Đà Lạt của ai? Kỳ 2: Tư cách gì chia phần lịch sử?


Đà Lạt của ai? Kỳ 2: Tư cách gì chia phần lịch sử?

Mai Quốc Ấn

12-4-2019

\"\"

Xem lại Kỳ 1: Đêm cuối của “đỉnh cao đế quốc”?

“Đà lạt của ai?”- nhà báo Tâm Chánh, Cựu Tổng biên tập báo Sài Gòn Tiếp Thị đã đặt câu hỏi như vậy. Phải trả lời được câu hỏi này thì việc “sử dụng” Đà Lạt mới có thể chính danh mà làm.

Lấy vị dụ, các cư dân bản địa đã phản đối bản quy hoạch Đà Lạt công bố hồi tháng 3/2019, UBND tỉnh vẫn khẳng định sẽ làm. Vậy là Đà Lạt của dân hay của một ủy ban được định nghĩa trên giấy tờ là của dân?

Đà Lạt của ai?

Đà Lạt không phải của một nữ chính trị gia có chức vụ rất lớn- người đã tìm tài trợ cho quy hoạch Đà Lạt. Tôi vô tình biết câu chuyện này và nghĩ có thể ý định của bà ấy tốt nhưng khi cách tiếp cận về quy hoạch mang màu sắc “xẻ thịt” công trình văn hóa, di sản thì hẳn là lòng tốt đã sai chỗ rồi.

Doanh nghiệp bất động sản Đại Quang Minh là đơn vị tài trợ cho bản quy hoạch Đà Lạt. Người thực hiện là kiến trúc sư Hồ Thiệu Trị và cộng sự. Hệ thống chính trị của tỉnh Lâm Đồng và các sở ngành đặt tại Đà Lạt cũng tích cực tham gia về phần văn bản.

Trước hết phải khẳng định Đà Lạt không phải của riêng doanh nghiệp bất động sản Đại Quang Minh. Cần “giải oan” cho họ khi khoản tài trợ vài tỉ để thực hiện quy hoạch mang màu sắc “giao tế” hơn là một định danh chiếm hữu những vị trí đắc địa sau quy hoạch. Hồ sơ tôi có cho thấy Đại Quang Minh dẫu có tài trợ nhưng vẫn phải tham gia đấu giá theo quy định. Và giả sử có một đơn vị nào đó trúng thầu, không phải Đại Quang Minh, thì số tiền kia sẽ được đơn vị trúng thầu trả lại.

(Các doanh nghiệp lớn luôn “thủ” pháp lý rất chắc. Ở trường hợp vấp phải sự phản đối quyết liệt thì Đại Quang Minh cũng có lý do an toàn để rút lui.)

Kiến trúc sư Hồ Thiệu Trị là người thực hiện quy hoạch Đà Lạt nhưng cá nhân tôi coi ông ấy chỉ là một người làm thuê. Thậm chí là một người làm thuê… không hiệu quả.

Vậy nơi cần trả lời câu hỏi “Đà Lạt của ai?” chính là UBND tỉnh Lâm Đồng và các sở ngành trên địa bàn. Tất cả họ chỉ là đại diện (ủy ban) cho chủ sở hữu chính (nhân dân) của Đà Lạt. Nhân dân ở đây là người Lạch dân tộc bản địa, là những người Hà Tây, người Huế, người Quảng- Đà (Quảng Nam, Đà Nẵng và phần nào là cả Quảng Ngãi) đã vào Đà Lạt từ khi thành phố này hình thành và các thế hệ tiếp nối, là những trí thức và văn nghệ sĩ các nơi đã đến- cảm nhận- hiện thực hóa qua tác phẩm khiến Đà Lạt vào nhạc, vào thơ, vào các nghiên cứu để trong nước và quốc tế biết tới Đà Lạt, cả những cống hiến của người Pháp và phần nào đó là 20 năm quản lý, đầu tư nhưng biết gìn giữ của chính thể đã mất Việt Nam Cộng hòa,.v.v…

Rất rất nhiều đóng góp để định danh Đà Lạt từ khi nó hình thành “đỉnh cao đế quốc”, nên không phải của riêng chính quyền tỉnh Lâm Đồng! Và những kẻ làm biến dạng Đà Lạt bằng xâm chiếm, bằng cướp đoạt hay mua bán không có tư cách nói Đà Lạt là của chúng. Kể cả khi phe phẩy những sổ đỏ chủ quyền đất trên tay!

Một chính quyền cấp tỉnh nằm trong chính quyền lớn đang quản lý đất nước. Nhưng chí ít cái khẩu hiệu quen thuộc “của dân, do dân, vì dân” của chính quyền nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã được báo Tuổi Trẻ cho thấy đang bị chính quyền cấp tỉnh tại Lâm Đồng làm ngược lại: Dân phản đối, tỉnh vẫn làm (báo Tuổi Trẻ ngày 6/4/2019).

