Người Bạn Láng Giềng.

Chuly sưu tầm

Người Bạn Láng Giềng.
Written by Tạp ghi Huy Phương

Văn chương, âm nhạc Việt Nam đã bao nhiêu lần nói đến hình ảnh một cô láng giềng xinh đẹp, Hoàng Quý thì: “Năm xưa khi tôi bước chân ra đi.

Ðôi ta cùng đứng bên hàng tường vi. Em nói rằng em sẽ chờ đợi tôi”.


Nguyễn Bính cũng đã thầm yêu cô bé hàng xóm: “Mắt nàng đăm đắm trông lên. Con bươm bướm trắng về bên ấy rồi! Bỗng dưng tôi thấy bồi hồi. Tôi buồn tự hỏi: Hay tôi yêu nàng?”

Trong chúng ta, ngày xưa ấy, ai đã có một cô nàng hàng xóm xinh đẹp để mơ mộng đem lòng yêu thương, hay chẳng may hôm nay, ở cạnh một nhà hàng xóm có thằng cha hung bạo hay con chó dữ.

Thực tế không hoàn toàn đẹp đẽ như thế để giữa hai nhà có một “cái dậu mùng tơi xanh rờn”, mà không có gì khổ tâm bằng mua nhà xong, dọn tới mới thấy mình đang phải ở gần một nhà hàng xóm bất như ý. Tôi cho rằng người láng giềng thật quan trọng hơn cả anh em, họ hàng, ruột thịt. Bà con, bạn bè có vui vẻ, tử tế thì cũng ở xa, nhưng ngay trước mặt nhà là anh hàng xóm, buổi sáng mở cửa ra là đã thấy mặt. Mối giao hảo này rất quan trọng, đến nỗi xưa kia, ông bà chúng ta đã khuyên “bỏ bà con xa, mua láng giềng gần”, vì khi tối lửa tắt đèn, lúc đau ốm, hoạn nạn người láng giềng ở cạnh chúng ta quan trọng hơn là máu mủ, ruột thịt nhưng ở xa. Nhà bên nhà có cây cam lã ngọn sang mình, mùa có trái cũng xin tùy nghi sử dụng, giao tình, khi có mớ rau, nải chuối ngon cũng sai con đem sang biếu ông bạn láng giềng. Còn lại những lúc gia đình có chuyện cưới hỏi, kỵ giỗ cũng mời láng giềng sang dùng chén rượu, đi lại, qua về thân thiết.

Bạn thử tưởng tượng ngày xưa ở Việt Nam, nếu chẳng may chúng ta ở gần nhà một anh chàng làm nghề gò thùng thiếc, cứ suốt ngày nghe tiếng gõ cũng đủ điên cái đầu, hay dọn về ở gần lò sát sinh, cứ mỗi sáng lại nghe tiếng heo bị chọc tiết. Cũng có khi dọn nhà gần ông hàng xóm rượu chè say sưa chửi vợ đánh con, hay có lũ nhóc mở nhạc hết cỡ tối ngày. Cũng có bà hàng xóm thường hay ghé mũi vào chuyện nhà người khác, nhòm ngó vào cả cái giỏ đi chợ của mình, hay ngồi lê đôi mách, đem chuyện nhà này lết đến nói chuyện với nhà nọ. Cũng có nhà hàng xóm chuyên đem rác nhà mình đổ vào thùng rác nhà bên cạnh hay có con chó nhà bên cạnh tưởng sân nhà mình là chỗ vệ sinh. Ðó là chưa nói đến gương xấu hàng xóm còn ảnh hưởng đến việc giáo dục cho con trẻ nhà mình như chuyện mẹ thầy Mạnh Tử dọn nhà:

“Thầy Mạnh Tử, thuở nhỏ nhà ở gần nghĩa địa, thấy người đào, chôn, lăn khóc, về nhà cũng bắt chước. Bà mẹ thấy thế nói:

– Chỗ này không phải chỗ con ta ở được. Rồi dọn nhà ra gần chợ.

Thầy Mạnh Tử ở gần chợ, thấy người buôn bán điên đảo, về nhà cũng bắt chước nô nghịch buôn bán điên đảo. Bà mẹ liền dọn nhà đến ở cạnh trường học.

Thầy Mạnh Tử ở gần trường học, thấy con trẻ đua nhau học tập lễ phép, cắp sách vở, về nhà cũng bắt chước học tập lễ phép, cắp sách vở. Bấy giờ bà mẹ mới vui lòng nói:

– Chỗ này là chỗ con ta ở được đây!

Thuê nhà thì còn dễ, lỡ mua nhà rồi, làm sao có thể ngày một ngày hai dọn đi khỏi nơi ấy.

