Phi cơ VNCH có công giúp Hoa Kỳ thắng Iraq năm 1991
Vài ngày sau khi lực lượng cách mạng tiến vào Sài Gòn hôm 30/04/1975, Tổng thống Hoa Kỳ được thông báo về những quyết định mới nhất của chính quyền quân quản Sài Gòn – Gia Định.
Báo cáo \’chỉ dành riêng cho Tổng thống\’ (for President only) của CIA ngày 5/05/1975 ghi một loạt sự kiện:
- Ủy ban quân quản đã được thành lập, do Tướng Trần Văn Trà làm chủ tịch;
- Chính quyền ra các thông báo đầu tiên, gồm cả việc yêu cầu mọi quân nhân VNCH cũ \”ra đăng ký, trình diện\”;
- Tờ \’Sài Gòn Giải phóng\’ ra số đầu tiên.
Tổng thống Gerald Ford cũng nhận được thông tin rằng, \”chuyến bay Việt Cộng – a Vietcong flight – đầu tiên đã đáp xuống Tân Sơn Nhất.
Nhưng tin quan trọng hơn khiến Hoa Kỳ không thể bỏ ra, là yêu cầu của chính quyền cộng sản Việt Nam \”gửi công hàm sang Thái Lan, Philippines, Malaysia và Singapore\” đòi lại các tàu thuyền, chiến hạm và rất nhiều máy bay của Không quân VNCH bỏ chạy sang các nước láng giềng.
Câu chuyện về cả trăm loạt phi cơ mang phiên hiệu Không lực VNCH – VNAF đã đáp xuống U Taphao, Thái Lan, để rồi sau trở về Mỹ.
Có cựu phi công VNCH sau đã tham chiến ở vùng Vịnh năm 1991 được ghi lại trong bài \’Escape to U Taphao\’ của Ralph Wetterhahn trên tạp chí Air & Space Magazine (01/1997).
Bài báo kể về hai nhân vật: Henry Lê của VNCH và Chuẩn tướng Không quân Hoa Kỳ Harry \’Heinie\’ Aderholt.
Bay sang U Taphao rồi đi tiếp
Ông Henry Lê đã lái chiếc A-37 bay thoát khỏi phi lộ bị pháo kích ở sân bay Tân Sơn Nhất ngày 29/04/1975 cùng hai đồng đội.
Đáp xuống U Taphao, ông trao lại chiếc phi cơ cho lực lượng Hoa Kỳ ở Thái Lan MACTHAI. Sau đó, ông sang Guam, rồi về Mỹ tiếp tục làm phi công.
Về sau, ông là trung tá trong Quân Trừ bị Hải quân Hoa Kỳ, bay các chuyến S-3 Viking săn ngầm ở Subic Bay và A-6 Intruder tại vùng Vịnh Ba Tư.
Nhưng Henry Lê chỉ là một trong hàng trăm phi công VNCH thoát khỏi Nam Việt Nam những ngày cuối của cuộc chiến.
Sau Hiệp định Paris 1973, Hoa Kỳ rút quân nhưng bàn giao lại rất nhiều phi cơ cho VNCH, khiến nước này trở thành cường quốc không quân thứ tư thế giới.
Một thống kê nói đến năm 1973, Không lực VNCH có 2276 phi cơ, tăng lên từ 482 chiếc năm 1969.
Trong các cuộc giao tranh năm 1975, hàng trăm phi cơ đã bị lực lượng cách mạng và Bắc Việt giành lấy, và một số chiếc sau được dùng trong cuộc chiến Campuchia.
Dù Hoa Kỳ cử Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Erich von Marbod và ông Richard Armitage, cựu quan chức tình báo hải quân thạo tiếng Việt sang Sài Gòn hôm 24/04 để tìm cách đem phi cơ, tàu chiến của VNCH ra khỏi Việt Nam, nhưng kế hoạch đó không được thực hiện đầy đủ, một phần vì Đại sứ Graham Martin phản đối.
Chưa kể nhiều sân bay đã bị pháo kích và các cơ đội VNCH không kịp chuyển hết phi cơ từ miền Trung và Biên Hòa về Cần Thơ, ra Phú Quốc.
Tuy nhiên, hàng trăm máy bay VNAF đã bay sang các nước Đông Nam Á cùng phi công của họ.
Và ở Thái Lan, có những người Mỹ như tướng Alderholt đã tìm mọi cách giữ phi cơ này lại chứ không nộp cho Hà Nội.
Không lực [của VNCH] đã ngừng tồn tại ngày 30 tháng Tư năm 1975, có lịch sử đúng 20 năm, không một ngày ngưng tiếng súngRalph Wetterhahn
Là tư lệnh MACTHAI, ông Harry Aderholt tin rằng nếu tất cả số phi cơ này, nhiều chiếc mới toanh, rơi vào tay Bắc VN thì chẳng mấy chốc mà đồng minh Thái Lan bị đe dọa áp đảo về không lực.
