\”Lời Mẹ Dặn” Tuyên Ngôn Của Người Cầm Bút

Chuly sưu tầm

\”Lời Mẹ Dặn” Tuyên Ngôn Của Người Cầm Bút
Written by Ngô Minh 

(“Lời mẹ dặn” và “Lời mẹ dặn – Thật hay không?”)

Bài thơ “Chống tham ô lãng phí” trong Giai phẩm mùa Thu tập II (9-1956) của Phùng Quán được những nguời cực đoan thời đó đánh giá là một bài thơ “nói xấu chế độ”.

Phùng Quán thời tham gia bộ đội chống Pháp 

Sau nhiều lần học tập, viết bản tự kiểm điểm, bị “đấu tố”, Phùng Quán có nguy cơ bị khai trừ ra khỏi Hội Nhà văn, bị đưa ra khỏi biên chế Tạp chí Văn nghệ Quân đội, nơi anh đã dấn thân theo Vệ Quốc đoàn từ tuổi thiếu niên, rồi phải đi “lao động cải tạo” nhiều năm.

Thực tế gần một năm sau, tức đến năm 1958, những hình thức kỷ luật này mới được thi hành, nhưng lúc đó ai cũng đã biết trước. Đối với người miền Nam xa quê hương, thân cô thế cô giữa phố phường Hà Nội như Phùng Quán, nguy cơ bị kỷ luật như thế là rất đáng sợ.

Bị coi là “phản động”, ai cũng tìm cách xa lánh, lại bị tách khỏi môi trường lính quen thuộc, xa đồng chí, bạn bè, dễ làm người trẻ tuổi trở nên hoang mang tuyệt vọng, dẫn đến bệnh tâm thần hoặc tìm đến cái chết. Nhưng Phùng Quán thì không! Anh vẫn sống và sáng tác hay hơn, quyết liệt hơn.

Sau khi các báo Nhân văn, Giai phẩm bị đình bản, năm 1957 nhà nước cho phép Hội Văn nghệ xuất bản tuần báo Văn do nhà văn Nguyễn Công Hoan làm chủ bút với mục đích chấn chỉnh lại tình hình văn nghệ.

Phùng Quán đã xuất hiện trên báo Văn số 21, ra ngày 27-9-1957 với bài thơ “Lời mẹ dặn” gây xôn xao dư luận. Lập tức bài thơ được nhiều người chép, thuộc như là một tuyên ngôn sống, tuyên ngôn cầm bút của trí thức văn nghệ sĩ.

“Lời mẹ dặn” là bài thơ tự sự rất dễ hiểu, dễ thuộc, không có gì mới lạ về cấu trúc, ngôn ngữ thơ, nhưng lại chứa đựng một tư tưởng nhân văn cực kỳ lớn lao, thể hiện bản lĩnh cao cường của tác giả trước cuộc đời. Vì thế nó đã trở thành một kiệt tác thơ Việt thế kỷ XX.

Mở đầu bài thơ, nhà thơ kể chuyện tỉ tê rất văn xuôi như không có gì đáng chú ý: “Tôi mồ côi cha năm hai tuổi/ Mẹ tôi thương tôi không lấy chồng…/ Ngày ấy tôi mới lên năm/ Có lần tôi nói dối mẹ/ Hôm sau tưởng phải ăn đòn / Nhưng không, mẹ tôi chỉ buồn/ Ôm tôi hôn lên mái tóc…”

Con ơi… trước khi nhắm mắt
Cha con dặn con suốt đời
Phải làm một người chân thật

Đến đây thì tư tưởng bài thơ bắt đầu xuất hiện. “Mẹ ơi chân thật là gì?” – Đúng là câu hỏi rất ngây thơ của một đứa trẻ lên năm, nhưng lại là một câu hỏi lớn, rất khó trả lời đối với không ít người lớn giữa trường đời. “Chân thật”, bản tính hồn nhiên của con người đang bị méo mó, mai một, biến dạng dần đi do mọi người phải tìm cách bon chen, nịnh hót, nói dối để tồn tại hoặc để được vinh thân.

Thậm chí có người đã không chân thật rồi, lại còn ghét những người chân thật. Tục ngữ ta có câu “Nói thật mất lòng”. Đó là thực tế vô cùng trớ trêu của con người. Nhớ lời mẹ dặn, từ nhỏ, người lớn hỏi Phùng Quán: “Bé ơi, bé yêu ai nhất?/ Bé yêu những người chân thật.” Từ chỗ phải làm người chân thật đến thái độ “yêu những người chân thật” là đi từ mình đến xã hội.

Mẹ tôi hôn lên đôi mắt
Con ơi một người chân thật
Thấy vui muốn cười cứ cười
Thấy buồn muốn khóc là khóc
Câu giải thích bước đầu của người mẹ cho con vô cũng dễ hiểu. Thấy vui muốn cười là cười – thấy buồn muốn khóc là khóc.

