Fiji đã làm thay đổi lịch sử hàng không thế giới ra sao
Sarah StodolaBBC Travel
Hạ cánh xuống sân bay quốc tế Nadi của Fiji trên đường đi từ Sydney là một trải nghiệm ngoạn mục.
Sau hàng trăm rồi hàng trăm km nữa chẳng có gì ngoài biển thì một dải san hô xuất hiện và có thể nhìn thấy được nhờ vào sóng biển đánh vào.
Tiếp đó, những hòn đảo núi lửa ở phía xa, vừa đồi núi, vừa rừng cây và đá sỏi tất cả đều có cùng một lúc.
Ở phía trước, đảo chính của Fiji có tên là đảo Viti Levu dần hiện ra. Hòn đảo này quá lớn để có thể nhìn trọn bao quát hết ngay cả từ đằng xa.
Hai cảm giác song song về sự rộng lớn và sự xa xôi là ấn tượng đầu tiên.
Mò mẫm dò đường
Đó là cảnh quan rất ấn tượng, và nó thậm chí còn ấn tượng hơn nữa bởi nó đã giúp đưa ngành hàng không bước vào thế kỷ thứ 21.
Không phận phía trên quần đảo này là nơi đầu tiên đưa Hệ thống Định vị Toàn cầu, mà chúng ta thường biết đến với tên gọi GPS, vào hệ thống hàng không cùa họ. Bằng cách làm này, Fiji đã thay đổi vĩnh viễn cách chúng ta di chuyển từ Điểm A đến Điểm B.
GPS là do quân đội Mỹ phát triển vào những năm 1970 với ý định nhằm cải thiện quy trình xác định đường đi đang có.
Vào lúc đó, máy bay tìm đường chủ yếu dựa vào radar và dò đường bằng mắt.
Kể từ hồi thập niên 1940, các phi công đã đi theo những tuyến đường được xác định bằng những \’cột mốc\’ trên mặt đất, hoặc là dưới hình thức sóng radio hay các cách đánh dấu có thể thấy được.
Hệ thống đó không hoàn hảo. Ví dụ như ở Fiji, chỉ có năm trạm kiểm soát không lưu được trang bị với hệ thống phát sóng radio, có nghĩa là trên 80% không phận rộng lớn của nước này, các phi công không có radar để dựa vào.
Mọi thứ trở nên phức tạp hơn khi bay qua đại dương rộng lớn.
Khi không có trạm phát sóng nào cả, các phi dùng cách \’ước đoán chết\’, một kỹ thuật dò đường dựa trên vị trí cuối cùng trước đó để ước đoán vị trí hiện tại; và dò đường trên trời, vốn tham khảo vị trí của các thực thể trên trời như Mặt Trời, Mặt Trăng hay hành tinh nào đó bằng cách dựa vào khoảng cách của với đường chân trời có thể nhìn thấy được.
Cho đến nửa sau của Thế kỷ 20, các phi hành đoàn trên các chuyến bay xuyên đại dương thường được trang bị một thiết bị gọi là \’thiết bị dò đường bay\’, vốn giúp cho các phi công giảm đáng kể gánh nặng dò đường.
Đột phá GPS
Với GPS thì vị trí máy bay có thể được cập nhật liên tục và chính xác bằng cách lập tọa độ tam giác dữ liệu giữa các vệ tinh và vị trí máy bay trên Trái Đất. Vào năm 1978, vệ tinh đầu tiên trong tổng số 24 vệ tinh chung cuộc để hoàn chỉnh hệ thống GPS được đưa vào quỹ đạo, khởi động một dự án phóng kéo dài 15 năm.
Lúc đầu, Bộ Quốc phòng Mỹ xem xét tính phí nếu công chúng sử dụng hệ thống GPS của họ.
Tuy nhiên, sau khi một máy bay của Hàn Quốc bay chệch đường vào năm 1983 và bị bắn rơi trên bầu trời Liên Xô – vào lúc đó, không phận Liên Xô là vùng hạn chế bay, Tổng thống Mỹ Ronald Reagan thông báo rằng GPS sẽ được phổ biến rộng rãi với hy vọng tránh những điều bất hạnh như thế trong tương lai. Quyết định này đã dọn đường cho các công ty phát triển các thiết bị cho mục đích dân sự.
