Chuly sưu tầm
Giấc Mơ Hồi Hương
Written by Quỳnh Giao
Ðôi khi với các nhạc sĩ sáng tác ca khúc, sự thành công có thể đến với họ khá bất ngờ.
Ngày nay, người ta đã có thể trở về Hà Nội.
Nhưng giấc mơ kia của Vũ Thành vẫn còn nguyên vẹn,
vì Hà Nội đã đổi khác. (Hình: Ian Timberlake)
Ðiều này thường xảy ra chứ không phải là hiếm, và làm chính tác giả ngạc nhiên. Thí dụ như Văn Phụng đã sáng tác từ trước 1954, và ca khúc đầu tiên của ông là “Ðóa Hồng Nhung” cho đến bây giờ không ai hát và biết đến. Ông kể rằng tự mình gửi vào đài phát thanh Pháp Á nhờ danh ca Minh Trang hát ca khúc đầu tay này, và khi ấy còn tưởng Minh Trang trẻ hơn mình nên đề tặng “mến tặng Minh Trang.” Ðến khi di cư vào Nam, lên đài phát thanh Quốc Gia để đàn cho ban nhạc thì mới gặp bà chị lớn hơn mình nhiều, bèn từ đó chị chị em em! Vậy mà ông vẫn chưa nổi tiếng lắm, cho đến khi “Ô Mê Ly” và “Trăng Sáng Vườn Chè” ra đời thì danh tiếng ông mới bốc như cồn…
Nhạc sĩ Hoàng Trọng viết nhạc từ cuối 1940, có riêng một ban nhạc trên đài phát thanh Hà Nội (Ban Bảo An) vậy mà đến 1951 mới nổi danh nhờ bài “Nhạc Sầu Tương Tư.” Nhạc sĩ Lam Phương khi còn là học trò của Hoàng Lang đã bắt đầu sáng tác, nhưng bài hát đem lại tên tuổi của ông chính là “Duyên Kiếp” mà trẻ con trong ngõ đứa nào cũng biết nghêu ngao “em ơi nếu mộng không thành thi sao???”
Và đây là trường hợp của Vũ Thành, do chính ông nói ra. Sáng tác ca khúc và là trưởng ban Việt Nhạc của đài phát thanh Hà Nội là một vị trí sáng chói thời đó khi nền tân nhạc đang chuyển từ thời phôi thai sang đến thời vàng son. Ca khúc đầu tay là “Tình Xuân” mở đầu cho những ca khúc nghệ thuật có âm hưởng bán cổ điển là nét độc đáo riêng của Vũ Thành. Sau đó là một loạt những tuyệt phẩm như “Nhớ Bạn,” “Hương Nhớ Nhung,” sau được đổi tựa lại là “Gửi Áng Mây Hàng,” rồi “Gió Thoảng Hương Duyên,” “Say Nhạc Canh Tàn,” “Ngày Tái Ngộ,” v.v…
Nhưng phải đợi đến khi “Giấc Mơ Hồi Hương” xuất hiện sau 1954, tên tuổi của ông mới bắt đầu quen thuộc với mọi thành phần thính giả. Trước đó Vũ Thành chỉ được một số thính giả nghe nhạc cổ điển hâm mộ mà thôi.
Ông bảo rằng điều đó không làm ông thấy hân hạnh gì mấy. Vì nếu ông nổi tiếng nhờ “Giấc Mơ Hồi Hương” qua lối trình bày thiếu trung thực, không đúng với những điều ông viết thì thành công đó là do lời ca hơn là vì nhạc! Tại sao Vũ Thành nói như vậy thì có lẽ giới thưởng ngoạn không hiểu. Riêng người viết có được ông thổ lộ mới dám ghi nhận lại điều này.
Kể ra thì nhạc sĩ Vũ Thành quá khó tính, chứ bài “Giấc Mơ Hồi Hương” của ông thuộc vào loại sáng tác nghệ thuật như tất cả các tác phẩm khác của ông. Bài hát được viết trên nhịp 3/4 Boston dìu dặt tha thiết, cung Do Trưởng. Mười sáu ô nhạc mở đầu với nhiều intervals rộng, từ nốt thấp là Sol dưới hai dòng kẻ lên tới nốt Mi cao ở khuông thứ tư càng làm rõ sóng lòng dâng ngập. Chuyển đoạn (modulation) của bài mới là tuyệt chiêu khi ông sử dụng những nốt liên ba (triolet) diễn tả nối nhớ nhung lên đến cực điểm.