Vì con người từ khi lọt lòng mẹ là thế, đó là bản tính tự nhiên không thể khác được. Nhưng chân lý giản đơn ấy làm nhiều người ngạc nhiên tán thưởng, bởi vì đã từ lâu con người luôn sống ngược lại với ý nghĩ của mình, không dám nói thật ý nghĩ của mình. Có khi vui mà dối lòng không cười được. Khi buồn lại nén lòng mà cười để vui lòng người khác. Sống dối lòng như thế con người dần dà bị biến thành một kẻ dối trá!

Sau cười khóc hồn nhiên là đến chuyện yêu ghét, một cấp độ cao hơn của thái độ và nhận thức, ứng xử của con người trong xã hội:
Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét

Nhắc đến nhà thơ Phùng Quán là người ta nhớ ngay đến “Yêu ai cứ bảo là yêu – Ghét ai cứ bảo là ghét…”. Yêu ghét rạch ròi là thái độ sống của người quân tử, của kẻ sĩ ở đời. Thái độ dứt khoát thể hiện ở động từ “cứ bảo”. Cứ bảo là nói ngay, nói không cần đắn đo, suy tính.

Nhưng sự đời không phải bao giờ cũng “Yêu ai cứ bảo là yêu – Ghét ai cứ bảo là ghét” được, mà có rất nhiều sức ép buộc con người phải nói khác ý mình đi, dối trá, biến mình thành tôi tớ , “nói theo nói leo” làm lợi cho những người có thế lực. Vấn đề là anh có đủ dũng khí để yêu là nói yêu, ghét là nói ghét hay không! Đoạn thơ sau đây là một cung bậc cao hơn, có thể gọi là thái độ bất khuất, không chịu luồn cúi của tác giả trước những thế lực cường quyền:
Yêu ai cứ bảo là yêu
Ghét ai cứ bảo là ghét
Dù ai ngon ngọt nuông chiều
Cũng không nói yêu thành ghét
Dù ai cầm dao doạ giết
Cũng không nói ghét thành yêu

Đây là đoạn thơ hay nhất trong bài thơ, đã thành chân lý vĩnh hằng trong lòng người yêu thơ Việt Nam từ 50 năm qua, đọc lên nghe như kinh nguyện. Nói yêu thành ghét – nói ghét thành yêu chính là bản chất của những kẻ cơ hội, tâm địa xấu xa, hèn yếu.

Chỉ cần kẻ xấu “ngon ngọt nuông chiều”, hứa hẹn tiền tài địa vị hoặc “cầm dao doạ giết” là ngoan ngoan nói và làm theo chúng. Lịch sử Việt Nam đã có nhiều danh liệt nêu tấm gương trung nghĩa, không khuất phục trước cường quyền như Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Quốc Toản, Cao Bá Quát, Lê Lợi, Trương Định, Vua Hàm Nghi, v.v… cùng hàng ngàn chiến sĩ kiên trung trong các nhà tù hay trên các pháp trường của thực dân đế quốc trong hai cuộc kháng chiến.

Chỉ mấy câu thơ của Lý Thường Kiệt trước quân nhà Tống phương Bắc cách đây gần 1000 năm thôi, cũng đủ nói lên ý chí chí đó của người quân tử nước Nam: Nam quốc sơn hà Nam đế cư/ Tiệt nhiên định phận tại thiên thư / Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm / Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư. Ngược lại, nhiều việc nói theo người cầm quyền, làm theo ý đồ ngoại bang đã gây ra những thảm hoạ đau thương cho nhân dân, đất nước. Từ chỗ sợ sệt, người ta trở nên hèn nhát. Một thời xứ ta sinh ra không ít “trí thức hèn”, “nhà văn hèn”. Những “Đại nhân hèn” ấy không dám mở miệng nói chính kiến của mình, dù biết cấp trên sai, vẫn ngoan ngoãn vâng lời, đã đào tạo ra nhiều thế hệ “người hèn”, “gọi: dạ, bảo: vâng”, không có tính độc lập suy nghĩ.

Từ chuyện “chân thật”, “khóc cười”, “yêu ghét”, nhà thơ đã đưa người đọc đến bản lĩnh người cầm bút. Đây là mục tiêu cuối cùng mà bài thơ muốn đạt tới:
Năm nay tôi hai mươi lăm tuổi
Đứa bé mồ côi thành nhà văn
Nhưng lời mẹ dặn thuở lên năm
Vẫn nguyên vẹn màu son chói đỏ
Người làm xiếc đi trên dây rất khó
Nhưng chưa khó bằng làm nhà văn
Đi trọn đời trên con đường chân thật

Đoạn thơ này chứng tỏ Phùng Quán nhận thức rất rõ một điều: Vì làm nhà văn chân thật là rất khó, nên đã có không ít nhà văn không đi trọn đời trên con đường chân thật. Trước sức ép của cường quyền, nhiều nhà văn đã cam tâm “bẻ cong ngòi bút”, phục vụ cho những mục đích xấu xa. Ca ngợi cái xấu, đả kích cái tốt. Tập thơ Chân dung của Xuân Sách vẽ rất rõ chân dung méo mó, khốn khổ của hàng trăm nhà văn Việt Nam một thời, vì lý do này lý do khác, đã không đi trọn đời trên con đường chân thật!

