Mai-Thảo, hoài niệm của người viễn xứ

Chuly sưu tầm

Mai-Thảo, hoài niệm của người viễn xứ 
Tác Giả: Nguyễn Vy Khanh

Mai Thảo bỏ trần gian và những miếu đền ra đi đã được mười năm. 
Ông ra đi và để lại trong văn chương và cuộc đời một khuôn mặt không bao giờ quên. Xin đọc lại truyện ngắn, tùy bút và thơ của ông cũng như nhìn lại phong cách sống của ông để khắc thành tượng. Và xin đọc bài viết của Nguyễn Vy Khanh vừa gởi đến để tưởng nhớ tới nhà văn/thi sĩ ấy.

Ngày 10-1-1998, nhà văn Mai Thảo đã ra đi, bỏ trần gian để về với thế giới miên viễn. Một ra đi cuối, sau khi đã hai lần đi rời xa quê hương, mỗi lần một hoàn cảnh khác nhau, lần đầu năm 1954 và lần kế năm 1978. Ra đi, bỏ xứ, lưu vong trong những hoàn cảnh chẳng đặng đừng; một tình cảnh nhiều lần phản ánh trong văn chương của ông.

Mai Thảo rời Hà Nội năm 1954 vô Nam khi đường vĩ tuyến 17 đã qua phân đất nước. Trước đó ông đã đi kháng chiến chống thực dân giành độc lập từ những năm trẻ tuổi (1948) nhưng ông đã sớm thất vọng những mưu đồ của một tập đoàn có tổ chức và đã có những mục-đích khác hơn là độc lập tự do cho đất nước.
Đêm Giã Từ Hà Nội do nhà Người Việt xuất bản cuối năm 1955, một tập truyện ngắn, tác phẩm đầu tay của nhà văn, cũng là một lên đường sáng tạo cho giòng văn học hiện đại của miền Nam lúc bấy giờ. Một lên đường dứt khoát với quá khứ: quá khứ lịch sử với hỗn mang chủ nghĩa cộng sản phải hư vô hóa, phải nói lên cho mọi người hay, để tránh, để đừng sai lầm nữa, để không còn những ngộ nhận phải trả bằng máu và nước mắt, cũng là một quá khứ văn học phải vượt, phải đi xa, phải hiện đại hóa cho tâm tình người Việt mới nay tụ tập bên này vĩ tuyến 17 và không còn lựa chọn chính trị nào khác.
Mai Thảo không những dứt khoát, ông đã lớn tiếng dứt khoát. Trong Thư Gửi Người Bên Kia Vĩ Tuyến mở đầu tập truyện, ông đã viết cho một người bạn mà ông tin hãy còn muốn \”vươn lên khỏi cơn Hồng Thủy như những vì sao sáng chói trên một đại dương gió bão\”, ông xác tín vai trò của nhà văn : \”… cuộc chiến đấu cho tự do thực ra không còn nằm trong bàn tay quyết định của những nhà lãnh tụ nữa. Nó nằm trong mỗi chúng ta. Những chiến trường, những công sự phòng ngự, những trái bom khinh khí không còn là những yếu tố quyết định. Tự do không đánh mất hoặc lấy lại, trên tấm bản đồ chiến lược hoặc ở đầu đằng kia hướng đi sáng chói của một băng đạn tiểu liên. Cuộc chiến đấu thoát bỏ những vùng nhỏ hẹp bàng bạc khắp nơi. Cả hai bên vĩ tuyến. Chỗ nào có con người, có tự do, cuộc chiến đấu bắt nguồn ngay từ đó. Dưới mọi hình thái, mọi mầu sắc. Trên từng tất đất, từng cuộc đời. Cuộc chiến đấu cho tư tưởng đã là một cuộc chiến đấu thường xuyên. Thường xuyên cho đến một ngày…\” (tr. 14-15). Ngày đó là ngày \”sông biển được gần nhau\”. \”Bên trên những mái nhà tù, đêm Hà Nội vẫn có những vì sao. Vẫn có những vì sao của chúng ta. … Ngày anh sẽ vượt tuyến sang miền Tự do, để góp phần chiến đấu vào cuộc chiến đấu chung của những con người tự do\” (tr. 23). Trong khi chờ đợi là cuộc chiến đấu cho tự do, một cuộc chiến cam go. Cam go vì bên kia vĩ tuyến, con người ở lại vì hãy còn say mê \”những viễn tượng ảo ảnh\” nên \”chưa nhìn thấy con người sau trận lửa hủy diệt… chưa nhìn thấy cuộc sống sau trận Hồng Thủy\” (tr. 21). Tác giả phải bỏ Hà Nội, lưu xứ, nhưng lòng lúc nào cũng như đang còn nơi 36 phố phường, trong những con hẻm ồn ào, những cửa ô tối đèn. Và những người bạn, những căn gác, những vĩa hè!