Nét diễm kiều của Hà Nội trong trí nhớ và sự liên tưởng bàng hoàng nhờ từng câu nhạc. Khi thì lên cao, rồi chuyển từ Trưởng qua thứ, và xuống thật trầm để tả bóng đêm dần tàn mơ hồ… Bài hát hay quá, nên ca sĩ nào cũng thích hát. Dù bài hát soạn cho giọng soprano hay ténor mà thôi, nhưng ai mà dám can? Lối trình bày của đa số khi hát “Giấc Mơ Hồi Hương” thường là “ad lib,” tức là hát tự do, muốn ngừng lấy hơi lúc nào thì ngưng, muốn ngân chữ nào dài hơn hay ngắn hơn cũng được. Ngoài ra còn được đổi luôn nhịp, khi thì hát thành Slow, khi thì hát thành Boléro, và xuống hai ba cung là chuyện thường.
Vì thế mà Vũ Thành mới hối hận. Ông nói nếu lời từ là sự thành công của bài hát thì lời bài “Giấc Mơ Hồi Hương” được gợi ý từ một bài thơ đọc được trên một tạp chí văn nghệ, mà ông chỉ nhớ bài thơ và quên tên tác giả. Quỳnh Giao xin ghi lại bài thơ như sau:
Ðau đớn nhìn Hà Nội
Khuất dần sau sương rơi
Sông Nhị Hà sôi nổi
Cầu Long Biên xa rồi
Mắt nhìn hình ảnh cuối
Lòng thương nhớ khôn nguôi
Nghẹn ngào tâm sự cũ
Thôi rồi Hà Nội ơi…
Vũ Thành quả là người khiêm tốn, vì với Quỳnh Giao lời ca của “Giấc Mơ Hồi Hương” sâu xa và mới hơn ý của bài thơ nguyên thủy. Thời đó, gọi thành phố Hà Nội là “Em” mà không là mới sao? Và lãng mạn quá đi chứ!
Lấy cảm hứng từ bài thơ ấy, đây là lời ca của Vũ Thành, và Quỳnh Giao ghi thêm cả lời hai, được ông viết lại quãng năm 1970:
Lìa xa thành đô yêu dấu
Một sớm khi heo may về
Lòng khách tha hương vương sầu thương
Nhìn em mờ trong mây khói
Bước đi những chưa nỡ rời
Lệ sầu tràn mi, đượm men cay đắng biệt ly
Rồi đây dù lạc ngàn nơi
Ta hướng về phía xa vời
Tìm mộng xưa lãng quên tháng ngày tàn phai
Nghẹn ngào thương nhớ em, Hà Nội ơi!
Ta nhớ tới em một chiều chớm thu
Dáng yêu kiều của ngày đã qua
Thướt tha bên hồ liễu thưa
Lắng tiếng tiêu hồn của ngàn phím tơ
Thiết tha thề ước mối duyên hờ đã phai mờ
Trong bóng đêm mơ hồ…
Mơ ước thấy em một ngày sáng tươi
Tắm nắng hồng của một sớm mai
Say hương thanh bình khắp nơi
Lắng tiếng uy hùng của từng lớp trai
Cất cao lời hứa xây cuộc đời
Sầu tàn trong bóng đêm dài…
Ðoạn trở về điệp khúc, thay vì hát lại lời một, Vũ Thành soạn lời hai như sau:
Chiều nay nhìn về quê xưa
Hình bóng thân yêu chưa mờ
Gửi tới cố hương chút niềm thương
Tìm em qua bao năm tháng
Vó câu chinh nhân chưa mòn
Ngoài chân mây xa bừng lên muôn ánh hào quang
Rồi đây trên đường hồi hương
Vang tiếng cười chốn xa trường
Cùng dìu nhau sát vai sống trong tình thương
Ðể cùng xây giấc mơ hồi hương…
Lời ca của Vũ Thành đầy cảm xúc, với tâm tư và cảnh sắc lung linh choáng ngợp. Ca khúc đã được rất nhiều người hát, từ Ánh Tuyết, Thái Thanh, Kim Tước, Khánh Ngọc, Mai Hương của giọng nữ cho đến giọng nam của Anh Ngọc, Thanh Vũ, Hùng Cường, Ðoàn Chính, Bùi Thiện… Riêng lời hai của bài này chỉ có hai người hát do chính Vũ Thành đưa ra và yêu cầu là Anh Ngọc và… người viết bài.
Năm xưa, Anh Ngọc hát “Giấc Mơ Hồi Hương” cho chương trình đài Tự Do. Sau đó, khi lên máy bay đi tỵ nạn, Vũ Thành không mang hành lý nào ngoài cuốn tape thu một số bài hát với hòa âm của mình mà ông quý như bảo vật. Còn Quỳnh Giao thì ghi âm vào tape “Hát Cho Kỷ Niệm số 1” ở ngoài này mà chỉ để tặng chứ không bán, với lời giới thiệu của chính Vũ Thành. Giờ này nghe lại vẫn rớt nước mắt…
Ngày nay, người ta đã có thể trở về Hà Nội. Nhưng giấc mơ kia của Vũ Thành vẫn còn nguyên vẹn vì Hà Nội đã đổi khác.