Biển Đông: Liên Âu Nhập Cuộc

Biển Đông: Liên Âu Nhập Cuộc

30/03/2019

Vi Anh

Đường lối của TC về Biển Đông là TC chống không cho Âu, Mỹ can dự vào và Biển Đông chuyện của TC và mấy nước láng giềng của TC, nếu có tranh chấp phải đàm phán, TC chỉ đàm phán tay đôi với từng nước trong vùng Á châu Thái bình dương mà thôi. Kể cả Toà án Trọng Tài quốc tế về luật Biển, dù TC đã thò tay trái, đặt tay mặt vào ký công ước gia nhập, TC cũng phủ nhận, không dự sự, không chấp nhận phán quyết như trong vụ Phi Luật tân khiếu kiện TQ. TC coi Mỹ là nước bên ngoài không có quyền xen vào dù Mỹ là một quốc gia lớn nằm bên bờ tây Thái bình dương như Trung Quốc bên bờ đông vậy.

Nhưng TC không phải là con dê húc càn. TC trái lại biết người biết ta, biết chỉ có Mỹ mới đủ thế lực chống TC, có thể làm lá chắn chống TC bành trướng, có thể làm đầu tàu liên minh chống TC. Và Mỹ có các đồng minh Tây Âu như Anh, Pháp, Nga, Đức là những siêu cường và Nhựt, Đài Loan, Phi,  Mã lai, Nam dương, Ấn độ, Úc là những nước ở Á châu tạo thành liên minh chống TC. Bao lâu Mỹ quốc tế hoá Biển Đông thì tham vọng bành trướng của TC thành thất vọng. Lúc ấy giấc mộng Trung Hoa làm bá chủ Á châu Thái bình dương và từ đó bành trướng ra thế giới với chiến lược Một Vành Đai Một Con Đường TC dự trù tốn khoảng 3.000 tỷ Đô la và tham vọng khống chế hệ thống viễn thông thế giới  thế hệ 5G của TC trở thành ác mộng cho TC. 

Tin tức, thời sự trong vùng Á châu Thái bình dương và Tây Phương gồm Tây Âu, Bắc Mỹ gần đây cho biết, Âu, Mỹ đã, đang và chắc chắn sẽ quốc tế hoá  Biển Đông là điểm và Á châu Thái bình dương là diện, và diện đang mở rộng ra thành Ấn độ Thái bình dương. Âu châu không còn lơ là, không còn đứng ngoài cuộc, mà quyết dấn thân nhập cuộc, hành động đối phó, đối đầu TC ở Biển Đông.

Nhiều quốc gia châu Âu, trong đó có Pháp, Anh, Hoà Lan đã, đang, sẽ đẩy mạnh các hoạt động hải quân, tuần tra, phối hợp tập trận trên con đường biển huyết mạch của thế giới qua đây, để bảo vệ tự do hàng hải, hàng không trước chiến lược chiếm biển, chiếm đảo và quân sự hoá của TC. Đây là sự thay đổi đáng chú ý về chính sách của châu Âu đối với Biển Đông gần đây.

TT Pháp Macron  ngày 22-03 lên tiếng thúc đẩy chiến lược dùng sức Liên Âu để đối phó với Trung Quốc, tin RFI cho biết. Đối với giới phân tích, sáng kiến của ông Macron là thể hiện quyết tâm của Pháp, muốn củng cố một mặt trận thống nhất của toàn Liên Hiệp Châu Âu để có sức đối phó với đà bành trướng ảnh hưởng của Trung Quốc, đặc biệt trong bối cảnh một thành viên nặng ký của Liên Hiệp Châu Âu là Ý lại xé lẻ đi theo Bắc Kinh. Đó cũng là một thông điệp gởi đến những nước như Ý, phớt lờ châu Âu để quan hệ riêng với Trung Quốc, bất chấp rủi ro là sẽ rơi vào thế yếu và bị Trung Quốc lấn lướt. Chính quyền Roma như đã thấy rõ thông điệp này. Theo hãng tin Ý AGI, chính phủ Ý không hoan nghênh chút nào hội nghị thượng đỉnh nhỏ của bộ ba châu Âu với chủ tịch Trung Quốc vào thứ Ba tới đây.

Tin của nhật báo South China Morning Post ở Hong Kong ngày 19/3, các quốc gia châu Âu châu  đã, đang tăng cường sự hiện diện ở Ấn Độ-Thái Bình Dương liên quan đến các hoạt động hàng hải, nhằm đối đầu với các hoạt động ngày càng gia tăng của Trung Quốc, trong một cuộc thảo luận hôm 18/3 về vai trò của Liên Âu trong khu vực. Trong cuộc thảo luận ấy, Bà Liselotte Odgaard, chuyên gia từ Viện Hudson, một tổ chức nghiên cứu tại Washington (Mỹ), cho biết Liên Âu (EU) “đã khởi động để ghi dấu ấn tại châu Á – Thái Bình Dương.” EU đã có chính sách chung như phản đối Trung Quốc bành trướng ở Biển Đông và ủng hộ tự do hàng hải, nhưng khối này cần đi xa hơn trong các sáng kiến chính sách cụ thể, “vốn sẽ cần một nhóm quốc gia cùng làm và đó cũng là điều chúng tôi nhận thấy đang ngày càng gia tăng.”