Mặt khác, ông cho rằng phi cơ thuộc sở hữu của chính phủ Mỹ, chỉ cho VNCH mượn mà thôi, và vì vậy Mỹ không phải trả cho ai hết.
Sau tháng 4/1975, có cả thảy 165 phi cơ quân sự của VNCH tới U Taphao, gồm cả phản lực cơ F-5, máy bay vận tải C-130A Hercules, trực thăng UH-1 Bell…
Ngoài ra còn có 97 phi cơ của quân đội hoàng gia Campuchia chạy sang khi Phnom Penh bị Khmer Đỏ vào chiếm đầu tháng 1/1975.
Sức ép ngoại giao từ Hà Nội lên Hoa Kỳ và các chính phủ trong vùng khiến Tướng Aderholt đã phải tự ý làm những việc \”ngoài luồng\” để cứu máy bay VNCH, và ông đã bị mất chức cho hành động này.
Chẳng hạn, Aderholt đã tự tổ chức vận chuyển máy bay ra tàu sân bay Mỹ, đem máy bay cũ, nhỏ hơn bay đi các phi trường nhỏ, hẻo lánh ở Thái Lan để cất, rồi sau đó thuê cả thuyền để chở chúng từ rừng ra đường xá và chuyển về Mỹ.
Chỉ trong một lần vận chuyển, hàng không mẫu hạm USS Midway đã đem 101 phi cơ của Không lực VNCH về Guam, để sau đó có 21 chiếc F-5E về tận căn cứ McClellan Air Force Base ở California.
Chưa kể, quân Mỹ còn phải tìm cách cứu máy bay và phi công VNCH đáp khẩn cấp xuống Thái Lan.
Một phi cơ A-37 còn nguyên bom dưới cánh đã đáp xuống xa lộ phía Bắc Bangkok và phi công người Việt đã lái nó chạy khỏi con lộ, tới sân một trường học thì lao vào và dừng lại.
Phía Mỹ đã cử người tới lái chiếc máy bay bay về căn cứ Korat.
Đa số máy bay cuối cùng được chuyển về Hoa Kỳ, tới các căn cứ ở Arizona, Nevada và có chiếc được đưa về California.
Cuối cùng thì không một chiếc máy bay nào của VNCH được Thái Lan và các nước trong vùng trao lại cho nước VN thống nhất.
Tiếp tục hoạt động
Trong vòng 12 năm tiếp theo, phi cơ F-5E từng mang phiên hiệu VNAF được dùng trong huấn luyện để giới thiệu cho phi công Mỹ các thế hệ sau cách chống máy bay Liên Xô.
Những phi công này đã thành công trong cuộc chiến đánh Iraq trên bầu trời Baghdad năm 1991.
Tỷ lệ \’sát thủ\’ của họ nhắm vào không quân Iraq do Liên Xô huấn luyện là 4:1.
Ralph Wetterhahn kết luận:
\”Thành tích này, một phần không nhỏ thuộc về các nỗ lực của những phi công cuối cùng của Không lực VNCH. Nhiều máy bay họ đem ra khỏi Việt Nam vẫn tiếp tục bay trên khắp thế giới. Không lực của họ đã ngừng tồn tại ngày 30 tháng Tư năm 1975, có lịch sử đúng 20 năm, không một ngày ngưng tiếng súng.\”
Chuyến bay cuối cùng
Chuyện về máy bay của Việt Nam Cộng Hòa tưởng như chỉ dừng lại ở đó nhưng không phải.
Cuối năm 1979, một chiếc C‐130 Hercules từ Việt Nam xin đáp khẩn cấp xuống Singapore, chở trên khoang 13 người.
Trước sự kinh ngạc của chính quyền sở tại, một sỹ quan không quân Quân đội Nhân dân Việt Nam cùng thân nhân yêu cầu Singapore cho họ liên lạc với Đại sứ quán Hoa Kỳ để xin đi Mỹ tỵ nạn.
Theo New York Times trong bản đăng tin hôm 26/11/1979, Hoa Kỳ trả chiếc máy bay này cho Việt Nam nhưng cho toàn bộ nhóm người đi Mỹ.
Có lẽ đây là chiếc máy bay VNCH cuối cùng từ Nam Việt Nam trốn sang Đông Nam Á, hơn bốn năm sau khi cuộc chiến kết thúc.
Báo Việt Nam cho biết trong vụ \’cướp máy bay C-130\’ này, người thực hiện là cơ trưởng Tiêu Khánh Nha.
Trước đó, vào tháng 3/1978, một phi cơ C-47 do thượng úy Đinh Công Giểng, người Bắc, và cựu trung tá phi công VNCH Lại Đắc Ngọc cùng điều khiển đã trốn sang Singapore.