Chuly sưu tầm
Một bước tiến trong y khoa
BS Trần Mộng Lâm.
Từ trước tới nay, chúng ta vẫn quen với một Y Khoa áp dụng cho số đông. Tuy đã đạt được nhiều tiến bộ, chúng ta vẫn còn ở trong tình trạng tổng quát hóa các người bệnh. Mỗi một bệnh có một số thuốc để điều trị và có một sơ đồ để người y sỹ dựa vào đó để trị bệnh, bước một, bước hai và các bước kế tiếp, người y sỹ chỉ việc đi theo con đường mòn mà các nhà chuyên môn vạch ra rất rõ ràng. Thuốc men thì có các liều lương mà các hãng thuốc đã ghi sẵn trong các bảng chỉ dẫn, thường là căn cứ vào trọng lượng của bệnh nhân, ông A cân nặng 40 kg thì số lượng thuốc chỉ bằng phân nửa số lương thuốc mà bà B cân nặng 80 kg, điều đó ai cũng chấp nhận vì nó hữu lý.
Tuy nhiên, các người làm việc trong ngành Y Khoa cũng ghi nhận một sự kiện là , lấy thí dụ, bệnh cao huyết áp , người da đen và người da trắng khác nhau : thứ thuốc này viết cho một bệnh nhân da trắng thì rất hữu hiệu trong khi với người da đen, nó chẳng làm huyết áp giảm xuống như người bác sỹ điều trị mong muốn. Một thí dụ khác là thuốc statines làm giảm cholestérol, khi dùng cho người da vàng, thì phải giảm lương thuốc xuống 50%, thì dụ thay vì uống 10mg như số đông, phải giảm xuống 5 mg thôi, vì các phản ứng phụ của statines, nhất là trên gan, rất nhậy bén với các người da vàng.Bởi thế cho nên Y Khoa, tạm gọi là Y Khoa đong, đo, đếm có nhiều khuyết điểm và không phải hễ cứ là bệnh nhân thì ai cũng như ai.
Đó là lý do tại sao người ta nói không có bệnh , chỉ có những người bị bệnh . Khái niệm này càng rõ rệt hơn đối với những bệnh tâm thần. Các bác sỹ về tâm thần tại Canada cho biết cứ 5 người Canadiens thì có một người có vấn đề tâm thần (Pres d’un Canadien sur cinq souffre d’un trouble de santé mentale) – Không phải tôi viết đâu, đó là thống kê chính thức, và số tiền hao tốn về thuốc men và nghỉ bệnh làm hao hụt cho xã hội riêng về bệnh này là 16 tỷ đô la. Cũng theo các ông BS tâm thần, thì phân nủa các người bệnh này chỉ thấy giảm bớt khi dùng đến loại thuốc thứ 3 , có nghĩa là 2 loại thuốc đầu không công hiệu hay có quá nhiều phản ứng phụ, phải ngưng lại sau khi thử, ít nhất cả tháng trời cho mỗi loại thuốc .Sang đến vấn đề ung thư thì sự khác biệt này càng rõ ràng hơn nữa. Có gia đình mà rất nhiều thành viên mắc chứng bệnh như ung tư vú, ung thư Prostate. Việc đó ai cũng biết, nó thuộc về di truyền, các gènes mà gia tài chúng ta nhận từ cha mẹ, tổ tiện gọi là genome. Việc điều trị các người bị ung thư không phải người bệnh nào cũng giống nhau.
Từ đó giới Y Khoa mới nghĩ đến việc nghiên cứu một trường phái mới về Y Khoa. Trường phái này gọi là Medecine individualisée, cũng có khi gọi là Médecine personnalisée.Người ta tiên đoán rằng kể từ năm 2025, các bệnh nhân sẽ nhận được lợi ích và được điều trị theo médecine individualisée phù hợp cho cá nhân họ, sắc dân, nhiễm thể, phong tục, cách ăn uống và môi trường họ sống. Sự thay đổi này sẽ kéo theo những hậu quả nghiêm trọng trong những năm sắp tới, có thể coi như một cuộc cách mạng nho nhỏ trong lãnh vực Y Khoa, và cả Xã Hội nữa, vì sự chi tiêu về sức khỏe của các chính quyền Tây Phương mỗi ngày một tăng, mỗi một loại thuốc mới là một hao tổn cho người dân, nếu họ thuộc về thiểu số. Chúng ta đừng ngạc nhiên khi thấy vào bệnh viện, trước khi điều trị, người ta bắt bệnh nhân phải lấy các dịch, như nuớc miếng, đem thử tới thử lui,tìm genome người bệnh trước rồi sau mới quyết định xem loại thuốc nào, liều lương ra sao mới thích hợp cho bệnh nhân.Dĩ nhiên khi làm việc như thế thì kết quả cuộc điều trị sẽ khả quan hơn.
Y Khoa phù hợp với mỗi cá nhân (Medecine personnalisee) là một bước tiến phải có cho Y Học hiện đại mà chúng ta đang thụ hưởng tuy rất tốn kém. Trong phúc trình năm 2015 về giá phải trả cho thuốc men, Express Scripts Canada cho biết tốn kém về thuốc của Canada tăng 18,6% cho các món thuốc. Chúng ta cảm tạ ơn trên đã cho chúng ta được hưởng một nền Y Khoa ngày càng văn minh nhưng khi nhìn về quê cũ, cảm thấy se lòng khi thấy nhiều người bệnh phải năm chung một giường và thân nhân họ phải vật dưới gầm hay ngoài trời khi đi thăm nuôi họ. Cũng một kiếp người !!!
BS Trần Mộng Lâm.