Còn Phùng Quán thì tuyên chiến với thói nịnh bợ, giả dối:
Tôi muốn làm nhà thơ chân thật
Chân thật trọn đời
Đường mật công danh không làm ngọt lưỡi tôi
Sét nổ trên đầu không xô tôi ngã
Bút giấy tôi ai cướp giật đi
Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá.

Bài thơ lớp lang, đẩy triết lý “sống thật, yêu thật, nói thật, viết thật” đến tận cùng. Đoạn kết bài thơ là một tuyên ngôn sống, tuyên ngôn thơ. Mới 25 tuổi đời mà viết như thế là bản lĩnh, tiết tháo lắm lắm.

Điều đáng khâm phục hơn là Phùng Quán suốt cuộc đời mình cho đến khi “nằm dài dưới đáy huyệt” đã sống như thế, viết như thế. Năm 1984, gần 30 năm, khi về thăm quê nội Huế, Phùng Quán tâm sự: Ba mươi năm tôi bị dìm trong bùn-nhơ-lăng-nhục / Nhưng cuối cùng/ Quê hương đã nhận ra/ Trái–tim–thơ–trong-sạch / Và gương-mặt-Thơ-bi-thiết của tôi… (Thơ Phùng Quán, NXB Văn học, 2003). Trong tiểu thuyết tình 13 chương bằng thơ Trăng Hoàng Cung viết ở Huế, Phùng Quán một lần nữa nhắc lại tuyên ngôn này trong bài thơ “Tôi thích viết trên giấy có kẻ dòng”:
Là nhà văn
Tôi yêu tha thiết
Sự ngay thẳng tột cùng
Ngay thẳng thuỷ chung
Của mỗi dòng chữ viết

50 năm qua, bài thơ “Lời mẹ dặn” đã trở thành tài sản tâm hồn của bao thế hệ thanh niên Việt Nam ở cả hai miền Nam Bắc. Hồi tôi sưu tầm tài liệu để biên soạn cuốn Nhớ Phùng Quán (2002), nhạc sĩ Phạm Duy ở nước ngoài đã gửi bản nhạc phổ bài thơ “Lời mẹ dặn” của Phùng Quán in trong tập “Tập nhạc Phạm Duy” (NXB Hồng Lĩnh USA, 1994) về cho nhà văn Nguyễn Đắc Xuân, nhờ chuyển cho chị Vũ Thị Bội Trâm với lời đề tặng “Kính tặng gia đình Phùng Quán”. Tôi đã copy một bản để in vào sách, nhưng bài hát này không nằm trong quy định các bài hát của Phạm Duy được Bộ Văn hoá Thông tin lúc đó cho phép phổ biến, nên thôi.

Mới đây, Trung tâm Văn hoá doanh nhân và Nhà xuất bản Giáo dục đã tổ chức bình chọn 100 bài thơ Việt hay nhất thế kỷ XX. Tuy việc bình chọn thiếu chuẩn mực, có nhiều ý kiến không đồng tình với cách chọn và nhiều tác giả thơ, nhiều bài thơ được chọn không xứng đáng là thơ hay, chứ chưa nói “hay nhất thế kỷ”. Nhà thơ Bằng Việt cho rằng chỉ 50% bài thơ là hay, còn nhà thơ Trần Mạnh Hảo thì nói đó là tập thơ “30 bài thơ hay và 70 bài thơ dở nhất thế kỷ XX” (theo talawas). Nhưng việc chọn bài thơ “Lời mẹ dặn” của Phùng Quán là một trong những “bài thơ Việt hay nhất thế kỷ XX”, theo tôi là hoàn toàn chính xác.

Thế nhưng, khi bài thơ ra đời, đã có nhiều nhà phê bình cho là bài thơ “mang biểu tượng hai mặt”, với ý đồ xấu. Ô hay, văn chương càng đa nghĩa càng hay, sao chỉ mới “hai mặt” đã kêu. Trong bài “Vạch thêm những hoạt động đen tối của một số kẻ cầm đầu trong nhóm Nhân văn-Giai phẩm” của Từ Bích Hoàng in trên Văn nghệ Quân đội số 5 (5/1958) có đoạn: “Phùng Quán làm bài thơ ‘Lời mẹ dặn’, Trần Dần, Văn Cao kéo Quán đi khao chả cá. Văn Cao khen: ‘Phùng Quán viết khá, không đánh vào hiện tượng mà đả thẳng vào bản chất. Những sáng tác kiểu hai mặt như thế nhan nhản ra đời…”.