Tập Đêm Giã Từ Hà Nội chính là tâm tình nguyên chất của người ra đi. Một người lữ hành cô đơn trên phần đất mới của quê hương nhớ về phần kia của đất nước. Một ra đi bất khả kháng, có thể không cả trong dự tính ngao du của người lữ khách. Trong nhiều truyện và tùy bút, đặc biệt trong Mưa Núi, người đọc sẽ thấy nhiều lần cái mưa và lạnh của miền Bắc, như loan báo cái buồn ray rứt của tác giả. Tình viễn xứ rõ nét nhất trong truyện ngắn được dùng làm tựa tác phẩm. Đêm giã từ nghĩa là chưa đi, nhưng như đã xa vời lắm, đã mất, đã không còn, đã chết, trong lòng, trong tâm tưởng. \”Phượng nhìn lên những hàng mái cũ kỷ, đau yếu ấy, giữa một phút giây nhòe nhoẹt, anh cảm thấy chúng chứa đựng rất nhiều tâm sự, rất nhiều nỗi niềm. Những tâm sự câm lặng. Những nỗi niềm nghẹn uất. Của Hà Nội. Của anh nữa.\” (tr. 27). \”… Giờ này anh còn là người của Hà Nội, thở nhịp thở của Hà Nội, đau niềm đau của Hà Nội, mà Hà Nội hình như đã ở bên kia (…) Nhìn xuống, Phượng có cảm giác chơi vơi như đứng trên một tầng cao. Anh nhìn xuống vực thẳm. Hà Nội ở dưới ấy\” (tr. 28). \”Qua bóng tối, Phượng nhìn thấy những hình khối của Hà Nội bên kia: Một cửa ô đọa đầy. Một hàng mái cũ. Những lớp phố phường sa đọa. Những ánh đèn nhạt tái trên những bờ tường câm đen. Bóng tối chính thể đổ xuống làm nghiêng ngã những sự kiện này. Bên kia, Hà Nội vẫn đang lặng lẽ đổi màu. Người Hà Nội dựng cửa tắt đèn để mà đổi thay trong bóng tối. Phượng thấy thương Hà Nội. Thương những người Hà Nội. Những người còn ở lại dưới những hàng mái củ kỹ kia vì những vướng bận đau khổ. (…) Hà Nội chĩ còn là một thứ thuộc về bên kia. Bên kia như Đêm. Như Bóng Tối. Như Xa Đọa. Như Tù Đầy.\” (tr. 29). Phượng vô Nam trên chuyến tàu chót của ngày thứ một trăm sau hiệp định chia xẻ, một mình như cuộc đời có thể vô định nhưng ánh sáng hy vọng trước mắt, không Thu, người yêu ở lại vì \”tự\” vướng bận gia đình, như một lựa chọn, như Hà Nội, những vướng bận lịch sử. \”Những người như anh lên đường đã mang theo Hà Nội vào chuyến đi\” (tr. 33). Vì vào giây phút cuối của một vĩnh quyết, Thu đã quyết định theo anh, đi theo tin tưởng quyết liệt vì đã chiến đấu bản thân cam go: \”Họ đã đi vào Tương Lai\” (tr. 37).
Hà Nội của Mai Thảo đã mất, dù trong tâm tưởng người ra đi là những hy vọng, những tự nhủ chỉ là tạm bợ. Hà Nội đã thật sự mất, đã vĩnh viễn không còn hội ngộ, quy hồi! Đã mất năm qua phân 1954, đã mất hẳn ngày 30-4-1975. Và mất thật hơn nữa với Mai Thảo ngày lên con thuyền nhỏ ra đi trong lặng lẽ một ngày năm 1978 sau ba năm sống trốn tránh những người chủ mới mà ông đã quá biết hơn hai mươi năm trước đó. Mất vĩnh viễn ngày 10-1-1998, ngày ông ra đi chuyến cuối một cuộc đời. Một hạt cát trong cõi sa mù nhiều đọa đầy và lắm chia xa. Một hiện sinh phù phiếm trong cái vĩnh cữu của tạo hóa, trong cái tự nhiên của những tử sinh.