Chưa trả lời “Đà Lạt của ai?” thì Đại Quang Minh hay bất cứ doanh nghiệp nào khác có đấu thầu thành công khu nhà hát Hòa Bình hay Dinh tỉnh trưởng cũng sẽ rơi vào một khủng hoảng mới. Một chuỗi logic đầy nhân quả của sự phi chính danh có thể đưa doanh nghiệp đến bờ vực đối đầu với nhân dân- khách hàng. Và không chỉ ở Đà Lạt…

Chính quyền cũng thế!

Anh chỉ là đại diện cho ý chí của nhân dân chứ không phải đại diện ý chí cá nhân anh. Ý chí của nhân dân không phải chỉ là nhân danh phát triển mà quan trọng hơn là giữ gìn các giá trị lịch sử của một vùng đất, một cương thổ mà không phải chỉ có “hoàng triều” hay cá nhân cầm quyền hữu hạn nào đó quyết định được hết toàn bộ vận mệnh của nó.

Tư cách gì chia phần lịch sử?

Đó là câu hỏi tôi muốn dành cho kiến trúc sư Hồ Thiệu Trị. Giới kiến trúc sư đã có bản kiến nghị đến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về sự bất cập mà kiến trúc sư Hồ Thiệu Trị đưa ra trong bản quy hoạch. Tuy nhiên, tôi muốn hỏi ông Hồ Thiệu Trị ở một góc độ hoàn toàn khác.

Ông Hồ Thiệu Trị trả lời báo chí cho biết ông học kiến trúc tại Pháp. Tuy nhiên, khi báo chí đặt câu hỏi về công trình Dinh tỉnh trưởng thì ông Trị nói như sau: “Rạp Hòa Bình sẽ thành một quảng trường đẹp và Dinh tỉnh trưởng sẽ trở thành công trình văn hóa ý nghĩa.”

Bằng tất cả sự tưởng tượng phong phú tự nhận của bản thân, tôi chưa nghĩ ra một rạp hát biến thành quảng trường có TRUNG TÂM THƯƠNG MẠI sẽ đẹp ở chỗ nào. Và càng không thể nghĩ bàn thứ văn hóa nào sẽ hình thành theo KHÁCH SẠN TRÊN ĐỒI, nơi nó chiếm lấy đất di sản, sẽ mang ý nghĩa gì.

Di sản Dinh tỉnh trưởng hay công trình lâu đời là Nhà hát Hòa Bình sở dĩ xuống cấp vì con người. Những kiến trúc ấy biến dạng bởi không được chăm sóc chứ không phải tự nó xuống cấp. Cái cách để kiot bán hàng bao quanh nhà hát, những sửa sang tùy tiện và trang trí thô kệch khiến công trình này biến dạng. Cái cách cấp phép xây dựng tràn lan để không gian Đà Lạt đặc quánh beton bao vây mảng xanh hiếm hoi còn sót đâu phải lỗi ở di sản.

Người Pháp có dạy kiến trúc sư Hồ Thiệu Trị một tinh thần quý tộc trong cách ứng xử với di sản không? Bảo vệ giá trị di sản chính là một tinh thần như vậy. Và tôi nhớ không nhầm, kiến trúc sư Hồ Thiệu Trị và cộng sự cũng từng trùng tu một số kiến trúc Pháp nhờ những dòng tài trợ từ nước Pháp. Vậy sao có thể nói di dời là di dời, muốn phê phán là phê phán trong khi Dinh tỉnh trưởng có trước khi ông sinh ra rất lâu, được xây dựng không chỉ bằng hình khối kiến trúc ở nơi ông Tây học về kiến trúc mà còn là tổng hòa những văn hóa không chỉ bản địa Đà Lạt.

Tại sao một kiến trúc sư có tiếng như ông Hồ Thiệu Trị lại không nhìn ra cái chợ Đà Lạt mới xây không hề kín chỗ bởi những sinh hoạt truyền thống của người tham gia trên nền chợ cũ vẫn còn? Thưa, cả tiểu thương lẫn người dân Đà Lạt không thấy chút lịch sử nào nơi chợ mới cả.

Vậy càng không thể hiểu cơ học là phá bỏ một rạp hát hay “di dời” (tôi đoán là kiểu thần đèn dời nhà) một di sản. Hiểu như vậy là tước bỏ thô bạo giá trị lịch sử không chỉ một mảnh đất có rạp hát, một ngọn đồi có di sản mà tước luôn ký ức, hoài niệm lẫn tình yêu của người dân Đà Lạt và du khách các nơi từng đến đây.

Ông Hồ Thiệu Trị và cộng sự hay bất kỳ ai cấp phép, tài trợ để họ quy hoạch Đà Lạt phải nhớ một điều: Có thể quý vị có quyền, có tiền, có được sự tạo điều kiện để “bắn súng lục vào quá khứ”; nhưng không ai trong các vị có tư cách chia phần lịch sử!

Tôi nói điều này hết sức chân thành. Vì tương lai luôn biết cách “đòi nợ” những gì trái khoáy, bậy bạ không chỉ diễn ra hôm nay…

(Còn tiếp)

Chú thích: Một số so sánh về di sản

\"\"
\"\"/
\"\"

Bài Khác

Leave a Comment