Nước Mỹ có một anh hàng xóm rất kỳ cục. Ðồng ý là cái nước Mễ bên cạnh đã cung cấp hàng triệu lao động chân tay cho người Mỹ đỡ phải cắt cỏ, rửa chén bát hay trộn hồ xây nhà, nhưng nhịp độ vượt biên giới sang Mỹ của anh hàng xóm này khiến ai cũng phải sốt ruột. Nếu không có biện pháp “phòng thủ” thì rồi đây vùng đất này sẽ bị Mễ tràn ngập, vì trước năm 2000, mỗi năm có khoảng 1.6 triệu người nhảy rào vào đến Mỹ bất hợp pháp, trong đó 90% là Mễ. Năm nay để giữ nhà, Mỹ đã gửi 1,200 quân đến vùng biên giới Mỹ-Mễ Tây Cơ để ngăn chận di dân nhưng cũng để ngăn chận cả ma túy xâm nhập, và cũng yêu cầu có thêm 500 triệu đô la cho việc bảo vệ biên giới và dành cho các hoạt động của cảnh sát. Anh chàng hàng xóm này lại tự cho mình có quyền nhảy rào sang nhà hàng xóm, nên khi hàng xóm xây lại hàng rào hay nuôi chó giữ nhà đã lớn tiếng phản đối. Ở gần anh hàng xóm như loại này quả là phiền toái, khi hàng xóm không những luôn luôn có ý định nhảy rào, lại còn đào hầm dưới đất, sẵn sàng tuồn qua nhà mình những thứ hàng cấm như vũ khí, bạch phiến.

Hàn Quốc thì gặp phải thằng anh em vừa ruột thịt vừa hàng xóm, nhà ở sát vách. Người anh em này vốn chây lười, nghèo kiết xác nhưng lại không lo làm ăn, theo làng dao búa, thích đâm chém, thường ăn vạ theo kiểu Chí Phèo. Những năm mất mùa đói rách thường mang rá đi xin gạo, anh em cứu giúp bao nhiêu cũng không đủ, nhưng hễ bất bình, lại cầm dao lớn tiếng dọa giết người, làng trên xóm dưới, ai cũng kiềng mặt. “Thứ nhất sợ kẻ yêng hùng, thứ hai sợ kẻ cố cùng liều thân.” Có một anh chàng hàng xóm như thế, quả là đau khổ.

Trường hợp phải ở cạnh nhà một anh chàng vừa hung hãn, tham lam, lại gian hùng thì bạn nghĩ sao. Nếu chúng ta không đủ sức để đối phó, đương đầu lại thì phải làm ngơ, giả câm giả điếc, chịu lép vế, giả lả, mỗi lúc gặp gỡ cũng cười cầu tài cho qua chuyện. Bạn đã bao giờ sống gần một anh hàng xóm chờ khi bất kỳ sơ ý, thường xê dịch cái hàng rào giữa hai nhà để lấn thêm vài phân đất, đổ rác rưởi hay nước bẩn qua vườn nhà mình. Tuy thường khi gặp nhau, y cũng nói đến mối tình láng giềng, khi tối lửa tắt đèn có nhau, dặn dò canh trộm cướp cho nhau, nhưng chính y lại là kẻ vừa ngang nhiên ăn cướp, vừa phòng khi ta không đề phòng mà trổ tài trộm đạo.

Những trò tiểu xảo, gian hùng đã có từ trong máu huyết của anh hàng xóm nay từ nghìn xưa, nên điều gì có lợi thì hắn làm, sống chết mặc ai, mà bề ngoài, miệng luôn luôn nói điều nhân nghĩa. Y cho vay cắt cổ, nhân danh tình bằng hữu lân lý, đưa láng giềng vào chỗ mang ơn khó trả. Do vậy, y thao túng thế nào láng giềng cũng phải cúi đầu chịu nhục, thậm chí nay mai y muốn chiếm nhà, đoạt con gái người ta cũng không thể nào dám đứng lên bảo vệ quyền lợi của mình.

Anh hàng xóm này chính là tên Hán gian mưu mô, hung hãn đang ở bên nách nước Việt, mà mỗi lúc y giở trò, lối xóm của y không làm sao đỡ nổi hậu quả nặng nghìn cân. Những trò tiểu xảo ốc bưu vàng, thịt tiểu hổ, móng trâu… làm cho nông nghiệp nước Việt điêu đứng cũng chỉ là chuyện nhỏ, những chuyện ngang nhiên trên biển cả của chúng ta, bắt bớ, giam cầm ngư dân như những kẻ tội phạm. Cái hèn trước nhà hàng xóm là người chủ gia đình không biết nhục, khiến con cái phải van lạy trước kẻ thù, lại nói lời nịnh bợ cho được lòng quân cướp. Tội ươn hèn này làm nhục cho tổ tiên và làm khổ cho lê dân.

Người ta thường gọi láng giềng là bạn, chẳng bao giờ gọi là thù, vì vậy kẻ thù xa không nguy hiểm bằng kẻ thù gần, ở ngay sát nách nhà mình, thường khó đề phòng mà cũng không dễ chống đỡ. Phúc cho ai có được người láng giềng lương thiện, mà cũng khốn khổ cho ai ở cạnh tên hàng xóm côn đồ.

Bài Liên Quan

Leave a Comment