Tháng Giêng Cỏ Non xuất bản năm 1956 là một tập truyện ngắn nói chung đề cao nhân bản và tình người, nhất là những người dân quê. Hoài niệm bắt đầu bớt nồng nhiệt lớn tiếng của những truyện đầu tiên khi di cư vô Nam. Trong truyện được dùng làm tựa, tình thương vợ chồng hội ngộ sau 18 năm xa cách vì lẽ sống còn của gia đình, đẹp và cảm động như buổi nào Xuân về có cỏ non hoa lá tươi. Và những hoài niệm thời thơ ấu: những mùa bàng chín vàng…
Trong những tác phẩm khác xuất bản sau đó, Hà Nội và cuộc đời cũ vẫn là những nỗi nhớ khôn nguôi. Của một người đã bỏ đi. Đã mất nhưng vẫn hiện hữu trong tâm tưởng. Thế giới văn chương ban đầu của Mai Thảo là thế giới của Hồi tưởng. của Quá khứ. Ông sống bằng tâm hồn luôn quay về dĩ vãng. Quá quắt thành mộng du hay mê ngủ. Lãng mạn chăng? Tượng trưng chăng? Tập truyện Căn Nhà Vùng Nước Mặn (1966) sẽ xác nhận khuynh hướng đó. Cái \”tôi\” Mai Thảo trong mỗi truyện, trong khắp. \”Tôi\” sẽ về thẳng một mạch nơi có gốc hoàng lan trong góc vườn (Căn nhà vùng nước mặn), hay đã sống với các vì sao năm mười bảy tuổi (Những vì sao thứ nhất), hay dẫm lên một bãi cỏ non bên đường (Một phố của trời). Và \”quê hương trong trí nhớ\”, sẽ \”hôm nay đi chùa Hương\” hay chen chúc trên một chuyến xe (Giòng sông vết thương). Những nhớ nhung ngược đường tâm tưởng về cả những ngày thơ ấu. \”Hình dung thấy con tàu đó trên con sông đó. Con sông Hồng Hà. Như một dòng máu đỏ tươi chảy băng băng khắp vùng trí nhớ bâng khuâng. Con sông như một đời sống vĩ đại. (…) Đứa nhỏ trôi theo con tàu trên giòng trường giang hùng vĩ chợt nhớ tới những con sông làng thon mềm giải lụa có trâu đầm từng đàn dưới bóng đa nghiêng, có những chiếc cầu đá dẫn tới một phiên chợ sớm đầu đình, (…) Hồi tưởng lại một buổi sáng nhợt nhạt. Con tàu ghé bến Hà Nội rồi. Phố phường lớn chập chùng. Đứa nhỏ bàng hoàng đi lên. Và con sông Hồng, và tiếng còi và chuyến tàu đã bỏ lại sau lưng cùng tuổi nhỏ.\” (Chuyến Tàu Trên Sông Hồng). Một cuộc viễn du về quá vãng, như là cuộc hiện sinh ở nơi đây, xa quê-hương!