Cho đến cuối năm 1990, 16 vệ tinh GPS đã đi vào quỹ đạo và hoạt động, đủ để cho hệ thống GPS vận hành trong hầu hết các trường hợp trên khắp thế giới.
Công chúng giờ đây có thể tìm mua các thiết bị nhận tín hiệu cá nhân từ những công ty như Trimble Navigation. Chúng chứng tỏ rất có ích cho năng lực quân sự trong cuộc chiến Vùng Vịnh, và các phi công lái máy bay thương mại các nơi cũng dùng nó một cách không chính thức.
Tiềm năng của GPS đã trở nên rõ ràng. Nhưng trên bình diện hàng không thương mại nói chung thì nó cần được thử nghiệm trong môi trường có kiểm soát trước khi có thể đưa ra sử dụng rộng rãi.
Nhu cầu của Fiji
Đến với Fiji: với ngành du lịch ngày càng phát triển làm tăng nhu cầu bay trong nước, đảo quốc nhỏ này rất mong mỏi nâng cập hệ thống dò đường của họ.
Như lời ông Norman Yee, cựu giám đốc điều hành Cơ quan Hàng không Dân dụng Fiji (CAAF), hồi tưởng trong hồi ký có tựa đề \’Đón gió\’, một nhân viên điều hành các chuyến bay có tên là Jack Snow từ New Zealand chuyển đến làm việc ở Fiji trong khoảng thời gian này và đem theo nhiệt huyết đối với công nghệ GPS mới. Người ta ước tính rằng với chi phí cần để trang bị cho một sân bay với các cột mốc hoạt động nhờ radar thì Fiji có thể trang bị cho toàn bộ máy bay trong phi đội nội địa của họ mỗi chiếc một máy nhận tín hiệu GPS.
Và Fiji ở trong hoàn cảnh rất thích hợp để trở thành người đi tiên phong. Quốc gia nhỏ này có ngành hàng không nội địa rất phát triển với 19 sân bay thương mại và bảy không cảng tư nhân.
Và với trên 300 hòn đảo trải rộng trên một vùng biển rộng hơn 500.000 km vuông, việc thử nghiệm có thể dàn trải trên đất liền, biển, núi, các kiểu thời tiết nhiệt đới khắc nghiệt, các đường bay dài – tất cả đều nằm trong một không phận duy nhất.
Fiji tìm đến Mỹ và Cục Hàng không Liên bang (FAA) để tình nguyện làm nơi thử nghiệm cho hệ thống dò đường GPS.
FAA đồng ý chi trả cho việc nâng cấp, cung cấp thiết bị và hỗ trợ kỹ thuật để đổi lấy những thông tin rút ra được từ thử nghiệm.
Mất hơn một năm để chuẩn bị sẵn sàng hệ thống: cùng với việc lắp đặt thiết bị, các đường bay mới phải được vẽ sơ đồ lại, cẩm nang hướng dẫn được soạn thảo trong khi các phi công và phi hành đoàn được tập huấn.
Lần đầu tiên GPS được sử dụng
Ilaitia Tabakaucoro là nhân viên kiểm soát không lưu ở Sân bay Nadi khi công nghệ GPS được đưa vào sử dụng.
Trong chuyến đi của tôi đến Fiji, tôi đã gặp ông ở sân bay nơi đặt trụ sở của CAAPF. Văn phòng chính nằm kế bên đài kiểm soát không lưu của sân bay mà có lẽ là đài kiểm soát đầu tiên trên thế giới xử lý các chuyến bay thương mại dựa vào GPS.
Ông nhớ lại lần đầu tiên ông bay trên máy bay có GPS cùng với một vài người bạn phi công đi từ Nadi đến một hòn đảo nhỏ hơn nằm ở đông bắc.
Chiếc máy bay đó vừa được lắp đặt GPS nhưng chưa có ai sử dụng cả. Họ cất cánh và bay dọc theo bờ biển phía bắc của đảo Viti Levu cho đến khi họ đến Volivoli – một cột mốc hình ảnh – và ở đó họ nghiêng về phía trái để ra biển.