Có tờ báo lớn còn in hẳn bài thơ “Lời mẹ dặn – Thật hay không?” ký tên Trúc Chi, dài 112 câu, chửi bới, nhiếc móc thậm tệ tác giả “Lời mẹ dặn”. Xin trích mấy đoạn ngắn:
… Nó ghét chỗ thầy hiền bạn tốt
Nó yêu nơi gái điếm cao bồi
Ghét những người đáng yêu của thiên hạ
Yêu những người đáng ghét của muôn người,
Quen học thói gà đồng mèo mả
Hoá ra thân chó mái chim mồi

Theo lẽ thường: thì sét đánh không ngã 
Chắc trên đầu có cột thu lôi
Nếm đường mật lưỡi không biết ngọt
Chắc ăn tham vị giác hỏng rồi
Nghề bút giấy đã làm không trọn
Dùng dao khắc đá cũng xoàng thôi!…

Tác giả bài thơ “Lời mẹ dặn – Thật hay không?” dùng lời lẽ côn đồ, hàng tôm hàng cá, nhưng lại không hiểu những ý nghĩa, triết lý nhân văn cao sâu của những ý thơ Phùng Quán. Phùng Quán viết rằng yêu ai, ghét ai phải nói cho thật lòng, sống cho thật lòng.

Nhưng Trúc Chi lại thuyết phải yêu ai, nên ghét ai. Hay những câu thơ Đường mật công danh không làm ngọt lưỡi tôi / Sét nổ trên đầu không xô tôi ngã / Bút giấy tôi ai cướp giật đi / Tôi sẽ dùng dao viết văn lên đá là hình ảnh biểu tượng, nghĩa bóng, Trúc Chi lại hiểu theo nghĩa tục, nên lên giọng mỉa mai.

Vì thế bài thơ “Lời mẹ dặn”, cùng với bài “Chống tham ô lãng phí” là hai bài thơ làm cho tác giả của nó trở thành một cái tên trong bộ “bộ tứ” của Nhân văn-Giai phẩm, bị “đánh” tơi bời, phải “30 năm cá chịu, văn chui, rượu nợ”.

Sinh thời, Phùng Quán kể với tôi rằng khi đọc bài thơ ký tên Trúc Chi kia đăng trên báo Nhân dân, anh vừa buồn cười vừa tức giận. Anh quyết tâm tìm cho ra Trúc Chi để “đối thoại trực tiếp” cho ra lẽ. Ở Hải Phòng có nhà văn miền Nam tập kết tên là Trúc Chi rất thân với Phùng Quán.

Nhiều anh em bạn bè cho rằng, có thể Trúc Chi đã “phản bạn” để “xưng công” (?). Phùng Quán buồn lắm. Anh quyết định cầm tờ báo có in bài thơ “Lời mẹ dăn- Thật hay không?”, nhảy tàu hoả xuống Hải Phòng tìm đến nhà Trúc Chi. Gặp nhau, nhà văn Trúc Chi rất mừng rỡ, nhưng khi Phùng Quán cho xem tờ báo thì Trúc Chi ngớ ra: “‘Lời mẹ dặn’ là bài thơ rất hay, mình thuộc lòng. Mình là người đàng hoàng, làm sao lại có thể viết bài thơ chửi bới tệ hại đối với cậu như thế được!”.

Mãi đến năm 1989, có người gửi cho Phùng Quán tập thơ \”Một đôi vần \”của ông quan lớn Hoàng Văn Hoan, do NXB Văn hoá Dân tộc Việt Bắc ấn hành, trong đó có bài thơ “Lời mẹ dặn – Thật hay không?” nói trên.

Nhà văn Xuân Đài, bạn chí thân của Phùng Quán trong suốt 30 năm bị biếm của đời anh, hiện đang sống và viết ở Thành phố Hồ Chí Minh, xác nhận việc này là chính xác. Nhưng khi đó thì Hoàng Văn Hoan đã “tị nạn chính trị” tại Trung Quốc.

Mỗi bài thơ đều có số phận của nó. “Lời mẹ dặn” là một tuyệt tác thơ của dân tộc, dù bị chửi bới, vùi dập, nó vẫn sống mãi với thời gian, sống mãi trong lòng người yêu thơ. Yêu ai cứ bảo là yêu. Ghét ai cứ bảo là ghét. Dù ai cầm dao doạ giết… Cũng không nói ghét thành yêu…

Bài Liên Quan

Leave a Comment