Trong Tùy-Bút (Khai Phóng, 1970), vẫn là những \”tôi\” và những nỗi nhớ, những mảnh vụn ký ức qua một vài biến cố, sự vật hay người thân. Vẫn Hà Nội : \”Gàn hai mươi năm rồi. Đến Hà Nội rồi cũng lãng đãng nhạt nhòa vào một trí nhớ trùng, nhưng có lẽ chẳng có một trước Tết miền Nam nào, tôi lại không đôi khi sống lại cái cảm giác thần thánh bở ngỡ, có bởi rất thu xưa và rất xuân cũ một con đường. Đất ở đó là da người (…) Cái sự đất được thăng hoa như vậy, chính là bởi vì cái trạng thái tụ đọng ngọt ngào của lớp bóng mát bên trên đan kết kỳ diệu bởi muôn ngàn ngón múa của tre cù điệp điệp (…) Thứ bóng mát mắc võng vào thời gian yên và không gian xanh, và ta đường thi, ta lục bát ca dao, ta chợt cảm thấy cần thiết cái sự tạo ngay một nỗi tê ngày mỏi mệt dịu dàng để có nguyên nhân đặt mình nằm xuống\” (Bưu Thiếp, tr. 12-13). Mưa đêm Sài Gòn làm nhớ Hà Nội : \”Những trận mưa phùn, thì thầm không dứt . Ra trước điện đường. Đọng trên vành mũ. Những mưa đêm, mọi cửa ngõ hồn đón hết mưa vào một nghìn chân tóc, tới sáng rồi còn cái lưới mưa đan. Mưa Hà Nội của một tuổi còn lãng mạn, rỏ luôn từng giọt trong tách cà phê. Không đậu xuống mái nhà đậu trong lòng. Đã có được cái chiều ngang tưởng tượng của một bức mành, còn có được cái đường cong mơ mộng của một đời dương liễu\”. (Mưa Đêm, tr. 129). Những kỷ niệm ngồi trên thành giếng làng Xuân Càu. Hay tập thơ đầu ông đã đọc suốt một buổi chiều trên bờ đê Hüng Yên: \”Nhớ mãi, nhớ mãi buổi chiều hôm ấy. Sàch đưa tôi vào một cảm giác lẫn lẫn. Lẫn tiếng sóng sông Hòng với tiếng sóng trong hồn. Lẫn cỏ dưới thân với cỏ xanh trong cánh đòng của sách. (…) Tôi ngày xưa úp cuốn sách đầu tiên trên lồng ngực, nằm rất lim dim, thả hồn bay lên. Yêu biết chứng nào, nhớ bao giờ quên, những trang vàng thứ nhất. Sách đẹp như chiều trên đầu (…)\” (Sách Hồng, tr. 61).

Có một lúc ông sẽ muốn sống thật với cái hiện tại ông vẫn quay lưng. Và bi đát của kiếp người đã bủa sập: Mai Thảo sẽ đi tìm quên, quên như một người đã lỡ kiếp, đã lầm trớn trong những Sống Chỉ Một Lần, Cũng Đủ Lãng Quên Đời, Để Tưởng Nhớ Mùi Hương, vv. Ngay cả khi đầy đủ tình yêu thì cái hạnh phúc của phút giây kỳ diệu đó như có giới hạn. Mười Đêm Ngà Ngọc (1969), một tình yêu bất diệt đã dám, đã đứng dậy, một tình yêu như ước muốn vượt thoát quá khứ và thành kiến bủa vây. Cũng Đủ Lãng Quên Đời (1973) vì đã sống hết cho bản ngã ở những giây phút, cho thân xác, trên những con đường trải hoa đầy bóng mát, mười năm sau trở về nơi chốn cũ, vì \”tình yêu lớn không bao giờ trở thành sự thật\”. Một ngày kia sẽ khám phá ra rằng \”con đường trải hoa kia dấu ngầm dưới cái thơm hương óng mướt của nó, một gai nhọn và gai nhọn kia đã thầm lén bay vào\” (tr. 450). Bản ngã nhị trùng hay băn khoăn thường trực biến thành một tình trạng phân hóa? Phần kia của bản ngã Mai Thảo khi viết về tình yêu, ông sống phần hiện sinh của ông. Tình yêu và thân phận làm người sống cho cùng sẽ chỉ là những đứt đoạn, những hạnh phúc rời, những đổ vở. Cái hiện sinh phù phiếm vì đang-qua, do đó cái đã-qua lúc nào cũng trở về hay cũng trồi lên phần ý thức. Và hoài niệm vẫn chiếm ngự văn chương Mai Thảo.

