác. Trong một chương trình phát thanh mà thời ấy trong đài vẫn gọi là “émission” thì ca sĩ phái hát cỡ năm sáu bài khác nhau, cũ và mới, quen hay lạ. Rất khác với kiểu trình bày trong phòng trà cho khán giả.
Nhìn tấm hình, như nhìn cả tuổi thơ hiện về. Bỗng thấy lòng mình chùng xuống vì thời gian trôi qua mau quá, như vó câu qua cửa sổ, và nhớ ngôi nhà số 3 đường Phan Ðình Phùng tha thiết…
Ðó là đài phát thanh mà cũng là một gia đình lớn của nhiều thế hệ nghệ sĩ, từ tuổi xanh nhóc tì cho đến lão thành.
Tạp Ghi Quỳnh Giao