\’Những rủi ro dài hạn\’ từ Huawei đối với viễn thông Anh
Gordon CoreraPhóng viên an ninh
Công ty Huawei của Trung Quốc bị chỉ trích mạnh mẽ trong một bản phúc trình của cơ quan theo dõi độ an toàn của sản phẩm Huawei trong ngành viễn thông Anh Quốc.
Bản phúc trình do Trung tâm An ninh Mạng Quốc gia, thuộc GCHQ (là cơ quan chuyên thu thập tin tức tình báo từ các hoạt động thông tin liên lạc trên toàn cầu, và là một trong ba cơ quan tình báo của Anh, bên cạnh MI5 và MI6), thực hiện.
Bản phúc trình nói rằng Huawei chỉ có thể cung cấp \”đảm bảo ở mức hạn chế về khả năng kiểm soát được các rủi ro an ninh dài hạn đối với thiết bị Huawei đang được triển khai tại Anh\”.
Bản phúc trình trình bày về phản ứng khó chịu trước việc Huawei đã không xử lý những vấn đề từng được xác định rõ.
Huawei cung cấp thiết bị, dịch vụ cho các công ty viễn thông hoạt động tại Anh, và bản phúc trình này được đưa ra trước khi Anh ra quyết định về việc có cho phép hãng xây dựng các mạng lưới thế hệ mới, 5G, hay không.
Hoa Kỳ đã có chiến dịch loại Huawei với lý do công ty này có nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia.
Không có cáo buộc nào được đưa ra trong bản phúc trình mới nhất đối với việc công ty cố tình tạo các \’cổng hậu\’ (backdoors) hay tiến hành bất kỳ hoạt động gián điệp nào cho nhà nước Trung Quốc.
Thay vào đó, bản phúc trình cáo buộc rằng cách thức hoạt động tồi của công ty khiến tạo ra những điểm dễ bị tổn thương, và đến lượt mình, những điểm này trở thành các rủi ro an ninh.
Bản phúc trình mô tả \”các vấn đề kỹ thuật quan trọng trong tiến trình vận hành của Huawei\”.
Bản phúc trình cũng nói rằng cách tiếp cận của Huawei đối với việc phát triển phần mềm đem đến \”mối rủi ro to lớn, ngày càng tăng đối với các hãng viễn thông Anh\”.
Giới chức nói hệ thống giám sát chặt chẽ sẽ khiến các nguy cơ đó có thể giảm bớt và được kiểm soát.
Tuy nhiên, bản phúc trình cũng cảnh báo rằng cách dàn xếp hiện thời \”chỉ có thể cung cấp sự bảo đảm có giới hạn rằng mọi rủi ro đối với an ninh quốc gia của Anh có thể phát sinh từ việc Huawei tham gia vào các hệ thống quan trọng của Anh, về mặt dài hạn sẽ được giảm xuống tới mức phù hợp\”.
Thiết bị của Huawei thường rẻ hơn so với các đối thủ cạnh tranh, nhưng có quan ngại rằng mô hình phát triển nhanh chóng của hãng dễ dẫn tới tình trạng luộm thuộm trong kinh doanh.
Và bởi hãng chào mời các sản phẩm khác nhau cho các khách hàng khác nhau, các quan chức phụ trách an ninh khó có thể xác nhận đượclà toàn bộ các thiết bị đều đạt cùng tiêu chuẩn.
Kể từ 2010, sau khi Huawei lần đầu tiên hợp tác với BT và tiếp đến là các hãng thiết bị viễn thông khác cung ứng cho cơ sở hạ tầng viễn thông của Anh, Trung tâm Thẩm định An ninh Mạng Huawei (HCSEC) đã thẩm định các phần cứng và phần mềm được triển khai.
Năm 2014, một ban giám sát do giám đốc Trung tâm An ninh Mạng Quốc gia là Ciaran Martin làm chủ tịch, đã được thành lập để theo dõi hoạt động của nó.
Các đại diện khác trong chính phủ cũng như các cá nhân từ Huawei và các công ty có sử dụng thiết bị của Huawei cũng có mặt trong ban giám sát.
Các quan ngại đã được nêu lên trong bản phúc trình hồi năm ngoái. Nội dung bản phúc trình năm nay thì chỉ trích mạnh việc Huawei đã không xử lý được các vấn đề đã nêu.
Huawei nói họ sẽ đầu tư những khoản tiền đáng kể để xử lý vấn đề trong thời gian từ ba đến năm năm tới.
Tuy nhiên, được biết là cho tới nay, giới chức chưa nhìn thấy những gì mà họ coi là một kế hoạch đáng tin cậy trong việc triển khai cam kết trên.
Bản phúc trình nhấn mạnh rằng quyết định đối với vai trò của Huawei trong dự án 5G sẽ được đưa ra sau khi Bộ Kỹ thuật số, Văn hóa, Truyền thông và Thể thao (DCMS) tiến hành rà soát toàn diện.
Thế nhưng các cảnh báo nêu trong bản phúc trình làm dấy lên các câu hỏi nghiêm trọng.
Đó là liệu một công ty nếu sản phẩm được dùng trong các hệ thống đang có cho thấy có vấn đề thì có nên được phép giữ vai trò quan trọng trong hoạt động xây dựng các hệ thống viễn thông thế hệ mới hay không, bởi các hệ thống mới này sẽ là những phần quan trọng trong đời sống hàng ngày của chúng ta.
Một đại diện của Huawei phản hồi rằng hãng hiểu về những quan ngại đối với năng lực phần mềm của hãng, và nhìn nhận \”rất nghiêm túc\” đối với các quan ngại này.
Huawei cũng nói thêm rằng ban giám đốc đã ra quyết định đầu tư 2 tỷ đô la để cải thiện năng lực của hãng, và đã phát triển một kế hoạch cao cấp.
Huawei nói họ sẽ tiếp tục hợp tác với các hãng viễn thông Anh và Trung tâm An ninh Mạng Quốc gia để đáp ứng các yêu cầu mà cơ quan này đưa ra.