Tâm tình nhớ quê, tiếc nuối của kẻ ra đi một lần nữa trải dài trên nhiều trang văn chương của Mai Thảo ở hải ngoại từ khi ông dùng căn cước \”boat people\” và định cư ở Syracuse, tiểu bang New York, Hoa Kỳ. Trong mục Sổ Tay trên tạp chí Văn tục bản tại hải ngoại từ 1982, Mai Thảo đã có nhiều dịp hoài niệm về người và những nơi chốn thân thương. Thân xác ở ngoài, ở đây, nhưng tâm thức vẫn ở trong, ở bên kia! 
Trong các tác phẩm Mai Thảo xuất bản tại hải ngoại, người đọc sẽ được thấy dàn trải nỗi hoài niệm. Một nỗi niềm ngày càng gần gũi đời thường, như của một sống sót. Không còn là những hoài niệm ngạo nghễ với tự tin như những ốc đảo hiện sinh. Địa ngục tha nhân nay như được định nghĩa rõ nét. Còn lại ta là những thân phận lưu đày thân xác lẫn tâm tư. Trong Một Đêm Thứ Bảy (1988), người bạn cũ từ Hà Nội nghèo khó vào Nam thăm sẽ gợi lại cả một quá khứ đã muốn quên và tránh. Tập truyện Chân Bài Thứ Năm (1990) kể những chuyện lữ hành khắp nơi trừ quê hương ra, nhưng tâm hồn vẫn luôn quay về Việt Nam nơi những kỷ niệm vùng nước mặn, nơi khởi đầu cho những trùng phùng ở xứ người. Người xa quê sẽ tìm đủ cách để đến gần mảnh đất quê hương. Một người đàn bà như Ngọc sẽ khóc mỗi khi nghe hoa tiêu nói phi cơ đang bay ngang không phận Việt Nam. \”Việt Nam ở dưới chân nhưng cũng là Việt Nam đã đứt rời, không bao giờ gặp lại\” (Hong Kong Ở Dưới Chân, 1990, tr. 92). Người lữ hành viễn xứ sẽ tiếp tục đi khắp chốn trong Chuyến Métro Đi Từ Belleville (1990) như để tìm gặp lại những người thân hữu hay có thể nhắc nhở dĩ vãng. Đi, mãi đi, nhớ, mãi nhớ, như một định mệnh. Mai Thảo hoài niệm trong dứt khoát quên và đã tìm quên.
Tâm sự của kẻ phải trốn chạy tìm lãng quên ấy sẽ xúc tích và trọn vẹn trong tập thơ TaThấy Hình Ta Những Miếu Đền do Văn Khoa xuất bản năm 1989. Những hoài niệm của một mảnh hồn thanh thản tự tại. Miếu đền, những mảnh đời đã sống, những nơi chốn đã qua, những vĩ đại và thấp hèn của nhân sinh. Đời dĩ lỡ của một người viễn xứ đã nhiều lần ra đi, \”của kẻ ra về giữa cuộc chơi\” đã nhiều lần tự nhủ chỉ là tạm bợ:
\”Tổ quốc bất khả phân đã phân
Từ dòng sông từ bản hiệp định kia
Đất nước mấy nghìn đời không thể mất
Chỉ một ngày đã mất
Lịch sử triệu trang vàng một trang đen đã lật
Trăm trận đánh không thua thua vì Ban Mê Thuột
Thì vượt tuyến có phải là phân thân
Bản ngã đã nhị trùng?
Tôi ném lại cái xưa đã diệt
Tôi mang theo cái tôi mới lên đường
Như hạt hủy thể cho mầm sinh tử hạt
Hai ngọn sóng ngược chiều về mỗi ngả
Ngọn quá khứ mịt mùng không thấy nữa
Ngọn tương lai đang trắng xóa theo tàu
Hai tâm thể chia đôi miền cách biệt
Ngọn đã nghìn thu ngọn mới bắt đầu?
Hay chỉ một?
Hai mươi năm trước dưới bóng liễu Hồ Gươm Hà Nội /
Mười năm sau vẫn liễu xưa một hiên mưa
Góc phố Sài Gòn …\”
(Hỏi mình giữa biển, tr. 94-95).

