Chuly sưu tầm
Mẹ & Mẹ Tôi.
Written by Tâm Không Nguyễn Văn Nhớ
(Viết để nhớ Ngày giỗ của Mẹ tôi.)
Thật khó bắt đầu như thế nào để viết về Mẹ, bởi hằng ngày khi nhìn những bà Mẹ già tóc bạc tôi cứ ngỡ như Mẹ mình. Mẹ là danh từ chung, nhưng tôi thường thích viết hoa.
Viết về Mẹ, nhưng loáng thoáng đâu đó như nói về mình cho con hiểu. Hiểu Mẹ, nhưng hiểu được gì trong lúc Mẹ là một biển trời mênh mông, như bốn mùa luân lưu trong vũ trụ, tràn ngập quá nhiều chuyện… Ngay ba chữ Mẹ đi xa. Tôi biết con tôi cũng hiểu khác tôi. Nó còn nhỏ và ngôn ngữ Mẹ đẻ thật khập khiểng, không hiểu được sâu sắc. Một lần tôi nghe con tôi trả lời với một bác đến nhà: Bà nội con chết rồi- Chữ chết- nghe dễ sợ quá, phần đông không ai thích. Nhưng đó là một sự thật không ai có thể trốn thoát. Có gì đau xót hơn là biết không bao giờ gặp lại Mẹ, để cầm được bàn tay già cả nhăn nheo, xác thân Mẹ thân quen đã mất hút vĩnh viễn, đã trở về cát bụi. Tôi nghe lảng vảng đâu đó tiếng Mẹ la anh chị em chúng tôi khi còn nhỏ: “Tụi bây ăn của trời đừng sống ác đức.” Đúng! Càng lớn khôn càng thấm thía câu nói mộc mạc quê mùa của Mẹ. Sống nhờ thiên nhiên, ăn cuả trời đừng làm chuyện ác. Lời Mẹ dạy thật đơn giản! Chuyện ác là lợi mình mà hại người. Sống nhờ Trời, Trời của Mẹ tôi là ruộng đồng, là cây cối, giòng sông, là gió, là gia đình, bà con lối xóm, là tất cả những gì liên quan đến con người. Tôi biết như vậy cho nên khi nghĩ về Mẹ là tôi biết ơn cuộc đời một cách sâu xa.
Mẹ tôi đã đi xa, đã trả xong món nợ thiên nhiên. Tôi thích một định nghĩa về cái chết To die: To pay the debt of nature. Đúng! Mẹ tôi đã trả xong món nợ thiên nhiên một cách trọn vẹn, bỏ hơi thở cuối cùng lúc 15 giờ 30 ngày 14 tháng 3 năm 1998, tức là ngày 16 tháng 2 năm Mậu Dần. Xả bỏ xác thân, người Việt Nam đôi khi nói nôm na là về với ông bà, là về chầu Trời, chầu Phật. Với ý niệm đó tôi biết Mẹ tôi đã về chầu Phật. Chắc là như vậy vì Mẹ tôi đã ra đi một cách êm ái, nụ cười còn tươi một ngày trước lúc đi xa, cho nên mỗi lần tôi thắp nén hương và nhìn Đức Phật A Di Đà với cánh tay thỏng xuống như muốn dang tay cứu vớt chúng sanh, trong đó có Mẹ tôi, tôi tin Mẹ tôi đang ở đâu đó trên cỏi trời Tây Phương Cực Lạc. Muốn gặp Mẹ, tôi phải tránh con đường cuả kẻ ác, gần hạng bất nhân là có nghiã bất hiếu với Mẹ, phải buông bỏ những dối trá lọc lừa, bất thiện, phải tìm mọi phước duyên để được gần gủi những bậc thiện trí thức mà học và hành động theo thiện nghiệp để men theo dấu chân Phật A Di Đà mà đi. Tôi không tin chết là hết. Hình như hơi thở của Mẹ tôi đang chuyển đẫy máu huyết luân lưu trong cơ thể tôi. Mỗi ngày, tôi tồn tại bởi tôi nghĩ đến Mẹ. Mẹ tôi đang sống mãnh liệt trong tôi từng phút từng giây. Tôi tự hào và sung sướng khi nghĩ đến Mẹ, người Mẹ quê nghèo và quá đổi gian nan. Mẹ không biết chữ mà lại là cô giáo đạo đức đầu tiên vĩ đại nhất của cuộc đời tôi. Tôi đang ở tuổi bắt đầu trên sáu mươi, nhưng như một đứa trẻ tôi bắt đầu học ôn lại những bài học đạo đức từ Mẹ như một hành động chuyển nghiệp tự thân. Mẹ là Bồ tát hóa thân đang chuyển hóa thiện căn trong đời sống tôi.