Họ đợi đến lúc họ có thể nhìn ra hòn đảo mà họ muốn đến. Nhưng có gì đó bất thường trong sức gió vào ngày hôm đó và máy bay bị thổi bay đi xa hơn về phía bắc so với dự kiến.
Rõ là họ đã bị lạc giữa không trung. Đó chính là lúc Tabakaucoro nhớ về máy nhận tính hiệu GPS và bật nó lên. Chỉ trong vòng vài phút, họ đã đi trở lại đúng đường.
Đó là một trải nghiệm mang tính mở mắt cho một nhóm phi công vốn đã quen với cách dò đường cũ ở trên trời từ trước đến nay.
Vệ tinh thứ 24 và cũng là cái cuối cùng cũng được phóng lên vào cuối 1993, và vào 4/1994, Fiji chính thức trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới lắp đặt hệ thống GPS vào hệ thống dò đường của họ.
Nó ngay lập tức giúp ích rất nhiều cho quốc gia nhỏ bé này. \”Chúng tôi rất hào hứng với những gì chúng tôi đã đạt được,\” Yee nói với tôi. \”Nó đưa chúng tôi trở thành một tên tuổi lớn trong ngành hàng không.\” Đó là cú hích đối với ngành du lịch đang thịnh vượng của đất nước này.
Nhanh, tiện, an toàn hơn
Fiji đã chứng tỏ rằng GPS có thể cải thiện ngành hàng không bằng rất nhiều cách, giúp nó trở nên nhanh hơn, hiệu quả hơn và an toàn hơn.
Trong một phần tư thế kỷ kể từ khi Fiji đưa hệ thống dò đường GPS vào các chuyến bay nội địa của mình, công nghệ này đã được áp dụng trên toàn cầu, thường là với sự giúp đỡ trực tiếp của các chuyên gia mới của Fiji.
Hiện giờ đã có đến 31 vệ tinh với đa phần trong số 24 vệ tinh ban đầu đã được cho nghỉ hưu hoặc được thay thế.
Thời tiết không còn là trở ngại như trước nữa. \”Trước đây, xu hướng là quay trở lại sân bay xuất phát nếu gặp phải thời tiết xấu,\” Tabakaucoro nói. \”GPS đảm bảo rằng bạn đến được nơi.\” Ngay cả khi có bão. Ngay cả khi tầm nhìn bị hạn chế nghiêm trọng.
Các máy bay giờ đây có thể bay vượt đại dương hàng giờ với thiết bị dò đường chính xác, và có nhiều máy bay hơn cùng xuất hiện an toàn trên bầu trời vào bất cứ thời điểm nào.
Thay vì khoảng cách là 100 dặm giữa hai máy bay bất kỳ bay về cùng một hướng, theo lời lý giải của các quan chức CAAF, quy định quốc tế giờ đây yêu cầu chỉ có 23 dặm.
Trước đây, máy bay từng phải bay sau chiếc bay trước nó 18 phút. Giờ đây, con số đó đã giảm xuống chỉ còn 10 phút.
Thêm nữa, thời gian bay đã được rút ngắn do máy bay giờ đây đã có thể bay thẳng đến nơi thay vì từ cột mốc này đến cột mốc khác.
Trước khi có GPS, các máy bay buộc phải có đủ nhiên liệu để quay về trong trường hợp không thể hạ cánh được ở điểm đến mới được bay.
Sau khi GPS ra đời, biện pháp phòng hờ đó trở nên không cần thiết nữa, và các máy bay đã có thể không cần lượng nhiên liệu thừa đó.
Một báo cáo của Liên Hiệp Quốc vào năm 1996 kết luận rằng mức độ hiệu quả hơn về nhiên liệu có nghĩa là chi phí bỏ ra cho các thiết bị nhận tín hiệu GPS ở Fiji tự chúng sẽ hoàn lại chỉ trong vòng 3 tháng.
Với tất cả những phàn nàn của chúng ta về các sân bay đương đại và về việc di chuyển bằng đường hàng không, có lẽ chúng ta sẽ cảm thấy dễ chuỵ khi nhớ rằng nhờ có quốc đảo Fiji nhỏ xíu trên Thái Bình Dương, nay chúng ta đã có thể tới đích nhanh hơn, an toàn hơn bao giờ hết.