Hà Nội, Sài Gòn, những nơi chốn, những người bạn, những người thân và nhất là một cái Ta chập chờn giữa những miếu đền:
\”… Ta thấy hình ta những miếu đền
Tượng thờ nghìn bệ những công viên
Sao không, khói với hương sùng kính
Đều ngát thơm từ huyệt lãng quên… \”
(TTHTNMĐ, tr 13).

Miếu đền trong trí tưởng:
\”Nhánh hương thắp nửa này trái đất
Bay đêm ngày về nửa bên kia
Nửa đường hương gây trên nghìn biển
Rụng xuống mười xuân đã đứt lìa \”
(Năm thứ mười, tr. 17).

\”Cúi đầu xuống cúi đầu xuống
Mà thương trở lại nhớ nhung về
Hàng hiên xưa, trang sách mở, bàn tay ngọc
(…) Cúi đầu xuống cúi đầu xuống
Mà dựng tình yêu thành thế giới
Cấy những chùm sao lên mình trời
Hát nghìn năm biến đầy vĩnh viễn
Lại thấy con đường im lặng
Những đỉnh cây xanh
Và những ngón tay trên phím dương cầm
Đôi guốc mộc căn phòng trừu tượng…\”
(Cúi đầu, tr. 77-78).

Người viễn xứ lại nhớ nhà khi đọc thơ bạn:
\”Nửa đêm thức giấc nằm trơ
Đọc câu thơ bạn nhớ lời trong thơ
Thơ bao năm vẫn bao giờ
Lại cho thấy lại bến bờ quê xa\”
(Thơ xa, tr. 112).