Tôi ở làng An Cựu tây ngoại ô thành phố Huế và bài học đạo đức lớn đầu tiên trong đời sống tôi là từ Mẹ dạy. Lúc nhỏ đã một lần tôi là thằng ăn cắp. Tôi không thể nào quên tôi đã là một thằng ăn cắp. Năm đó tôi vào khoảng 7 hay 8 tuổi đang học lớp mẫu giáo ở một thầy giáo làng, thầy Trợ Ph….thôn Tứ đông, làng An Cựu. Lớp học là nhà ở của thầy. Ngồi bên cạnh tôi là bạn A. Đúng! Tôi không thể quên, bạn ấy con nhà giàu, áo quần, cặp sách tươm tất. Còn tôi thì quá nghèo! Chúng tôi viết bằng ngòi viết lá tre cán gỗ, chấm mực. Bạn A có ba cây bút, viết một cây và hai cây cất trong cặp. Đã mấy ngày tôi nhìn và tháy máy cây viết đó, tôi nghĩ đến chuyện lấy nhưng lo sợ. Buổi trưa, hai ba ngày sau đó, bạn ra chơi ở sau vườn. Tôi ở lại trong lớp và lấy cây bút của bạn. Từ lớp học về nhà, tôi băng qua cánh đồng An Cựu. Kiếm một chỗ vắng ngồi xuống, nhìn lên bầu trời, nhìn xung quanh ba lần bốn lượt và tin chắc là không có ai thấy, tôi mang cây viết ra mân mê, vừa sung sướng vừa hồi hộp và lo sợ. Về nhà tôi để cặp sách vào một góc nhà, nhìn Mẹ nhìn anh chị, với tâm trạng bất an, tôi đứng ngồi không yên, cứ ngỡ như mình ăn cắp cái gì trong ngôi nhà này. Chiều hôm sau tôi mang cây viết ra để viết. Một một cảm giác êm ái từ ngón tay vì ít khi tôi có được cây viết mới như thế và tôi viết trong niềm vui khờ dại cuả tôi. Mẹ tôi ngạc nhiên hỏi bởi thấy tôi có cây viết lạ và mới.
Mẹ tôi hỏi:
“Viết ở mô mà mới rứa?”
Tôi luýnh quýnh:
“Dạ con mua.”
“Tiền mô mà mi mua, Mi ăn cắp hà?”
Tôi càng luýnh quýnh, nên khai thật
“Dạ con lấy của thằng bạn”
“A! mi gan thiệt. Mi không biết xấu hổ, Mi phải đem đi trả. Tau không muốn thấy nó.”
Để Mẹ tôi yên lòng, tôi nói:
“Con lấy, nó không biết”
“Nó không biết nhưng cha mi biết, Mẹ mi biết, lòng dạ mi biết..”
Mẹ giận lắm. Lần đầu tiên tôi nghe Mẹ tôi la mắng một cách giận dữ.
Mẹ tôi là người nhà quê chưa bao giờ đi học, lúc nhỏ tôi chưa bao giờ nghe được tiếng Con dịu dàng từ Mẹ, chỉ nghe tiếng Mi, nhưng tôi biết trong lòng Mẹ đối với tôi là cả một biển trời mênh mông dịu ngọt.
“Tau không dạy mi ăn cắp.” Mẹ nói.
Lời Mẹ như trách móc, giận dữ, đầy tràn thất vọng, xối xả bên tai tôi: “Mi lấy, bạn mi không biết, nhưng mi biết, Trời biết, một ngày nào đó ai cũng biết.”