Hội nghị nhận định Biển Đông là một vùng biển quan trọng nơi lượng hàng hóa trị giá 3 ngàn tỷ USD của thế giới đi qua mỗi năm – tương đương 1/3 thương mại toàn cầu. Trong khi đó TC đơn phương tuyên bố chủ quyền đối với hơn 90% vùng biển này, xâm lấn lên các vùng biển và các đảo của các quốc gia trong khu vực gồm Brunei, Malaysia, Philippines và Việt Nam.

TC quân sự hoá, xây phi trường, cảng quân sự, đưa hoả tiễn và lắp đặt ra đa và xây đảo nhân tạo trái phép đã gây ra các lo ngại đối với Mỹ và đồng minh. Ấn Độ cũng lo ngại về sự hiện diện ngày càng gia tăng của Bắc Kinh ở Ấn Độ Dương. EU và một số quốc gia thành viên của khối cũng đã liên tục bày tỏ lo ngại về các động thái của Trung Quốc ở Biển Đông.

Hải quân và Không quân Mỹ đã tăng cường các cuộc tuần tra trên biển và trên không nhằm đảm bảo một Ấn Độ-Thái Bình Dương rộng mở và tự do.

Mới đây sau Hải quân, Không quân, tới lượt Lục quân Mỹ gia tăng chuẩn bị cho việc đối phó với các tình huống có thể xảy ra ở biển Đông. Hôm 19 tháng 3 ở Hawaii, Đại tướng Robert Brown, Tư lệnh Lục quân tại khu vực Thái Bình Dương, khẳng định: Toàn bộ quân đội Mỹ, kể cả Lục quân phải chuẩn bị để cùng ứng phó với tất cả các diễn biến ở biển Đông. Lục quân Mỹ hiện có 85.000 quân nhân đồn trú ở khu vực Thái Bình Dương (Alaska, Washington, Hawaii, Nam Hàn). Để có thể ứng phó tức thời với những diễn biến không mong muốn ở Thái Bình Dương, Lục quân Mỹ dự trù sẽ điều động cả những đơn vị đồn trú tại những nơi khác ở Mỹ đến khu vực Thái Bình Dương, tham gia vào những cuộc tập trận với đồng minh, làm quen với khu vực này.

Còn Pháp đã tiến hành các hoạt động hải quân qua Biển Đông từ năm 2014.

Bà Odgaard cho hay một số quốc gia đã điều quân tham gia cùng các tàu của Pháp trong những năm gần đây để ủng hộ lời kêu gọi của EU đối với các quy tắc quốc tế về tự do hàng hải trong khu vực.

“Ví dụ, năm nay Đan Mạch sẽ điều một tàu khu trục nhỏ và Pháp sẽ điều một nhóm tàu sân bay tới Ấn Độ-Thái Bình Dương”, bà nói. “Do đó, có sự gia tăng dần trong nỗ lực này, vốn được một nhóm các quốc gia ủng hộ, khi tất cả đều nhất trí rằng chúng ta nên tiến hành các hoạt động để ủng hộ tự do hàng hải ở Biển Đông”.

Theo chuyên gia trên, một số quốc gia EU có thể tiến hành các cuộc tập trận quân sự với Ấn Độ và Nhật Bản, vì vậy không chỉ EU mà một nhóm lớn các quốc gia đều nhận được thông điệp rằng sẽ là cả EU hành động chứ không chỉ các quốc gia đơn lẻ.

Anh có kế hoạch đưa một hàng không mẫu hạm tới Thái Bình Dương và đang cân nhắc thiết lập một chuỗi các căn cứ quân sự mới trong khu vực. Pháp đang thảo luận khả năng tiến hành các cuộc tập trận với Nhật Bản.

Ông Patrick Cronin, người đứng đầu mảng an ninh châu Á – Thái Bình Dương cho Viện Hudson, đã kêu gọi đưa châu Âu vào quỹ đạo Ấn Độ-Thái Bình Dương để thúc ép Trung Quốc tuân thủ các quy định tự do hàng hải trong vùng biển quốc tế.

Trong một tài liệu của EU công bố tuần trước, Ủy ban Châu Âu đã lần đầu tiên xác định Trung Quốc là một “đối thủ cạnh tranh kinh tế” và “đối thủ có hệ thống nhằm thúc đẩy các mô hình điều hành thay thế”.

Anh cho biết mỗi năm khoảng 124 tỷ USD hàng hóa thương mại, chiếm 12% trong tổng thương mại của Anh – đi qua Biển Đông mỗi năm, “một con số khá lớn trong thương mại của chúng tôi, vì vậy chúng tôi lo ngại bất kỳ ai, dù là Trung Quốc hay bất kỳ nước nào, đang muốn kiểm soát tuyến đường biển này”.

Còn Hà Lan hay Hoà Lan cho biết sẽ cử một tàu chiến tới tham gia cùng tàu sân bay HMS Queen Elizabeth của Anh trong cuộc triển khai hoạt động đầu tiên ở Ấn Độ-Thái Bình Dương vào năm 2021.

Tóm lại Âu Mỹ vì quyền lợi thiết thực của nước mình đã nhập cuộc vào việc bảo vệ tư do hàng hải ở Biển Đông. Đó là một qui trình không thể đảo ngược được. Đó cũng là xu thế Âu, Mỹ quốc tế hoá Biển Đông. Bao lâu Biển Đông được quốc tế hoá thì mộng bành trướng Biển Đông thành ao nhà, sân sau của TC  thành ác mộng của TC. TC sẽ thua./.(VA)

Bài Liên Quan

Leave a Comment