Mỗi người bạn, mỗi sự việc là một cái cớ để ông đắm mình trong hoài niệm và cái có có không không của cuộc đời. 
Mai Thảo, \”bản ngã nhị trùng\” như ông có lần tự hỏi, bước chân vào thế giới văn nghệ với chủ trương \”phóng cái lao ý thức về đằng trước\” muốn làm mới văn học, muốn dứt khoát với văn chương tiền chiến, hăng hái và tự tin. Ông đã sống hết mình cuộc đời văn chương đó nhưng ông đã sống với những hoài niệm thường trực, về một thời đã qua và những nơi đã sống. Những dằn vặt buồn rầu nhưng đầy thi tính của một kẻ viễn xứ bất đắc dĩ với lựa chọn dứt khoát. Ở Mai Thảo, băn khoăn tìm kiếm trong hiện sinh đi song hành với những dằn vặt khôn nguôi khiến văn chương của ông gần gũi người đọc nhất là người trẻ ở những thập niên 1950-1960, từ tạp chí Sáng Tạo đến Nghệ Thuật. Một con người phản kháng khi đi kháng chiến, trở về với tâm tình nỗi loạn. Con người rõ nét, con người không chỉ bằng lòng với hiện tại. Con người có tâm thức và muốn sống. Ông và bạn bè ông trong nhóm Sáng Tạo muốn đoạn tuyệt với quá khứ văn học nhưng riêng ông, ông đi tới với hành trang quá khứ: văn chương Mai Thảo khởi đi từ quá khứ và những trang văn của ông về thời quá vãng trong các tập Đêm Giã Từ Hà Nội, Tháng Giêng Cỏ Non, Tùy Bút, Căn Nhà Vùng Nước Mặn, vv và tập thơ Ta Thấy Hình Ta Những Miếu Đền là những trang văn chương mới và đẹp của văn học Việt Nam sau 1954. Tác phẩm của ông, ngoại trừ một số tiểu thuyết thời thượng đăng trên các nhật báo sau in thành sách trước 1975, là một tiếng thở dài của nhân thế, của người Việt Nam sống giữa thế kỷ XX đa đoan, bạo động, theo cung cách sáng tạo của ông. Vì ông đã sống một cách trung thực cái kiếp người đa đoan đó cũng như đã sống trọn vẹn cho văn chương chữ nghĩa. Một cuộc đời phóng khoáng có thể hiểu là bất chấp dư luận nhưng Mai Thảo ung dung thư thái với những đam mê đời của ông.
Sự nghiệp văn chương của Mai Thảo gồm trên 30 truyện dài về đủ mọi đề tài : tình yêu, học đường, xã hội, chiến tranh và mười tập truyện ngắn, tùy bút, nhưng thiển nghĩ phần sự nghiệp để đời của ông là những sáng tác chủ yếu cảm giác, hoài niệm về quá khứ và quê hương đất nước, những sáng tác vận dụng bút pháp tùy bút. Cảm xúc tâm hồn mạnh khiến văn xúc tích và ít đối thoại: cảm giác và tâm tình vây bọc cốt truyện nhiều khi chỉ là cái cớ để ông thả hồn hoặc rung cảm. Đó cũng là lý do ông thành công với các truyện ngắn và tùy bút hơn là truyện dài. Văn chương Mai Thảo thường bị phê bình là quá cầu kỳ đẽo gọt nhưng không ai có thể chối cãi văn ông đầy thi tính và trữ tình, chữ viết có cấu trúc sáng tạo đặc biệt – mà một số nhà văn sau ông không thể chối đã nhận chịu ảnh hưởng. Văn ông tinh tế theo tâm cảm hơn là theo lý trí chẻ sợi tóc làm tư – tuy nhiên khi viết nghị luận nhất là vào giai đoạn chủ trương Sáng Tạo, Mai Thảo tuổi trẻ tự tin quá hóa ra tối tăm thiếu thuyết phục lâu dài. Điều này không lạ nếu biết rằng Mai Thảo đã bắt đầu văn nghiệp bằng những bài thơ trên báo Hồ Gươm ở Hà Nội năm 1946. Hãy đọc một đoạn trong Mưa Núi (ĐGTHN): \”Tôi nhìn ra ngoài. Rừng núi ngớt mưa đang đi dần vào hoàng hôn. Tối xám lan đi từng ngọn đồi. Hết ngọn này đến ngọn khác. Từng gốc cây. Hết gốc này đến gốc khác. Cái tảng trời xanh phía đầu núi của tôi ban nãy cũng đã nhòa đi rồi. Sao chưa kịp lên. Đêm đã sâu thăm thẳm. Rồi tất cả những ngọn đồi những gốc cây đều không nhìn thấy nữa. Cửa mở thành một khung đen. Mắt tôi tối lại…\”(tr. 70).

Và hãy nghe thêm một lần tiếng buồn tự tại trong cấu trúc của từng chữ :
\”Ta thấy nhân gian bỗng khóc oà
Nhìn hình ta khuất bóng ta xa
Sao không, huyết lệ trong trời đất
Là phát sinh từ huyết lệ ta…\”
(TTHTNMĐ, tr. 14).

Vĩnh biệt người lữ hành viễn xứ !

Bài Liên Quan

Leave a Comment