Đúng! Và tôi đã là một thằng ăn cắp, một vết nhơ tội lỗi trong lương tâm tôi và đó cũng là nổi thất vọng nhơ nhuốc trong cuộc đời thanh bạch cuả Mẹ.
Mẹ tôi dặn thêm một lần nữa là ngày mai phải trả lại cho bạn ấy.
Ngày hôm sau khi đi chợ về vẫn còn thấy tôi dùng cây viết đó để chép bài. Mẹ tôi ném cặp sách của tôi vào góc nhà và la lớn: “Đừng học cho nhiều! học cho lắm khi lớn lên trở thành thằng ăn cắp thì thật xấu hổ tổ tông!” Không đợi tôi trả lời, Mẹ tôi cầm cây viết, kéo xệch tay tôi nói lớn: “Nhà nó ở đâu đi với tau! Tau đi trả viết lại cho nó.” Một sức mạnh vô hình nào đó đẫy tôi đi băng qua cánh đồng An Cựu nhắm hướng nhà bạn A, Mẹ tôi đi theo không nói một lời. Đến nhà bạn, Mẹ tôi nói gọn: “Thằng Nhớ ăn cắp cây viết của con cho bác trả lại!” Nghe Mẹ nói, tôi như rúng động, như gió bảo thổi đi rác rưới ô uế từ thâm căn cố đế trong tôi. Hai Mẹ con trở về, trên cánh đồng
cơn giông mùa hạ kéo đến, bầu trời vần vũ mây đen, cơn giông gầm thét, hai Mẹ con chưa kịp đến nhà, mưa ập xuống. Mình Mẹ phủ nước trắng xóa, trắng như một thiên thần dẫn tôi đi trên cánh đồng An Cựu. Nước mắt tôi chảy ngược vào trong trái tim hối lỗi và như chan hòa trong cơn mưa màu trắng đục!
Mẹ ơi! Hôm nay là ngày giổ lần thứ 10 cuả Mẹ. Đã lâu rồi con không về bên ngôi mộ của Mẹ để thắp cho mẹ một nén hương, dâng lên cho Mẹ một chung trà và thưa chuyện cùng Mẹ. Nghĩ đến Mẹ với nhiều nổi xót xa. Đời con đã bao lần đối mặt với cái chết, với bao nổi thống khổ, bất hạnh, túng quẩn và đói khát. Con nhớ trong một thoáng nào đó con đã có ý tưởng mông muội tham lam nhưng con đã cảm thấy xấu hổ và xót xa. Con vô cùng biết ơn Mẹ. Hình ảnh cơn mưa giông năm nào trắng xóa phủ lên mình Mẹ và câu nói của Mẹ cứ lảng vảng trong lòng con như lời kinh nhật tụng: “Thằng Nhớ ăn cắp cây viết của con, cho bác trả lại!” Tất cả lại về trong con. Mẹ ơi! Nếu con có được một phần trong sạch trong lương tâm thì đó là nhờ con nhớ tưởng thâm sâu từ sự đau đớn của Mẹ bởi sự xấu xa của con. Đúng! Học cho nhiều cũng chẳng ích lợi gì cho xã hội khi trở thành thằng ăn cắp. Mẹ thường dặn dò chúng con đừng để túng thiếu, vì xấu xa bắt nguồn từ sự túng bấn nhỏ nhoi.
Tôi biết, những cái gì chỉ có Một là quý. Mẹ chỉ có Một. Không có gì có thể thay thế được! Mẹ Con là một. Mẹ ơi! Hãy giúp cho con sức mạnh và nghị lực để con buông bỏ những giả ngụy, để nhìn cho ra cái chân tướng của mình vì đánh lừa mình là giả dối yếu hèn, cần nhìn thẳng vào cái xấu xa dơ bẩn trong tận cùng lương tâm để làm mới con người. Nhớ Mẹ, tôi lại nhớ làng quê xa, thầy xưa, bạn cũ đã qua đời hay đang sống đâu đó. Tất cả luôn luôn nằm sâu kín trong lòng tôi, xin hiểu cho đây là lời sám hối và tri ân cuả tôi nhân ngày giỗ Mẹ.